Văn mẫu lớp 7: Chứng minh câu tục ngữ Học ăn, học nói, học gói, học mở Dàn ý & 17 bài văn mẫu lớp 7

Học ăn, học nói, học gói, học mở là một câu tục ngữ giá trị. Vì vậy, Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Chứng minh về câu tục ngữ Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Chứng minh câu Học ăn, học nói, học gói, học mở
Chứng minh câu Học ăn, học nói, học gói, học mở

Hy vọng với dàn ý và 17 bài văn mẫu dưới đây, có thể giúp ích cho các bạn học sinh lớp 7 trong quá trình hoàn thiện bài viết của mình.

1. Dàn ý chứng minh câu Học ăn, học nói, học gói, học mở

I. Mở bài

- Trong cuộc sống của con người, từ khi sinh ra đến khi khôn lớn, chúng ta không ngừng phải học hỏi và tích lũy kiến thức về mọi mặt.

- Nói về việc cần thiết phải học được cách ứng xử trong cuộc sống, tục ngữ ta có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

II. Thân bài

1. Ý nghĩa câu tục ngữ

Khuyên ta phải biết học cách ăn uống cho thanh lịch, học cách nói năng cho nhã nhặn và học cách ứng xử cho khôn khéo, đúng mực.

2. Chứng minh câu tục ngữ

a. Con người cần học cách ăn uống lịch sự, thanh lịch.

- Trong việc ăn uống, người ta cũng thể hiện trình độ văn hóa của mình. Ăn uống lịch sự, văn minh sẽ tạo ra cảm tình cho người khác, đồng thời giúp hình thành nếp sống đẹp trong gia đình và ngoài xã hội.

- Dẫn chứng: Ông bà ta từng dạy phải biết “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “ Ăn chậm, nhai kỹ, no lâu/Ăn nhanh, chóng đói, lại đau dạ dày​ ”...

b. Con người cần học cách nói năng nhã nhặn.

- Sử dụng ngôn ngữ là hình thức giao tiếp quan trọng nhất của con người. Chính vì vậy, người ta cần học cách nói năng sao cho khéo léo, để có thể xây dựng được những mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh và gặt hái được thành công trong cuộc sống.

- Dẫn chứng: Tổng thống B.Obama có tài hùng biện, điều này hỗ trợ đắc lực cho ông thành công trong lĩnh vực chính trị. Đối với ông, tiếng nói có thể thay đổi thế giới.

c. Con người cần biết ứng xử khéo léo, “gói” và “mở” đúng lúc, đúng chỗ.

- Cuộc sống rất phong phú, con người sẽ phải giải quyết nhiều tình huống phức tạp, đòi hỏi phải biết sắp xếp, biết khéo léo thì mới có được kết quả như ý muốn. Có những lúc phải biết khép sự việc lại cho gọn, cũng có lúc phải biết gợi mở vấn đề ra để xem xét.

- Dẫn chứng: Ứng xử tốt là đối với ơn nghĩa thì “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, đối với gia đình thì: “Anh em hòa thuận hai thân vui vầy”, đối với thầy cô thì “Tôn sư trọng đạo”.

III. Kết bài

Khẳng định lại giá trị của câu tục ngữ.

2. Chứng minh câu Học ăn, học nói, học gói, học mở ngắn gọn

Đoạn văn mẫu số 1

Câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” đã trở thành lời khuyên quý giá cho con người trong cuộc sống. Từ “học” được nhắc lại đến bốn lần kết hợp với các động từ chỉ hành động thường làm của con người “ăn, nói, gói, mở”. Từ đó, ông cha ta muốn khuyên nhủ con cháu biết học cách ăn uống cho thanh lịch, học cách nói năng cho nhã nhặn và học cách ứng xử cho khôn khéo, đúng mực. Chúng ta có thể thấy rất nhiều tấm gương trong cuộc sống. Một trong số đó phải kể đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người có một lối sống vô cùng giản dị mà thanh cao. Trong cách ăn uống, nói chuyện cũng như ứng xử với mọi người. Bữa cơm chỉ có vài ba món rất giản đơn, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hột cơm, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất. Trong giao tiếp với mọi người, Bác luôn tùy vào từng đối tượng để lựa chọn ngôn từ cho phù hợp. Trong quan hệ với mọi người, Bác cũng sống vô cùng giản dị. Xung quanh đều có rất ít người giúp việc. Những công việc có thể tự làm, Bác không để ai phải giúp đỡ. Đối với nhân dân, Bác luôn quan tâm và yêu quý như người thân trong gia đình. Có thể kể đến những việc đi thăm nhà tập thể công nhân, viết thư cho một đồng chí hay nói chuyện với các cháu miền Nam hoặc đi thăm và tặng quà cho các cụ già mỗi khi Tết đến… Câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” đã đưa ra lời khuyên đúng đắn cho con người.

Đoạn văn mẫu số 2

“Học ăn, học nói, học gói, học mở” là câu tục ngữ gửi gắm một lời khuyên quý giá cho con người trong cuộc sống. Ở đây, từ “học” được nhắc lại đến bốn lần kết hợp với các động từ chỉ hành động thường làm của con người “ăn, nói, gói, mở”. Qua đó, lời khuyên nhủ được gửi gắm là cần biết cách ăn uống cho thanh lịch, nói năng cho lịch sự và học cách ứng xử cho khôn khéo, đúng mực. Đầu tiên, chúng ta cần tránh ăn uống từ tốn, tránh vội vàng và hấp tấp. Cách ăn uống thanh lịch sẽ tạo được ấn tượng tốt đẹp với mọi người xung quanh. Tiếp đến, nói năng sao cho lịch sự, phù hợp với từng đối tượng cũng sẽ giúp ích cho cuộc sống của mỗi người. Có thể kể đến một số diễn giả nổi tiếng có tài hùng biện như Brian Tracy, Nick Vujicic, Tony Robbins,… - họ đều có tầm ảnh hưởng và thành công trong xã hội. Cuối cùng, “học gói, học mở” chính là học cách ứng xử. Chúng ta cần phải biết ứng xử khéo léo. “Gói” hay “mở” đúng lúc, đúng chỗ để tránh làm mất lòng mọi người. Điều đó phụ thuộc vào việc rèn luyện các kĩ năng mềm của mỗi người. Như vậy, câu tục ngữ là một lời khuyên đúng đắn, giúp con người hoàn thiện bản thân hơn.

3. Chứng minh câu Học ăn, học nói, học gói, học mở

Bài văn mẫu số 1

Quá trình học tập của con người là không ngừng nghỉ. Học để hoàn thiện bản thân, để có những thành quả trên con đường thực hiện ước mơ. Nhưng chúng ta không chỉ học kiến thức, mà còn phải học cả cách ứng xử. Bởi vậy mà ông cha ta đã có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Học tập là việc mà mỗi một con người phải luôn cố gắng thực hiện, để tiếp thu kiến thức, hoàn thiện bản thân, cống hiến cho quê hương đất nước. Ngoài việc học tập tri thức trên ghế nhà trường, con người còn phải học tập cách ứng xử đúng mực. Con người cần học cách ăn uống thanh lịch, học cách nói năng nhã nhặn và cách ứng xử khéo léo, đúng lúc đúng chỗ.

Đầu tiên, con người phải “học ăn”. Ăn uống là cách mà con người thể hiện trình độ văn hóa và sự thanh lịch của bản thân. Các nước trên thế giới đều có văn hóa ẩm thực riêng biệt. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của việc học cách ăn uống cho lịch sự. Người nhẹ nhàng, nho nhã thì cách ăn uống sẽ lịch sự đáng yêu. Ông bà ta có câu: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, tức là phải có ý tứ trong bữa ăn. Tùy theo tình thế mà ứng xử, để người khác có cảm tình và thêm tôn trọng với bản thân ta. Để rèn giũa tính cách cho con trẻ, cha mẹ cũng luôn nhắc nhở về cách ăn uống sao cho nhã nhặn. Tất cả những điều đó cho thấy quả thật cần “học ăn” để hoàn thiện thêm tính cách con người.

Học ăn rồi thì nhất định phải “học nói”. Bởi lời nói là công cụ giao tiếp vô cùng quan trọng của mỗi con người. Lời ăn tiếng nói giúp cho mối quan hệ giữa người và người trở nên thông cảm, gắn bó hơn. Lời nói khéo léo, hòa nhã khiến cho người nghe thêm hiểu vấn đề, và từ đó, hiệu quả lời nói thêm nhiều, đem tới thành công cho người giỏi nói năng. Tổng thống Mỹ Obama được mệnh danh là một nhà chính trị có tài hùng biện. Ông cho rằng: “Lời nói có thể thay đổi thế giới”. Ông bà ta xưa cũng có lời khuyên rằng:

“Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

Thế mới biết “học nói” là một việc quan trọng chẳng kém gì học tập các tri thức khác. Mà học nói thì phải bắt đầu từ học sử dụng tiếng Việt cho đúng cho hay. Và cũng cần rèn luyện nhân cách cho tốt, cho đẹp. Bởi quả thật là lời nói phản ánh tính cách của con người rất rõ nét.

Câu tục ngữ còn khuyên con người nên “học gói, học mở”. Trong cuộc sống, sẽ có rất nhiều tình huống phức tạp xảy ra, đòi hỏi chúng ta phải biết cách ứng xử khéo léo thì mới có thể giải quyết được chúng một cách êm xuôi. Những mối quan hệ giữa người và người, bên cạnh sự trung thực, thì cũng cần đến sự tế nhị. Có những sự việc mà đứng trước nó, ta nên biết cách “gói” lại cho gọn, chấm dứt phiền phức. Chẳng hạn như những mâu thuẫn xảy ra trong đời thường, nếu có thể thì chúng ta cần gói ghém lại cho khéo, tránh khoét sâu mâu thuẫn, nhất là trong mối quan hệ bạn bè chung trường chung lớp. Cũng có những khi, ta phải khéo léo “mở” lòng để đón nhận những tâm tình của mọi người xung quanh, để hiểu được bạn bè người thân, giúp đỡ, chia sẻ cùng họ những buồn vui ở đời. Việc “học gói, học mở” ấy cũng không nằm ngoài những quy tắc ứng xử như lòng biết ơn “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, sự hòa thuận trong gia đình “Anh em hòa thuận hai thân vui vầy”, hoặc là lòng tôn sư trọng đạo “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Tóm lại, là học sinh, thuộc lớp người trẻ của đất nước, học tập luôn là nhiệm vụ trọng tâm. Mỗi chúng ta cần có phương pháp học tập đúng đắn, toàn diện, học tri thức và cả học tập cách ứng xử trong cuộc sống, học để làm người tốt, học để hoàn thiện bản thân về mọi mặt. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể gặt hái thành công, trở thành người hữu ích.

Bài văn mẫu số 2

Ông cha ta đã để lại lời khuyên quý giá cho thế hệ sau. Một trong số đó là câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

“Học ăn” chính là học cách ăn uống, “học nói” là học cách giao tiếp. Còn “học gói, học mở” đó chính là rèn luyện kĩ năng trong cuộc sống. Con người là tổng hòa của các mối quan hệ trong môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Học ăn - một trong những việc mà con người phải học đầu tiên, học ăn mới có thể cho chúng ta sinh tồn được trên thế giới này. Cách ăn uống cũng thể hiện được người đó là một con người như thế nào. Khi đã học ăn xong thì lại học nói. Học sao cho nói tròn vành rõ chữ. Nói trôi chảy lưu loát sau đó cao hơn đó chính là học nói sao cho “vừa lòng nhau”.

Ông bà ta có câu bói rất hay đó chính là:

“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

Đúng thật là vậy, tùy hoàn cảnh cũng phải tùy đối tượng mà chúng ta nói chuyện, cư xử khác nhau. Nếu như với bạn bè, ta có thể hồn nhiên cười đùa vô tư. Nhưng khi nói chuyện với người lớn tuổi thì cần phải lịch sự, lễ phép.

Tiếp đến là “học gói, học mở” chính là học thật chuyên sâu kiến thức chuyên môn, học sao cho thông những kiến thức cơ bản và để tăng thêm kiến thức cho mình thì phải mở mang thêm kiến thức để có thể hoàn thiện bản thân mình. Khi chúng ta có kiến thức thì không chỉ trong giao tiếp, trong lối ứng nhân xử thế con người cũng sẽ khôn khéo hơn.

Tóm lại, “Học ăn, học nói, học gói, học mở” là một lời dạy thất quý báu. Câu này của ông bà ta đã có cách đây rất lâu rồi nhưng đến ngày nay nó vẫn còn nguyên giá trị, lời khuyên răn. Ở đâu, thời điểm nào nó cũng có ý nghĩa và giúp con người ta ứng xử tốt hơn trong xã hội hiện nay.

Bài văn mẫu số 3

Học tập là sự nghiệp quan trọng và kéo dài đến suốt đời của mỗi con người. Bởi vậy mà người xưa đã có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Từ khi sinh ra con người đã có bản năng ăn uống, đói thì khóc để được cho ăn, rồi nói thì chúng ta có thể bắt chước mọi người xung quanh khi chúng ta tập nói. Vậy tại sao ông cha ta lại nói rằng cần “học ăn, học nói”. Trong bữa cơm hằng ngày có lẽ chúng ta đã từng nghe ông bà, cha mẹ nhắc nhở rằng “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” để răn dạy chúng ta khi ăn uống cần phải có phép tắc và để ý tới xung quanh. Khi có khách khứa chúng ta cần ăn uống lịch sự, không được nói chuyện, cười đùa và để bát đũa phát ra tiếng động lớn trên bàn ăn. Đúng thế trong văn hóa của chúng ta thì bữa ăn có những quy tắc có thể riêng trong gia đình, hay theo vùng miền. Cách ăn uống còn là khía cạnh để người khác nhìn nhận và đánh giá về tính nết của con người. Không chỉ vậy, văn hóa dùng bữa còn thể hiện địa vị, phong cách của một người. Vì thế trên thế giới có rất nhiều thương gia, những người có địa vị cao thường phải học những khóa học về cách dùng bữa, cư xử trên bàn ăn để hợp với nghề nghiệp hay địa vị của bản thân.

Bên cạnh “học ăn” thì “nói” cũng là một vấn đề cần phải học. Trong cuộc sống có những người giao tiếp tốt, có những người bộc trực, nói năng thô lỗ. Cách chúng ta dùng lời nói để giao tiếp với mọi người xung quanh là cách thể hiện tính cách, phẩm chất đạo đức của bản thân. Qua lời nói khiến mọi người có thể đánh giá về trình độ học vấn, về cả con người của người nói. Có câu:

“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

Đúng vậy, con người ta có khi rất dễ bị ảnh hưởng bởi những chi tiết nhỏ trong đời sống, nhất là lời nói trong giao tiếp. Có những người chỉ vì lời qua tiếng lại mà dẫn tới xích mích, đánh nhau. Hay có những người chỉ vì không khéo ăn nói mà bị người khác ghét bỏ. Lời nói có giá trị rất lớn nếu chúng ta biết cách “lựa lời” cho phù hợp với hoàn cảnh. Dân gian ta có câu: “Mồm mép đỡ tay chân” chính vì thực tế trong xã hội có rất nhiều người mặc dù năng lực làm việc có hạn nhưng do khéo ăn nói nên được mọi người yêu quý và giúp đỡ. Tuy nhiên “học nói” ở đây không phải là nói những lời hoa mỹ, quá lên so với sự thật thậm chí là nói dối mà là cách lựa chọn từ ngữ cho phù hợp với hoàn cảnh, nói khéo dựa trên sự thật và sự trung thực.

Bên cạnh “học ăn, học nói” thì cha ông ta còn răn dạy chúng ta cần phải “học gói, học mở”. Vậy “gói, mở” là học gì? Ở đây không chỉ mang ý nghĩa là đóng gói và mở một vật nào đó giống như khi chúng ta học cách gói một món quà. Trong cuộc sống có rất nhiều thứ chúng ta phải sắp xếp, thu thập và không phải ai cũng làm tốt nó. Vì thế cần phải học hỏi, quan sát tiếp thu để có lối sống ngăn nắp, để tạo ra những sản phẩm đẹp, để người khác ưng ý. Người ta nói “Xấu che tốt khoe” chính là để nói đến vế sau của câu tục ngữ trên. Mỗi người cần biết ứng xử hợp lẽ, khôn ngoan trong việc che đi những khuyết điểm và nâng cao giá trị của mình bằng những ưu điểm của bản thân. Che khuyết điểm không đồng nghĩa với giấu dốt mà phải lựa chọn đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh.

Mỗi chúng ta cần trang bị cho bản thân rất nhiều kiến thức và kỹ năng để phục vụ cho công việc và cuộc sống. Vì thế quá trình học tập là quá trình không thể thiếu, nó diễn ra mỗi ngày và thậm chí là suốt đời. Học không phải chỉ những kiến thức khoa học trong sách vở mà còn là cả những thứ quen thuộc tưởng chừng như nhỏ bé đó là “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Bài văn mẫu số 4

Từ ngàn xưa, có thể nói ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giữa người với người. Chính vì vậy, mà ông cha ta mới khuyên nhủ con người: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều điều con người phải học. “Ăn” là việc tưởng chừng dễ nhất, nhưng thực ra không dễ chút nào. Cách ăn uống phần nào thể hiện tính cách con người, cho nên muốn tỏ ra là người có văn hóa, chúng ta phải học ăn. Những bậc cha mẹ lúc kén con dâu thường xem xét rất kỹ về công, dung, ngôn, hạnh. Mà cụ thể là đường ăn nết ở, lời nói, dáng đi sao cho đoan trang, khéo léo. Tiếp đến là học nói sao cho có ý nghĩa rất lớn để con người tự hoàn thiện mình. Trong thực tế, vốn ngôn ngữ và cách sử dụng ngôn ngữ của từng người có khác nhau. Nó thể hiện trình độ tư duy và năng lực làm việc của mỗi người.

Sự thật cho thấy, con đường nhanh nhất gây được thiện cảm với người mà mình giao tiếp thì không gì tốt hơn là lời nói. Mà muốn đạt hiệu quả cao trong giao tiếp thì trước hết người nói phải hiểu điều mình muốn nói và nói sao cho người nghe hiểu được điều đó. Thiếu vốn từ, người nói sẽ gặp khó khăn khi diễn đạt. Muốn nói năng được trôi chảy và chính xác, chúng ta phải học cách nói. Trước hết là phải nắm chắc vốn từ mình đã có bằng cách phải nhớ được nghĩa của từ và cách sử dụng từ đó.

Khi nói, ta phải chọn từ cho thích hợp. Khi giao tiếp, ta không chỉ dùng từ, dùng câu mà còn dùng đến đoạn, có khi dùng cả văn bản để trao đổi ý tưởng với mọi người. Để giúp mọi người học nói được tốt, câu tục ngữ đã dùng hình ảnh học gói, học mở vừa cụ thể, vừa dễ hiểu. Muốn gói một món đồ, ta cần biết gói gì trước, gói gì sau, cũng như khi mở một món đồ, ta cần phải biết mở cái gì trước, mở cái gì sau. Vậy khi nói, ta cũng phải nên nghĩ xem nên nói điều gì trước, nói điều gì sau, luôn cân nhắc thận trọng, không nên bộp chộp, vội vàng. Một lời nói hợp cảnh, hợp tình sẽ làm cho mối quan hệ thêm tốt đẹp và việc làm thêm hiệu quả. Một lời nói hớ hênh, vô ý sẽ làm hỏng hết mọi dự định, dân gian thường gọi là “vạ miệng”. Chọn được những lời nói thích hợp chính là ta đã làm tốt việc lựa lời.

Mỗi người có một vố ngôn ngữ và cách diễn đạt khác nhau cho nên mới có người khéo nói, người vụng nói, người nói ngọt, người nói xẵng. Tuy nhiên, muốn có khả năng lựa lời thì chúng ta phải học nói. Trước hết là học ở những người thân trong gia đình, rồi học ở thầy cô giáo, bạn bè ở trường, ở lớp, học ở ngoài xã hội. Học cái hay cái đẹp trong cách dùng từ ngữ chính xác; trong cách đặt câu đúng ngữ pháp. Học lối diễn đạt giản dị, tự nhiên mà vẫn thể hiện được đầy đủ thông tin cần diễn đạt tới người nghe. Từ nói đúng, chúng ta cố gắng rèn luyện để có thể nói hay, tức là cách nói diễn cảm có sức thuyết phục đối với người nghe. Để diễn tả hiệu quả của cách nói này, tục ngữ có câu: “Nói ngọt lọt đến xương”. Ý nghĩa của từ ngọt ở đây chỉ sự nhẹ nhàng, khéo léo trong diễn đạt, chứ không phải sự cố tình làm ra vẻ ngọt ngào với mục đích xấu để huyễn hoặc, lừa dối người nghe. Một lời nói êm tai nhưng giả tạo không thể coi là một hành vi giao tiếp đúng đắn.

Xưa kia, ông cha chúng ta khẳng định lời nói thể hiện phẩm chất, trình độ của con người qua câu ca dao: “Người thanh tiếng nói cũng thanh/Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu”. Dân gian cũng nói: “Nhất thanh nhì sắc”, có nghĩa là con người ta đẹp trước hết ở giọng nói, còn nhan sắc được xếp ở sau. Trong ứng xử hàng ngày, nhân dân ta coi trọng lời chào hỏi: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, ngụ ý quý trọng tấm lòng hơn vật chất, mà tấm lòng trước hết được thể hiện qua lời chào hỏi.

Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, lời nói lại càng quan trọng. Hàng hóa tốt, cửa hàng đẹp, nhưng người bán không lịch sự, niềm nở, đon đả thì cũng không thu hút được người mua. Cộng đồng mới, xã hội mới càng đòi hỏi mỗi chúng ta phải biết cách nói năng lịch thiệp, tế nhị.

Muốn đạt được thành công trong cuộc sống, chúng ta phải không ngừng học hỏi để nâng cao vốn sống, vốn hiểu biết. Có như thế mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thời đại tiên tiến. Biết bao nhiêu điều phải học mà trong đó, học nói là điều quan trọng và cần thiết vì nó tạo thuận lợi cho chúng ta khi bước vào đời.

Bài văn mẫu số 5

Bằng kinh nghiệm sống của mình, người xưa đã đúc kết được câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” để khuyên bảo chúng ta học hỏi để sống sao cho lịch sự, tế nhị, biết cách đối nhân xử thế, thành thạo các việc.

Có rất nhiều thứ trong cuộc sống mà con người phải học. Việc ăn tưởng chừng như là việc dễ dàng nhất rồi, nhưng không, nó lại là cái mà con người nên học đầu tiên. Học cách ăn làm sao thể hiện được mình là người có văn hóa, có học thức. Ăn làm sao để phần “người” át đi phần “con” tồn tại trong mỗi chúng ta. Ăn không chỉ là một hành động để sinh tồn, mà nó còn là một khía cạnh giúp đối phương đánh giá được phẩm chất con người của ta. Bởi thế, ăn làm sao để mọi người không dị nghị, biết được mình là con người lịch sự.

“Học nói” cũng vô cùng quan trọng. Khi ta mới bắt đầu bi bô những chữ đầu tiên trong đời, bố mẹ ta đã dạy ta những từ hay, ý đẹp. Nhưng khi lớn lên rồi, ta chủ động được lời nói của mình, thì việc dùng từ sao cho lọt tai mọi người lại là vấn đề khác. Con đường nhanh nhất để gây được thiện cảm với người khác là lời ăn tiếng nói. Muốn đạt được hiệu quả cao trong giao tiếp, trước hết bản thân ta phải biết ta đang muốn nói gì, và dùng từ ngữ như thế nào để biểu đạt được nó. Muốn làm được điều đó, trước hết mỗi người phải có được vốn kiến thức đủ rộng, có vốn từ phong phú và phải biết sử dụng chúng hợp lý. Khi giao tiếp, cần phải biết được điều gì nên nói, điều gì không, luôn cân nhắc thận trọng trước khi nói chứ không nên bộp chộp, vội vàng.

“Học ăn học nói” được hiểu là học để biết cách ăn, biết cách nói thế nào cho lịch sự, cho văn minh, chúng ta ai cũng hiểu điều đó. Vậy còn “học gói, học mở”. Theo các cụ thời xưa, ở Hà Nội trước đây các gia đình giàu sang thường gói nước chấm vào lá chuối xanh đặt vào cái chén nhỏ để bày lên mâm. Lá chuối tươi thường giòn, dễ rách nên dễ bật tung khi mở. Phải thật khéo tay mới gói và mở được. Vì vậy biết gói và mở trong trường hợp này được coi là tiêu chuẩn của con người khéo tay, lịch thiệp. Và để biết gói nước chấm, biết mở chúng thì ai cũng cần phải học.

Ngày nay, khi xã hội càng phát triển, thì cách giao tiếp là một vũ khí quan trong trong mọi việc. Hàng hóa tốt, cửa hàng đẹp, những người bán lịch sự, niềm nở, đon đả thì mới có nhiều khách lui tới. Bởi thế, giao tiếp có một sức mạnh vô hình. Muốn đạt được thành công trong cuộc sống, trước hết chúng ta cần phải rèn giũa bản thân, không ngừng học hỏi, nâng cao hiểu biết thì mới nắm vững được thành công.

Câu tục ngữ là một lời nhắc nhở kín đáo, giúp chúng ta hoàn thiện bản thân hơn để tiến tới làm việc, học tập thật tốt trong môi trường hiện đại. Mỗi người hãy ghi nhớ lời răn dạy để tiếp tục hoàn thiện bản thân.

Bài văn mẫu số 6

Học tập là một quá trình. Trong cuộc sống, con người cần phải “Học ăn, học nói, học gói, học mở” để hoàn thiện bản thân trở nên ngày một tốt đẹp hơn.

Câu nói có ý khuyên nhủ con người hãy cư xử nói năng cho thấu tình đạt lý. Trong cuộc sống giao tiếp hàng ngày, con người thường xuyên phải sử dụng ngôn ngữ để thể hiện ý kiến, thái độ sống của mình. Nếu chúng ta không biết lựa chọn ngôn ngữ thích hợp với ngữ cảnh thì sẽ làm người đối diện tỏ vẻ khó chịu, gây mất thiện cảm. Thái độ cư xử, ngôn ngữ cử chỉ sẽ nói lên trình độ văn hóa, phong cách sống của một con người và cho chúng ta một cái nhìn tổng quan nhất về con người đó. Một người ăn nói dịu dàng, nho nhã sẽ gây được thiện cảm hơn với người thường xuyên nói tục chửi bậy, gây phản cảm với người xung quanh.

Con người cần phải học hỏi, từ những việc đơn giản nhất, như việc ăn uống. Cần phải ăn uống từ tốn, lịch sử biết. Trước khi ăn cần phải mời người lớn, khi ăn phải chậm rãi. “Ăn thì phải nhai, nói phải nghĩ” thể hiện việc ăn cũng không đơn giản phải nhai thật kỹ không sẽ mắc nghẹn. Còn lời nói thì phải nghĩ kỹ không sẽ làm người khác khó chịu, về thái độ cư xử không đúng của mình.

“Học gói, học mở” thể hiện sự quan trong trong giao tiếp dù tặng quà hay nhận quà chúng ta cũng phải thể hiện thái độ trân trọng thành kính, không phải muốn làm gì thì làm theo ý của chúng ta. Câu nói này thể hiện việc cần phải học tất cả mọi thứ trong cuộc sống từ những cái dễ nhất, tới cái khó hơn…

Trong hoàn cảnh nào thì câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” đều đúng trên mọi phương diện. Nó là tình cảm là lời nhắn nhủ của ông cha ta tới con cháu của mình, làm gì cũng cần nhìn trước ngó sau, cần học tập để có thể ứng xử cho đúng mực.

Bài văn mẫu số 7

Lê-nin đã từng nói: “Học, học nữa, học mãi”. Học là quá trình liên tục không ngừng nghỉ. Cũng như xây dựng một ngôi nhà, cần có một nền móng vững chắc thì ngôi nhà mới vững vàng được. Từ khi sinh ra, chúng ta bắt đầu học, học những điều nhỏ nhất. Bởi thế ông bà ta đã có câu :” Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Trước hết chúng ta cần hiểu ý nghĩa của câu nói. “Học ăn” là là gì? Là học cách ăn uống. Ăn uống là vấn đề thuộc về văn hoá ẩm thực của mỗi dân tộc, vùng miền. Mỗi dân tộc, vùng miền sẽ có những yêu cầu, những bản sắc riêng. “Học ăn” có thể hiểu là học lấy cái nét văn hoá của quê hương, dân tộc mình. Ví như ở nước ta, “Ăn trông nồi ,ngồi trông hướng” là lịch sự, đúng lề thói đạo đức Á Đông. Khi hầu hết mọi người đều nghĩ rằng ăn uống là bản năng.. Nhưng thực chất nó là một nét văn hoá thể hiện sự văn minh, lịch sự trong sinh hoạt nói riêng và trong đời sống nói chung. Chúng ta phải biết học cách ăn uống làm sao để mọi người không chê cười. Qua cách ăn uống thể hiện lối sống có phép tắc, tính cách và sự hiểu biết, văn minh của mỗi con người. Thậm chí ở nhiều đất nước phát triển, chất lượng cuộc sống tốt, ăn uống còn trở thành một nghệ thuật. Ở những nước phương Tây vẫn có những lớp học cách ăn uống, phong thái cho từng độ tuổi ở từng tầng lớp xã hội và công việc khác nhau. Gần đây, ở một số những trường phổ thông của nước ta cũng có những khóa học đào tạo nữ công, hướng dẫn học sinh cách bày bàn ăn, cách cư xử trong bữa ăn… Hay từ nhỏ chúng ta luôn được bố mẹ, ông bà nhắc nhở khi ăn không được cười đùa, nói chuyện, phải ngồi thẳng lưng, không cúi mặt… Tất cả tạo nên văn minh, lịch sự trong sinh hoạt ăn uống.

Một trong những điều mà mỗi con người khi được sinh ra cần phải học không gì khác chính là “học nói”. Khi còn nhỏ, chúng ta tập nói bi bô, tập gọi bà, gọi mẹ, tập cách đánh vần, phát âm, cách đặt câu, dùng từ để nói lên những mong cầu hay thể hiện ý kiến cá nhân. Lớn hơn một chút, chúng ta phải học cách nói văn minh, lịch sự và giàu tính thuyết phục. Học nói trước hết là học nói năng lịch sự, lễ phép, gọi dạ bảo vâng. Cao hơn là học để trở thành người biết ăn nói.

“Lời nói gió bay”. Một lời nói ra là một lời không thể rút lại. Bởi vậy mỗi người phải “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” . Biết nói những điều dễ nghe, không mất lòng người đối diện sẽ tạo nên một thiện cảm tốt. Chẳng hạn như trong môi trường học tập và làm việc. Một người khéo ăn khéo nói sẽ được lòng bạn bè, đồng nghiệp và thầy cô, được mọi người yêu mến. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là nói những lời giả dối, nịnh hót không thật lòng. Một con người khôn khéo là con người biết nói ra sự thật nhưng cũng biết ăn nói, khéo léo trong giao tiếp.

Bên cạnh đó, mỗi con người còn cần “học gói” và “học mở”. Học gói học mở có thể học cách sống có nề nếp, ngăn nắp, có thẩm mỹ… Nhưng cũng có thể là học cách gói ghém tri thức, gói ghém vốn sống, những gì đã học được và học cách để vận dụng mỗi khi cần thiết. Song cũng có thể là học cách cư xử” xấu che tốt khoe” trong cuộc sống hằng ngày.

Tóm lại, có thể thấy câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” là bài học rất thiết thực đối với mỗi con người trong cuộc sống. Cuộc sống càng phát triển thì sự văn minh, lịch sự và phong thái của con người càng được yêu cầu cao, đôi khi nó cũng là thước đo cho giá trị đạo đức của mọi người. Mỗi chúng ta phải biết răn mình và rèn luyện từ nhỏ để trở thành một người đáng trọng trong xã hội.

Bài văn mẫu số 8

“Học ăn, học nói, học gói, học mở” là câu tục ngữ này thường được dùng với nghĩa khuyên bảo nhau học hỏi để sống sao cho lịch sự, tế nhị, biết cách đối nhân xử thế, thành thạo các việc.

“Học ăn, học nói” được hiểu là học để biết cách ăn, biết cách nói thế nào cho lịch sự, cho văn minh, chúng ta ai cũng hiểu điều đó. Còn “học gói, học mở” là học cách kỹ năng ứng xử trong cuộc sống.

Trong giao tiếp hàng ngày, bên cạnh cách nói đầy đủ này, người ta thường sử dụng câu thành ngữ này dưới dạng rút gọn: Học ăn học nói cũng nhằm diễn đạt ý trên. Từ lâu, lời nói luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Vì thế mà trong kho tàng thành ngữ tục ngữ ở tất cả các nước đều có các lời khuyên về lời nói. Người Pháp có câu: Hãy uốn lưỡi bảy lần khi nói; Lời nói như lá cây, cây nào có nhiều lá thì ít quả… Người Trung Quốc có câu: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (Một lời nói ra khỏi miệng thì xe bốn ngựa cũng không đuổi kịp).

Ông cha ta cũng có rất nhiều thành ngữ và tục ngữ khuyên răn về chuyện nói năng: “Ăn bớt bát, nói bớt lời; Rượu lạt uống lắm cũng say/Lời khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm; Vạ tay không bằng vạ miệng; Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.

“Ăn, nói” ở đây chỉ về cách ứng xử, người giỏi giao tiếp cũng còn gọi là người biết cách ăn nói. “Gói” là giữ kín, không phải chuyện gì cũng tiết lộ được, không phải lúc nào cũng phải tỏ rõ thái độ. “Mở” là bày tỏ, có những chuyện cần phải nói, có những ý kiến cần phải biết cách trình bày để bắc được nhịp cầu thông cảm. “Học ăn” để con người biết lễ phép trong ăn uống, biết ăn trông nồi ngồi trông hướng và ăn sao đảm bảo được sức khỏe của bản thân. “Học nói” để thể hiện mình, giữ mối quan hệ xã hội, một phần giúp ích cho cuộc sống tương lai. “Học gói” để biết tóm gọn các lĩnh vực, phân chia phạm vi, biết tập trung vào chí hướng của mình. “Học mở” để giải quyết được những khúc mắc của bản thân từ đó tìm được ý nghĩ của cuộc sống.

Cái “học” này bắt đầu ngay từ trong gia đình và do gia đình là chính, nhà trường không có dạy môn học không giáo trình này.Đây mới thực sự là giáo dục, nhà trường chỉ chú trọng công tác đào tạo thôi.

Người xưa muốn nhắn nhủ những việc như ăn nói gói mở tuy đơn giản chúng ta cũng cần phải học huống hồ là những việc lớn chúng ta lại càng cần phải học. Mỗi hành vi của con người ta đều là sự tự giới thiệu mình với người khác và đều được người khác đánh giá. Vì vậy, con người phải học để mọi hành vi, ứng xử điều chứng tỏ mình là người lịch sự tế nhị, thành thạo công việc, biết đối nhân xử thế, tức là con người có văn hóa có nhân cách.

Học cả người lớn và người bé, người già người trẻ, học trong mọi lúc mọi chỗ mọi nơi, tất tần tật chỗ nào mình cũng phải cho là mình còn thiếu kém về sở học. Các cụ nói rằn: “Đi đất khách quê người,đứa bé lên mười cũng gọi bằng anh”.

Vì vậy, qua câu tục ngữ này, người xưa một lần nữa khuyên nhủ con cháu hãy sống sao cho thật ý nghĩa, biết trên, biết dưới. Luôn luôn học hỏi mọi lúc, mọi nơi giống như Lê Nin từng nói “học, học nữa, học mãi”.

Bài văn mẫu số 9

Dân gian xưa đã để lại cho đời sau những câu nói thật hay, thật đẹp: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Đây là lời răn dạy của cha mẹ đối với con cái trong gia đình, dòng tộc.

Ăn thế nào cho có văn hoá? Nói thế nào cho lễ phép, lịch thiệp? Gói, mở thế nào cho nó đẹp về hình thức, có ý nghĩa về nội dung? Đó chính là vấn đề nề nếp gia phong của gia đình, dòng tộc, có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Nói một cách khác là con người phải có hiểu biết, có văn hoá, có nhận thức thì giải quyết vấn đề “Học ăn, học nói, học gói, học mở” sẽ có hiệu quả vì nó là một vấn đề rất tế nhị của đời sống xã hội. Cuộc sống rất phong phú, cái gì muốn biết ta cũng phải học, từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó, từ không biết đến biết... đó chính là kinh nghiệm sống của dân gian truyền lại cho con cháu, một bài học mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ví dụ: Khi ta đóng một cái đinh lên tường để treo một cái ảnh, tuy đơn giản, song cũng phải học đóng cho thẳng thì ảnh treo mới cân và đẹp.

Vậy thế nào là “học”? Học là học hỏi, tìm tòi sáng tạo để mang về cho mình những kiến thức cần thiết của đời sống xã hội. Còn “học ăn” là thế nào? là vấn đề thuộc phạm trù văn hoá ẩm thực, mà người xưa đã dạy: “Ăn trông nồi...”. Học ăn là thể hiện nét văn hoá đẹp, khi ngồi trong mâm cơm có đầy đủ mọi người như: ông bà, cha mẹ, anh chị, khách... ta phải ăn thế nào để mọi người khỏi chê cười là người “tham ăn, tục uống”, tránh ăn theo kiểu thô tục - ăn hùng hục, ăn lấy được, chọn miếng ngon ăn trước, không để ý những người xung quanh, trên còn có ông bà, sau đến cha mẹ, khách khứa... đó chính là nghệ thuật mang nét văn hoá, văn minh, lịch sự trong sinh hoạt ẩm thực, nó còn thể hiện lối sống có phép tắc, tư cách đạo đức của con người hiểu biết hay không. Trong cuộc sống, ta giao tiếp với nhiều lớp người khác nhau: công nhân, thầy cô giáo, trí thức, thứ bộ trưởng...

Vì thế ta nên sử dụng ngôn ngữ sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh, từng đối tượng, từng con người cụ thể. Muốn vậy ta phải “Học nói”. Vậy thế nào là học nói? Từ xa xưa cha ông ta đã nói: “Dạy con từ thuở còn thơ...” Dạy con phải dạy từ nhỏ, biết cách nói năng với bố mẹ cho lễ phép, câu nói phải có chủ ngữ, kính trên nhường dưới. Mặt khác, bố mẹ uốn nắn cho con những cái sai, dạy cho con những điều hay lẽ phải,nghĩa là dạy cho con đạo lý làm người. Người vợ khi mới về nhà chồng còn “lạ nước, lạ cái”, tiếp xúc với chồng hoặc cha mẹ chồng phải nói năng cẩn thận để khỏi mất lòng, cân nhắc từng lời ăn tiếng nói, để tránh những điều tiếng trong cuộc sống hàng ngày. Học nói là một nghệ thuật trong giao tiếp sao cho khéo léo, được lòng mọi người, thể hiện mình là người có văn hoá, có tri thức (vốn sống, vốn hiểu biết). Bên cạnh vấn đề học nói là học gói, học mở. Gói như thế nào cho thích mắt mọi người, cho đẹp không phải là chuyện dễ dàng (vấn đề thẩm mỹ). Vì thực tế cho thấy có những người rất khéo tay, ta quen gọi là “bàn tay vàng”, nhưng lại có những người rất vụng về.

Bởi vậy học gói, học mở tuy đơn giản song đòi hỏi con người phải học tập, quan sát, khéo léo, có con mắt nghệ thuật mới tạo ra được những sản phẩm đẹp, ưng ý mọi người. Vấn đề ở đây không phải là học gói, học mở mà là ý nghĩa chung của công việc hàng ngày, phải ngăn nắp, cẩn thận, chu đáo, sắp xếp đâu ra đấy, có nề nếp, có khuôn phép trong gia đình. Mở rộng ra với xã hội là luật lệ, quy định ta phải tuân theo kiểu như “Sống, làm việc theo pháp luật”.

Câu nói của dân gian có tác dụng răn dạy, giáo dục con người rất hay trong cuộc sống, muốn làm tốt, thành công một việc gì đều phải học hỏi. Đó là bài học quý báu của cha ông để lại cho chúng ta những điều hay lẽ phải, muốn đạt kết quả cao phải học tập, rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng bản thân

Bài văn mẫu số 10

Trong cuộc sống của con người để trở thành một con người hoàn thiện, ngoài việc học tập tri thức ở nhà trường và sách vở, chúng ta còn có rất nhiều việc để học như “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Vậy trước tiên phải hiểu được thế nào là “Học ăn, học nói, học gói, học mở”? “Học ăn” là học cách ăn uống từ tốn lịch sự; “học nói” là nói năng lễ phép, thưa gửi đàng hoàng và đặc biệt là không được chêm lời hay cướp lời còn “học gói, học mở” là học sự khéo léo trong động tác, trong công việc. Vậy tại sao mình lại phải học những thứ tưởng chừng như bản năng của con người trong khi có quá nhiều thứ cần phải học. Bởi đánh giá một ai đó không chỉ dựa vào kiến thức, vẻ đẹp về hình thể mà còn dựa vào cách bạn ăn uống, cách bạn nói chuyện, cách bạn xử lý công việc có thật sự là ổn thỏa hay chưa.

Mọi người thường nghĩ việc ăn đơn giản là cung cấp năng lượng cho bản thân nhưng trên thực tế thì không phải như vậy. Việc ăn uống một cách bừa bài, không có chế độ ăn uống khoa học có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như tiến độ làm việc của họ. Đặc biệt nó còn phần nào thể hiện tính cách cũng như trình độ văn hóa của bạn. Nếu như bạn thấy ai vừa ăn vừa nói sẽ gây khó chịu đối với những người xung quanh hay với những người ham ăn không hiểu đạo lí “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, người khác sẽ đánh giá bạn là người không biết tiết chế bản thân.

Việc học nói cũng như vậy, có những lời nói có thể làm cho người nghe cảm thấy ấm lòng . Cũng có những lời nói vu vơ, tưởng chừng đơn giản nhưng đã vô tình làm tổn thương đến người khác. Lời nói là thứ mà bản thân mình có thể kiểm soát và điều khiển nó một cách dễ dàng vậy vội gì trước khi nói ra không uốn lưỡi bảy lần để xem rằng những lời mà mình định nói sắp tới đây có ảnh hưởng đến bản thân hay bất kì ai hay không. Lời nói như chiếc dao hai lưỡi, nó có thể giúp bản thân, giúp người khác nhưng đôi khi có thể sẽ trở thành tai họa vô cùng to lớn. Mỗi lời bạn nói ra không phải với bất kì ai cũng vậy.Với bạn bè có thể là sự vô tư, phóng khoáng; với gia đình có thể là sự lễ phép, là những lời bộc bạch nội tâm nhưng trong công việc luôn luôn phải nghiêm túc và đứng đắn. Lời ăn tiếng nói thể hiện được thái độ, trình độ văn hóa, nó không chỉ phản ánh riêng bản thân bạn mà còn phản ánh những người xung quanh bạn bởi: “Mưu tầm mưu, mã tầm mã”. Có thể với bạn nó không hẳn là như vậy nhưng với người khác bạn chính là người không được dạy dỗ về cách ăn nói , cách ứng xử. Ăn nói lễ phép được mọi người quý mến, ăn nói lịch sự được mọi người kính nể, ăn nói thật thà được mọi người tin tưởng.

Ngoài việc học ăn, học nói ra con người ta còn phải học gói, học mở túc là học cách ứng xử sao cho vẹn cả đôi đường. Trong xã hội hiện nay đòi hỏi cần phải có những người chủ động, phải biết đối phó tất cả những tình huống có thể xảy ra. Ngay trong tất cả các cuộc thi nhan sắc, không chỉ chiến thắng về vẻ đẹp hình thể mà còn phải trả lời thật tốt những câu ứng xử thật tốt về những vấn đề trong xã hội hiện nay. Thử hỏi nếu như không có nền tảng kiến thức thật tốt, không được học cách ứng xử thì sao có thể trả lời được. Cũng có rất nhiều nghệ sĩ vì không có cách ứng xử đúng mực nên đã bị cư dân mạng chỉ trích, khiến cho sự nghiệp khó có thể thăng tiến như trước. Suy cho cùng việc học ăn, học nói, học gói, học mở là cách để chúng ta có thể rèn luyện bản thân trở thành những con người hoàn hảo trong xã hội.

Hiện nay khi xã hội ngày càng phát triển, chúng ta có một cuộc sống hiện đại, thoải mái tuy nhiên chính vì có cuộc sống vô lo, vô nghĩ vì bản thân lúc nào cũng được chiều chuộng mà đã khiến một số bạn trẻ có xu hướng không để ý đến những người xung quanh, chỉ sống riêng cho bản thân mình, căn bản không biết ứng xử, ăn nói với mọi người sao cho đúng mực.

Như vậy, câu tục ngữ: “Học ăn, học nói, học gói, học mở ” là lời khuyên răn chúng ta về cách sống . Thực hiện tốt lời khuyên trong câu tục ngữ chúng ta sẽ ngày càng sống tốt hơn đẹp hơn và trở thành con người hoàn thiện hơn.

Bài văn mẫu số 11

Trong cuộc sống của con người, từ khi sinh ra đến khi khôn lớn, chúng ta không ngừng phải học hỏi và tích lũy kiến thức về mọi mặt. Nói về việc cần thiết phải học được cách ứng xử trong cuộc sống, tục ngữ ta có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Đầu tiên, ý nghĩa của câu tục ngữ là lời khuyên nhủ con người cần phải biết học cách ăn uống cho thanh lịch, học cách nói năng cho nhã nhặn và học cách ứng xử cho khôn khéo, đúng mực.

Trước hết con người cần phải “học ăn”. Con người cần học cách ăn uống lịch sự, thanh lịch. Bởi việc ăn uống, người ta cũng thể hiện trình độ văn hóa của mình. Ăn uống lịch sự, văn minh sẽ tạo ra cảm tình cho người khác. Đồng thời giúp hình thành nếp sống đẹp trong gia đình và ngoài xã hội. Ông cha ta từng dạy con cháu phải biết “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.

Tiếp đến, chúng ta cũng cần học cách nói năng nhã nhặn. Trong cuộc sống hàng ngày, sử dụng ngôn ngữ là hình thức giao tiếp quan trọng nhất của con người. Chính vì vậy, người ta cần học cách nói năng sao cho khéo léo, để có thể xây dựng được những mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh và gặt hái được thành công trong cuộc sống. Lời khuyên quý giá vẫn còn nguyên giá trị:

“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

Cuối cùng là cần biết ứng xử khéo léo “học gói” và “học mở”. Hai hành động “gói” và “mở” cần phải đúng lúc, đúng chỗ. Cuộc sống rất phong phú, con người sẽ phải giải quyết nhiều tình huống phức tạp, đòi hỏi phải biết sắp xếp, biết khéo léo thì mới có được kết quả như ý muốn. Có những lúc phải biết khép sự việc lại cho gọn, cũng có lúc phải biết gợi mở vấn đề ra để xem xét.

Đối với một học sinh, học tập chính là nhiệm vụ quan trọng nhất. Bởi vậy mà chúng ta cần học tập mọi thứ để hoàn thiện bản thân mình. Nhờ đó mà bản thân chúng ta sẽ ngày một tốt đẹp hơn.

Như vậy, câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở” là hoàn toàn đúng đắn. Đây là lời khuyên quý giá mà mỗi người cần ghi nhớ để có thể trở nên tốt hơn.

Bài văn mẫu số 12

Có ai đó đã từng nói rằng: “Cái ta biết chỉ là giọt nước. Cái ta chưa biết là cả một đại dương mênh mông”. Học tập đóng một vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người. Bởi vậy mà chúng ta cần phải “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Việc học là sự thu nhận kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức. Câu trên đã sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ, từ “học” được nhắc lại bốn lần, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học. Cùng với đó là việc kết hợp với các động từ “ăn, nói, gói, mở” - những hành động được dùng phổ biến trong đời sống hàng ngày. Tóm lại, đây là lời khuyên cho con người, chúng ta cần phải biết học cách ăn uống cho thanh lịch, học cách nói năng cho nhã nhặn và học cách ứng xử cho khôn khéo, đúng mực.

Con người khi sinh ra, cần phải học hỏi mới có thể tăng thêm vốn hiểu biết. Việc đầu tiên cần phải học có lẽ chính là “học ăn”. Việc học ăn tưởng chừng như dễ nhất, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Cách ăn uống phần nào thể hiện được phẩm chất của con người. Bởi vậy mà bố mẹ thường thường dạy con cái cách ăn uống như thế nào cho văn minh, lịch sự. Ăn uống một cách từ tốn, chậm rãi và ý tứ sẽ thể hiện tính cách, lối sống của chúng ta.

Tiếp đến, cuộc sống giữa con người với con người phải cần đến sự giao tiếp. Chính vì vậy mà việc học nói cũng vô cùng quan trọng. Nếu muốn đạt được hiệu quả cao trong giao tiếp thì trước hết cần phải làm cho đối phương hiểu được mình muốn truyền đạt điều gì. Chính vì vậy, cần phải học cách nói. Điều đó được thể hiện qua việc coi trọng lời chào. Bởi nó mang được những thông điệp tuyệt vời để tạo thiện cảm cho những người đối diện. Việt Nam là một dân tộc coi trọng lễ nghĩa. Trong nguyên tắc ứng xử truyền thống, người Việt lấy lễ nghi làm trọng, xem thường vật chất. Trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện, con người phải biết chào nhau để thể hiện điều thành kính ấy. Dù trải qua bao lâu, có lẽ bài học về “lời chào” khi xưa thì vẫn luôn tồn tại mãi, là mực thước để giáo dục con người trong mỗi gia đình và nhà trường, xã hội, đặc biệt với thế hệ trẻ.

Cuối cùng là “học gói, học mở”. Khi muốn gói một món đồ, ta cần biết sắp xếp các thứ tự đồ cần gói. Hay khi mở một món đồ, ta cần phải biết mở cái gì trước, mở cái gì sau. Chính vì vậy mà trong cuộc sống, chúng ta cần phải có những kỹ năng sống. Ví dụ như trong công việc, bạn có chuyên môn giỏi thôi chưa đủ. Bạn cần phải có được những kỹ năng mềm mới có thể đạt được hiệu quả tối ưu. Một người lãnh đạo tài ba cần có những kỹ năng gì? Khi làm việc nhóm, con người cần có kỹ năng như thế nào? Đó không phải là những vấn đề mà kiến thức nền tảng có thể giải quyết giúp chúng ta mà cần phải học hỏi và rèn luyện những kỹ năng ấy mới có được. Chắc hẳn, chúng ta từng nghe đến một cái tên vô cùng quen thuộc TS. Lê Thẩm Dương . Ông không chỉ là một Giảng viên xuất sắc của Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân Hàng TP. HCM mà còn được biết đến với một thương hiệu là một diễn giả chuyên nghiệp, một chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực đào tạo, hoạt động thực tiễn… Để có được thành công như vậy, TS. Lê Thẩm Dương đã phải cố gắng trau dồi vốn hiểu biết của bản thân cũng như rèn luyện kỹ năng mềm.

Đối với một học sinh, câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở” chính là một lời khuyên rất quý giá. Tóm lại, mỗi người hãy ghi nhớ nó để có thể hoàn thiện bản thân ngày một tốt đẹp hơn.

Bài văn mẫu số 13

Trong cuộc sống, con người luôn phải học hỏi không ngừng. Bởi vậy mà ông cha ta mới có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” - là lời khuyên quý giá dành cho con người.

Câu tục ngữ là lời khuyên nhủ con người cần phải biết học cách ăn uống cho thanh lịch, học cách nói năng cho nhã nhặn và học cách ứng xử cho khôn khéo, đúng mực.

Việc ăn uống cũng thể hiện trình độ văn hóa của một người. Ăn uống lịch sự, văn minh sẽ gây được những ấn tượng tốt đẹp dành cho người khác. Đồng thời giúp hình thành nếp sống đẹp trong gia đình và ngoài xã hội. Bởi vậy mà trong cuộc sống hàng ngày, một đứa trẻ luôn được cha mẹ dạy dỗ cách ăn uống sao cho lịch sự. Tiếp đến, con người cũng cần phải học cách giao tiếp, nói chuyện sao cho nhã nhặn, phù hợp. Trong cuộc sống, con người cần phải giao tiếp với nhau. Chính vì vậy, chúng ta cần học cách nói năng sao cho khéo léo, để có thể xây dựng được những mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh và gặt hái được thành công trong cuộc sống. Có rất nhiều tấm gương tiêu biểu, họ là những nhà diễn giả nổi tiếng. Chắc hẳn không ai là không biết đến cựu tổng thống B.Obama của nước Mỹ. Tài năng hùng biện đã hỗ trợ đắc lực cho ông thành công trong lĩnh vực chính trị. Cuối cùng, con người cần biết ứng xử khéo léo, “gói” và “mở” đúng lúc, đúng chỗ. Khi bước vào cuộc sống, con người sẽ phải giải quyết nhiều tình huống phức tạp, đòi hỏi phải biết sắp xếp, biết khéo léo thì mới có được kết quả như ý muốn. Có những lúc phải biết khép sự việc lại cho gọn, cũng có lúc phải biết gợi mở vấn đề ra để xem xét. Dù ứng xử theo cách nào, thì chúng ta vẫn cần phải chú trọng đến việc giữ gìn những nét bản sắc văn hóa của dân tộc.

Như vậy, câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” là lời khuyên đúng đắn. Mỗi người hãy coi đây là định hướng để hoàn thiện bản thân ngày một tốt đẹp hơn.

Bài văn mẫu số 14

Tục ngữ được đúc kết từ kinh nghiệm của ông cha ta. Câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” đã trở thành lời khuyên quý giá cho con người trong cuộc sống.

Trong câu tục ngữ trên, từ “học” được nhắc lại đến bốn lần kết hợp với các động từ chỉ hành động thường làm của con người “ăn, nói, gói, mở”. Từ đó, ông cha ta muốn khuyên nhủ con cháu biết học cách ăn uống cho thanh lịch, học cách nói năng cho nhã nhặn và học cách ứng xử cho khôn khéo, đúng mực. Học tập là một quá trình không ngừng nghỉ. Con người dù ở bất cứ lứa tuổi nào cũng cần phải học hỏi. Chúng ta không chỉ học kiến thức trong sách vở, mà còn cần học những kĩ năng sống.

Đầu tiên, cách ăn uống thể hiện trình độ văn hóa của một người. Ăn uống sao cho từ tốn, nhẹ nhàng và thanh lịch sẽ tạo được thiện cảm đối với những người xung quanh. Không chỉ cách ăn uống mà còn là cách nói năng. Bởi giao tiếp là một điều không thể thiếu trong cuộc sống. Hàng ngày, chúng ta thường trò chuyện với nhiều người: người thân, thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè… Những đối tượng khác nhau, thì cách xưng hô, vai vế hay nội dung cuộc trò chuyện cũng khác nhau. Dù vậy thì điểm chung là chúng ta vẫn cần giao tiếp lịch sự, nhã nhặn. Những lời chào hỏi, cảm ơn hay xin lỗi là điều tối thiểu mà mỗi người cần sử dụng. Những câu tục ngữ như “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “Lời nói gói vàng” đều thể hiện được tầm quan trọng của cách ăn nói trong cuộc sống. Cuối cùng là “học gói, học mở” chính là cách ứng xử khéo léo. Trong từng trường hợp mà có cách cư xử sao cho hợp lý. Đồng thời cũng phải giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ví dụ như đạo lí sống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, hay tấm lòng yêu quê hương đất nước…

Hiếm có một vị nguyên thủ quốc gia nào giống như Bác Hồ. Người có một lối sống vô cùng giản dị mà thanh cao. Trong cách ăn uống, nói chuyện cũng như ứng xử với mọi người. Bữa cơm chỉ có vài ba món rất giản đơn, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hột cơm, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất. Trong giao tiếp với mọi người, Bác luôn tùy vào từng đối tượng để lựa chọn ngôn từ cho phù hợp. Trong quan hệ với mọi người, Bác cũng sống vô cùng giản dị. Xung quanh đều có rất ít người giúp việc. Những công việc có thể tự làm, Bác không để ai phải giúp đỡ. Đối với nhân dân, Bác luôn quan tâm và yêu quý như người thân trong gia đình. Có thể kể đến những việc đi thăm nhà tập thể công nhân, viết thư cho một đồng chí hay nói chuyện với các cháu miền Nam hoặc đi thăm và tặng quà cho các cụ già mỗi khi Tết đến…

Đối với một học sinh, câu tục ngữ trên chính là lời khuyên đúng đắn. Chúng ta cần phải học cách ăn uống, nói năng, ứng xử - những kĩ năng này sẽ trở thành hành trang cần thiết trong cuộc sống tương lai.

Tóm lại, câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” đã đưa ra lời khuyên đúng đắn cho con người. Khi chúng ta ghi nhớ điều đó, thì mới có thể hoàn thiện bản thân ngày càng tốt đẹp hơn.

Bài văn mẫu số 15

Trong cuộc sống, con người luôn phải học hỏi. Từ chuyện ăn nói, đến ứng xử. Bởi vậy mà ông cha ta có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” gửi gắm lời khuyên quý giá cho con người trong cuộc sống.

Câu tục ngữ sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ. Từ “học” được nhắc lại đến bốn lần kết hợp với các động từ chỉ hành động thường làm của con người “ăn, nói, gói, mở”. Qua đó, lời khuyên nhủ được gửi gắm là cần biết cách ăn uống cho thanh lịch, nói năng cho lịch sự và học cách ứng xử cho khôn khéo, đúng mực. Đó là những kĩ năng cần thiết đối với mỗi người.

Đầu tiên là học ăn. Việc ăn uống sao cho từ tốn, thanh lịch cũng cần phải học. Chúng ta cần tránh ăn uống vội vàng, hấp tấp. Bởi trước hết sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, sau đó là để lại ấn tượng xấu với mọi người xung quanh. Cách ăn uống thanh lịch sẽ tạo được ấn tượng tốt đẹp với mọi người xung quanh.

Tiếp đến là học nói. Không thể phủ nhận rằng, giữa con người cần có sự giao tiếp. Nói năng sao cho lịch sự, phù hợp với từng đối tượng cũng sẽ giúp ích cho cuộc sống của mỗi người. Bởi vậy mà rất nhiều câu tục ngữ đã đề cao vai trò của lời nói: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “Lời nói gói vàng”. Từng đối tượng giao tiếp khác nhau sẽ có cách xưng hô, ngôn ngữ sử dụng hay nội dung trò chuyện khác nhau. Không thể phủ nhận những người có tài giao tiếp sẽ rất thành công. Những diễn giả nổi tiếng có tài hùng biện như Brian Tracy, Nick Vujicic, Tony Robbins… đều có tầm ảnh hưởng nhất định đến xã hội.

Và cuối cùng là “học gói, học mở” chính là học cách ứng xử. Chúng ta cần phải biết ứng xử khéo léo. “Gói” hay “mở” đúng lúc, đúng chỗ để tránh làm mất lòng mọi người. Điều đó phụ thuộc vào việc rèn luyện các kĩ năng mềm của mỗi người. Với một học sinh, câu tục ngữ trên chính là lời khuyên giá trị để hoàn thiện bản thân ngày càng tốt đẹp hơn. Khi nhận được sự giúp đỡ của người khác, cần bày tỏ thái độ biết ơn. Khi mắc phải lỗi lầm, cần phải biết hối lỗi, sửa sai. Chúng ta sống trong một tập thể cần giúp đỡ, đoàn kết…

Như vậy, câu tục ngữ là một lời khuyên đúng đắn. Mỗi người chỉ có học hỏi không ngừng mới đạt được những điều mà bản thân mong muốn.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Hy
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm