Không khởi động được máy tính thì phải làm sao?
Bật máy tính không lên, không khởi động được máy tính hay máy tính khởi động chậm là một trong những lỗi khá phổ biến và thực sự không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, với nhiều người dùng không có kinh nghiệm hoặc nếu chúng ta đang có việc gấp thì việc không bật được máy tính cũng sẽ gây ra những phiền toái hoặc những khó chịu nhất định.
Nếu từng rơi vào trường hợp này và chưa rõ cách xử lý ra sao, các bạn có thể xem qua hướng dẫn khắc phục tình trạng máy tính không khởi động được sau đây.
Cần làm gì khi máy tính không khởi động?
CHÚ Ý:
Vì máy tính sử dụng điện, nên trước khi làm bất cứ điều gì với thiết bị này, các bạn cũng cần rút phích cắm, ngắt kết nối với nguồn điện để tránh các rủi ro không lường trước.
Kiểm tra RAM máy tính
Đây là điểm đầu tiên mà bạn nên nghĩ tới khi không thể khởi động máy tính (mặc dù máy vẫn đang chạy). Dấu hiệu nhận biết máy tính lỗi RAM là những tiếng kêu "bip bip" ngắt quãng khoảng 1-2 giây.
Cách xử lý:
- Mở nắp case, gạt 2 chốt giữ ở 2 đầu khe cắm RAM.
- Cầm hai đầu thanh RAM hoặc cầm vào chính giữa RAM, nhấc nhẹ nhàng, thẳng lên trên. Tuyệt đối không lắc, rung, bẻ theo các hướng bất kỳ để tránh làm cong, gẫy RAM hoặc làm vỡ, nứt chân cắm).
- Sử dụng giẻ, khăn sạch để vệ sinh chân RAM (phần cắm vào khe máy tính).
- Sử dụng chổi nhỏ hoặc ống thổi trong bộ vệ sinh máy tính để vệ sinh khe RAM.
- Lắp lại RAM vào máy tính theo đúng cách chúng ta vừa tháo ra (nếu thấy vướng cần quan sát lại hai đầu, tuyệt đối không cố ấn, đè RAM vào khe).
Với các trường hợp máy tính sử dụng từ 2 thanh RAM trở lên, các bạn cũng làm tương tự như trên, nhưng cần thực hiện lần lượt với từng RAM để kiểm tra thứ tự. Vì những máy tính này dù chỉ cần 1 trong 2 thanh RAM lỗi cũng đều khiến máy tính không lên hình.
Trường hợp đặc biệt là RAM không sao, nhưng khe cắm RAM có vấn đề, nếu dùng 1 RAM, bạn có thể chuyển khe cắm, còn nếu không, hãy mang máy tính ra trung tâm để có thể sửa chữa tốt hơn.
Kiểm tra Card hình / GPU
Một trong những nguyên nhân phổ biến khác là do card đồ họa của máy tính. Dấu hiệu của lỗi này cũng là màn hình không hiển thị, mặc dù máy vẫn chạy.
Cách xử lý:
- Thực hiện tương tự như khi kiểm tra và vệ sinh RAM.
Một mẹo nhỏ mà người dùng có thể nên biết, đó là khi nhấc GPU ra, hãy thử chuyển qua jack VGA hoặc HDMI lên card onboard, nếu máy tính vẫn hoạt động bình thường thì nghĩa là VGA của bạn có vấn đề.
Với các máy tính có card đồ họa sử dụng nguồn phụ, hãy thử thay dây nguồn phụ và kiểm tra lại vì rất có khả năng nguồn phụ có vấn đề, khiến lỗi trên xảy ra. Các bạn cũng có thể tiến hành theo dõi GPU trên máy tính của mình để biết được tình trạng của vi xử lý này.
Kiểm tra CPU
CPU gặp vấn đề (CPU chạy quá tải) hoặc tiếp xúc giữa CPU với các chân socket không tốt cũng có thể gây ra lỗi khiến máy tính không thể hoạt động. Tuy nhiên, để có thể kiểm tra được, người dùng cần một chút khéo léo và vốn kiến thức cơ bản về máy tính. Bởi CPU là bộ phận quan trọng nhất của máy tính, các chân socket lại khá nhỏ và mảnh nên dễ cong, gẫy nếu thực hiện không đúng cách.
Cách xử lý:
- Tháo quạt tản nhiệt của case bằng cách xoay theo chiều mũi tên hướng dẫn.
- Từ từ rút các jack kết nối ra, nhớ nhẹ tay.
- Gạt lẫy giữ CPU và nhấc nắp bảo vệ lên, bạn sẽ thấy CPU trong đó.
- Lấy CPU ra, vệ sinh và lắp trở lại theo đúng quy trình., Lưu ý, CPU khá nặng, nên khi cầm cần cần tránh đánh rơi, dễ gây vỡ, hỏng các bộ phận khác trong case.
Việc kiểm tra CPU là khá cần thiết, tuy nhiên, nếu không có kinh nghiệm thì bạn có thể để lại thao tác này cuối cùng hoặc nhờ một ai đó có kinh nghiệm giúp bạn xử lý.
Xả điện nguồn của sục PSU
Thực tế thì vấn đề này rất ít khi xảy ra, tuy nhiên, nó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra vấn đề mà chúng ta đang nhắc tới trong bài này của máy tính. Nếu đã kiểm tra RAM và card màn hình của máy mà đều không có tác dụng, cũng không cần quá lo lắng.
Hãy thử một lần nữa với cách này:
- Rút điện nguồn ra.
- Tháo jack nguồn chính và jack nguồn phụ của PSU nối với mainboard.
- Chờ vài phút rồi cắm lại như cũ.
Kiểm tra dây nối từ case lên màn hình
Khi mọi thao tác trên bạn đã kiểm tra và chắc chắn cũng không có bất kỳ bất thường nào từ các bộ phận trong máy tính, bạn có thể bắt đầu nghĩ tới những nguyên nhân... vô cùng vớ vẩn khác, như: dây cắm bị lỏng, dây nối VGA hoặc HDMI có vấn đề... Bởi những dây này thường được bọc bên ngoài một lớp bảo vệ nên những lỗi, đoạn gãy đứt bên trong là không thể quan sát được bằng mắt thường.
Cách xử lý:
- Bạn có thể thử với một dây kết nối khác hoặc thử dây đang dùng sang một thiết bị khác để kiểm tra.
- Kiểm tra lại hai đầu xem có bị lỏng hay không?
Kiểm tra các chi tiết khác
Chúng ta thường quá chú ý tới những chi tiết lớn mà quên mất rằng máy tính là một cỗ máy được kết hợp bởi nhiều linh kiện, nhiều bộ phận khác nhau mà những thiết bị điện tử này chỉ hoạt động tốt theo một dây chuyền liên tục, một linh kiện nhỏ gặp lỗi cũng có thể khiến cả cỗ máy gặp vấn đề.
Hoặc đôi khi, những lỗi gây ra lại vô cùng bình thường, có thể là dây cắm bị đứt, ổ điện có vấn đề hoặc như trường hợp dây nối với Power bị đứt, bạn nhấn Power thì đương nhiên không thể lên. Chỉ một thao tác nhỏ là bạn chuyển kết nối này sang Restart và mỗi lần bật máy sẽ nhấn nút này thay vì Power là xong.
Kết
Việc nắm rõ các kiến thức cơ bản không những giúp bạn tiết kiệm được thời gian mà còn có thể tránh tối đa việc chúng ta bị một số cửa hàng, người xấu lợi dụng cơ hội để thay đổi linh kiện, tốn kém trong việc sửa chữa không cần thiết.