KHTN Lớp 7 Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật Giải sách Khoa học tự nhiên lớp 7 Chân trời sáng tạo trang 159

Giải Khoa học tự nhiên 7 Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật giúp các em học sinh lớp 7 nhanh chóng trả lời câu hỏi mở đầu, thảo luận và các bài tập trong SGK Khoa học tự nhiên 7 sách Chân trời sáng tạo trang 159, 160, 161, 162, 163.

Giải KHTN 7 bài 35 giúp các em liệt kê được các yếu tố ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của sinh vật để học thật tốt Chủ đề 9: Sinh trưởng và phát triển ở sinh vật. Qua đó, cũng giúp thầy cô có thêm kinh nghiệm soạn giáo án cho học sinh:

Giải KHTN Lớp 7 Bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật

Giải câu hỏi mở đầu Khoa học tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo bài 35

Khi trồng cây trong nhà hoặc các phòng làm việc, tại sao người ta thường đặt chậu cây ở vị trí gần cửa sổ?

Chậu cây ở vị trí gần cửa sổ

Trả lời:

Khi trồng cây trong nhà hoặc các phòng làm việc, người ta thường đặt chậu cây ở vị trí gần cửa sổ nhằm giúp cây có thể hấp thu được ánh sáng để quang hợp, đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển bình thường.

Giải câu hỏi thảo luận Khoa học tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo bài 35

Câu 1

Quan sát Hình 35.1, hãy cho biết:

Hình 35.1

  • Giới hạn nhiệt độ của cá rô phi ở Việt Nam.
  • Khoảng nhiệt độ thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cá rô phi.

Trả lời:

  • Giới hạn nhiệt độ của cá rô phi ở Việt Nam là từ 5 – 42 oC.
  • Khoảng nhiệt độ thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cá rô phi là từ 23 – 37 oC. Ngoài ngưỡng nhiệt độ này, sự sinh trưởng và phát triển của cá rô phi sẽ bị ức chế.

Câu 2

Từ Bảng 35.1, nêu ảnh hưởng của nhiệt độ đến tỉ lệ sống, số lá, độ dài, bề rộng lá của cây lan hồ điệp.

Bảng 35.1

Trả lời:

Nhiệt độ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của lan hồ điệp: Khoảng nhiệt độ từ 25 oC – 31 oC là khoảng nhiệt độ mà lan hồ điệp có tỉ lệ sống cao nhất, cây có số lá nhiều nhất, chiều dài lá dài nhất, độ rộng của lá lớn nhất. Trên 31 oC và dưới 25 oC, các chỉ số này sẽ giảm dần.

Câu 3

Quan sát Hình 35.2, cho biết ý nghĩa của sự phân tầng của thực vật trong rừng mưa nhiệt đới đối với thực vật.

Hình 35.2

Trả lời:

Ý nghĩa của sự phân tầng của thực vật trong rừng mưa nhiệt đới đối với thực vật: Sự phân tầng của thực vật trong rừng mưa nhiệt đới được thể hiện khá rõ nét: tầng vượt tán, tầng tán rừng, tầng dưới tán, tầng thảm xanh,… Sự phân tầng này đảm bảo cho thực vật tận dụng được nguồn sống chủ yếu là ánh sáng một cách tối ưu: thực vật ưa sáng sẽ ở tầng cao còn thực vật ưa bóng sẽ ở tầng sàn rừng.

Câu 4

Một số động vật như chó, mèo hay hoạt động về đêm, ban ngày chúng thường nằm dài sưởi nắng. Việc đó có lợi cho sự phát triển của chúng như thế nào?

Động vật

Trả lời:

Việc sưởi nắng vào ban ngày giúp chó, mèo tận dụng ánh sáng mặt trời để tăng cường sản sinh ra vitamin D giúp phát triển xương. Đồng thời, việc phơi nắng cũng giúp các động vật này thu thêm nhiệt từ môi trường và giảm mất nhiệt trong những ngày trời rét, tập trung các chất để xây dựng cơ thể, thúc đẩy sinh trưởng, phát triển.

Câu 5

Quan sát các Hình từ 35.4 đến 35.6, hãy cho biết những hậu quả xảy ra đối với thực vật, động vật và con người khi thiếu nước.

Hình từ 35.4 đến 35.6

Trả lời:

Những hậu quả xảy ra đối với thực vật, động vật và con người khi thiếu nước: Khi thiếu nước, cả thực vật, động vật và con người đều không thể thực hiện được các hoạt động sống bình thường, hậu quả là cây bị héo, hạt đậu không nảy mầm; con người có dấu hiệu mệt mỏi, sốt,… Thiếu nước nghiêm trọng sẽ đe dọa đến sự sống của các sinh vật.

Câu 6

Em hãy lấy ví dụ về vai trò của nước đối với thực vật.

Trả lời:

Lấy ví dụ về vai trò của nước đối với thực vật:

  • Nếu không có đủ nước, hạt của cây đậu sẽ không thể nảy mầm.
  • Khi hạn hán kéo dài, cây lúa thiếu nước sẽ bị héo khô và chết.

Câu 7

Quan sát Hình 35.7, 35.8, 35.9, cho biết sự khác nhau về hình thái giữa cây thiếu dinh dưỡng, cây thừa dinh dưỡng và cây đủ dinh dưỡng.

Hình 35.7, 35.8, 35.9

Trả lời:

Sự khác nhau về hình thái giữa cây thiếu dinh dưỡng, cây thừa dinh dưỡng và cây đủ dinh dưỡng:

  • Cây thừa dinh dưỡng: cây sinh trưởng và phát triển quá mạnh, vượt trội về chiều cao, số lá nhưng thân bị yếu, dễ gãy, lá dễ gãy rụng.
  • Cây thiếu dinh dưỡng: cây sinh trưởng và phát triển kém, thân còi cọc, lá ít và nhạt màu.
  • Cây đủ chất dinh dưỡng: Cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, đầy đủ lá, lá xanh mượt.

Câu 8

Chế độ dinh dưỡng có liên quan đến sự phát triển về thể trạng của các em bé trong Hình 35.10 như thế nào?

Hình 35.10

Trả lời:

Chế độ dinh dưỡng có liên quan đến sự phát triển về thể trạng của các em bé:

  • (a) Chế độ dinh dưỡng không đủ chất có thể khiến trẻ chậm phát triển, còi xương, cổ tay và khủy tay phình to, chân cong,…
  • (b) Chế độ dinh dưỡng hợp lí, đầy đủ sẽ giúp trẻ đạt đến sự phát triển toàn diện, cân đối, khỏe mạnh.
  • (c) Chế độ dinh dưỡng quá nhiều, dẫn đến hiện tượng béo phì, kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe như gây ra nhiều bệnh như gan nhiễm mỡ, tiểu đường, huyết áp,…

Câu 9

Quan sát Hình 35.11, trả lời các yêu cầu sau: Mô hình xen canh có ý nghĩa gì đối với người nông dân?

Hình 35.11

Trả lời:

Ý nghĩa của việc trồng xen canh: Mô hình xen canh giúp tận dụng tối đa nguồn sống và nhu cầu về các yếu tố môi trường của các loài cây khác nhau để nâng cao năng suất cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích mà vẫn hạn chế chi phí đầu tư, chăm sóc ban đầu. Nhờ đó, biện pháp này đem lại được hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng.

Câu 10

Quan sát Hình 35.11, trả lời các yêu cầu sau: Hãy cho biết ý kiến của em về việc sử dụng các chất kích thích trong điều hòa sinh trưởng và phát triển ở sinh vật.

Trả lời:

Việc sử dụng các chất kích thích trong điều hòa sinh trưởng và phát triển ở sinh vật sẽ giúp nâng cao năng suất nhưng không nên quá lạm dụng. Khi sử dụng chất kích thích cần được tư vấn và tuân thủ đúng quy trình kĩ thuật của nhà sản xuất và các chuyên gia về nông nghiệp để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phát triển bền vững, tránh gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Câu 11

Quan sát Hình 35.12 và 35.13, hãy cho biết một số ứng dụng được sử dụng nhằm nâng cao năng suất vật nuôi.

Hình 35.12 và 35.13

Trả lời:

Một số ứng dụng được sử dụng nhằm nâng cao vật nuôi:

  • Điều chỉnh nhiệt độ chuồng nuôi.
  • Sử dụng chất kích thích sinh trưởng, sinh sản, chất tạo nạo.

Câu 12

Quan sát Hình 35.14, hãy chỉ ra giai đoạn muỗi gây hại cho con người.

Hình 35.14

Trả lời:

Giai đoạn muỗi gây hại cho con người (hút máu) là giai đoạn muỗi trưởng thành. Ở giai đoạn này, muỗi có thể là vật trung gian truyền một số bệnh gây nguy hiểm cho con người như sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng da, viêm não,…

Câu 13

Trong Hình 35.15, giai đoạn nào trong vòng đời của bướm có khả năng phá hoại mùa màng?

Hình 35.15

Trả lời:

Giai đoạn trong vòng đời của bướm có khả năng phá hoại mùa màng là giai đoạn sâu bướm. Ở giai đoạn này, sâu bướm sử dụng thức ăn chủ yếu là lá, hoa và gần như là ăn liên tục, gây những tổn hại nặng nề cho cây trồng.

Giải bài tập Khoa học tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo bài 35

Bài 1

Tằm là động vật biến nhiệt, thích nghi với điều kiện ánh sáng yếu, nhiệt độ cơ thể phụ thuộc vào môi trường. Khoảng nhiệt độ cực thuận cho sinh trưởng và phát triển của tằm là 24 – 26 oC, khoảng giới hạn nhiệt là 15 – 35 oC.

Hãy cho biết sự phụ thuộc sinh trưởng của tằm vào nhiệt độ.

Trả lời:

Sự phụ thuộc sinh trưởng của tằm vào nhiệt độ: Khoảng nhiệt độ tối ưu giúp tằm sinh trưởng tốt nhất là 24 – 26 oC, khoảng nhiệt độ để tằm sống sót là 15 – 35 oC, dưới 15 oC hoặc trên 35 oC tằm sẽ chết.

Bài 2

Tằm là động vật biến nhiệt, thích nghi với điều kiện ánh sáng yếu, nhiệt độ cơ thể phụ thuộc vào môi trường. Khoảng nhiệt độ cực thuận cho sinh trưởng và phát triển của tằm là 24 – 26 oC, khoảng giới hạn nhiệt là 15 – 35 oC.

Cho biết giới hạn trên, giới hạn dưới về nhiệt độ của tằm.

Trả lời:

  • Giới hạn trên về nhiệt độ của tằm là: 35 o C .
  • Giới hạn dưới về nhiệt độ của tằm là: 15 o C .

Bài 3

Tằm là động vật biến nhiệt, thích nghi với điều kiện ánh sáng yếu, nhiệt độ cơ thể phụ thuộc vào môi trường. Khoảng nhiệt độ cực thuận cho sinh trưởng và phát triển của tằm là 24 – 26 oC, khoảng giới hạn nhiệt là 15 – 35 oC.

Khi nuôi tằm, người ta thường để tằm trong chỗ tối và kín gió. Em hãy giải thích lí do vì sao.

Trả lời:

Khi nuôi tằm người ta thường để tằm trong chỗ tối và kín gió vì tằm là động vật biến nhiệt, thích nghi với điều kiện ánh sáng yếu.

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 105
  • Lượt xem: 10.477
  • Dung lượng: 397,1 KB
Sắp xếp theo