Bộ đề ôn thi học kì 2 môn Ngữ văn 10 sách Kết nối tri thức với cuộc sống 20 Đề ôn tập cuối kì 2 Văn 10 (Có đáp án)

TOP 20 Đề ôn thi cuối học kì 2 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức năm 2023 - 2024 là tài liệu vô cùng hữu ích dành cho các bạn học sinh tham khảo.

Đề ôn thi học kì 2 Ngữ văn lớp 10 Kết nối tri thức được biên soạn rất chi tiết đầy đủ các dạng bài tập trong chương trình học kì 2. Qua đó giúp các bạn học sinh làm quen với các dạng bài tập từ cơ bản tới nâng cao. Việc luyện đề giúp các bạn học sinh rèn luyện kỹ năng làm bài thi để đạt kết quả cao trong kì thi cuối kì 2 sắp tới. Vậy sau đây là 20 Đề ôn thi học kì 2 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức năm 2023 - 2024 mời các bạn cùng đón đọc nhé.

TOP 20 Đề ôn thi cuối kì 2 Văn 10 Kết nối tri thức 2024

Đề ôn thi học kì 2 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức - Đề 1

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Tưng bừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội diễn ra từ 1-10 đến 10-10-2010. Trong những ngày Đại lễ, người dân Thủ đô và các du khách thập phương được đắm chìm trong không khí linh thiêng, hào hoa của đất Thăng Long xưa, đồng thời cảm nhận nét hiện đại, mạnh mẽ của Hà Nội ngày nay.

Ngày khai mạc được tổ chức trọng thể vào sáng 1-10-2010 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ và đường Đinh Tiên Hoàng, xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Ngày khai mạc mở màn cho trên 50 hoạt động khác nhau trong 10 ngày Đại lễ. Có thể kể tới các hoạt động văn hoá nghệ thuật như: “Đêm Hồ Gươm lung linh và trình diễn áo dài truyền thống”, biểu diễn các điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội, biểu diễn Âm nhạc của các nghệ sỹ nổi tiếng Việt Nam, biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế tại các sân khấu ngoài trời, Chương trình Lễ hội đường phố của Tuổi trẻ Thủ đô và cả nước tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám…

Hoạt động trưng bày hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, số 9 và 18 Hoàng Diệu khai mạc ngày 2-10. Kế tiếp đó, trong 10 ngày Đại lễ có nhiều triển lãm như: Triển lãm các trận đánh và chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử quân sự Việt Nam, Triển lãm và Liên hoan thư pháp Thăng Long - Hà Nội tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Triển lãm Những tấm lòng với Thăng Long Hà Nội tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị …

Trong dịp Đại lễ còn có Liên hoan ẩm thực Hà thành tại Công viên nước Hồ Tây, Liên hoan nghệ thuật Diều - Hà Nội tại Quảng trường Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Liên hoan Du lịch quốc tế Thăng Long - Hà Nội tại Thiên đường Bảo Sơn…

Nhiều công trình trọng điểm chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng sẽ được khánh thành trong dịp này. Tổ chức Kỷ lục Guinness đã trao Bằng chứng nhận “Bức tranh gắn gốm lớn nhất thế giới” cho “Con đường gốm sứ”.

Các Bộ ngành, địa phương cũng tưng bừng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội như: Liên hoan Xiếc, Múa rối quốc tế, Triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng và triển lãm ảnh về "Các vùng kinh đô"... tại Phú Thọ; Lễ hội Cố đô Hoa Lư tại Ninh Bình; Lễ hội Làng Sen tại Nghệ An; Festival Tây Sơn - Bình Định và Liên hoan Võ cổ truyền Quốc tế tại Bình Định... Bên cạnh đó, hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng được tổ chức tại một số địa điểm ở nước ngoài.

Sự kiện quan trọng trong dịp Đại lễ là Lễ Mít tinh, Diễu binh, Diễu hành diễn ra sáng 10-10 tại Quảng trường Ba Đình. Đây là chương trình mít tinh, diễu binh diễu hành cấp quốc gia quy mô lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của 31.000 người.

Khép lại 10 ngày Đại lễ, Đêm hội văn hoá nghệ thuật kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình là đêm nghệ thuật hoành tráng được chốt lại bằng màn bắn pháo hoa nghệ thuật.

(Theo thegioidisan.vn)

Lựa chọn đáp án đúng nhất:

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ của văn bản trên là gì?

A. Nghệ thuật
B. Chính luận
C. Báo chí
D. Sinh hoạt

Câu 2. Theo đoạn trích, sự kiện nào được tổ chức mang tầm quốc gia, có quy mô lớn và số người tham gia đông nhất từ trước tới nay?

A. Trình diễn áo dài truyền thống
B. Liên hoan ẩm thực Hà Thành
C. Liên hoan Võ cổ truyền Quốc tế tại Bình Định
D. Mít tinh, diễu binh diễu hành tại Quảng trường Ba Đình

Câu 3. Nội dung chính được đề cập trong phần sa pô (đoạn văn in đậm) của văn bản là gì?

A. Thời gian diễn ra và không khí nổi bật của những ngày đại lễ
B. Tóm tắt diễn biến của các hoạt động trong dịp lễ
C. Tâm trạng của người dân Thủ đô và các du khách thập phương
D. Không khí chung của Thăng Long – Hà Nội xưa và nay

Câu 4. Câu văn sau sử dụng biện pháp nghệ thuật gì?

Trong dịp Đại lễ còn có Liên hoan ẩm thực Hà thành tại Công viên nước Hồ Tây, Liên hoan nghệ thuật Diều - Hà Nội tại Quảng trường Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Liên hoan Du lịch quốc tế Thăng Long - Hà Nội tại Thiên đường Bảo Sơn…

A. Nhân hoá
B. Liệt kê
C. Nói quá
D. So sánh

Câu 5. Từ “đại lễ” trong văn bản có nghĩa là gì?

A. Ngày nghỉ lễ nhiều nhất trong năm
B. Ngày lễ lớn, có ý nghĩa quan trọng
C. Nghi lễ trọng đại được tiến hành
D. Ngày lễ có nhiều đồ vật dâng lên tổ tiên để tỏ lòng tôn kính

Câu 6. Các sự việc được thuật lại theo trình tự chủ yếu nào?

A. Theo thời gian (từ trước đến sau)
B. Theo không gian (từ thủ đô đến các địa phương)
C. Theo các mảng hoạt động
D. Theo tầm quan trọng của các sự kiện

Câu 7. Các sự kiện được đề cập đến trong văn bản khơi gợi những tình cảm chủ yếu nào từ phía người đọc?

(1) Tự hào về truyền thống của dân tộc
(2) Bất ngờ về những thay đổi giữa Hà nội xưa và nay
(3) Mến yêu thủ đô ngàn năm văn hiến
(4) Ngưỡng mộ trước những thành quả của đất nước

A. (1) – (3) – (4)
B. (1) – (2) – (3)
C. (2) – (3) – (4)
D. (1) – (2) – (4)

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:

Câu 8. Chỉ ra những hoạt động trong dịp Đại lễ cho thấy sự tri ân của nhân dân ta đối với tổ tiên.

Câu 9. Theo anh/ chị, đất nước ta tổ chức đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội nhằm những mục đích gì?

Câu 10. Qua sự kiện Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, hãy viết đoạn văn từ 5 – 7 câu nêu suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa nét đẹp truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

II. VIẾT (4,0 điểm)

“Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác.” Anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận thuyết phục người khác đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào bản thân.

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

6,0

1

C

0.5

2

D

0.5

3

A

0.5

4

B

0.5

5

B

0.5

6

C

0.5

7

A

0.5

8

Những hoạt động trong dịp Đại lễ cho thấy sự tri ân của nhân dân ta đối với tổ tiên.

- Tại Hà Nội:

+ Hoạt động trưng bày hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

+ Tổ chức các triển lãm: Triển lãm các trận đánh và chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử quân sự Việt Nam, Triển lãm Những tấm lòng với Thăng Long – Hà Nội tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt – Xô,…

+ Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành diễn ra sáng 10 – 10 tại Quảng trường Ba Đình.

- Tại các Bộ, Ngành, địa phương:

+ Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng và triển lãm ảnh về “Các vùng kinh đô” tại Phú Thọ

- Tại nước ngoài: Hoạt động kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội cũng được tổ chức tại một số địa điểm ở nước ngoài.

0.5

9

HS nêu một số mục đích khi đất nước ta tổ chức đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội thông qua một số hoạt động. Sau đây là gợi ý:

- Giới thiệu về một Hà Nội hào hoa, thanh lịch; một Hà Nội đậm dấu ấn văn hóa với một chiều dài lịch sử 1.000 năm.

- Giới thiệu và nâng cao tầm vóc của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ở khu vực và trên toàn thế giới.

- Tôn vinh những giá trị văn hóa - lịch sử của riêng Thủ đô và những giá trị văn hóa - lịch sử chung của đất nước.

- Biểu thị tình cảm và đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam đối với các thế hệ cha ông, vừa là dịp giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc cho thế hệ hôm nay.

1,0

10

- HS trình bày trong một đoạn văn, có thể triển khai theo các kiểu đoạn văn diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích, song hành.

- HS nêu rõ quan điểm, suy nghĩ cá nhân nhưng cần có những lí giải thuyết phục, hợp lí, không vi phạm đạo đức và pháp luật. Sau đây là gợi ý:

- Uống nước nhớ nguồn là một giá trị đạo đức truyền thống quý báu, được hình thành và phát triển từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. "Uống nước nhớ nguồn" đã dạy cho con người hiểu rõ hơn về lòng biết ơn, về sự báo đáp với những người đã có công lao giúp đỡ mình. Câu tục ngữ mang đậm tính nhân văn và chúng ta là những người thế hệ sau nên có ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp đó bằng những hành động thiết thực:

+ Biết ơn, trân trọng những thành tựu của thế hệ trước để lại bằng những tình cảm tốt đẹp nhất.

+ Cố gắng học tập, lao động để có cuộc sống tốt đẹp và xây dựng đất nước phát triển văn minh hơn; gây dựng một tương lai tươi sáng cho thế hệ mai sau.

+ Có những hành động thiết thực để tưởng nhớ, khắc ghi công lao của ông cha.

1,0

II

VIẾT

4,0

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học

0,25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác.” Anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận thuyết phục người khác đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào bản thân.

0,5

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HV có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục.

Sau đây là một hướng gợi ý:

– Đảm bảo hình thức, cấu trúc của bài văn nghị luận.

– Xác định đúng vấn đề: Đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào bản thân.

Sau đây là một hướng gợi ý:

- Giải thích:

+ Niềm tin vào bản thân: Đó là niềm tin vào chính mình, tin vào năng lực, trí tuệ, phẩm chất, giá trị của mình trong cuộc sống. Đó còn là mình hiểu mình và tự đánh giá được vị trí, vai trò của mình trong các mối quan hệ của cuộc sống.

+ Đánh mất niềm tin vào bản thân: Là không tin tưởng vào khả năng, luôn đắm chìm trong sự tự ti, hoài nghi năng lực của chính mình. Khi bạn đánh mất niềm tin vào bản thân, bạn sẽ khó đạt được mục tiêu mình đề ra, kéo theo đó là trì trệ sự phát triển của bản thân.

- Phân tích, chứng minh:

- Niềm tin vào bản thân là niềm tin cần thiết nhất trong mọi niềm tin.

+ Sự tự tin sẽ giúp chúng ta thoát khỏi tự ti, hoài nghi về bản thân và từ đó vươn lên, đạt được những thành công rực rỡ.

+ Niềm tin sẽ biến thành động lực sống, giúp con người làm việc hiệu quả hơn.

+ Khi ta có niềm tin vào bản thân, ta có thể dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với tất cả khó khăn, thử thách trong cuộc đời. Nhờ đó, ta có thể thành công hoặc chí ít ta cũng có thể học hỏi được kinh nghiệm từ những thất bại.

+ Trải qua những khó khăn, thử thách, bất hạnh, chúng ta vẫn tin vào bản thân sẽ khiến cho bản lĩnh của mình càng vững vàng.

+ Tin vào ý chí, nghị lực, khả năng của bản thân là lúc chúng ta đã vượt lên, chiến thắng tất cả.

- Đánh mất niềm tin hoặc không tin vào chính khả năng của mình thì con người sẽ không có ý chí, nghị lực để vươn lên.

+ Nếu không tin tưởng vào những khả năng của bản thân mình và nỗ lực hoàn thành công việc, chúng ta sẽ không có những thành quả ngọt ngào.

+ "Thiếu tự tin là nguyên nhân của phần lớn thất bại" (Bovee). Nếu con người không có ý chí, nghị lực, niềm tin vào bản thân sẽ không đủ bản lĩnh để vượt qua, không khẳng định được mình, mất tự chủ, dần buông xuôi, rồi dẫn đến đánh mất chính mình.

+ Khi đã đánh mất chính mình là đánh mất tất cả, trong đó có những thứ quý giá như: tình yêu, hạnh phúc, cơ hội... thậm chí cả sự sống của mình.

+ Khi con người không có niềm tin vào bản thân mình thì khó lòng thuyết phục người khác tin tưởng vào mình, dẫn đến việc làm gì cũng khó thành công.

- Chứng minh:

+ Lấy dẫn chứng về những con người sống có niềm tin:

Ví dụ: Henry Ford – cha đẻ của hãng xe hơi Ford nổi tiếng chưa tốt nghiệp một trường lớp nào và từng không xin được việc vì không có bằng cấp. Honda – người sáng lập ra hãng Honda đã từng không dưới năm mươi lần thất bại và có khoảng thời gian là kẻ vô sản, không nhà không cửa. Nick Vujicic – một người không chân, không tay anh đã khiến cả thế giới biết tới mình bằng một một nghị lực phi thường.

- Phản biện:

+ Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người sống trong sự tự ti, hoài nghi những khả năng của bản thân hoặc quá nhút nhát không dám thực hiện, không dám làm những việc bản thân mình mong muốn vì sợ sai lầm.

+ Cũng có những người chỉ biết nghe theo sự sắp đặt, định hướng của người khác mà không có chính kiến của mình,… Những người này cần phải xem xét lại bản thân mình nếu muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

- Bài học nhận thức và hành động:

+ Mỗi người cần học cách sống lạc quan và yêu đời hơn.

+ Hãy luôn hi vọng vào những điều tốt đẹp vì cuộc đời này suy cho cùng còn rất nhiều điều đáng để ta trân trọng và ước mơ.

- Diễn đạt rõ ràng, dùng từ đặt câu đúng nghĩa, đúng ngữ pháp, đúng chính tả.

– Có những sáng tạo về ý tưởng hoặc có sự độc đáo về diễn đạt.

2.5

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25

e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy.

0,5

Tổng điểm

10.0

Đề ôn thi học kì 2 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức - Đề 2

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Sẽ là thảm họa nếu nước Mỹ coi nhẹ vấn đề cấp bách này. Mùa hè oi bức của những người dân da đen bất mãn sẽ không qua đi, cho tới khi làn gió thu của tự do và bình đẳng tới. 1963 sẽ không phải là năm kết thúc, mà là năm bắt đầu. Với những ai đang hy vọng viển vông rằng người da đen chỉ đang xả bớt sự bực bội và rồi sẽ trở nên hài lòng, thì xin thưa, nếu nước Mỹ phớt lờ chúng tôi để trở lại với công việc kinh doanh thường nhật, thì người da đen sẽ khiến họ phải giật mình tỉnh giấc. Nước Mỹ sẽ không bình yên cho tới khi người da đen nhận được quyền công dân của mình. Những cơn lốc của các cuộc nổi dậy sẽ làm rung chuyển nền móng của nước Mỹ chừng nào công lý chưa soi sáng nơi đây.

Nhưng có một điều mà tôi phải nói với những con người đang đứng trước ngưỡng cửa của lâu đài công lý, rằng trong quá trình lấy lại địa vị đáng có của chúng ta, chúng ta không được phép để bản thân phạm phải tội lỗi. Đừng thỏa mãn cơn khát tự do của chúng ta bằng cách uống chén hận thù và cay đắng. Chúng ta vĩnh viễn phải cư xử dựa trên nền tảng phẩm cách và nguyên tắc cao. Chúng ta không được cho phép cuộc kháng nghị sáng tạo của chúng ta trở nên bạo lực. Xin được nhắc lại rằng chúng ta phải nâng bản thân lên tới tầm cao mà sức mạnh vật chất có thể gặp được sức mạnh tâm hồn.

Tinh thần chiến đấu mới đang sục sôi bên trong cộng đồng người da đen không được phép dẫn chúng ta tới việc ngờ vực toàn bộ tất cả người da trắng, bởi vì rất nhiều người anh em da trắng, những người có mặt ở đây ngày hôm nay, đã nhận ra rằng vận mệnh của tất cả chúng ta gắn liền với nhau, rằng tự do của tất cả chúng ta là không thể tách rời.

Chúng ta không thể bước đi đơn độc.

Chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta đang đồng hành cùng nhau.

Chúng ta không thể quay lưng.

Sẽ có những người hỏi, “Chừng nào thì các bạn mới hài lòng?” Chúng tôi sẽ không bao giờ hài lòng khi người da đen vẫn còn là nạn nhân của những hành động hung ác ghê tởm của cảnh sát. Chúng tôi sẽ không hài lòng, khi tấm thân mệt mỏi sau một quãng đường dài vẫn không thể tìm được nơi nghỉ ngơi trong các nhà nghỉ bên đường hay khách sạn trong thành phố. Chúng tôi sẽ không hài lòng khi những người da đen còn phải di chuyển từ khu tập trung da đen nhỏ tới khu tập trung da đen lớn hơn. Chúng tôi sẽ không hài lòng khi những đứa trẻ da đen bị tước đoạt nhân phẩm và tự trọng bởi những tấm biển “Chỉ dành cho người da trắng”. Chúng tôi sẽ không hài lòng khi một người da đen ở Mississippi không được bầu cử, khi một người da đen ở New York tin rằng anh chẳng có gì để bầu. Không, không, chúng tôi không hài lòng, và chúng tôi sẽ không hài lòng cho đến khi mưa công lý tuôn rơi cùng với dòng sông của chính nghĩa.

Tôi hiểu rằng để các bạn tới được đây, có những người đã phải vượt qua nhiều gian nan và thử thách lớn. Có những người chỉ vừa mới bước ra khỏi xà lim. Có những người đến từ khu vực mà hành trình kiếm tìm tự do khiến bạn phải đối diện với giông bão bức hại cùng những cơn gió dữ bạo hành từ cảnh sát. Các bạn đã trở thành những con người khổ đau nhưng sáng tạo. Hãy tiếp tục với niềm tin rằng khổ đau rồi sẽ có ngày hồi báo. Hãy quay trở lại Mississippi, trở lại Alabama, trở lại Nam Carolina, trở lại Georgia, trở lại Louisiana, trở lại những khu ổ chuột và khu tập trung của người da đen tại các thành phố phía Nam, và mang trong mình niềm tin rằng bằng cách này hay cách khác, tình thế có thể và sẽ thay đổi.

Đừng đắm chìm trong tuyệt vọng, tôi xin được chia sẻ với mọi người ở đây hôm nay, các bạn của tôi.

(Trích Tôi có một giấc mơ – Diễn văn chính trị của Martin Luther King năm 1963, Dẫn theo http://trithucvn.org)

Lựa chọn đáp án đúng nhất:

Câu 1. Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính?

A. Nghị luận
B. Thuyết minh
C. Miêu tả
D. Biểu cảm

Câu 2. Văn bản sử dụng thao tác lập luận nào là chính?

A. Bác bỏ
B. Bình luận
C. Phân tích
D. So sánh

Câu 3. Văn bản đề cập tới vấn đề nào?

A. Nạn phân biệt chủng tộc
B. Ảnh hưởng bạo lực
C. Tác động của công lí
D. Tác động của vật chất

Câu 4. Theo tác giả, điều gì “Sẽ là thảm họa nếu nước Mỹ coi nhẹ vấn đề cấp bách này’?

A. Cơn gió dữ bạo hành từ cảnh sát
B. Sự đối xử thiếu bình đẳng
C. Sự bất mãn của người da đen
D. Hành động hung ác ghê tởm của cảnh sát

Câu 5. Mục đích của văn bản là gì ?

A. Đòi quyền tự do, dân chủ, xoá bỏ chính sách phân biệt chủng tộc, đòi quyền được đối xử bình đẳng của người da đen
B. Thảm cảnh của người da đen dưới chính sách phân biệt chủng tộc của người Mĩ, đòi quền bình đẳng, tự do dân chủ
C. Khẳng định quyền bình đẳng của người da đen và kêu gọi sự đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người da đen
D. Lên án cuộc chiến tranh phân biệt chủng tộc, đối xử thiếu bình đẳng của chính quyền Mĩ đối với người da đen

Câu 6. Quan điểm của tác giả trong bài viết là gì?

A. Người da đen cần phải được bố trí việc làm đầy đủ
B. Người da đen phải được tự do như người da trắng
C. Kêu gọi sự đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người da đen.
D. Người da đen phải được đối xử bình đẳng với người da trắng

Câu 7. Ý nào khái quát được nội dung của đoạn trích

A. Bài viết đưa ra thực trạng người da đen đang phải chịu đó là sự bất bình đẳng, vì thế người da đen đã đang và sẽ đấu tranh đòi quyền bình đẳng của mình. Chừng nào người da đen được bình đẳng thì cuộc đấu tranh mới dừng lại
B. Cảnh báo thực trạng nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ đang gia tăng, người da đen đang tổ chức biểu tình, làn sóng biểu tình đang dâng cao, điều ấy gây bất ổn cho cục diện chính trị nước Mỹ.
C. Cảnh báo những nguy cơ của tình trạng phân biệt chủng tộc ở Mỹ đang diễn ra vào mùa hè, làm sóng đấu trang của người da đen đang bùng phát mạnh mẽ, và nó chỉ dừng lại khi người Mỹ đối xủa công bằng với họ.
D. Những tác hại tiềm ẩn của tình trạng phân biệt chủng tộc ở Mỹ, người da đen bị đối xử bất công, điều ấy sẽ gây ra tình trạng bất ổn về chính trị ở nước Mỹ trong thời gian sắp tới, và chỉ dừng lại khi người da đen được đối xủa công bằng

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:

Câu 8. Tác dụng của biện pháp tu từ điệp cấu trúc “chúng ta không thể…” trong phần cuối đoạn trích?

Câu 9. Nhận xét về cách sắp xếp các luận điểm trong văn bản.

Câu 10. Anh/chị có suy nghĩ như thế nào về nạn phân biệt chủng tộc?

II. VIẾT (4,0 điểm)

Hãy viết bài văn nghị luận bàn về hành trình theo đuổi ước mơ của mỗi người.

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

6,0

1

A

0.5

2

B

0.5

3

A

0.5

4

C

0.5

5

C

0.5

6

D

0.5

7

A

0.5

8

Cái nhìn thể hiện sự tin tưởng vào tương lai những triển vọng trong tương lai mà đại dịch mang lại, quan điểm khoa học, cụ thể

0.5

9

Nhận xét về cách sắp xếp các luận điểm trong văn bản: Các luận điểm được trình bày, sắp xếp theo trình tự nhất định của một quá trình đấu tranh. Chúng ta không thể đảo luận điểm ước mơ của người da đen lên trước luận điểm người da đen bị đối xử bất công, bởi phải chỉ ra người da đen bị đối xử bất công thì mới dẫn đến ước mơ.

1,0

10

- Phân biệt chủng tộc là một vấn đề nam giải của toàn nhân loại

- Hiểu đơn giản, phân biệt chủng tộc là phân biệt đối xử giữa các nhóm người dựa trên đặc điểm màu da, nguồn gốc dân tộc

- Nạn phân biệt chủng tộc sẽ khiến chia rẽ dân tộc, có thể trở thành căn nguyên của bạo loạn, nội chiến, gây tổn hại nghiê trọng đến nền kinh tế và sự phát triển của xã hội

- Cuộc chiến chống nạn phân biệt chủng tộc chưa khi nào chấm dứt và cần sự chung tay của những lương tri công bằng và nhân ái

1,0

II

VIẾT

4,0

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học

0,25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận.

Hãy viết bài văn nghị luận bàn về hành trình theo đuổi ước mơ của mỗi người.

0,5

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HV có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục.

Sau đây là một hướng gợi ý:

– Đảm bảo hình thức, cấu trúc của bài văn nghị luận.

– Xác định đúng vấn đề: hành trình theo đuổi ước mơ của mỗi người.

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Nghị luận về ước mơ

2. Thân bài

a. Giải thích

Ước mơ: khao khát, ý muốn của con người muốn đạt được một điều gì đó, được làm nghề gì đó hoặc trở thành người như nào đó. Khi mỗi người có ước mơ họ trở nên tốt đẹp hơn, đề cao tầm quan trọng của ước mơ trong cuộc sống con người.

b. Phân tích

- Biểu hiện của người sống có ước mơ:

Chăm chỉ làm việc, khi gặp khó khăn không nản, luôn kiên trì, bền bỉ với việc mình đang làm.

Nỗ lực học tập, không bỏ qua bắt cứ cơ hội học tập nào, trau dồi, rèn luyện để hoàn thiện bản thân mình.

Biết đặt ra mục tiêu phấn đấu vì mục tiêu đó.

- Ý nghĩa của việc sống có ước mơ:

Người có ước mơ là người có lí tưởng sống, có ý chí vươn lên, sẽ học hỏi được nhiều điều hay lẽ phải để hoàn thiện bản thân.

Khi ta vấp ngã, biết đứng lên tiếp tục theo đuổi ước mơ, ta sẽ có thêm nhiều bài học quý giá mà không phải ai cũng có được.

Việc xây dựng ước mơ không chỉ khiến cho bản thân tốt đẹp hơn mà còn đóng góp cho xã hôi, cho đất nước phát triển.

c. Chứng minh

Học sinh lấy dẫn chứng về những con người sống có ước mơ nổi bật, tiêu biểu mà được nhiều người biết đến.

d. Phản đề

Trong xã hội vẫn còn nhiều người sống không có ước mơ, hoài bão, vô cảm, phó mặc cho cuộc đời. Lại có người sống có ước mơ nhưng không cố gắng thực hiện mà chỉ hão huyền, viển vông về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

3. Kết bài

Khái quát lại tầm quan trọng của ước mơ và rút ra bài học cho bản thân.

- Diễn đạt rõ ràng, dùng từ đặt câu đúng nghĩa, đúng ngữ pháp, đúng chính tả.

– Có những sáng tạo về ý tưởng hoặc có sự độc đáo về diễn đạt.

2.5

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25

e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy.

0,5

Tổng điểm

10.0

Đề ôn thi học kì 2 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức - Đề 3

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau thực hiện các yêu cầu nêu dưới:

[…]

Dần dần Tân cũng quen với đứa trẻ lặng lẽ sống bên mình. Mỗi lần đi về, Tân lại đến cạnh cái nôi, vén tấm màn trắng lên và nhìn một lát đứa bé nằm trong đó vẫn hai tay cọ quậy và con mắt lờ đờ nhìn mọi vật. Tuy vậy, Tân không nhận thấy rõ rệt cái liên lạc gì với đứa trẻ. Vả lại chàng cũng không nghĩ sâu xa gì về sự đó, chỉ thoáng qua trong trí mà thôi.

Một lần, chàng đang ngồi làm việc ở bàn giấy thì nghe tiếng vợ tắm cho đứa bé ở trong buồng. Vợ chàng gọi:

- Cậu vào đây hộ tôi một tý.

Tân quay mặt vào phía buồng, đáp:

- Con sen đâu, sao không gọi nó?

- Nó còn bận giặt ngoài kia. Thì cậu vào hộ tôi một tí có làm sao. Giữ hộ tôi cái đầu để tôi tắm cho nó thôi mà.

Tân ngần ngại bỏ dở công việc:

- Nào thì vào!

Rồi chàng vào trong buồng ngồi xuống bên cái chậu, hai tay giữ lấy đầu đứa bé. Vợ chàng nói lấy lòng:

- Cậu chỉ cầm một tý thôi. Tôi tắm cho nó xong ngay bây giờ đây.

Tân nhìn đứa bé, không thích một chút nào. Cái thân hình ngắn ngủi và chân tay khẳng khiu của nó làm chàng khó chịu không muốn để ý đến. Chàng càu nhàu mắng đứa bé:

- Nằm im! Mày cứ cọ quậy bắn cả nước lên tao đây này.

Cái đầu đứa bé đầy xà phòng nên càng trơn khó giữ. Tân đã thấy mỏi tay. Chàng bảo vợ:

- Thôi, giữ lấy nó, tôi mỏi tay lắm rồi.

Vợ chàng hơi gắt:

- Hãy giữ một chút nữa. Mới có một tí thế đã kêu mỏi!

Cái giọng nói ấy làm cho Tân không bằng lòng. Chàng buông đứa trẻ, đứng dậy trả lời xẵng:

- Không phải công việc của tôi. Với lại tôi trông nó khó chịu lắm.

Tân không nhận thấy nét mặt ngạc nhiên và buồn rầu của vợ, bước ra ngoài. Một chút hối hận, đến cửa, làm chàng quay mặt lại: vợ chàng đang ôm đầu đứa bé trong lòng khóc nức nở.

Ra ngoài, Tân mới nhận thấy cái cử chỉ vô lý của mình. Một tình thương nảy nở trong lòng chàng. Tân muốn trở vào an ủi vợ, xin lỗi nàng vì đã làm nàng phải buồn rầu. Chàng đứng lại, định quay vào, nhưng không biết cái gì vẫn giữ chàng lại. Tân đến ngồi bên bàn, nghĩ ngợi.

Từ khi hai vợ chồng lấy nhau, những cuộc cãi cọ nhỏ mọn, không có nghĩa lý gì, vẫn thường xảy ra luôn. Vì một câu nói, vì một cớ không đâu, hai vợ chồng lại giận nhau. Mà cũng như lần này, Tân cảm thấy chàng chỉ nói một lời dịu ngọt, êm ái, là đủ cho hai bên hòa hợp lại như cũ. Nhưng những câu ấy tan đi trên miệng trước khi nói ra lời. Một ý xấu khiến chàng yên lặng, và xui chàng giận dữ thêm lên để lấy phần phải về mình.

Khi Tân trở lại phòng, chàng thấy vợ đang ngồi cho con bú. Đứa bé tắm rửa sạch sẽ trông hồng hào như đánh phấn. Cái bàn tay mập mạp xinh xắn của nó nắm chặt lấy tay mẹ như để cầu sự âu yếm và che chở. Thỉnh thỏang nó ầm ừ trong miệng có vẻ rất bằng lòng.

Tân lại gần cúi nhìn đứa bé. Chàng thấy trong lòng một mối cảm động êm đềm và phiền phức. Nhìn đứa trẻ ngây thơ nằm trong lòng mẹ, Tân cảm thấy lần đầu cái thiêng liêng sâu xa của sự sống, và nhận thấy chính cái bé nhỏ, hèn mọn hàng ngày phá hoại cuộc đời.

Từ đấy, đứa con như cái dây giữ sự hòa hợp trong hai vợ chồng. Tân và vợ chàng không cãi nhau nữa. Mà nếu có xảy ra cuộc hờn giận, hai người chỉ cùng trông đứa trẻ mũm mỉm là lại hòa hợp như cũ.

Thỉnh thỏang vợ chồng bồng con đưa đến trước mặt Tân, chỉ cho chàng biết những cái thay đổi trong đứa bé.

- Này cậu trông, cái thóp bây giờ đã nhỏ đi rồi đấy.

Tân cũng chăm chú xem, rồi nói chuyện với con. Lúc chàng ngẩng lên nhìn, chàng thấy vợ ngượng nghịu muốn giấu sự vui mừng làm ửng hồng đôi gò má. Tân cũng thấy trong tâm can một sự vui vẻ khác thường.

Buổi sáng nay, vừa bước chân vào trong nhà, Tân đã hỏi vợ:

- Em đâu?

- Nó ngủ, cái gì thế?

- Tôi có cái này hay lắm.

Tân giơ lên cho vợ xem một đôi bít tất len trắng xinh đẹp. Chàng bước lại bên cạnh cái nôi rủ màn trắng sạch sẽ.

Vợ chàng vội nói:

- Ấy, khẽ chứ cậu, để nó ngủ. Tôi vừa mới đặt xong.

Tân rón rén, khe khẽ giở tấm màn tuyn, nhìn thấy đứa trẻ nằm gọn trong vải trắng. Chàng cúi mình xuống, yên lặng đợi trên cặp môi nhỏ bé một nụ cười.

Và Tân thấy trong lòng rung động khẽ như cánh bướm non, một tình cảm sâu xa và mới mẻ chàng chưa từng thấy.

(Trích Đứa con đầu lòng, Thạch Lam, Tuyển tập Thạch Lam, NXB Thời đại, tr.10-12)

Lựa chọn đáp án đúng nhất:

Câu 1. Xác định ngôi kể của truyện.

A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ hai
C. Ngôi thứ ba
D. Kết hợp ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba

Câu 2. Tác giả chọn điểm nhìn nào?

A. Từ nhân vật Tân
B. Từ vợ Tân
C. Từ người vú em
D. Từ tác giả

Câu 3. Đoạn trích viết về đề tài gì?

A. Tình yêu quê hương
B. Cuộc sống gia đình
C. Tình cha con
D. Tình vợ chồng

Câu 4. Không gian của đoạn trích diễn ra ở đâu?

A. Căn phòng hộ sinh
B. Căn phòng trọ
C. Nhà mẹ Tân
D. Căn nhà của vợ chồng Tân

Câu 5. Đoạn trích viết về chủ đề gì?

A. Tình cảm vợ chồng thắm thiết, thuỷ chung
B. Sự nảy nở kì diệu, thiêng liêng của tình mẫu tử.
C. Sự nảy nở kì diệu, thiêng liêng của tình phụ tử.
D. Tình cảm gia đình thiêng liêng, cao quý.

Câu 6. Khi được vợ nhờ giữ đứa con mới sinh để tắm cho con, thái độ của Tân thế nào?

A. Khó chịu, càu nhàu
B. Vui vẻ, nhiệt tình
C. Bực tức, khó chịu
D. Thờ ơ, lạnh nhạt

Câu 7. Dòng nào nêu đúng nội dung khái quát của đoạn trích?

A. Nỗi buồn của Tân khi đứa con đầu lòng chào đời
B. Những rung động của Tân khi vợ sinh con đầu lòng
C. Những cảm giác của Tân khi đón đứa con đầu lòng chào đời.
D. Trạng thái, cảm xúc của Tân khi ngắm con đầu lòng

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:

Câu 8. Nêu đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích?

Câu 9. Thông điệp nhà văn gửi gắm đến độc giả qua đoạn trích?

Câu 10. Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) nêu suy nghĩ của anh/chị về tình phụ tử

PHẦN II. VIẾT (4,0 điểm)

Viết bài văn nghị luận phân tích và đánh giá nhân vật Tân trong đoạn trích truyện “Đứa con đầu lòng” - Thạch Lam

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

6,0

1

C

0.5

2

A

0.5

3

B

0.5

4

D

0.5

5

C

0.5

6

A

0.5

7

C

0.5

8

Đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích:

- Cốt truyện đơn giản, không phức tạp

- Đi sâu vào khai thác thế giới nội tâm của nhân vật

- Ngôn ngữ trong sáng, giàu tình cảm, giàu chất thơ

0.5

9

Thông điệp:

- Sự ấm áp của tình yêu thương

- Trân trọng, nâng niu tình cảm gia đình

- Trân trọng vẻ đẹp giản dị của cuộc sống thường nhật

1,0

10

HS bày tỏ suy nghĩ về tình phụ tử bằng đoạn văn 5 – 7 câu:

- Tình phụ tử - những tình cảm mà người cha giành cho người con của mình

- Vai trò: Tình phụ tử sẽ giúp chúng ta bước qua sóng gió cuộc đời, nó cũng như tình mẹ vậy, vô cùng mãnh liệt, vô cùng vững bền. Cha cũng như mẹ, luôn lo lắng cho ta, luôn bao dung cho ta mọi lỗi lầm cùng như sai trái. Nếu như mẹ ân cần khuyên bảo, nhẹ nhàng răn dạy chúng ta để chúng ta đi đúng con đường đời thì cha lại khác.

1,0

II

VIẾT

4,0

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học

0,25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận.

Viết bài văn nghị luận phân tích và đánh giá nhân vật Tân trong đoạn trích truyện “Đứa con đầu lòng” - Thạch Lam

0,5

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HV có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục.

Sau đây là một hướng gợi ý:

– Đảm bảo hình thức, cấu trúc của bài văn nghị luận.

– Xác định đúng vấn đề: Phân tích và đánh giá nhân vật Tân trong đoạn trích.

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về nhân vật và vấn đề phân tích.

2. Thân bài

Lần lượt trình bày các luận điểm. Sử dụng lí lẽ và dẫn chứng để làm rõ luận điểm:

- Những cảm giác của Tân khi đón đứa con đầu lòng chào đời (từ lúc ở phòng hộ sinh, khi về nhà, từ chôc thấy xa lạ, thậm chí khó chịu, đến khi nhận ra một tình cảm sâu xa và mới mẻ chàng chưa từng thấy)

- Câu chuyện chỉ giản đơn xoay quanh Tân và sự chào đời của đứa con đầu lòng của vợ chồng chàng. Không làm độc giả thót tim với những tình tiết gay cấn hay lấy nước mắt bao anh chàng, cô nàng bằng những câu chuyện tình trắc trở, những tình tiết và suy nghĩ của nhân vật gắn chặt với cuộc sống, rất chân thật. Truyện vẫn nối tiếp phong cách văn chương của Thạch Lam khi là một dòng chảy của suy cảm, mênh mang bao cảm xúc của nhân vật Tân.

- Những suy nghĩ ấy có thể phân chia làm ba giai đoạn:

+ Trong lúc vợ sinh con, mâu thuẫn trong lần tắm cho em bé và sau cùng là những thay đổi tích cực trong tâm tưởng chàng. Những đối thoại giữa các nhân vật với nhau rất thưa thớt và kiệm lời, thay vào đó là dòng suy nghĩ miên man.

+ Nhìn ngắm đứa con vừa mới lọt lòng, chàng “ thấy một cảm tưởng lạ, không rõ rệt, nẩy nở trong lòng. Nhưng cái rúm thịt động đậy, cái mầm sống nhỏ mọn và yếu ớt kia hình như không có một chút liên lạc gì với chàng cả. Tân không thấy cảm động như chàng tưởng, và cũng không thấy có một cảm tình gì đối với đứa con mới đẻ ”. Rồi chàng làm quen với việc có thêm một thành viên đặc biệt trong gia đình, song với chàng “ Tân không nhận thấy rõ rệt cái liên lạc gì với đứa trẻ. Vả lại chàng cũng không nghĩ sâu xa gì về sự đó, chỉ thoáng qua trong trí mà thôi ”. Những ý nghĩ lạ lùng này khiến người đọc băn khoăn và quyết tâm theo dõi đến cùng câu chuyện.

+ Đỉnh điểm của chuỗi cảm xúc này là việc Tân khó chịu khi phải giúp vợ tắm cho con. Với Tân, đó là lần chàng làm vợ buồn vì hờ hững, thậm chí bực dọc khi giúp vợ tắm cho con. Những suy nghĩ hỗn loạn, người ta biết mình sai nhưng không có đủ can đảm để sửa chữa: “Ra ngoài, Tân mới nhận thấy cái cử chỉ vô lý của mình. Một tình thương nảy nở trong lòng chàng. Tân muốn trở vào an ủi vợ, xin lỗi nàng vì đã làm nàng phải buồn rầu. Chàng đứng lại, định quay vào, nhưng không biết cái gì vẫn giữ chàng lại. Tân đến ngồi bên bàn, nghĩ ngợi”.

Phải có đủ thời gian và đủ thử thách, cuối cùng Tân mới nhận ra với chàng, với cuộc sống bình thường trước kia, đứa bé thật sự là một điều kì diệu. Chàng kịp nhận ra vẻ đẹp đáng nâng niu của con chàng: “Đứa bé tắm rửa sạch sẽ trông hồng hào như đánh phấn. Cái bàn tay mập mạp xinh xắn của nó nắm chặt lấy tay mẹ như để cầu sự âu yếm và che chở”. Và từ đây, nó trở thành một phần không thể bức lìa trong cuộc sống của chàng, là mối dây ràng buộc chàng với gia đình

Tân lại gần cúi nhìn đứa bé. Chàng thấy trong lòng một mối cảm động êm đềm và phiền phức. Nhìn đứa trẻ ngây thơ nằm trong lòng mẹ, Tân cảm thấy lần đầu cái thiêng liêng sâu xa của sự sống, và nhận thấy chính cái bé nhỏ, hèn mọn hàng ngày đang phá hoại cuộc đời”. Và cuối truyện, khi mọi chuyện được giải quyết, trong Tân một dòng suy nghĩ khác lại ngự trị “Tân thấy trong lòng rung động khẽ như cánh bướm non, một tình cảm sâu xa và mới mẻ chàng chưa từng thấy”. Một câu chuyện, bao cảm xúc, quắn quện nhiều khi đến đạm đặc, nhưng rất người, rất thật, làm rung động sâu xa trong lòng người

3. Kết bài

- Nêu nhận xét, đánh giá về nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả

- Nêu cảm nhận, suy nghĩ của em về nhân vật Tân

- Diễn đạt rõ ràng, dùng từ đặt câu đúng nghĩa, đúng ngữ pháp, đúng chính tả.

– Có những sáng tạo về ý tưởng hoặc có sự độc đáo về diễn đạt.

2,5

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25

e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy.

0,5

Tổng điểm

10.0

..........

Tải file tài liệu để xem thêm Đề ôn thi học kì 2 Ngữ văn 10 Kết nối tri thức

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 361
  • Lượt xem: 8.286
  • Dung lượng: 1,3 MB
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Minh Anh Trần
    Minh Anh Trần

    có đáp án không ạ

    Thích Phản hồi 23/04/23
    • Trịnh Thị Thanh
      Trịnh Thị Thanh

      Tài liệu này ko có đáp án b ạ

      Thích Phản hồi 23/04/23