KHTN Lớp 7 Bài 38: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều hoà, điều khiển sinh sản ở sinh vật Giải sách Khoa học tự nhiên lớp 7 Chân trời sáng tạo trang 175

Giải Khoa học tự nhiên 7 Bài 38: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều hoà, điều khiển sinh sản ở sinh vật giúp các em học sinh lớp 7 có thêm vốn kiến thức, dễ dàng trả lời các câu hỏi SGK Khoa học tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo trang 175, 176, 177, 178.

Với lời giải Khoa học tự nhiên 7 chi tiết từng phần, từng bài tập, các em dễ dàng ôn tập, củng cố kiến thức Bài 38 Chủ đề 10: Sinh sản ở sinh vật. Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo soạn giáo án cho học sinh của mình. Vậy chi tiết mời thầy cô và các em cùng tham khảo bài viết dưới đây của Download.vn:

Giải Luyện tập Khoa học tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo bài 38

Lấy ví dụ về một số loài cây trồng thường được thụ phấn nhân tạo.

Trả lời:

Một số loài cây trồng thường được thụ phấn nhân tạo: Cây mướp, cây bầu, cây bí, cây bí ngô, cây dưa chuột,…

Giải Vận dụng Khoa học tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo bài 38

• Theo em, người nông dân thường nuôi ong trong các vườn cây ăn quả để làm gì?

• Vì sao chúng ta cần phải bảo vệ những loài côn trùng có lợi?

Vận dụng

Trả lời:

• Người nông dân thường nuôi ong trong các vườn cây ăn quả vì:

- Khi ong hút mật hoa đồng thời thực hiện thụ phấn cho hoa sẽ làm tăng số lượng hoa được thụ phấn, nhờ đó, tăng năng suất quả của vườn.

- Ngoài ra, việc nuôi ong cũng giúp tăng thêm thu nhập cho chủ vườn.

• Cần phải bảo vệ những loài côn trùng có lợi vì những loài côn trùng (ví dụ: ong, bướm,…) thụ phấn cho hoa giúp cây đậu quả vừa đảm bảo việc duy trì sự phát triển liên tục của loài vừa tạo ra các loại hoa quả là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho con người.

Giải câu hỏi thảo luận Khoa học tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo bài 38

Câu 1

Đọc đoạn thông tin và quan sát Hình 38.1 và 38.2, hãy nêu một số yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản của sinh vật.

Hình 38.1 và 38.2

Trả lời:

Một số yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản của sinh vật là: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, gió, thức ăn, hormone,…

Câu 2

Yếu tố bên trong nào tác động đến sinh sản ở sinh vật?

Trả lời:

Yếu tố bên trong tác động đến sinh sản ở sinh vật là: hormone. Hormone là yếu tố điều hòa sinh sản ở sinh vật, cụ thể hormone điều hòa sự phát sinh giao tử đực và giao tử cái.

Câu 3

Em hãy nêu một số yếu tố điều hòa, điều khiển sinh sản ở sinh vật.

Trả lời:

Một số yếu tố điều hòa, điều khiển sinh sản ở vi sinh vật là:

  • Yếu tố môi trường: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, gió, thức ăn,…
  • Yếu tố bên trong: hormone.

Câu 4

Quan sát Hình 38.1, hãy cho biết con người đã điều hòa, điều khiển sinh sản ở sinh vật như thế nào. Nhận xét kết quả về tỉ lệ trứng được thụ tinh ở Hình 38.1 và 38.2.

Trả lời:

- Con người đã điều hòa và điều khiển sinh sản ở sinh vật qua thời kì chăm sóc cá bố mẹ và giai đoạn kích thích điều khiển sinh sản:

  • Nuôi vỗ cá bố mẹ: bổ sung nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng, giúp cá bố mẹ đạt kích thước lớn, sinh sản nhanh và chất lượng tốt.
  • Giai đoạn sinh sản: con người chủ động tiêm hormone sinh sản nhằm kích thích quá trình rụng trứng và xuất tinh của cá, đảm bảo tỉ lệ thụ tinh cao nhất.

- So sánh kết quả sinh sản: Khi sử dụng các yếu tố điều hòa, điều khiển sinh sản, cá đẻ trứng và tỉ lệ trứng được thụ tinh (đạt 80 – 90 %) cao hơn so với cá cho sinh sản thông thường (tỉ lệ thụ tinh chỉ đạt khoảng 40 %).

Câu 5

Hãy nêu một số biện pháp điều khiển sinh sản ở sinh vật.

Trả lời:

Một số biện pháp điều khiển sinh sản ở sinh vật:

  • Thụ phấn nhân tạo: Con người chủ động thực hiện việc thụ phấn cho cây nhằm đạt hiệu quả cao về tỉ lệ thụ phấn, thụ tinh, tạo quả.
  • Thụ tinh nhân tạo: Trong chăn nuôi, con người thực hiện thụ tinh nhân tạo nhằm điều khiển số con sinh ra hoặc điều khiển giới tính của vật nuôi.

Câu 6

Quan sát các hình từ Hình 38.3 đến Hình 38.6, hãy nêu những ứng dụng của sinh sản hữu tính trong chăn nuôi, trồng trọt.

Hình 38.3 và 38.4

Hình 38.5 và 38.6

Trả lời:

Những ứng dụng của sinh sản hữu tính trong chăn nuôi, trồng trọt:

  • Thụ phấn nhân tạo giúp tỉ lệ đậu quả đạt tối đa: thụ phấn cho cây có hoa đơn tính như cây dưa chuột, cây cà chua,…
  • Thụ tinh nhân tạo cho động vật đảm bảo số con sau sinh nhiều và điều khiển giới tính đàn con: thụ tinh nhân tạo ở cá hồi, điều khiển giới tính ở đàn cá rô phi,…

Giải bài tập Khoa học tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo bài 38

Bài 1

Lấy ví dụ chứng tỏ rằng yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật.

Trả lời:

Ví dụ chứng tỏ yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sinh sản ở sinh vật:

  • Yếu tố nhiệt độ: Nhiệt độ quá thấp hạt phấn kém nảy mầm, ống phấn không sinh trưởng; nhiệt độ quá cao thì sự nảy mầm và sự sinh trưởng của ống phấn không bình thường.
  • Yếu tố độ ẩm: Độ ẩm quá thấp hạt phấn không nảy mầm; độ ẩm quá cao hạt phấn bị trôi.
  • Yếu tố gió: Đối với cây thụ phấn nhờ gió, tốc độ gió vừa phải thuận lợi cho thụ phấn.
  • Yếu tố thức ăn: Ở cóc, mùa sinh sản vào khoảng tháng 4 hằng năm. Sau sinh sản, khối lượng hai buồng trứng ở cóc giảm. Sau tháng 4, nếu nguồn thức ăn dồi dào, khối lượng buồng trứng tăng, cóc có thể đẻ tiếp lứa thứ hai trong năm.

Bài 2

Con người chủ động điều khiển sinh sản ở động vật trong những giai đoạn nào? Cho ví dụ minh họa.

Trả lời:

Con người chủ động điều khiển sinh sản ở động vật trong 2 giai đoạn là giai đoạn nuôi vỗ con đực và con cái và giai đoạn kích thích sinh sản.

Ví dụ: Điều khiển sinh sản ở cá bằng cách bổ sung thức ăn cho bố mẹ, sau đó tiêm hormone sinh sản vào, kết quả trứng thụ tinh đạt khoảng 80 – 90%.

Bài 3

Nêu ý nghĩa của việc điều khiển giới tính ở đàn con trong chăn nuôi.

Trả lời:

Việc điều khiển giới tính ở đàn con trong chăn nuôi giúp đạt được mục đích sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất:

  • Điều khiển giới tính cái ở đàn con trong chăn nuôi nhằm tăng nhanh đàn vật nuôi, thu hoạch nhiều trứng, sữa,…
  • Điều khiển giới tính đực ở đàn con trong chăn nuôi nhằm thu hoạch nhiều thịt, tơ tằm,…
Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 42
  • Lượt xem: 2.805
  • Dung lượng: 259,9 KB
Sắp xếp theo