Văn mẫu lớp 7: Đoạn văn giải thích câu tục ngữ Học ăn, học nói, học gói, học mở (3 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 7

Câu tục ngữ "Học ăn, học nói, học gói, học mở" gửi gắm một lời khuyên giá trị đến mỗi người. Hôm nay, Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Đoạn văn giải thích câu tục ngữ Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Đoạn văn giải thích câu Học ăn, học nói, học gói, học mở
Đoạn văn giải thích câu Học ăn, học nói, học gói, học mở

Tài liệu bao gồm 3 đoạn văn mẫu lớp 7, hy vọng có thể giúp ích cho các bạn học sinh trong quá trình tìm hiểu về câu tục ngữ trên. Mời tham khảo nội dung chi tiết ngay bên dưới.

Đoạn văn giải thích Học ăn, học nói, học gói, học mở - Mẫu 1

Con người luôn phải học tập không ngừng, bởi vậy tục ngữ mới có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Đầu tiên, “học ăn” có nghĩa là học cách ăn uống sao cho cẩn thận, thanh lịch. Điều đó sẽ gây được những ấn tượng tốt đẹp dành cho người khác. Đồng thời giúp hình thành nếp sống đẹp trong gia đình và ngoài xã hội. Tiếp đến, con người cũng cần phải “ học nói” có nghĩa là học cách giao tiếp, nói chuyện sao cho lịch sự, phù hợp với từng đối tượng và hoàn cảnh giao tiếp. Cuối cùng, con người cần biết ứng xử khéo léo, “gói” và “mở” đúng lúc, đúng chỗ. Trong cuộc sống, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề hay tình huống phức tạp, đòi hỏi phải biết sắp xếp, biết khéo léo thì mới có được kết quả như ý muốn. Có những lúc phải biết khép sự việc lại cho gọn, cũng có lúc phải biết gợi mở vấn đề ra để xem xét. Dù ứng xử theo cách nào, thì chúng ta vẫn cần phải chú trọng đến việc giữ gìn những nét bản sắc văn hóa của dân tộc. Như vậy, câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” là lời khuyên vô cùng đúng đắn và giá trị.

Đoạn văn giải thích Học ăn, học nói, học gói, học mở - Mẫu 2

Câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” đã trở thành lời khuyên hữu ích cho mỗi người trong cuộc sống. Ở đây, từ “học” được nhắc lại đến bốn lần kết hợp với các động từ chỉ hành động thường làm của con người “ăn, nói, gói, mở”. Từ đó, ông cha ta muốn khuyên nhủ con cháu biết học cách ăn uống cho thanh lịch, học cách nói năng cho nhã nhặn và học cách ứng xử cho khôn khéo, đúng mực. Học tập là một quá trình không ngừng nghỉ. Con người dù ở bất cứ lứa tuổi nào cũng cần phải học hỏi. Chúng ta không chỉ học kiến thức trong sách vở, mà còn cần học những kĩ năng sống cần thiết. Ăn uống phải từ tốn, đúng lễ nghi. Nói năng phải lịch sự, phù hợp với từng hoàn cảnh. Ứng xử phải khéo léo, thông minh. Đối với học sinh, câu tục ngữ trên chính là lời khuyên đúng đắn. Chúng ta cần phải học cách ăn uống, nói năng, ứng xử - những kĩ năng này sẽ trở thành hành trang cần thiết trong cuộc sống tương lai.

Đoạn văn giải thích Học ăn, học nói, học gói, học mở - Mẫu 3

Con người phải học từ cách ăn nói đến ứng xử, bởi vậy ông cha ta đã có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Câu tục ngữ sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ. Từ “học” được nhắc lại đến bốn lần kết hợp với các động từ chỉ hành động thường làm của con người “ăn, nói, gói, mở”. Đầu tiên là “học ăn” sao cho từ tốn, đúng với lễ nghi. Tiếp đến là “học nói” cho lịch sự, phù hợp với từng đối tượng. Và cuối cùng là “học gói, học mở” chính là học cách ứng xử. Chúng ta cần phải biết ứng xử khéo léo. “Gói” hay “mở” đúng lúc, đúng chỗ để tránh làm mất lòng mọi người. Những kĩ năng trên là vô cùng cần thiết trong cuộc sống. Bởi nó sẽ giúp chúng ra hoàn thiện bản thân ngày càng tốt đẹp hơn.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Thu
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 02
  • Lượt xem: 1.043
  • Dung lượng: 106,7 KB
Tìm thêm: Văn mẫu lớp 7
Sắp xếp theo