Ý nghĩa của cây Quất ngày Tết và cách chăm sóc cây Quất
Cây Quất là một trong những loại cây đặc trưng của Tết, có thể nói loại cây này khiến bất cứ ai cũng nhớ đến cái Tết cổ truyền cùng với hoa đào, hoa mai. Tuy nhiên bạn đã thực sự hiểu được ý nghĩa của cây Quất? Nó có giá trị tinh thần như thế nào đối với Tết Nguyên Đán của chúng ta?
Trưng Quất trong nhà là một truyền thống lâu đời nên việc chăm sóc Quất như thế nào trong dịp Tết được rất nhiều người quan tâm. Dưới đây Download.vn sẽ giới thiệu đến mọi người Ý nghĩa của cây Quất ngày Tết và cách chăm sóc cây Quất, mời các bạn cùng tham khảo.
Ý nghĩa của cây Quất ngày Tết và cách chăm sóc cây Quất
1. Sự tích cây Quất ngày Tết
Nghe truyện Sự tích cây Quất:
Ngày xưa, có ba người bạn nhỏ chơi rất thân với nhau. Thư thích đọc sách ngâm thơ. Mộc ham trồng cây, hái cỏ. Quân mê xem đánh võ, múa đao. Quân vừa bị câm lại bị điếc. Muốn nói gì, Quân phải ra hiệu bằng tay chân. Tay chân của Quân nhanh nhẹn và như nói được thành lời. Xem người múa đao, đánh võ, Quân về nhà cũng tập đánh võ, múa đao. Có con dao nào trong nhà, Quân đều mang ra tập đàm, tập chém. Không con dao nào tránh khỏi bị sứt, bị gãy. Cha mẹ Quân liền giấu hết dao lớn, dao con, và chỉ đưa cho Quân một cành tre nhỏ làm roi. Ngày ngày, cha mẹ Quân đi lên rừng đốn củi. Quân cầm roi, đánh trâu lên, kéo củi về nhà. Không có dao, Quân cầm roi múa, đánh suốt ngày không biết chán. Quân lớn nhanh hơn hai bạn, người to cao và khỏe mạnh ít ôi bì. Quân cứ chập hai, ba, rồi bốn, năm cây mây lại cho vừa tay, cân sức để tập luyện. Ngọn roi của Quân, mỗi lần mưa lại vù vù như bão nổi. Gặp trăn dữ, Quân vụt một cái, trăn dữ đứt đôi; gặp hổ ác, Quân quất một roi, hổ ác toác đầu. Người quanh vùng thấy tài quất roi của Quân liền gọi là Quất Giỏi.
Năm ấy, nước đang yên thì có tin giặc dữ kéo đến. Giặc đông tiến ào ào như sóng. Vũ khí chúng nhiều, nhìn tua tủa như rừng mía, rừng lau. Tên tướng giặc lại có phép tinh: dao chặt vào người, đứt chỗ nào thịt da lại liền ngay chỗ ấy. Vua cho quan quân đi tìm người tài giỏi để giết giặc. Quất Giỏi xin phép cha mẹ lên đường về kinh. Thư cho Quất Giỏi cây bút đẹp nhất, Mộc cho Quất Giỏi bị gạo ngon nhất.
Thấy Quất Giỏi đến, vua liền hỏi:
– Liệu ngươi có đủ sức để giết chết tên tướng giặc kia không?
Tưởng vua hỏi cầm gì ở tay, Quất Giỏi liền giơ lên cây bút Thư đã cho mà dọc đường Quất Giỏi đã đánh rơi mất cái đầu. Quan liền tâu:
– Anh ta quyết sẽ chặt bay đầu giặc.
Vua lại hỏi:
– Liệu đánh bao lâu thì trừ được giặc kia?
Tưởng vua hỏi mang gì ở vai, Quất Giỏi liền mở bị ra. Quan liền tâu:
– Anh ta hứa, ăn hết chừng ấy gạo thì giặc không còn!
Vua hỏi thêm:
– Dẹp xong giặc, ngươi muốn ta thưởng gì cho xứng đáng?
Tưởng vua hỏi kiếm đâu, Quất Giỏi liền giơ ngang cây roi mây to lớn đang cầm ở tay. Ngọn cây roi chỉ vào một cây chanh đầy quả. Quan liền tâu:
- Tâu bệ hạ, chắc anh ta biết bệ hạ có cây chanh quả bằng vàng nên có ý xin chăng?
Vua gật đầu:
- Được! Ta sẽ không tiếc gì với ngươi cả.
Quất Giỏi ra hiệu, xin vua đúc ngay cho anh một cây roi sắt ba cạnh, nhỏ như cây mây, nhưng dài bằng cây tre. Quất Giỏi cầm roi sắt, cưỡi voi ra trận. Tên tướng giặc cũng vừa cưỡi voi, kéo quân đến sát kinh thành. Vừa thấy Quất Giỏi, tên tướng giặc đã cười khẩy vuốt râu:
– Chú nhãi! Định cầm roi đến phủi bụi áo giáp ta đó à?
Hắn chưa dứt lời, đường roi của Quất Giỏi đã rít lên nghe lạnh gáy. Một bên hông của tên giặc bị rách toác. Nhưng trong nháy mắt, thịt da hắn đã lại kín liền. Hắn lại vung cây đại đao sáng loáng to hơn cả cái mái chèo, chém xuống đầu Quất Giỏi. Quất Giỏi tránh được và cắn răng, lấy hết sức lực vút một đường roi thứ hai. Cây cối quanh đấy như bị bão lốc, rạp cả xuống như lạy quỳ. Tên tướng giặc cúi đầu tránh được đường roi, nhưng vừa ngẩng lên thì đã bị ngay một đường roi thứ ba nhanh hơn chớp tiện ngang cổ tên giặc. Đầu hắn rơi cạnh chân voi, lăn đi lông lốc. Vua mừng rỡ đón Quất Giỏi thắng trận trở về.
Vua vừa hỏi: “Tướng giặc bay đầu thật rồi ư?” Quất Giỏi bỗng đã nghe được, nói được:
– Tâu bệ hạ, giặc có phép tính liền được da thịt, nhưng không liền được đầu!
Vua liền thưởng cho Quất Giỏi cây chanh quý lóng lánh quả bằng vàng và bảo:
– Muốn lấy vàng thì hái quả, muốn xua rét gọi nắng thì bẻ cành trồng xuống đất sâu! Quất Giỏi cảm tạ vua, mang cây quý về làng.
Năm đó, trời trở rét dữ, Quất Giỏi về đến quê thì thấy mùa màng sắp hỏng mười mươi. Thư đang ốm vì chịu rét không nổi. Mộc đang âu sầu vì cây cối Mộc trồng đều sắp chết đến nơi. Không ngần ngại, Quất Giỏi liền bẻ từng cành cây chanh vàng cắm sâu xuống đất. Cái rét bỗng tan đi, mây mù biến mất. Sáng ra lại thấy mặt trời trở về rực rỡ, vui tươi. Người người khỏe lại. Cây cỏ đâm chồi, chim chóc líu lo. Bà con khắp nơi mừng rỡ, lạ lùng…
Ba người bạn từ đó càng yêu thương nhau hơn. Thư học giỏi đi thi đỗ Trạng . Mộc gây được giống lúa hạt cứ to dần, cơm cứ dẻo thơm lên. Quất Giỏi xách roi đi giết thú dữ quanh vùng cho bà con yên ổn làm ăn. Ông cũng vui sướng. Từ đấy mỗi năm, mùa Đông, hễ cây chanh quả vàng đơm quả là nắng về.
Xuân sang. Người ta lấy tên Quất Giỏi đặt cho cây. Cây Quất có bắt đầu từ đấy…
2. Ý nghĩa của cây Quất trong ngày Tết Nguyên Đán
Quất là một loại cây có lá xanh tốt, sai quả, quả màu vàng đều, điều này thể hiện được sự trù phú, hứa hẹn một năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.
Đặc biệt từ xưa đến này, loài cây này đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người Việt trong mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Không chỉ vậy, có rất nhiều người còn nói vui với nhau rằng: “Nếu không có cây Quất, cây Đào trong nhà coi như chưa có Tết”. Theo quan niệm của người Việt ta, cây quất (hoặc quýt) tượng trưng cho sự thu hoạch “bội thu” và cũng là một khởi đầu cho năm mới tốt đẹp. Vì thế, vào đầu năm mới, ta thường thấy mỗi gia đình thường mua một cây quất (quýt) quả vàng xum xuê, lá xanh tốt với mong muốn khởi đầu một năm mới tốt đẹp, giúp gia tăng tiền tài và vận may cho các thành viên trong gia đình.
Quả thật, khi bạn mua một cây quất cho năm mới cần phải có một sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Theo nhiều người chọn quất chơi Tết cũng phải nghiên cứu phong thủy. Bởi ý nghĩa mà cây quất mang lại còn hàm chứa, nhiều ý nghĩa cao đẹp. Cây quất được trang trí đẹp mang ý nghĩa đẹp cho ngày Tết an lành.
Những cây quất lá xanh tốt, quả vàng chi chít thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống. Bài trí cây quất trong nhà với hy vọng mang lại niềm vui và may mắn cả năm cho gia đình, trong kinh doanh , đặt cây quất ở văn phòng hoặc cửa hàng sẽ đem lại cát khí lớn lao, sự đầu tư sáng suốt và thu được nhiều tài lộc ra tăng tiền tài và vận may cho các thành viên trong gia đình.
3. Cách chọn cây Quất thật đẹp trong ngày Tết
* Chọn dáng cây Quất:
Cây quất có các dáng sau được nhiều người lựa chọn.:
– Dáng trực: Đây là cây quất có trục thân cây thẳng góc với mặt đất, nếu nhìn tổng thể bạn sẽ thấy giữa ngọn và gốc hình thành đường thẳng hoặc gần thẳng đứng.
– Dáng xiêu/nghiêng hay còn gọi là dáng tà. Đây là dáng mà thân cây hơi nghiêng so với phương nằm ngang khoảng 20 – 70 độ.
– Dáng hoành: Đây là dáng mà cây nằm ngang so với mặt chậu. Trong phong thủy, dáng này thể hiện sự mềm mại, uyển chuyển, vượt qua mọi thử thách cũng như khó khăn trong cuộc sống.
– Dáng huyền là dáng là cây có gốc trong chậu nhưng thân cây trườn qua mép chậu và đổ xuống dưới như dòng thác đổ. Ngọn cây dài hơn đáy chậu và có xu hướng ngóc lên trên.
* Chọn thế của cây Quất:
– Thế long phượng vần vũ: Rồng và phượng được xem là biểu tượng cao quý trong bộ Tứ Linh. Rồng là biểu tượng cho người cha, người chồng, quân tử. Phượng là biểu tượng của người vợ, người mẹ, người phụ nữ. Sự kết hợp này mang đến biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi, may mắn thịnh vượng trong công danh và sự nghiệp.
– Thế Cá chép hóa rồng thể hiện cho sự thăng quan tiến chức, đỗ đạt trong thi cử học hành. Đồng thời mang đến may mắn, sung túc tốt đẹp cho gia chủ.
– Thế Phượng múa đón xuân sẽ có cành thứ nhất uốn ra phía sau làm đuôi chim, hai cành tả hữu uốn thành cánh chim đang múa. Đây là biểu tượng của tình yêu, sự tươi mới, thay đổi tích cực trong cuộc sống.
– Thế Tam Đa hay còn gọi là tam tài, tam giáo hay thiên, địa, nhân. Thế này biểu tượng cho sự vĩnh cửu, sung túc, hạnh phúc, giàu sang và sống lâu.
– Thế Ngũ Phúc có ý nghĩa là có phúc, tốt lành may mắn, có lộc giàu có, nhiều tài sản và sống thọ.
* Chọn lá quất: Lá của cây quất khỏe mạnh sẽ có màu xanh đậm, cuống lá tươi và khỏe. Khi chọn quất bạn nên lưu ý điều này, tránh những cây có lá màu vàng hay bị héo, như thế cây sẽ không được bền.
* Chọn quả quất: Cây quất đẹp để chơi tết là cây quất có cả quả xanh lẫn quả chín. Nếu bạn mong muốn đón nhiều tài lộc, bạn có thể chọn cây có nhiều quả xanh. Quành quất phân bổ đều, tán đều, quả to, tròn đều và căng mọng. Nếu quả bị héo có thể đó là quả được dán vào, một thời gian ngắn quả sẽ rụng, cây rất xấu.
* Chọn vầng đất dưới chậu quất:
- Vầng đất dưới gốc cây không nhất thiết phải quá to nhưng phải đảm bảo không bị vỡ. Nếu không, sức sống của rễ cây sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Theo kinh nghiệm của những người chơi quất nên chọn những cây còn “tơ”. Trên thân cây chưa có các vết đồng tâm loang lổ, như vậy cây còn non chưa già. Tán cây phải tròn đều và sai trĩu quả về các phía. Đẹp và chơi bền hơn nữa là những cây có nhiều lộc non, tươi, trên đó còn có đủ búp, quả non, hoa và nụ.
4. Cách trang trí cây Quất ngày Tết
* Trang trí cây Quất theo chủ đề phong thủy:
- Trong trang trí nhà cửa hay cây cảnh, phong thủy luôn là yếu tố quan trọng được đặt lên hàng đầu. Trang trí quất cũng không ngoại lệ. Khi thiết kế, trang trí cây quất nên lựa chọn phù hợp với tổng thể màu sắc của căn phòng và các đồ nội thất để đạt được tổng thể hài hòa nhất, vừa tạo nên tính thẩm mỹ cao, vừa mang ý nghĩa phong thủy tốt, thu hút tài vận, phúc lộc cho gia đình.
- Trang trí những phụ kiện để cây thêm nổi bật là tốt nhưng cẩn thận nếu không cây quất sẽ trở nên sặc sỡ quá mức, phản tác dụng, trở nên lòe loẹt, rối mắt.
* Trang trí cây Quất với dây chúc phúc:
Dây treo chúc Tết đỏ đỏ vàng vàng vô cùng thích hợp để trang trí cây quất, tạo nên sự cộng hưởng màu sắc đỏ và vàng, thể hiện sự may mắn, hạnh phúc, tài lộc thênh thang.
* Trang trí cây Quất với lồng đèn nhỏ:
Những dây lòng đèn lung linh cũng là sự lựa chọn tuyệt vời để làm cho cây quất thêm rực rỡ nổi bật. Dây đèn lòng kết hợp với ống pháo tết hoặc đồng xu, câu đố chữ sẽ rất phù hợp, lộng lẫy.
Vốn cấy quất đã rất nổi bật cùng màu xanh xanh của lá và màu vàng tươi của quả. Nên nếu chọn thêm những phụ kiện trang trí màu đỏ sẽ tạo nên sự cộng hưởng màu sắc tuyệt vời. Đỏ và vàng đều là những màu sắc mang ý nghĩa về sự may mắn, tài lộc, tiền tài, hạnh phúc nên càng phù hợp hơn để trang trí trong dịp Tết.
* Trang trí cây Quất với dây kim tuyến:
Dây kim tuyến trang trí nhiều màu sắc sẽ mang đến cho người nhìn sự hân hoan, tràn đầy năng lượng, vô cùng phù hợp cho không khí Xuân rộn ràng, tràn đầy năng lượng.
Dây kim tuyến tuy đẹp và nổi bật, nhiều màu sắc nhưng khi trang trí bạn cũng nên cẩn thận, trang trí một cách tinh tế, khéo léo để tăng hiệu quả thẩm mỹ cho cây cảnh, nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến nhìn rườm rà, rối mắt.
* Trang trí cây Quất với đèn nháy:
Dù ban ngày hay ban đêm thì đèn nháy cũng có tác dụng giúp cây cảnh thêm lung linh, rực rỡ. Nhưng bạn không nên sử dụng quá nhiều đèn led, sẽ gây rối mắt và che hết đi quả, cây quất, gây phản ứng ngược.
Đèn led nên được sử dụng vừa phải và quấn khéo léo để không bị lộ dây, không che mất cây quất. Có thể sử dụng dây đèn led nhiều màu để tạo sự đa dạng lung linh hơn.
5. Hướng dẫn chăm quất luôn tươi trong ngày Tết
Quất mua về phải đảm bảo không vỡ bầu đất. Chọn chậu có kích thước lớn hơn bầu, có nhiều khe hở để lèn thêm đất mà không ảnh hưởng tới phần đất trong bầu để trồng.
Trước khi trồng nên xếp lớp xỉ than vừa phải dưới đáy chậu làm lớp cách nước rồi mới trồng cây. Cách này giúp lớp dưới cùng của cây thoát nước tốt, chống úng ngập gây thối rễ làm cây nhanh héo.
Khi tưới nước bạn nên dùng bình bơm nhỏ phun lên lá cây và chỉ tưới đủ ẩm cho gốc quất để cây được tươi lâu.