Phân tích truyện ngắn Con chim vàng của Nguyễn Quang Sáng Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện lớp 10

Phân tích tác phẩm Con chim vàng của Nguyễn Quang Sáng mang đến bài văn mẫu cực hay. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo để biết cách viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện lớp 10.

Con chim vàng của Nguyễn Quang Sáng

Con chim vàng là truyện ngắn hay đã gửi gắm đến người đọc thông điệp về sự yêu thương, không phân biệt giai cấp, quý trọng con người. Qua đó khẳng định vị thế của Nguyễn Quang Sáng trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về tác phẩm này mời các bạn cùng theo dõi bài văn mẫu dưới đây. Bên cạnh đó các bạn xem thêm: phân tích truyện Mua nhà, phân tích Chữ người tử tù.

Phân tích Con chim vàng của Nguyễn Quang Sáng

Nguyễn Quang Sáng là một trong những tác giả tiêu biểu của văn học Việt Nam, mang dấu ấn phong cách riêng biệt; bởi những trang viết của ông thấm đẫm màu sắc và nhịp sống, dường như gói gọn cả “chất và người Nam Bộ” vào trong các tác phẩm của mình; chân chất, mộc mạc và giản dị vô cùng. Con chim vàng là truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Quang Sáng, được sáng tác năm 1956. Tác phẩm đã phản ánh chân thực nỗi bất hạnh của con người dưới thời Pháp thuộc ở Nam Bộ; qua đó thể hiện sự phê phán của tác giả với những kẻ thống trị; thể hiện nỗi đồng cảm, xót xa với những phận người nhỏ bé, nghèo khổ trong xã hội.

Truyện kể về nhân vật Bào – một cậu bé mười hai tuổi phải đi ở đợ gán nợ hai thúng thóc cho nhà hương quản trong làng. Con trai hương quản là thằng Quyên, chỉ kém Bào một tuổi nhưng được chiều chuộng vô lối, ích kỉ, nhõng nhẽo. Nó thấy con chim vàng đậu trên cây trứng cá nên thích mê mẩn đòi Bào bắt bằng được, không thiết gì các đồ chơi khác nữa. Bào phải lo làm việc cho nhà chủ, lại thêm gánh nặng bắt con chim vàng nên ghét con chim lắm. Hơn nữa, mẹ con Quyên lại đòi hỏi Bào bắt chim mà không được bắn bị thương, không được dùng bẫy cho khỏi tốn mồi, chỉ được chụp chim bằng tay không. Cực chẳng đã, Bào phải quấn lá để giấu mình, trèo lên cây chờ chim. Cuối cùng, Bào chụp được con chim vàng, nhưng bị ngã. Kết thúc truyện là cảnh con chim vàng đã chết và Bào thì thoi thóp trong vũng máu mà không hề được quan tâm hỏi han đến chút nào, vì mẹ con thằng Quyên còn đang mải xót xa cho con chim chết.

Tác phẩm đã cho ta thấy được bi kịch của những phận người nhỏ bé, nghèo khổ, bất hạnh; điều đó thể hiện rõ nét qua nhân vật Bào. Nó có hoàn cảnh bất hạnh: nhà nghèo, cha bệnh nên phải vay hai thúng thóc của nhà hương quản. Cha mất rồi, mẹ con Bào không trả được nợ nên Bào phải đi ở gán nợ. Một con người còn không đáng giá bằng hai thúng thóc, sự thực mới chua xót làm sao! Khi ở đợ cho nhà hương quản, Bào phải làm việc, phải đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe, vô lí của chủ. Bào căm ghét con chim vàng, bởi vì “Bắt không được chim, không được ăn cơm”. Bào đã tìm đủ mọi cách để bắt con chim mà không thể đáp ứng được theo ý chủ. Nó tranh thủ khi đi chăn trâu để lặn ngụp dưới sông lấy đất sét nặn những con trâu đồ chơi, rồi “bưng chiếc nón lá rách đựng đầy đồ chơi” với các loại trâu để “hạ giọng năn nỉ” thằng Quyên chơi những đồ chơi đất nó đã dày công chuẩn bị, mong thằng con nhà chủ quên đi con chim vàng. Thế nhưng kết quả là thằng Quyên lăn đùng ra ăn vạ, giãy đành đạch, gào khóc gọi mẹ, và mẹ nó thì “đánh Bào té nhủi”. Nó mày mò làm ná thun để bắn con chim, thế nhưng chủ nó lại yêu cầu nó bắn thế nào cũng được, “miễn đừng chết, đừng què, đừng gãy cánh chim”; phải “bắn cho nó giật mình, chết giấc té xuống”. Một yêu cầu vô lí không tưởng, nhưng khi nó phản kháng, cãi chủ thì ngay lập tức bị đánh. Không được, nó tìm cách làm bẫy chim, xin chuối để làm mồi thì chủ nói “chuối tiền chuối bạc” không thể cho chim ăn được. Bị dồn đến bước đường cùng, Bào phải trèo lên cây để chụp con chim, dù biết đó là việc khó khăn và nguy hiểm đến nhường nào. Nhưng Bào đã không còn sự lựa chọn nào khác. Cuối cùng, Bào bị ngã từ trên cây xuống, nó “khuỵu xuống, đầu ngã xuống vũng máu”, đến tính mạng của mình cũng chẳng giữ được. Đáng buồn hơn, đến cả cái chết của Bào cũng không được quan tâm, vì mẹ con nhà chủ còn mải đi đau xót con chim chết, để “Tay Bào với tới, với mãi, với mãi nhưng cũng chẳng với được ai”. Nó bị dồn đến cái chết, chết trong tức tưởi và đau xót đến vậy. Một mạng người không quý bằng mạng của một con chim. Qua nhân vật Bào, tác giả đã phản ánh chân thực sự khổ sở, nhỏ bé, bất hạnh đến cùng cực của những người nông dân vùng Nam Bộ Việt Nam trong xã hội cũ. Họ là những người bị đàn áp, bị chèn ép đến đường cùng, thậm chí mất cả tính mạng nhưng cũng vẫn chỉ bị coi thường đến rẻ mạt, phận người không đáng giá bằng hai thúng thóc, không đáng giá bằng một con chim. Từ đó, tác giả đã thể hiện sự đồng cảm, thương xót với những kiếp người nhỏ bé bất hạnh như Bào, đồng thời lên tiếng tố cáo hiện thực xã hội một cách chân thực nhất.

Bên cạnh đó, ta cũng thấy được sự độc ác, tham lam, ích kỉ của những kẻ “làm chủ” trong xã hội. Qua nhân vật Quyên và người mẹ, tác giả đã khắc họa sự độc ác, tham lam, ích kỉ của những kẻ được coi là “tầng lớp trên” của xã hội, những kẻ làm chủ nhưng không có một chút coi trọng nào với những con người làm thuê cho mình. Quyên là thằng bé sung sướng từ nhỏ, ích kỉ, được chiều chuộng, nhõng nhẽo. Chỉ qua một số chi tiết như việc Quyên đòi phải có được con chim bằng được vì “không vừa ý cái gì là nó giãy nảy lên” hay hành động “Nó đưa chân đạp nhẹp mấy con trâu đất, khóc ré lên” kiểu ăn vạ là thấy được sự vô lí, trẻ con của nhân vật này. Một thằng bé mười một tuổi mà “nhào lăn ra thềm, đập chân đành đạch, gào lên” không khác gì một đứa bé mấy tuổi chưa có nhận thức. Quyên bắt mọi người phải chiều theo sở thích của mình, không cần quan tâm đến điều gì khác. Khi Bào trèo lên cây, còn đòi phải “trèo ra nhánh” để bắt được con chim, không biết đến sự nguy hiểm của việc Bào đang làm. Nếu như Quyên hống hách nhưng còn có chút trẻ con, thì nhân vật mẹ Quyên tuy xuất hiện không nhiều nhưng rất ấn tượng với người đọc bởi được tác giả khắc họa bằng các chi tiết đắt giá, thể hiện rõ sự độc ác, bất công, đòi hỏi vô lí với người làm. Bà ta đòi Bào phải bắt chim cho con chơi, nhưng khi muốn bắn con chim thì“muốn bắn mấy cái thì bắn, miễn đừng chết, đừng què, đừng gãy cánh chim của con tao thì thôi” rồi đòi hỏi vô lí khó có thể thực hiện được“bắn cho nó giật mình, chết giấc té xuống”. Khi thấy thằng Bào muốn bẫy chim thì không muốn tốn “chuối vàng chuối tiền” để cho chim ăn, muốn bắt được chim mà không tốn bất cứ cái gì của mình. Bà ta tham lam và ngu dốt, vô lí đến mức đòi kẻ ở phải chụp tay không để bắt con chim cho con chơi. Không những thế, bà ta còn độc ác, sẵn sàng chửi mắng người ở vì bất cứ lí do gì, bắt nhịn cơm hoặc đánh thằng nhỏ một cách độc ác. Bà ta còn nhẫn tâm, khi thằng Bào bị ngã từ trên cây xuống thì không hỏi han được một câu, chỉ chăm chăm thương xót con chim chết mà bỏ quên một mạng người. Qua nhân vật Quyên và mẹ Quyên, ta thấy được bộ mặt của một tầng lớp trong xã hội Nam Bộ xưa thời Pháp thuộc. Hai nhân vật là người nhà của hương quản - một chức tước nhỏ ở làng, nhưng đã hống hách, ích kỉ, bóc lột, coi thường người khác như vậy thì thử hỏi những kẻ ở tầng lớp cao hơn còn đến thế nào? Tác giả đã phê phán, lên án sự độc ác của những kẻ này khi mà chúng không coi con người bằng nổi một hai thúng thóc, hay bằng mạng của một con chim. Quá đau xót cho hiện thực xã hội ấy!

Không chỉ hấp dẫn người đọc bởi thông điệp giàu ý nghĩa, truyện ngắn còn thu hút người đọc bởi những nét đặc sắc về mặt nghệ thuật. Tác giả đã lựa chọn và sử dụng ngôi kể hợp lí, sử dụng ngôi kể thứ ba – ngôi kể biết tuốt, như một người ngoài cuộc để nhìn nhận mọi sự việc xảy ra trong câu chuyện: hoàn cảnh khổ sở của Bào khi phải đi ở đợ, bị mẹ con thằng Quyên đòi hỏi những yêu cầu vô lí, hành hạ về cả thân thể và tâm lí. Người kể chứng kiến tất cả những khổ sở của Bào, sự vô lí và nhõng nhẽo ương ngạnh của Quyên, sự độc ác kệch cỡm của mẹ Quyên… từ đó có cái nhìn toàn diện để kể lại cho người đọc. Ngôi kể thứ ba mang tính khách quan, khiến người đọc có thể chứng kiến câu chuyện và đưa ra cách phán đoán của riêng mình, không bị ảnh hưởng bởi phán đoán hay nhận xét của người khác. Từ đó, người đọc sẽ thấy mình có được sự đánh giá toàn diện hơn vì đã hiểu thấu đáo được câu chuyện.

Nguyễn Quang Sáng còn rất tài tình khi xây dựng nhân vật, ông tập trung vào giới thiệu hoàn cảnh, khắc họa tính cách qua việc chọn lựa các chi tiết tiêu biểu. Nhân vật Bào là đại diện cho những con người nghèo khổ bất hạnh: phải đi ở đợ gán nợ hai thúng thóc, tìm đủ mọi cách để bắt con chim trước đòi hỏi vô lí của chủ. Mười hai tuổi nhưng thằng bé đã khổ sở, phải làm đủ chuyện cho nhà chủ. Bị đánh đập tàn nhẫn tóe máu, cuối cùng mất mạng do bắt một con chim mà còn không được quan tâm… Khi miêu tả Quyên, ta thấy được sự trẻ con, hống hách, ích kỉ, được chiều chuộng của thằng bé qua chi tiết khóc gọi mẹ và lăn đùng ra ăn vạ; hay sự độc ác, vô lí của mẹ Quyên khi bắt Bào phải bắt sống chim mà không được bắn, không được làm mồi… Mỗi nhân vật được khắc họa, hiện lên với tính cách và hoàn cảnh riêng biệt, bộc lộ dụng ý nghệ thuật của tác giả.

Bên cạnh đó, ta còn thấy được tài năng của tác giả khi vận dụng những nét đặc sắc nghệ thuật khác. Đó là giọng kể dân dã, bình dị như người dân quê kể lại câu chuyện thường ngày khiến người đọc dễ tiếp cận câu chuyện hơn. Đó là ngôn ngữ mang đậm phong cách người dân Nam Bộ, giản dị đời thường. Tác giả còn sử dụng kết cấu đối lập, thể hiện trong sự trái ngược giữa hai nhân vật Bào và Quyên từ hoàn cảnh, tính cách, số phận… khiến nội dung chủ đề của câu chuyện được nổi bật hơn, thu hút người đọc.

Con chim vàng là một truyện ngắn hay, mang đậm phong cách Nguyễn Quang Sáng. Với những nét đặc sắc về nghệ thuật kể chuyện, xây dựng nhân vật, lựa chọn ngôi kể… tác giả đã làm nổi bật hiện thực khổ sở của những người dân dưới thời phong kiến, khi mà số phận con người quá nhỏ bé, rẻ mạt, không được coi trọng. Tác phẩm đã gửi gắm đến người đọc thông điệp về sự yêu thương, không phân biệt giai cấp, quý trọng con người; khẳng định vị thế của Nguyễn Quang Sáng trong nền văn học hiện đại Việt Nam.

Chia sẻ bởi: 👨 Đỗ Vân
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm