Đề cương ôn thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 năm 2024 - 2025 Ôn tập cuối kì 1 Ngữ văn 9 sách Cánh diều, KNTT, CTST

Đề cương ôn tập học kì 1 môn Ngữ văn 9 hệ thống kiến thức cần nắm và đề minh họa. Đây là những dạng bài trọng tâm sẽ xuất hiện trong đề thi cuối học kì 1 Ngữ văn 9.

Đề cương ôn tập Ngữ văn 9 học kì 1 gồm 3 sách Cánh diều, Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức được biên soạn rất chi tiết bám sát chương trình học trong sách giáo khoa. Hi vọng qua tài liệu này các em có thêm nhiều tài liệu ôn luyện, làm quen với các dạng bài tập trọng tâm để đạt kết quả cao trong bài thi sắp. Ngoài ra các bạn xem thêm đề cương ôn tập học kì 1 môn Tiếng Anh 9.

Đề cương cuối học kì 1 Ngữ văn 9 năm 2024 - 2025

Đề cương ôn tập cuối kì 1 Văn 9 Kết nối tri thức

TRƯỜNG THCS…………

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC I

NĂM HỌC 2024-2025

MÔN: NGỮ VĂN 9

I. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

1. Thơ và thơ song thất lục bát

* Nhận biết:

- Nhận biết được một số yếu tố về luật của thơ và thơ song thất lục bát như: vần, nhịp, số chữ, số dòng trong một khổ thơ.

- Nhận biết được nét độc đáo về hình thức của bài thơ thể hiện qua bố cục, kết cấu, ngôn ngữ, biện pháp tu từ.

* Thông hiểu:

- Phân tích được mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của văn bản.

- Phân tích được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản.

- Phân tích được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của tác giả thể hiện qua văn bản.

- Lí giải được nét độc đáo về hình thức của bài thơ thể hiện qua bố cục, kết cấu, ngôn ngữ, biện pháp tu từ.

* Vận dụng:

- Nêu được những thay đổi trong suy nghĩ, tình cảm, lối sống và cách thưởng thức, đánh giá của cá nhân do văn bản mang lại.

- Vận dụng được một số hiểu biết về lịch sử văn học Việt Nam để đọc hiểu văn bản

- Phân biệt được sự khác nhau giữa thơ song thất lục bát với thơ lục bát.

2. Truyện thơ Nôm

* Nhận biết:

- Nhận biết được một số yếu tố của truyện thơ Nôm như: cốt truyện, nhân vật, lời thoại.

- Nhận biết được sự kết hợp giữa những yếu tố quy phạm của văn học trung đại và yếu tố bình dân trong truyện thơ.

* Thông hiểu:

- Nêu được nội dung bao quát của văn bản.

- Phân tích được mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của truyện thơ.

- Phân tích được một số yếu tố của truyện thơ Nôm như: cốt truyện, nhân vật, lời thoại, nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật trong truyện thơ.

- Phân tích, lí giải được chủ đề, tư tưởng, thông điệp của truyện thơ.

* Vận dụng:.

- Rút ra được bài học từ nội dung văn bản. Thể hiện thái độ đồng tình / không đồng tình / đồng tình một phần với những vấn đề đặt ra trong văn bản.

- Nêu được những thay đổi trong suy nghĩ, tình cảm, lối sống và cách thưởng thức nghệ thuật sau khi đọc hiểu văn bản.

- Vận dụng những hiểu biết về lịch sử văn học để đọc hiểu văn bản.

3. Văn bản thông tin

Nhận biết:

- Nhận biết được đặc điểm của văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử, bài phỏng vấn.

- Nhận biết được cách trình bày thông tin trong văn bản như: trật tự thời gian, quan hệ nhân quả, các đối tượng phân loại, so sánh và đối chiếu,...

- Nhận biết các phương tiện phi ngôn ngữ (như đồ thị, sơ đồ) dùng để biểu đạt thông tin trong văn bản.

Thông hiểu:

- Phân tích được thông tin cơ bản của văn bản; giải thích được ý nghĩa của nhan đề trong việc thể hiện thông tin cơ bản của văn bản.

- Phân tích được đặc điểm của văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử, bài phỏng vấn; chỉ ra được mối quan hệ giữa đặc điểm văn bản với mục đích của nó.

- Phân tích được tác dụng của cách trình bày thông tin trong văn bản như: trật tự thời gian, quan hệ nhân quả, các đối tượng phân loại, so sánh và đối chiếu,...

- Phân tích được quan hệ giữa phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ (như đồ thị, sơ đồ) dùng để biểu đạt thông tin trong văn bản.

Vận dụng:

- Đánh giá được vai trò của các chi tiết quan trọng trong văn bản.

- Liên hệ, vận dụng được những điều đã đọc từ văn bản để giải quyết một vấn đề trong cuộc sống.

4. Truyện ngắn

Nhận biết:

- Nêu được nội dung bao quát của văn bản; xác định được lời người kể chuyện, lời nhân vật, đối thoại và độc thoại;

Thông hiểu:

- Phân tích các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, nhân vật trong tính chỉnh thể của tác phẩm; nhận biết vai trò của người đọc và bối cảnh tiếp nhận đối với việc đọc hiểu văn bản truyện.

- Hiểu và lí giải được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản.

Vận dụng:

- Nhận xét được nội dung phản ánh và cách nhìn cuộc sống, con người của tác giả qua văn bản.

- Nêu được những thay đổi trong suy nghĩ, tình cảm, nhận thức của bản thân sau khi đọc văn bản.

2. THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT

- Hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản.

- Hiểu biết ban đầu về chữ viết tiếng Việt (chữ Nôm, chữ Quốc ngữ); phân biệt được nghĩa của một số yếu tố Hán Việt dễ gây nhầm lẫn; tác dụng của điển tích, điển cố.

- Nhận biết tên viết tắt các tổ chức quốc tế quan trọng ( như: UN, UNESCO, UNICEF, WHO, WB, IMF, ASEAN, WTO,...).

- Nhận biết được sự khác nhau giữa cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp trong văn bản.

3. THỰC HÀNH VIẾT

- Viết đoạn văn nghị luận văn học phân tích đoạn trích hoặc bài thơ.

- Viết bài văn nghị luận xã hội.

- Viết bài văn phân tích một tác phẩm truyện.

- Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh.

II. ĐỀ THAM KHẢO

ĐỀ 1

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

ĂN TẾT VỚI MẸ

Con là cán bộ phương xa đến
Ăn tết hôm nay với mẹ già
Ngồi bên bếp lửa sáng loà
Con nghe mẹ kể gần xa trầm trồ:

- Mẹ thương đoàn lính Cụ Hồ
Hôm nay ăn tết ở vô phương nào
Đồng lương chẳng có là bao
Có không cũng ở đồng bào mà thôi
Mẹ già, chợ búa xa xôi
Con ăn với mẹ lưng xôi mẹ mừng
Tết xưa bánh mật bánh chưng
Mà chưa độc lập cũng không vui gì..."

Mẹ ngồi, mẹ nói, mẹ khoe
Vườn rau mẹ tốt, nương chè mẹ xanh
- "Mình đây cực khổ cũng đành
Tết ni tiết kiệm để dành sang năm
Phòng khi bộ đội về làng
Không chi thì cũng khoai lang nước chè
Anh em cực khổ nhiều bề
Có con có mẹ đi về là vui..."

Lửa vờn nồi nước bừng sôi
Con nghe ngon miệng lưng xôi vợi dần
Mẹ rằng: "Con cố mà ăn
Chỉ con với mẹ để phần cho ai?"
Mẹ ngồi mẹ ngó con nhai
Mẹ nhìn con nuốt mà hai mắt cười
Bỗng nhiên mắt mẹ sáng ngời:

- "Tết ni Cụ[ Cụ: Bác Hồ] đã mấy mươi tuổi rồi?"
Bên bếp lửa ngồi nghe mẹ kể
Con thấy lòng thấm thía tình thương
Ngày mai con bước lên đường
Mẹ ơi! Con mẹ coi thường gian lao

Vĩnh Mai, Đất đen và hoa thắm, NXB Hội Nhà văn, 1982

Thực hiện các yêu cầu

Câu 1 (0.5 điểm). Xác định thể thơ của văn bản trên?

Câu 2 (1 điểm). Ghi lại những từ ngữ khắc họa hình ảnh người mẹ trong khổ thơ đầu tiên. Qua những từ ngữ đó, em có cảm nhận như thế nào về người mẹ ấy?

Câu 3 (0.5 điểm). Từ ngữ địa phương như “ni” “chi” trong văn bản Ăn tết với mẹ có ý nghĩa, tác dụng gì?

Câu 4 (1 điểm). Việc sử dụng phép điệp cấu trúc và phép liệt kê trong hai dòng thơ Mẹ ngồi, mẹ nói, mẹ khoe/ Vườn rau mẹ tốt, nương chè mẹ xanh mang lại hiệu quả nghệ thuật gì?

Câu 5 (1 điểm). Từ hình ảnh người mẹ trong bài thơ, em có suy nghĩ cảm nhận gì về người phụ nữ Việt Nam thời kháng chiến chống Mĩ và hiện nay?

II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích 12 dòng thơ cuối của văn bản “Ăn tết với mẹ” được trích trong phần đọc hiểu.

Câu 2 (4 điểm).

Bên bếp lửa ngồi nghe mẹ kể
Con thấy lòng thấm thía tình thương
Ngày mai con bước lên đường
Mẹ ơi! Con mẹ coi thường gian lao

Người lính trong bài thơ vô cùng thấm thía tình thương của “người mẹ” không phải ruột thịt với anh. Từ đó ta thấy bên cạnh gia đình chúng ta rất cần tình cảm yêu thương của mọi người xung quanh như bạn bè, thầy cô…. Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) để trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.

..............

Tải file tài liệu để xem thêm đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn 9

Đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo

TRƯỜNG THCS…………

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC I

NĂM HỌC 2024-2025

MÔN: NGỮ VĂN 9

PHẦN I. NỘI DUNG, ĐỊNH HƯỚNG ÔN VÀ CẤU TRÚC ĐỀ:

I. Kiến thức trọng tâm:

1. Đọc hiểu văn bản:

1.1. Văn bản văn học: Thể loại thơ:

- Thể thơ. Tác giả, tác phẩm.

- Các yếu tố thể hiện đặc điểm thể loại thơ:

+ Ngôn ngữ thơ (vần, nhịp, từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ - xác định, nêu ý nghĩa/tác dụng của chúng trong văn bản/ khổ-đoạn/ các khổ-đoạn).

+ Yếu tố miêu tả, tự sự và vai trò của chúng (khi kết hợp với biểu cảm).

+ Cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

+ Những văn bản ở “Bài 1” (SGK Ngữ văn 9, sách Chân trời sáng tạo) có cùng thể loại.

- Xác định chủ đề, thông điệp.

1.2. Văn bản nghị luận:

- Mục đích.

- Các dạng văn nghị luận.

- Các yếu tố đặc điểm văn nghị luận và mối quan hệ giữa chúng được thể hiện qua văn

bản (đoạn trích) cụ thể: luận đề; luận điểm; lý lẽ; bằng chứng; cách trình bày vấn đề khách quan; cách trình bày vấn đề chủ quan.

+ Những văn bản ở “Bài 2” (SGK Ngữ văn 9, sách Chân trời sáng tạo) cùng thể loại.

2. Tiếng Việt:

- Biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, điệp ngữ, nói quá, đảo ngữ, chơi chữ.

- Cách dẫn trực tiếp, cách dẫn gián tiếp.

3. Viết:

Viết đoạn văn nghị luận phân tích một khía cạnh về nội dung chủ đề hoặc những (hai) nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học (truyện hiện đại).

II. Cấu trúc đề kiểm tra:

- Hình thức: Tự luận

1. Đọc - hiểu: 6.0 điểm

- Văn bản thuộc thể loại thơ, văn bản (đoạn trích) nghị luận (Chọn ngữ liệu ngoài SGK)

- Tiếng Việt: Biện pháp tu từ; Cách dẫn trực tiếp, cách dẫn gián tiếp.

+ Thể loại.

+ Tìm văn bản (tác giả) cùng thể loại, cùng chủ điểm.

+ Nhận diện thể thơ; ngôn ngữ thơ; yếu tố miêu tả, tự sự và tác dụng của chúng; cảm hứng chủ đạo; tình cảm, cảm xúc của người viết; chủ đề; thông điệp.

+ Nhận diện dạng nghị luận; luận đề; luận điểm; lý lẽ; bằng chứng; cách trình bày vấn đề khách quan; cách trình bày vấn đề chủ quan và mối quan hệ (vai trò/tác dụng) giữa chúng.

+ Liên hệ được nội dung trong văn bản với đời sống thực tiễn. Nêu được bài học về cách nghĩ và cách ứng xử của cá nhân do văn bản gợi ra.

+ Biện pháp tu từ: xác định, nêu tác dụng, đặt câu.

+ Phân biệt (cách) dẫn trực tiếp và dẫn gián tiếp; xác định lời dẫn, cách dẫn trong ngữ liệu và nêu tác dụng của lời dẫn; viết câu văn dùng cách dẫn trực tiếp; chuyển từ cách dẫn trực tiếp sang cách dẫn gián tiếp.

2. Viết: 4.0 điểm

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 300 – 400 chữ) phân tích một khía cạnh về nội dung chủ đề hoặc phân tích những (hai) nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn học (truyện hiện đại).

* Lưu ý:

- Ngữ liệu (truyện hiện đại) chọn ngoài SGK.

PHẦN II. BÀI TẬP VẬN DỤNG:

Bài 1. Đọc kỹ văn bản sau thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Con bị thương, nằm lại một mùa mưa Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ

Nhà yên ắng, tiếng chân đi rất nhẹ, Gió từng hồi trên mái lá ùa qua.

Nhớ vườn cây che bóng kín sau nhà Trái chín rụng suốt mùa thu lộp độp

Những dãy bưởi sai, những hàng khế ngọt, Nhãn đầu mùa, chim đến bói lao xao...

Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế

Khoai nướng, ngô bung, ngọt lòng đến thế Mỗi ban mai toả khói ấm trong nhà.

Ba con đầu đi chiến đấu nơi xa Tình máu mủ mẹ dồn con hết cả, Con nói mớ những núi rừng xa lạ Tỉnh ra rồi, có mẹ, hoá thành quê!

“Ông mất lâu rồi...” – Mẹ kể con nghe Những chuyện làm ăn, những phen luân lạc, Mắt nhoà đục và mái đầu tóc bạc

Cả cuộc đời chèo chống bấy nhiêu năm...

Những lúc hiếm hoi, mưa tạnh, trời trăng, Mẹ hể hả ngắm con hồng sắc mặt

Con ra ngõ, núi chập chùng xanh ngắt Lại tần ngần nói với mẹ ngày đi.

Mẹ cười xoà, nước mắt ứa trên mi:

- “Đi đánh Mỹ, khi nào tau có giữ! Súng đạn đó, ba lô còn treo đó,

Bộ mi chừ đeo đã vững hay chăng?”

...Ôi mẹ già trên bản vắng xa xăm Con đã đi rồi, mấy khi trở lại?

Dằng dặc Trường Sơn những mùa gió trái Những mùa mưa bạc trắng cả cây rừng!

Con qua đâu thấy mái lá, cây vườn, Cũng đất nước, phơ phơ đầu tóc mẹ... Từng giọt máu trong người con đập khẽ, Máu bây giờ đâu có của riêng con?

(Mẹ, Bằng Việt, 1972)

.............

Đề cương ôn tập cuối kì 1 Ngữ văn 9 Cánh diều

A. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Chân trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

(Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Câu 1 (0,5 điểm): Tìm hai điển cố, điển tích trong doạn thơ và nêu hiệu quả nghệ thuật của cách sử dụng điển cố đó?

Câu 2 (0,5 điểm): Trong đoạn thơ trên, tại sao khi nói tới nỗi nhớ của Kiều hướng tới Kim Trọng, tác giả sử dụng từ “tưởng”, còn khi nói tới nỗi nhớ của Kiều dành cho cha mẹ, nhà thơ lại dùng từ “xót”?

Câu 3 (1,0 điểm): Hai câu thơ “Chân trời góc bể bơ vơ/Tấm son gột rửa bao giờ cho phai” có thể hiêu theo mấy cách? Qua nỗi nhớ và những kí ức của Kiều về Kim Trọng, em thấy kiều là người như thế nào?

Câu 4 (1,0 điểm): Em có nhận xét gì về cách sử dụng từ ngữ của tác giả khi diễn tả nỗi nhớ thương của Kiều.

Câu 5 (1,0 điểm): Tình cảm của Kiều đối với cha mẹ như thế nào? Hãy diễn đạt tình cảm của Kiều bằng lời văn của mình?

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm): Từ nội dung đoạn thơ ở phần đọc hiểu, kết hợp với những hiểu biết xã hội của bản thân, em hãy viết một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi nêu suy nghĩ của em về ý nghĩa của gia đình trong cuộc sống.

Câu 2 (4.0 điểm): Em hãy phân tích văn bản truyện ngắn sau:

Bố tôi

Tôi đi học dưới đồng bằng. Còn bố tôi, từ nơi núi đồi hiểm trở, ông luôn dõi theo tôi.

Bao giờ cũng vậy, ông mặc chiếc áo kẻ ô phẳng phiu nhất, xuống núi vào cuối mỗi tuần. Ông rẽ vào bưu điện để nhận những lá thư tôi gửi. Lặng lẽ, ông vụng về mở nó ra. Ông xem từng con chữ, lấy tay chạm vào nó, rồi ép vào khuôn mặt đầy râu của ông. Rồi lặng lẽ như lúc mở ra, ông xếp nó lại, nhét vào bao thư. Ông ngồi trầm ngâm một lúc, khẽ mỉm cười rồi đi về núi.

Về đến nhà, ông nói với mẹ tôi: “Bà ơi, con mình vừa gửi thư về”. Ông trao thư cho bà. Bà lại cẩn thận mở nó ra, khen: “Con mình viết chữ đẹp quá! Những chữ tròn, thật tròn, những cái móc thật bén. Chỉ tiếc rằng không biết nó viết gì. Sao ông không nhờ ai đó ở bưu điện đọc giùm?”. Ông nói: “Nó là con tôi, nó viết gì tôi đều biết cả”. Rồi ông lấy lại thư, xếp vào trong tủ cùng với những lá thư trước, những lá thư được bóc ra nhìn ngắm, chạm mặt rồi cất vào, không thiếu một lá, ngay cả những lá đầu tiên nét chữ còn non nớt[...]

Hôm nay là ngày đầu tiên tôi bước chân vào trường đại học. Một ngày khai trường đầu tiên không có bố. Bố tôi đã mất. Nhưng tôi biết bố sẽ đi cùng tôi trên những con đường mà tôi sẽ đi, suốt cả hành trình cuộc đời.

Chú thích: Nguyễn Ngọc Thuần (sinh năm 1972- quê: Bình Thuận) là nhà văn đương đại với nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi hay, đạt được nhiều giải thưởng văn chương trong và ngoài nước. Các tác phẩm của ông mang đến một thế giới trong trẻo, tươi mới, ấm áp, đầy chất thơ như: Giăng giăng tơ nhện, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng, …

(Theo Bố tôi - Nguyễn Ngọc Thuần, NXB Hội nhà văn, 1992)

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC – HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản:

Đầu lòng hai ả tố nga ,
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.
Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.
Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

(Trích “Truyện Kiều”, Nguyễn Du, NXB Văn hoá – Thông tin Hà Nội, 1995, tr.11)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định thể loại và thể thơ của văn bản.

Câu 2 (0,5 điểm). Tìm những chi tiết miêu tả chân dung Thuý Vân trong những dòng thơ trên.

Câu 3 (1,0 điểm). Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ nhân hoá trong hai dòng thơ sau:

Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

Câu 4 (1,0 điểm). Nêu ngắn gọn nội dung của văn bản.

Câu 5 (1,0 điểm). Từ dòng thơ “Hoa cười, ngọc thốt đoan trang”, em hãy rút ra bài học về cách ứng xử khi giao tiếp trong cuộc sống.

PHẦN II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm). Em hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận về nhân vật Thuý Kiều trong đoạn trích sau:

“Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.”

Câu 2 (4,0 điểm). Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của em về vấn đề: tuổi trẻ với cách đối mặt và vượt qua thử thách

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Hy
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm