Viết đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ mà em thích (10 mẫu) Văn mẫu lớp 8
Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 8: Viết đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ mà em thích.
Nội dung bao gồm 10 đoạn văn mẫu lớp 8. Mời bạn đọc tham khảo chi tiết được đăng tải ngay sau đây.
Viết một đoạn văn (khoảng 5 – 7 dòng) nêu cách hiểu về một câu tục ngữ mà em thích và bài học em rút ra được từ câu tục ngữ đó.
Viết đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ mà em thích
- Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 1
- Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 2
- Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 3
- Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 4
- Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 5
- Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 6
- Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 7
- Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 8
- Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 9
- Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 10
Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 1
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là lời răn dạy giàu giá trị. Câu tục ngữ bao gồm hai vế câu “đi một ngày đàng” và “học một sàng khôn”. Ở vế câu đầu tiên, “đi” là hành động, sử dụng đôi chân để di chuyển từ nơi này sang nơi khác; “đàng” có nghĩa là con đường, được tạo ra để thuận tiện cho việc di chuyển. Hiểu sâu xa hơn thì “đi một ngày đàng” có nghĩa là đi ra bên ngoài học hỏi, khám phá. Đến vế thứ hai, “học” có nghĩa là học hỏi, thu nhận kiến thức rèn luyện kĩ năng; “sàng” là dụng cụ làm gạo của người nông dân xưa có hình tròn, đan bằng tre. “Học một sàng khôn” có nghĩa là học hỏi thêm được nhiều kiến thức. Như vậy, câu tục ngữ trên muốn nói rằng những chuyến đi sẽ giúp con người học hỏi thêm được nhiều kiến thức, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Đồng thời, thế hệ đi trước cũng muốn động viên, khích lệ tinh thần học hỏi, khám phá của mỗi người để mở mang kiến thức, học hỏi thêm nhiều điều bổ ích. Bên cạnh đó vẫn có những người sống thụ động, hèn nhát. Họ không dám tiến bước về phía trước, thoát khỏi vùng an toàn của mình để chinh phục mục tiêu của bản thân. Có thể khẳng định rằng câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” đã đem đến một lời khuyên quý giá cho con người.
Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 2
Đạo đức, phẩm chất là những điều làm nên giá trị của một con người, chính vì lẽ đó mà ông cha ta đã có lời khuyên răn: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Câu tục ngữ gồm hai vế là “đói cho sạch” và “rách cho thơm”. Từ “đói” và “rách” ý chỉ cuộc sống vật chất nghèo khổ, thiếu thốn của con người. Còn “sạch” và “thơm” muốn nói về vẻ đẹp phẩm chất của con người. Qua đó, ông cha ta muốn khuyên nhủ con cháu rằng dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn vẫn phải giữ tấm lòng trong sạch, không để hoàn cảnh chi phối bản thân. Có ai đó đã từng khẳng định rằng: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được lựa chọn cách mình sống”. Mỗi người đều có một hoàn cảnh sống khác nhau. Chúng ta không thể lựa chọn điều đó, nhưng có thể lựa chọn cách sống. Chọn làm một người có ích, biết vượt lên trên mọi khó khăn nghịch cảnh. Hay chỉ làm một người tự ti, mặc cảm với xuất thân và coi đó là nguyên nhân để bản thân tìm đến với con đường sai trái. Câu tục ngữ trên chính là lời răn dạy cho con người về lựa chọn cách sống. Có thể thấy rằng, câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” là một lời răn dạy đúng đắn.
Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 3
Lá lành đùm lá rách là câu tục ngữ mà tôi cảm thấy rất ấn tượng và yêu thích. Câu tục ngữ có nét nghĩa đen và nghĩa bóng. Về nghĩa đen, câu tục ngữ gợi ra hình ảnh dễ dàng được bắt gặp hình các bà, các mẹ khi gói bánh hay đồ ăn, sẽ thường bọc nhiều lớp lá lên nhau, lá rách xếp trước, lá lành xếp sau. Còn về nghĩa bóng, “lá lành” chỉ những con người có cuộc sống tốt đẹp, “lá rách” chỉ những con người có cuộc sống khốn khổ, vất vả. Qua đó, câu tục ngữ muốn khuyên răn con người phải có tình yêu thương, biết đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Một câu tục ngữ giá trị. Là bài học sâu sắc cho mỗi người. Chúng ta sinh ra đều có những hoàn cảnh khác nhau. Cuộc sống của mỗi người có sung sướng, hạnh phúc nhưng cũng có nghèo khổ, bất hạnh. Chính vì vậy, sự đùm bọc và chia sẻ thực sự cần thiết. Bởi điều đó sẽ giúp cuộc sống của mỗi người trở nên tốt đẹp hơn. Người cho cảm thấy hạnh phúc, còn người nhận sẽ cảm thấy ấm lòng hơn. Lời khuyên nhủ được gửi gắm qua câu “Lá lành đùm lá rách” sẽ còn mãi đến muôn đời.
Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 4
Một trong những truyền thống gửi gắm bài học ý nghĩa mà tôi cảm thấy ấn tượng là “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Câu tục ngữ ngắn gọn nhưng để lại bài học sâu sắc. Xét về lớp nghĩa đen, chúng ta có thể hiểu “gỗ” là phần rắn nằm dưới vỏ của thân và cành một số cây, dùng làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu làm giấy… Còn “nước sơn” chính là lớp sơn được phủ bên ngoài để tránh mối mọt và trang trí cho gỗ thêm thẩm mỹ. Khi lựa chọn một sản phẩm làm từ gỗ, chúng ta cần chú trọng đến chất lượng của gỗ hơn là hình thức của sản phẩm. Còn xét về nghĩa bóng, “gỗ” muốn nói tới phẩm chất, nhân cách của con người; “nước sơn” ý chỉ hình thức của con người. Tính từ “tốt” được điệp lại hai lần nhằm nhấn mạnh vào đặc điểm, tính chất của “gỗ” và “nước sơn”. Hai hình ảnh “gỗ” và “nước sơn” được so sánh không ngang bằng “hơn” để gửi gắm thông điệp chúng ra nên coi trọng bản chất bên trong hơn là bề ngoài bóng bẩy. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rộng ra lời khuyên từ câu tục ngữ là nên coi trọng bản chất, nhân cách của con người chứ không chỉ nhìn nhận, đánh giá qua hình thức bên ngoài. Hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ, chúng ta cần tích cực rèn luyện phẩm chất, đạo đức để ngày càng hoàn thiện bản thân tốt đẹp hơn.
Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 5
Câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” đã đem đến cho em bài học sâu sắc. Xét về nghĩa đen, câu tục ngữ nói đến một hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống. Ngựa vốn là loài vật sống theo bầy đàn. Khi một con bị đau ốm, các con khác trong đàn cũng chán nản, không muốn ăn uống. Xét về nghĩa bóng, “một con ngựa đau” mang hàm nghĩa về sự đau khổ, khó khăn của một cá thể. Còn “cả tàu bỏ cỏ” muốn chỉ sự chia sẻ của đồng loại đối với nỗi đau, khó khăn của cá thể đó. Như vậy, qua “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, nhân dân ta nêu lên bài học đạo lý rằng con người cần biết sống yêu thương, biết chia sẻ và đồng cảm với đồng loại. Khi một người gặp phải khó khăn, cảm thấy đau khổ mà nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ của mọi người thì sẽ cảm thấy được an ủi, ấm áp hơn. Từ đó, họ có thêm niềm tin cũng như động lực để cố gắng vượt qua. Nhờ vậy, tập thể đó mới ngày càng phát triển, vững mạnh hơn trước. Câu tục ngữ “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” đã đem đến lời khuyên quý giá.
Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 6
Một trong những câu tục ngữ mà tôi cảm thấy ấn tượng nhất là “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Ở vế đầu tiên, “đi một ngày đàng” ý chỉ hành động đi ra ngoài tìm hiểu, khám phá trong một khoảng thời gian. Còn vế thứ hai “học một sàng khôn” ý chỉ học được những kiến thức bổ ích, mới mẻ giúp con người hiểu biết hơn. Như vậy, “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” có nghĩa là khi chúng ta đi nhiều sẽ càng học hỏi được nhiều. Chỉ cần chịu khó học hỏi chắc chắn sẽ thu được những tri thức mới mẻ. Xã hội ngày càng phát triển, khối lượng tri thức của nhân loại ngày càng nhiều. Cùng với việc học tập trong sách vở, chúng ta cần tích lũy từ những trải nghiệm thực tế. Bởi vậy, có bước ra thế giới rộng lớn ngoài kia mới có thể học tập được những điều mới mẻ. Đối với một học sinh, việc tích cực đi khám phá, trải nghiệm thực tế sẽ giúp cho những kiến thức trong sách vở được tiếp thu một cách dễ dàng, sâu sắc hơn. Từ đó, chúng ta cần phải tránh xa lối sống thụ động, lười biếng. Tóm lại, câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” đã giúp tôi nhận ra bài học giá trị.
Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 7
Tục ngữ là một thể loại văn học giàu giá trị, trong đó tôi đặc biệt yêu thích câu“Uống nước nhớ nguồn”. Đầu tiên, xét về nghĩa đen, “Uống nước nhớ nguồn” hiểu đơn giản là khi chúng ta được uống dòng nước mát thì hãy nhớ tới nơi khởi đầu đã cho dòng nước đó. Còn xét về nghĩa bóng, “uống nước” có nghĩa là hưởng những thành quả, thành tựu mà người khác tạo ra và “nhớ nguồn” chính nhớ tới những người đã tạo ra thành quả đó. Ý nghĩa của câu tục ngữ nhằm muốn khuyên nhủ con người về lòng biết ơn trong cuộc sống. Nhưng trong xã hội hiện tại, nhiều người lại có lối sống vô ơn, bội bạc. Họ chỉ biết chạy theo những giá trị vật chất, sống một cách ích kỉ hẹp hòi. Đó là thái độ đáng phê phán. Đối với học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước cần phải tránh xa thái độ trên, trau dồi phẩm chất đạo đức để sống sao cho xứng đáng. Tóm lại, câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” đã gửi gắm một truyền thống tốt đẹp để thế hệ sau tiếp tục gìn giữ và phát huy.
Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 8
Câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” đã giúp tôi nhận ra bài học ý nghĩa về sự kiên trì. Xét về nghĩa đen, câu tục ngữ nói đến hình ảnh quen thuộc về công việc của những người thợ rèn. Từ một khối sắt to lớn và thô sơ, họ đã rèn ra chiếc kim nhỏ bé. Còn xét về nghĩa bóng, câu tục ngữ muốn nói rằng khi kiên trì, nỗ lực sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Cuộc sống là một chặng đường rất dài, mà đôi khi trong quá trình bước đi, chúng ta sẽ đâm phải gai nhọn, làm bàn chân rướm máu. Chỉ người bản lĩnh, kiên trì vượt qua mà không sợ khó khăn, thất bại mới có thể trở thành một cây kim sáng bóng. Đối với những học sinh - chủ nhân của đất nước, điều cần làm là luôn cố gắng học tập, không ngại phải đối mặt với những thử thách để tôi luyện bản thân trở thành một “viên ngọc sáng”. Như vậy, “Có công mài sắt, có ngày nên kim” là một câu tục ngữ ngắn gọn, nhưng khiến em cảm thấy vô cùng tâm đắc.
Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 9
Kho tàng tục ngữ Việt Nam đã gửi gắm thật nhiều bài học giá trị, trong đó tôi thích nhất là câu: “Thương người như thể thương thân”. Trước hết, “thương người” là tình cảm yêu mến gắn liền với hành động quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh. Còn “thương thân” chính là trân trọng, yêu thương chính bản thân. Cách so sánh “thương người như thể thương thân” nhằm nhắn nhủ mỗi con người hãy biết yêu thương những người xung quanh giống như yêu chính bản thân. Mỗi người sinh ra đều có quyền được mọi người xung quanh yêu thương, tôn trọng. Không chỉ vậy, tình yêu thương giữa con người sẽ luôn đem đến những điều tốt đẹp xóa đi mọi khoảng cách, giúp xã hội trở nên văn minh hơn. Bài học được gửi gắm qua câu tục ngữ là mỗi người cần có tấm lòng yêu thương, biết chia sẻ và đồng cảm với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, vẫn còn nhiều người sống vô cảm, ích kỉ. Họ thờ ơ khi thấy người đang gặp khó khăn. Đó là những hành động cần lên án, tránh xa. Tóm lại, câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” tuy ngắn gọn nhưng lại giàu ý nghĩa.
Đoạn văn nêu cách hiểu về một câu tục ngữ - Mẫu 10
Trong cuộc sống, con người phải đối mặt với vô vàn khó khăn, bởi vậy mà tục ngữ có câu: “Có chí thì nên” như một lời khuyên quý giá dành cho mỗi con người. Câu tục ngữ chỉ có bốn từ, rất ngắn gọn nhưng có ý nghĩa sâu sắc. Từ “chí” ở đây có nghĩa là ý chí của mỗi người. Còn “nên” có nghĩa là nên việc - hiểu rộng ra nghĩa là đạt được những mục tiêu của bản thân, có được thành công trong cuộc sống. Ý cả câu tục ngữ là nếu con người có ý chí kiên cường, đủ bản lĩnh và nghị lực để vượt qua những khó khăn thì chắc chắn sẽ bước đến đích của thành công. Bài học mà câu tục ngữ muốn gửi gắm là lời nhắc nhở mỗi người cần có ý chí, nghị lực để bản thân không gục ngã. Đối với học sinh, chúng ta cần rèn luyện ý chí để kiên trì trong học tập. Không ngại khám phá để tìm đến với bầu trời tri thức mới mẻ. Và con đường đến với thành công sẽ không còn xa xôi. Như vậy, câu “Có chí thì nên” rất giàu ý nghĩa. Tôi cảm thấy rất yêu thích và luôn ghi nhớ câu tục ngữ này.