Soạn Sử 9 Bài 1: Liên Xô và các nước Đông Âu từ năm 1945 đến giữa những năm 70 của thế kỉ XX Soạn Lịch sử 9 trang 8

Giải Lịch sử 9 Bài 1 giúp các bạn học sinh có thêm nhiều gợi ý tham khảo để trả lời các câu hỏi phần nội dung bài học và câu hỏi cuối bài Liên Xô và các nước Đông Âu từ năm 1945 đến giữa những năm 70 của thế kỉ XX.

Soạn Lịch sử Lớp 9 Bài 1 Liên Xô và các nước Đông Âu từ năm 1945 đến giữa những năm 70 của thế kỉ XX được biên soạn với các lời giải chi tiết, đầy đủ và chính xác bám sát chương trình sách giáo khoa. Hi vọng đây sẽ là tài liệu cực kì hữu ích hỗ trợ các em học sinh lớp 9 trong quá trình giải bài tập.

Tóm tắt kiến thức Lịch sử 9 Bài 1

I. Liên Xô

1. Công cuộc khôi phục kinh tế sau chiến tranh (1945-1950)

*Tình hình Liên Xô sau Chiến tranh

– Khó khăn:

  • Chịu hậu quả nặng nề do Chiến tranh thế giới thứ hai gây ra.
  • Các nước đế quốc phát động “Chiến tranh lạnh” bao vây kinh tế, cô lập về chính trị… chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.

– Thuận lợi: Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Xô Viết, nhân dân Liên Xô đã lao động quên mình để xây dựng lại đất nước.

=> Đảng và Nhà nước Xô viết đã đề ra kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế đất nước với kế hoạch 5 năm lần thứ tư (1946 – 1950).

*Thành tựu:

  • Hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ tư, vượt mức trước thời hạn 9 tháng.
  • Đến năm 1950, sản xuất công nghiệp tăng 73% so với trước chiến tranh.
  • Sản xuất nông nghiệp cũng vượt mức trước chiến tranh.
  • Đời sống nhân dân được cải thiện.
  • Năm 1949, chế tạo thành công bom nguyên tử.

2. Tiếp tục công cuộc xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội (từ năm 1950 đến đầu những năm 70 của thế kỉ XX)

– Hoàn cảnh lịch sử:

  • Luôn bị các nước tư bản phương Tây chống phá về kinh tế, chính trị, quân sự.
  • Phải chịu chi phí lớn cho quốc phòng, để bảo vệ an ninh và thành quả của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

– Phương hướng chính của các kế hoạch lần thứ năm (1951 – 1955), lần thứ sáu (1956 – 1960) và kế hoạch 7 năm (1959 – 1965) là:

  • Tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp nặng – nền tảng của nền kinh tế quốc dân.
  • Thực hiện thâm canh trong sản xuất nông nghiệp.
  • Đẩy mạnh tiến bộ khoa học – kĩ thuật.
  • Tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước.

– Những thành tựu cơ bản:

+ Kinh tế: Liên Xô là cường quốc công nghiệp đứng hàng thứ hai trên thế giới (sau Mĩ). Giữa thập niên 70 chiếm gần 20% tổng sản lượng công nghiệp thế giới.

+ Khoa học-kĩ thuật: Chiếm lĩnh nhiều đỉnh cao của khoa học-kĩ thuật thế giới, đặc biệt ngành khoa học vũ trụ, mở đầu kỉ nguyên chinh phục vũ trụ cùa loài người.

  • Năm 1957, Liên Xô là nước đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo lên khoảng không vũ trụ, mở đầu kỉ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người.
  • Năm 1961, Liên Xô phóng con tàu “Phương Đông” đưa nhà du hành vũ trụ Gagarin lần đầu tiên bay vòng quanh Trái Đất.

+ Đối ngoại: Liên Xô thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình, tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập tự do cho các dân tộc. Là nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh nhất sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô được coi là thành trì của hoà bình thế giới và chỗ dựa của cách mạng thế giới.

II. Đông Âu

(Sự ra đời của các nước dân chủ nhân dân Đông Âu)

– Hoàn cảnh lịch sử và quá trình ra đời của các nước dân chủ nhân dân Đông Âu: Những năm 1944-1945, lợi dụng thời cơ Hồng quân Liên Xô tiến quân truy kích quân đội phát xít Đức qua lãnh thổ Đông Âu, nhân dân và các lực lượng vũ trang các nước Đông Âu đã nổi dậy phối hợp với Hồng quân tiêu diệt bọn phát xít, giành chính quyền, thành lập các nước dân chủ nhân dân (từ cuối năm 1944 đến năm 1946).

Theo thỏa thuận của ba cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh:

– Liên Xô chiếm đóng khu vực phía đông nước Đức.

– Mĩ, Anh, Pháp chiếm đóng khu vực phía tây nước Đức.

– Hai nhà nước ở Đông Đức (thành lập 10-1949) và Tây Đức (thành lập 9-1949) chịu ảnh hưởng của hai cường quốc Mĩ và Liên Xô.

– Trong thời kì 1945-1949, các nước Đông Âu hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân chủ nhân dân mà ngày nay thường gọi là cách mạng dân tộc dân chủ:

  • Xây dựng bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân.
  • Tiến hành cải cách ruộng đất.
  • Quốc hữu hoá các xí nghiệp lớn của chủ tư bàn.
  • Ban hành các quyền tự do dân chủ.

=> Lịch sử các nước Đông Âu đã sang một trang mới

III. Sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa

– Những cơ sở để hình thành sự hợp tác về chính trị và kinh tế giữa Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.

  • Đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Mác- Lê-nin làm nền tảng tư tưởng.
  • Đều có mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

– Với sự ra đời của Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV) năm 1949 và Tổ chức Hiệp ước Vác-sa-va (1955) đã hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa.

– Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV) ra đời nhằm đẩy mạnh sự hợp tác, giúp đỡ lần nhau giữa các nước xã hội chủ nghĩa và đánh dấu sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa.

– Tổ chức Hiệp ước Vác-sa-va: là liên minh mang tính chất phòng thủ về quân sự và chính trị của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, nhằm bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần to lớn trong việc duy trì nền hòa bình, an ninh của châu Âu và thế giới.

Trả lời câu hỏi Lịch Sử 9 Bài 1

Câu hỏi trang 4

Công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh ở Liên Xô diễn ra như thế nào?

Trả lời:

- Để tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, ngay từ đầu năm 1946, Đảng và nhà nước Xô Viết đã đề ra kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế đất nước với kế hoạch 5 năm lần thứ tư (1946-1950).

- Các tầng lớp nhân dân Liên Xô đã sôi nổi thi đua, lao động quên mình để thực hiện kế hoạch.

* Kết quả:

- Về kinh tế:

  • Hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ tư (1946-1950) trước thời hạn 9 tháng.
  • 1950, sản xuất công nghiệp tăng 73%.
  • Hơn 6000 nhà máy được khôi phục và xây dựng.
  • Một số ngành sản xuất nông nghiệp vượt mức trước chiến tranh.
  • Đời sống nhân dân được cải thiện.

- Về khoa học-kĩ thuật: 1949, Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử.

Câu hỏi trang 5

- Hãy nêu những thành tựu chủ yếu của Liên Xô trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội từ năm 1950 đến đầu những năm 70 của thế kỉ XX.

Trả lời:

  • Sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm tăng 9,6%. Liên Xô đã trở thành cường quốc công nghiệp đứng thứ hai thế giới sau Mĩ, chiếm khoảng 20% sản lượng công nghiệp của toàn thế giới.
  • Khoa học-kĩ thuật:

- Năm 1957, Liên Xô là nước đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo, mở đầu kỉ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người.

- Năm 1961, Liên Xô phóng con tàu "Phương Đông" đưa nhà du hành vũ trụ Gagarin lần đầu tiên bay vòng quanh Trái Đất.

Câu hỏi trang 7

- Các nước dân chủ nhân dân Đông Âu đã ra đời trong hoàn cảnh nào?

Trả lời:

Khi Hồng quân Liên Xô truy kích tiêu diệt quân đội phát xít Đức đến tận sào huyệt Béc-lin, nhân dân và các lực lượng vũ trang các nước nổi dậy giành chính quyền dân chủ nhân dân.

- Để hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, các nước Đông Âu đã thực hiện những nhiệm vụ gì?

Trả lời:

- Xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân.

- Cải cách ruộng đất, quốc hữu hóa các xí nghiệp lớn của tư bản.

- Ban hành các quyền tự do dân chủ.

Việc hoàn thành nhiệm vụ trên trong hoàn cảnh cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt, đã đập tan mọi mưu đồ của các thế lực đế quốc phản động.

- Những nhiệm vụ chính của các nước Đông Âu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là gì?

Trả lời:

- Xóa bỏ sự bóc lột của giai cấp tư sản, đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể thông qua hình thức hợp tác xã.

- Tiến hành công nghiệp hoá nhằm xoá bỏ tình trạng nghèo nàn, lạc hậu từ lâu đời, xây dựng cơ sở vật chất - kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Giải bài tập SGK Lịch sử 9 Bài 1 trang 8

Câu 1

Hãy nêu những cơ sở hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Gợi ý đáp án:

Hệ thống xã hội chủ nghĩa hình thành trên cơ sở:

- Cùng mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

- Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

- Cùng chung hệ tư tưởng là chủ nghĩa Mác – Lê-nin.

Câu 2

Hãy trình bày mục đích ra đời và những thành tích của Hội đồng tương trợ kinh tế trong những năm 1951-1973.

Gợi ý đáp án:

- Mục đích: giúp đỡ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các nước thành viên, hỗ trợ nhau trong nghiên cứu khoa học.

- Thành tựu:

+ Tốc độ tăng trưởng công nghiệp 10% /năm.

+ Thu nhập quốc dân (1950 – 1973) tăng 5,7 lần.

+ Liên Xô cho các nước trong khối vay 13 tỉ rúp, viện trợ không hoàn lại 20 tỉ rúp.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Ngọc
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 30
  • Lượt xem: 7.222
  • Dung lượng: 148,7 KB
Tìm thêm: Lịch sử 9
Sắp xếp theo