Địa lí 12 Bài 21: Thương mại và du lịch Soạn Địa 12 Kết nối tri thức trang 89, 90, 91, 92, 93, 94

Giải bài tập SGK Địa lí 12 trang 89, 90, 91, 92, 93, 94 sách Kết nối tri thức với cuộc sống giúp các em học sinh lớp 12 xem gợi ý giải các câu hỏi Bài 21: Thương mại và du lịch thuộc Phần 3: Địa lí các ngành kinh tế.

Soạn Địa lí 12 Kết nối tri thức Bài 21 các em sẽ biết cách trả lời toàn bộ các câu hỏi bài học, luyện tập, vận dụng. Đồng thời, qua tài liệu này giúp quý thầy cô tham khảo để soạn giáo án cho học sinh của mình theo chương trình mới. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:

Trả lời câu hỏi Hình thành kiến thức mới Địa 12 Bài 21

I. Thương mại

Câu hỏi trang 90: Dựa vào thông tin mục 1, hãy trình bày sự phát triển và phân bố hoạt động nội thương ở nước ta.

Trả lời:

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng nhanh và liên tục, dự báo tăng nhanh hơn.

- Thương mại phát triển đa dạng loại hình: chợ truyền thống, chợ đầu mối, cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại. Hệ thống bán buôn bán lẻ mở rộng và hiện đại hóa, xuất hiện các trung tâm thương mại có vốn đầu tư nước ngoài.

- Phương thức buôn bán hiện đại mở rộng, thương mại điện tử tăng trưởng nhanh, trở thành kênh phân phối quan trọng, phát huy hiệu quả chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa trong nước. Sự phát triển các hình thức thương mại hiện đại còn hạn chế.

- Hoạt động nội thương khác nhau giữa các vùng, các khu vực. Sôi động nhất ở những vùng kinh tế phát triển: Đông Nam Bộ, ĐB sông Hồng. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 trung tâm buôn bán trong nước lớn nhất.

Câu hỏi trang 90: Dựa vào thông tin mục 2, hãy trình bày sự phát triển hoạt động ngoại thương ở nước ta.

Trả lời:

- Trị giá xuất – nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh, năm 2021 đạt 669 tỉ USD, cán cân thương mại xu hướng cân bằng hơn, năm 2021 xuất siêu 3,2 tỉ USD.

- Xuất khẩu:

  • Năm 2021, trị giá xuất khẩu chiếm 50,2% tổng trị giá xuất – nhập khẩu.
  • Mặt hàng xuất khẩu đa dạng, một số nhóm hàng có vị trí cao trên thị trường thế giới là nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng điện tử.
  • Cơ cấu hàng hóa chuyển dịch tích cực: giảm tỉ trọng nhóm hàng sơ chế, nguyên liệu thô, tăng tỉ trọng nhóm hàng chế biến => tạo điều kiện hàng hóa tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
  • Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU,… Đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng: Liên Bang Nga, Đông Âu, Bắc Âu,…

- Nhập khẩu:

  • Năm 2021, trị giá nhập khẩu chiếm 49,8% tổng trị giá xuất nhập khẩu.
  • Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị hiện đại, hàng điện tử, máy tính và linh kiện có trị giá nhập khẩu lớn nhất (2021).
  • Thị trường nhập khẩu chủ yếu là các nước có trình độ khoa học – công nghệ tiên tiến: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ,…

II. Du lịch

Câu hỏi trang 94: Dựa vào thông tin mục 1,2 và hình 21.2, hãy trình bày sự phát triển và phân hóa lãnh thổ du lịch nước ta.

Thương mại và du lịch

Trả lời:

- Sự phát triển:

+ Là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác. Doanh thu và số du khách tăng nhanh trong giai đoạn 2000 – 2019. Từ năm 2022, doanh thu và số khách đang dần phục hồi.

+ Đa dạng loại hình du lịch: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch đô thị và du lịch khám phá phát triển nhanh.

+ Thị trường khách quốc tế ngày càng mở rộng, quan trọng nhất là từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Đại Dương. Các thị trường mới, nhiều tiềm năng đang được quan tâm phát triển như Trung Đông, Nam Âu, Nam Á,…

+ Chú trọng phát triển du lịch bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát huy giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong du lịch, phát triển du lịch thông minh,…

- Sự phân hóa:

+ Nước ta gồm 7 vùng du lịch, các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, đô thị du lịch. Các trung tâm du lịch lớn của cả nước là Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Tổ chức không gian du lịch tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch cho các vùng và cả nước.

Vùng du lịch

Sản phẩm du lịch đặc trưng

Trung du và miền núi Bắc Bộ

Du lịch về nguồn, tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, hệ sinh thái núi cao, hang động, nghỉ dưỡng núi, nghỉ cuối tuần, thể thao, khám phá, du lịch biên giới gắn với thương mại cửa khẩu.

ĐB sông Hồng và duyên hải Đông Bắc

Du lịch văn hóa gắn với văn minh lúa nước sông Hồng, biển đảo, sinh thái nông nghiệp nông thôn, du lịch cuối tuần, vui chơi giải trí cao cấp.

Bắc Trung Bộ

Tham quan di sản, di tích lịch sử văn hóa, biển đảo, tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái, du lịch biên giới gắn với các cửa khẩu.

Duyên hải Nam Trung Bộ

Du lịch biển đảo, tham quan di tích kết hợp du lịch nghiên cứu bản sắc văn hóa.

Tây Nguyên

Tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, nghỉ dưỡng núi, tham quan nghiên cứu hệ sinh thái cao nguyên, du lịch biên giới gắn với cửa khẩu và tam giác phát triển.

Đông Nam Bộ

Du lịch văn hóa, lễ hội, giải trí, nghỉ dưỡng biển, giải trí cuối tuần, thể thao, mua sắm, du lịch biên giới gắn với cửa khẩu.

ĐB sông Cửu Long

Du lịch sinh thái, biển đảo, văn hóa, lễ hội.

Câu hỏi trang 94: Dựa vào thông tin mục 3, hãy cho biết mối quan hệ giữa du lịch và sự phát triển bền vững ở nước ta.

Trả lời:

- Du lịch tác động tổng hợp đến kinh tế, xã hội, môi trường, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát huy lợi thế của địa phương và tăng cường liên kết vùng. Du lịch làm tăng giá trị di sản văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Du lịch thúc đẩy nâng cao chất lượng lao động, đảm bảo an sinh và giải quyết các vấn đề xã hội. Góp phần gìn giữ và sử dụng hiệu quả tài nguyên sinh thái, di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học.

- Phát triển bền vững giúp du lịch phát triển hiệu quả, lâu dài. Kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống người dân tăng lên, thúc đẩy nhu cầu và hiện đại hóa ngành du lịch. Các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian, sự đa dạng sinh thái được bảo tồn làm đa dạng hóa sản phẩm và tăng giá trị hoạt động du lịch. Môi trường xanh, sạch góp phần phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững.

Giải Luyện tập - Vận dụng Địa lý 12 Bài 21

Luyện tập 1

Tóm tắt nội dung ngành ngoại thương theo các ý sau: trị giá, cán cân xuất khẩu, nhập khẩu, hoạt động xuất khẩu, hoạt động nhập khẩu.

Trả lời:

- Trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh, năm 2021 đạt 669 tỉ USD.

- Cán cân xuất nhập khẩu xu hướng cân bằng hơn, năm 2021, trị giá xuất khẩu chiếm 50,2%, trị giá nhập khẩu chiếm 49,8% tổng trị giá xuất nhập khẩu.

- Hoạt động xuất khẩu: mặt hàng xuất khẩu đa dạng (nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng điện tử có vị trí cao). Tăng tỉ trọng nhóm hàng chế biến, giảm tỉ trọng nhóm hàng sơ chế, nguyên liệu thô. Ngày càng mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng.

- Hoạt động nhập khẩu: chủ yếu nhập máy móc, thiết bị hiện đại (hàng điện tử, máy tính và linh kiện nhập nhiều). Thị trường nhập khẩu chủ yếu là các nước có trình độ khoa học – công nghệ tiên tiến.

Luyện tập 2

Dựa vào bảng 21.1, vẽ biểu đồ thể hiện giá trị xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giai đoạn 2010-2021. Nêu nhận xét

Thương mại và du lịch

Trả lời:

Thương mại và du lịch

Nhận xét:

Trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước ta giai đoạn 2010 – 2021 tăng đều qua các năm. Cụ thể:

  • Xuất khẩu tăng từ 72,2 tỉ USD (2010) lên 336,1 tỉ USD (2021); tăng 263,9 tỉ USD. Giai đoạn 2015 – 2021 tăng 174,1 tỉ USD; tăng mạnh nhất trong giai đoạn 2010 – 2021.
  • Nhập khẩu tăng từ 84,8 tỉ USD (2010) lên 332,9 tỉ USD (2021); tăng 248,1 tỉ USD. Giai đoạn 2015 – 2021 tăng 167,2 tỉ USD; tăng mạnh nhất trong giai đoạn 2010 – 2021.

Vận dụng

Viết bài quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng tại vùng du lịch nơi em sinh sống.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Vân
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm