Mẹo giải nhanh câu hỏi trắc nghiệm Vật lý thi THPT Quốc gia 2024 Mẹo xử lý nhanh câu hỏi Vật lí
Mẹo giải nhanh câu hỏi trắc nghiệm Vật lý thi THPT Quốc gia 2024 cung cấp cho các em thêm các bí quyết, mẹo giải nhanh câu hỏi trắc nghiệm, để ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 hiệu quả.
Đề thi trắc nghiệm Vật lí có đủ các dạng: trắc nghiệm kiến thức về lí thuyết (định luật, nguyên lí, quy tắc,…), trắc nghiệm về thực hành, trắc nghiệm về kĩ năng tính toán. Vậy nên việc ôn tập như nào để làm bài thi cho tốt, chắc chắn sẽ được rất nhiều bạn quan tâm. Bên cạnh đó, có thể tham khảo câu hỏi trắc nghiệm lý thuyết Sinh học, Vật lý để chuẩn bị thật tốt kiến thức cho kỳ thi THPT Quốc gia 2024.
Bí quyết làm bài thi THPT Quốc gia 2024 môn Vật lí đạt điểm cao
Những điều cần lưu ý khi ôn tập và trả lời các dạng câu hỏi trắc nghiệm Vật lí
a) Trắc nghiệm kiến thức về lí thuyết vật lí. Trong quá trình học cần chú ý đến các hiện tượng vật lí có liên quan đến kiến thức vật lí trong chương trình và ứng dụng kiến thức vật lí trong thực tế. Đề thi trắc nghiệm sẽ khai thác tối đa các hiện tượng, khái niệm hoặc công thức mà HS do chưa nắm kĩ và dễ bị nhầm lẫn. Chẳng hạn:
- Khái niệm cùng pha, lệch pha gữa các đại lượng vật lí ( li độ, vận tốc, gia tốc, cường độ dòng điện, điện áp,…)
- Các khái niệm dao động điều hòa, dao động tuần hoàn, dao động cưỡng bức, dao động tắt dần, dao động riêng, dao động duy trì
- Tính chất và tác dụng của các bức xạ không nhìn thấy
- Tính chất và ứng dụng của các loại sóng vô tuyến điện
- Tính chất và ứng dụng của quang phổ liên tục, quang phổ vạch, quang phổ hấp thụ.
Câu trắc nghiệm vật lí là loại câu không yêu cầu thí sinh tính toán mà chỉ cần nắm chắc lí thuyết và biết vận dụng nó vào trường hợp cụ thể để chọn phương án trả lời đúng.
b) Trắc nghiệm về thực hành bao gồm kĩ năng quan sát hiện tượng vật lí ; thực hành thí nghiệm, nắm rõ trình tự tiến hành thí nghiệm, cách hạn chế sai số; kĩ năng đọc hiểu đồ thị, vẽ sơ đồ và biết cách mắc, lắp ráp theo sơ đồ, kĩ năng vận dụng kiến thức để giải thích hiện tượng vật lí… HS cần lưu ý đến các dạng câu hỏi có liên quan đến sơ đồ mạch điện, đồ thị.
c) Trắc nghiệm về kĩ năng tính toán, bao gồm kĩ năng giải những bài tập ngắn, kĩ năng chuyển đơn vị…. HS cần dành nhiều thời gian luyện tập với loài bài tập này. Câu trắc nghiệm loại này, đòi hỏi HS phải vận dụng công thức hoặc lập phương trình để tính toán, chọn đáp số cần tìm. Khác với bài toàn trong câu tự luận, bài toán trong câu trắc nghiệm thường không dẫn đến hệ phương trình phức tạp mà chỉ một hoặc vài ba phép tính là có thể tìm được đáp số hoặc khẳng định được đáp số là sai hay đúng.
d) Trắc nghiệm về kiến thức tổng hợp và vận dụng cao, loại câu hỏi này đòi hỏi HS phải vận dụng nhiều kiến thức từ nhiều chương, nhiều chủ đề, thậm chí liên quan đến các lĩnh vực khác nhau như Vật lí, Hóa học, Sinh học, Âm nhạc,… để chọn được câu đúng. Loại câu hỏi này đảm bảo độ phân hóa trình độ học sinh tốt hơn để các trường Đại học, Cao đẳng thuận lợi hơn khi sử dụng kết quả thi làm căn cứ tuyển sinh.
Mẹo giải nhanh câu hỏi trắc nghiệm Vật lý thi THPT Quốc gia
1. Phân bổ thời gian làm bài hợp lý
Đề thi Vật lý có khoảng 24 câu mức độ dễ, bao gồm lý thuyết dễ - trung bình và những bài tập có thể tìm đáp án sau khoảng 1-2 bước làm. Vì vậy, khi nhận được đề, học sinh làm lần lượt 24 câu đầu tiên trong khoảng 10-12 phút.
16 câu còn lại có mức độ kiến thức từ trung bình đến khó, được sắp xếp xen kẽ. Học sinh nên đọc lướt toàn bộ rồi chọn ra những câu trong khả năng của mình để làm trước. Còn thời gian, thí sinh quay lại giải quyết câu hỏi khó.
2. Đọc ngược câu hỏi
Nhiều bài tập trong đề thi môn Vật lý rất dài, có dữ liệu lớn khiến học sinh hoang mang, mất khá nhiều thời gian đọc hiểu. Với những câu này, thí sinh nên áp dụng kỹ năng đọc ngược để xác định nhanh yêu cầu của đề là gì. Câu hỏi này thường được đưa ra ở ý cuối cùng của đề.
Bám sát yêu cầu đó, thí sinh sàng lọc dữ liệu được đưa ra ở phía trên rồi xây dựng hướng làm bài. Phương pháp này sẽ giúp học sinh hiểu đúng, trúng, nhanh yêu cầu của đề và tiết kiệm thời gian giải hơn.
3. Đánh giá mức độ tin tưởng của đáp án
Thời gian trung bình để hoàn thành một câu hỏi trắc nghiệm Vật lý là 75 giây. Với một số bài tập, học sinh cần có kỹ năng làm bài nhanh để rút ngắn thời gian, trong đó có kỹ năng đánh giá mức độ tin tưởng của các đáp án. Để làm được điều này, thí sinh cần nắm chắc bản chất lý thuyết để biết được khoảng giá trị ở các đại lượng được hỏi, từ đó đánh giá mức độ đúng/sai/tin tưởng của đáp án.
Ví dụ, đề thi đại học năm 2012 hỏi: Biết công thoát electron của các kim loại canxi, kali, bạc và đồng lần lượt là: 2,89eV; 2,26eV; 4,78eV va 4,14eV. Chiếu ánh sáng có bước sóng 0,33µm vào bề mặt các kim loại trên.
Hiện tượng quang điện không xảy ra với các kim loại nào sau đây:
A. Canxi và bạc;
B. Kali và đồng;
C. Kali và canxi;
D. Bạc và đồng
Với đề này, theo cách bình thường, học sinh sẽ đi tính năng lượng phôton của bức xạ chiếu vào sau đó so sánh với các công thoát của các kim loại để tìm ra đáp án. Điều này sẽ mất khoảng 1 phút 30 giây.
Tuy nhiên, thí sinh có thể chọn được rất nhanh đáp án chính xác, khi sử dụng phương pháp loại trừ, nếu nắm chắc lý thuyết. Ở đây, các kim loại bạc, đồng, kẽm, nhôm… có giới hạn quang điện nằm ở khu vực tử ngoại, còn các kim loại kiềm - kiềm thổ (canxi, kali..) có giới hạn quang điện nằm ở khu vực ánh sáng nhìn thấy. Khi chúng ta chiếu một ánh sáng có bước sóng 0,33µm - là bước sóng khu vực tử ngoại sẽ gây ra hiện tượng quang điện ngoài đối với các kim loại kiềm, kiềm thổ (đó là canxi, kali). Do đó, chúng ta loại được đáp án A, B, C do có chứa canxi và kali. Đáp án chính xác còn lại là D, nhanh chóng được tìm ra.
Ví dụ trên càng khẳng định được vai trò quan trọng của việc học, hiểu lý thuyết trong sách giáo khoa. Việc nắm vững lý thuyết không chỉ giúp học sinh làm tốt câu hỏi lý thuyết mà còn giải quyết rất nhanh chóng bài tập.
4. Nháp khoa học
Đối với những câu hỏi bài tập trung bình, chỉ có 2-3 phép tính, chúng ta nên nháp trực tiếp vào đề. Nhưng những bài tập phức tạp hơn, học sinh nên nháp ra ngoài một cách rõ ràng, ngắn gọn, mạch lạc. Quá trình này, học sinh sẽ ghi lại được những đại lượng đã tìm ra để nếu vì bài quá khó, thí sinh tạm bỏ qua và làm bài tập khác, thì khi quay lại giải quyết, các em sẽ không cần tính lại những đại lượng này. Đây là điều ít học sinh chú ý.
5. Chú ý các từ phủ định
Chú ý các từ phủ định như “không”; “không đúng”; “sai” khi đọc phần dẫn của câu hỏi trắc nghiệm như: câu nào sau đây là sai “…, đặc điểm nào sau đây không đúng ?... không có tính chất nào sau đây?... (trong đề thi các từ này thường in đậm).
Ví dụ: Chu kì dao động của con lắc đơn không phụ thuộc vào.
A. Chiều dài l của dây treo.
B. Độ lớn góc lệch của dây treo so với phương thẳng đứng.
C. Khối lượng quả nặng.
D. Gia tốc trọng trường.
Chọn C.
Hướng dẫn: Nếu thí sinh không chú ý tới từ phủ định “không” trong phần dẫn thì sẽ hiểu nhầm phần dẫn hỏi chu kì dao động của con lắc đơn phụ thuộc vào yếu tố nào và sẽ bị phương án A hoặc D của phần lựa chọn lôi cuốn vào bẫy ngay. Ở câu hỏi này, HS cần lưu ý, chu kì dao động điều hòa của con lắc đơn được áp dụng khi thỏa mãn điều kiện góc lệch của dãy treo phải nhỏ.