Bộ đề đọc hiểu Tiếng Việt lớp 5 năm 2022 - 2023 10 đề đọc hiểu cuối học kì 2 lớp 5

TOP 10 Đề đọc hiểu Tiếng Việt lớp 5 năm 2022 - 2023, giúp các em học sinh lớp 5 luyện trả lời câu hỏi đọc hiểu thật nhuần nhuyễn, nắm chắc các dạng câu hỏi thường gặp để ôn thi học kì 2 năm 2022 - 2023 hiệu quả.

Với 10 đề đọc hiểu môn Tiếng Việt lớp 5 học kì 2, còn giúp thầy cô tham khảo để xây dựng đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 cho học sinh của mình. Vậy mời thầy cô và các em cùng tải miễn phí về tham khảo, ôn tập thật tốt cho kỳ thi học kì 2 sắp tới.

Đề đọc hiểu Tiếng Việt lớp 5 cuối học kì 2 - Đề 1

A - BÀI KIỂM TRA ĐỌC

I - Đọc thành tiếng (5 điểm)

II - Đọc thầm và làm bài tập (5 điểm) – Thời gian 25 phút

RỪNG PHƯƠNG NAM

Rừng cây im lặng quá. Một tiếng lá rơi lúc này cũng có thể khiến người ta giật mình. Lạ quá, chim chóc chẳng nghe con nào kêu. Hay vừa có tiếng chim ở một nơi nào xa lắm, vì không chú ý mà tôi không nghe chăng?

Gió bắt đầu thổi rào rào cùng với khối mặt trời tròn đang tuôn ánh sáng vàng rực xuống mặt đất. Một làn hơi đất nhè nhẹ tỏa lên, phủ mờ những cây cúc áo, rồi tan dần theo hơi ấm mặt trời. Phút yên tĩnh của rừng ban mai dần biến đi.

Chim hót líu lo. Nắng bốc hương hoa tràm thơm ngây ngất. Gió đưa mùi hương ngọt lan xa, phảng phất khắp rừng. Mấy con kì nhông nằm phơi lưng trên gốc cây mục, sắc da lưng luôn luôn biến đổi từ xanh hóa vàng, từ vàng hóa đỏ, từ đỏ hóa tím xanh... Con Luốc động đậy cánh mũi, rón rén bò tới. Nghe động tiếng chân con chó săn nguy hiểm, những con vật thuộc loài bò sát có bốn chân to hơn ngón chân cái liền quét chiếc đuôi dài chạy tứ tán, con núp dưới gốc cây thì biến thành màu xám vỏ cây, con đeo trên tán lá ngái thì biến ra màu xanh lá ngái.

Thoắt cái, cả một khoảng rừng nguyên sơ đã trở lại vẻ tĩnh lặng. Con chó săn bỗng ngơ ngác, không hiểu các con vật trước mặt làm thế nào lại biến đi một cách nhanh chóng đến như vậy.

Theo Đoàn Giỏi

* Dựa vào nội dung bài đọc, khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng.

1. Đoạn thứ hai của bài (từ Gió bắt đầu nổi ...... dần biến đi.) tả cảnh rừng phương Nam vào thời gian nào?

A. Lúc ban trưa
B. Lúc ban mai
C. Lúc hoàng hôn

2 Câu "Một tiếng lá rơi lúc này cũng có thể khiến người ta giật mình." muốn nói điều gì?

A. Rừng phương Nam rất vắng người
B. Rừng phương Nam rất hoang vu
C. Rừng phương Nam rất yên tĩnh

3. Tác giả tả mùi hương hoa tràm như thế nào?

A. Thơm ngan ngát, tỏa ra khắp rừng cây
B. Thơm ngọt ngào, theo gió bay đi khắp nơi
C. Thơm ngây ngất, phảng phất khắp rừng

4. Những con vật trong rừng tự biến đổi màu sắc để làm gì?

A. Để làm cho cảnh sắc của rừng thêm đẹp đẽ, sinh động
B. Để phù hợp với màu sắc xung quanh và tự bảo vệ mình
C. Để phô bày vẻ đẹp mới của mình với các con vật khác

5. Em hiểu" thơm ngây ngất" nghĩa là thơm như thế nào?

A. Thơm đậm, đến mức làm cho ta khó chịu
B. Thơm một cách mạnh mẽ, làm lay động mọi vật
C. Thơm một cách hấp dẫn, làm ta say mê, thích thú

6. Dòng nào dưới đây gồm các từ trái nghĩa với từ "im lặng."

A. ồn ào, nhộn nhịp, đông đúc.
B. ồn ào, náo nhiệt, huyên náo.
C. ồn ào, nhộn nhịp. tĩnh lặng.

7. Từ " tuôn" thuộc từ loại nào?

A. Danh từ
B. Động từ
C. Tính từ
D. Đại từ

8. Vị ngữ trong câu" Phút yên tĩnh của rừng ban mai dần biến mất." là:

A. Rừng ban mai dần dần biến mất
B. Phút yên tĩnh của rừng ban mai
C. Dần dần biến mất

9. Đặt câu theo yêu cầu sau:

a/ Câu có cặp quan hệ từ: Vì .... nên:
b/ Câu có cặp quan hệ từ Chẳng những ....... mà còn:

Đề đọc hiểu Tiếng Việt lớp 5 cuối học kì 2 - Đề 2

A - BÀI KIỂM TRA ĐỌC

I - Đọc thành tiếng (5 điểm)

II - Đọc thầm và làm bài tập (5 điểm) – Thời gian 25 phút

Đà Lạt, một buổi chiều cuối năm, mưa giông vừa tạnh. Mặt trời hé nắng vàng vàng, không khí nhẹ và trong, mát rười rượi, kích thích đến tim óc.

Tôi mở cửa ra bao lơn nhìn sang rừng thông.Tôi để ý nhìn những cây thông cao, không nứt nẻ, cành sần sùi, cong queo một cách mĩ thuật không ngờ. Dưới chân cây, cỏ dại mọc dày, cao, lá thon, dọc ngang, lá đan dày um tùm.

Tôi nhìn ra xa hơn. Hồ Đà Lạt lặng im, mặt nước xanh phản chiếu đồi núi và rừng thông. Màu xanh và sự im lặng, cảnh bao la của núi rừng và không khí mát mẻ như làm châm vào da, tất cả nhè nhẹ đưa óc tôi liên tưởng đến phong cảnh sứ Phần Lan tôi đã nhiều lần tưởng tượng qua sách vở.

Tôi đang mơ màng tưởng tượng thì chợt vang lên tiếng chim hoàng anh hót. Tôi đưa mắt nhìn xem chim đậu ở đâu mà hót. Mỗi lần nghe tiếng chim hoàng anh là tôi phải nghĩ đến những cây bàng xanh mướt, vòm trời xanh có mây nhẹ như bông. Đà Lạt có chim hoàng anh hót là điều tôi không bao giờ ngờ. Nhưng kìa, trên một cây thông gãy có một chú hoàng anh nhỏ đang mổ vỏ thông tìm mồi. Mình chim thon thon, lông mượt màu vàng nghệ, hoà hợp với giọng hót ấm áp. Óc tôi đột nhiên thấy êm ái vô cùng.

* Dựa vào nội dung bài đọc trên, khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng.

1. Nên chọn tên nào cho bài văn?

A. Một buổi sáng Đà Lạt
B. Một buổi chiều Đà Lạt
C. Những âm thanh ở Đà Lạt

2. Những vật nào không được tác giả miêu tả trong bài?

A. đồi núi
B. tiếng chim
C. cây thông
D. Suối
E. hồ nước
G. thời tiết

3. Thời tiết ở Đà Lạt như thế nào?

A. nóng ẩm
B. mát mẻ
|C. lạnh và khô

4. Nghe tiếng hoàng anh hót, tác giả liên tưởng đến điều gì?

A. Màu nắng của những ngày đẹp trời
B. Rừng thông xanh và và mặt hồ màu ngọc bích
C. Những cây bàng xanh mướt, vòm trời xanh có mây nhẹ như bông

5. Không gian của Đà Lạt có đặc điểm gì?

A. Sôi động và náo nhiệt
B. Lắng đọng và trầm buồn
C. Yên tĩnh và thơ mộng

6. Từ " tưởng tượng" thuộc từ loại gì?

A. danh từ
B. động từ
C. tính từ

7. Câu " Óc tôi đột nhiên thấy êm ái vô cùng" có:

A. ba từ đơn, ba từ ghép
B. ba từ đơn, một từ ghép, hai từ láy
C. ba từ đơn, hai từ ghép, một từ láy

8. Từ " trong" ở cụm từ " không khí nhẹ và trong" và từ " trong" ở cụm từ " trong không khí mát mẻ" có quan hệ với nhau như thế nào?

A. là hai từ đồng âm
B. là một từ nhiều nghĩa
C. là hai từ đồng nghĩa

9. Gạch chân các quan hệ từ trong câu sau:

Cảnh bao la của núi rừng và không khí mát mẻ châm vào da thịt.

10. Dòng nào nêu đúng chủ ngữ của câu:" Cảnh bao la của núi rừng và không khí mát mẻ châm vào da thịt."

A. Cảnh bao la
B. Cảnh bao la của núi rừng
C. Cảnh bao la của núi rừng và không khí mát mẻ

11. Trong câu: "Làng quê em đã yên vào giấc ngủ." đại từ "em" dùng để làm gì?

A. Thay thế danh từ
B. Thay thế động từ
C. Để xưng hô

Đề đọc hiểu Tiếng Việt lớp 5 cuối học kì 2 - Đề 3

A - BÀI KIỂM TRA ĐỌC

I - Đọc thành tiếng (5 điểm)

II - Đọc thầm và làm bài tập (5 điểm) – Thời gian 25 phút

VẦNG TRĂNG QUÊ EM

Vầng trăng vàng thẳm đang từ nhô lên từ sau lũy tre xanh thẫm.

Hình như cũng từ vầng trăng, làn gió nồm thổi mát rượi làm tuôn chảy những ánh vàng tràn trên sóng lúa trải khắp cánh đồng. Ánh vàng đi đến đâu, nơi ấy bỗng bừng lên tiếng hát ca vui nhộn. Trăng đi đến đâu thì lũy tre được tắm đẫm màu sữa đến đó. Trăng lẩn trốn trong các tán lá cây xanh rì của những cây đa cổ thụ đầu thôn. Những mắt lá ánh lên tinh nghịch. Trăng chìm vào đáy nước. Trăng óng ánh trên hàm răng, trăng đậu vào ánh mắt. Trăng ôm ấp mái tóc bạc của các cụ già. Hình như cả thôn em không mấy ai ở trong nhà. Nhà nào nhà nấy quây quần, tụ họp quanh chiếc bàn nhỏ hay chiếc chiếu ở giữa sân. Ai nấy đều ngồi ngắm trăng. Câu chuyện mùa màng nảy nở dưới trăng như những hạt lúa vàng đang phơi mình trong ánh trăng. Đó đây vang vọng tiếng hát của các anh chị thanh niên trong xóm. Tiếng gầu nước va vào nhau kêu loảng xoảng. Tất cả mọi âm thanh đều nhuộm ánh trăng ngời. Nơi đó có một chú bé đanh giận mẹ ngồi trong bóng tối. Ánh trăng nhẹ nhàng đậu lên trán mẹ, soi rõ làn da nhăn nheo và cái mệt nhọc của mẹ. Chú bé thấy thế, bước nhẹ nhàng lại với mẹ. Một làn gió mát đã làm cho những sợi tóc của mẹ bay bay.

Khuya. Vầng trăng càng lên cao và thu nhỏ lại. Làng quê em đã yên vào giấc ngủ. Chỉ có vầng trăng thao thức như canh chừng cho làng em.

Theo Phan Sĩ Châu

* Dựa vào nội dung bài đọc, khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng.

1. Bài văn miêu tả cảnh gì ?

A. Cảnh trăng lên ở làng quê
B. Cảnh sinh hoạt của làng quê
C. Cảnh làng quê dưới ánh trăng

2 Trăng soi sáng những cảnh vật gì ở làng quê?

A. Cánh đồng lúa, tiếng hát, lũy tre
B. Cánh đồng lúa, lũy tre, cây đa
C. Cánh đồng lúa, cây đa, tiếng hát

3. Dưới ánh trăng, người dân trong xóm quây quần ngoài sân làm gì?

A. Ngồi ngắm trăng, trò chuyện, uống nước
B. Ngồi ngắm trăng, hội họp, ca hát
C. Ngồi ngắm trăng, trò chuyện, ca hát

4. Vì sao chú bé hết giận dỗi và bước nhẹ nhàng lại với mẹ?

A. Vì dưới ánh trăng, chú nhìn thấy vầng trán của mẹ hiện ra rất đẹp
B. Vì dưới ánh trăng, chú thấy làn da nhăn nheo và sự mệt nhọc của mẹ
C. Vì dưới ánh trăng, chú thấy làn gió làm những sợi tóc của mẹ bay bay
D. Vì chú thấy mẹ buồn và đang khóc

5. Cách nhân hóa trong câu" Trăng ôm ấp mái tóc bạc của các cụ già" cho thấy điều gì hay?

A. Ánh trăng che chở cho mái tóc của các cụ già ở làng quê
B. Ánh trăng cũng có thái độ gần gũi và quý trọng đối với các cụ già
C. Ánh trăng gần gũi và thấm đượm tình cảm yêu thương con người

6. Dãy từ nào sau đây gồm các từ đồng nghĩa với từ "nhô" trong câu: "Vầng trăng vàng thẳm đang từ nhô lên từ sau lũy tre xanh thẫm."

A. mọc, ngoi, dựng
B. mọc, ngoi, nhú
C. mọc, nhú, đội

7. Từ nào dưới đây trái nghĩa với từ "chìm" trong câu"Trăng chìm vào đáy nước" ?

A. trôi
B. lặn
C. nổi
D. bay

8. Trong các dãy câu dưới đây, dãy câu nào có từ in đậm là từ nhiều nghĩa?

A. Trăng đã lên cao. / Kết quả học tập cao hơn trước.
B. Trăng đậu vào ánh mắt. / Hạt đậu đã nảy mầm.
C. Ánh trăng vàng trải khắp nơi. / Thì giờ quý hơn vàng.

9. Đặt câu để phân biệt nghĩa của hai từ đồng âm: giá (giá tiền) - giá (giá để đồ vật)

Đề đọc hiểu Tiếng Việt lớp 5 cuối học kì 2 - Đề 4

A - BÀI KIỂM TRA ĐỌC

I - Đọc thành tiếng (5 điểm)

II - Đọc thầm và làm bài tập (5 điểm) – Thời gian 25 phút

NHỮNG CÁNH BUỒM

Phía sau làng tôi có một dòng sông lớn chảy qua. Bốn mùa sông đầy nước. Mùa hè, sông đỏ lựng phù sa với những con lũ dâng đầy. Mùa thu, mùa đông, những bãi cát non nổi lên, dân làng tôi thường xới đất, tỉa đỗ, tra ngô, kịp gieo trông một vụ trước khi những cơn lũ năm sau đổ về.

Tôi yêu con sông vì nhiều lẽ, trong đó một hình ảnh tôi cho là đẹp nhất, đó là những cánh buồm. Có những ngày nắng đẹp trời trong, những cánh buồm xuôi ngược giữa dòng sông phẳng lặng. Có cánh màu nâu như màu áo của mẹ tôi. Có cánh màu trắng như màu áo của chị tôi. Có cánh màu xám bạc như màu áo bố tôi suốt ngày vất vả trên cánh đồng. Những cánh buồm đi như rong chơi, nhưng thực ra nó đang đẩy con thuyền chở đầy hàng hóa. Từ bờ tre làng, tôi vẫn gặp những cánh buồm lên ngược về xuôi. Lá cờ nhỏ trên đỉnh cột buồm phấp phới trong gió như bàn tay tí xíu vẫy vẫy bọn trẻ chúng tôi. Còn lá buồm thì cứ căng phồng như ngực người khổng lồ đẩy thuyền đi đến chốn, về đến nơi, mọi ngả mọi miền, cần cù, nhẫn nại, suốt năm, suốt tháng, bất kể ngày đêm.

Những cánh buồm chung thủy cùng con người vượt qua bao sóng nước, thời gian. Đến nay, đã có những con tàu to lớn, có thể vượt biển khơi. Nhưng những cánh buồm vẫn sống cùng sông nước và con người.

Theo Băng Sơn

* Dựa vào nội dung bài đọc, khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng.

1. Suốt bốn mùa, dòng sông có đặc điểm gì?

A. Nước sông đầy ắp
B. Những con lũ dâng đầy
C. Dòng sông đỏ lựng phù sa
D. Những cánh buồm xuôi ngược

2. Màu sắc của những cánh buồm được tác giả so sánh ví gì?

A. Màu nắng của những ngày đẹp trời.
B. Màu áo của những người lao động vất vả trên cánh đồng.
C. Màu áo của những người thân trong gia đình.
D. Màu của dòng sông đỏ lựng phù sa.

3. Câu văn nào trong bài tả đúng một cánh buồm căng gió?

A. Những cánh buồm đi như rong chơi
B. Lá buồm căng phồng như ngực người khổng lồ
C. Những cánh buồm chung thủy cùng con người vượt qua bao sóng nước, thời gian

4. Vì sao tác giả nói những cánh buồm chung thủy cùng con người?

A. Vì những cánh buồm đẩy thuyền lên ngược về xuôi, giúp đỡ con người
B. Vì những cánh buồm gắn bó với con người từ bao đời nay
C. Vì những cánh buồm quanh năm, suốt tháng cần cù, chăm chỉ nhơ con người
D. Vì những cánh buồm mang màu áo của những người lao động vất vả

5. Trong bài văn có mấy từ đồng nghĩa với từ '' to lớn"?

A. Một từ. Đó là:……………………………………………
B. Hai từ. Đó là:…………………………………………….
C. Ba từ. Đó là:………………………………………………

6. Trong câu: " Từ bờ tre làng, tôi vẫn gặp những cánh buồm lên ngược về xuôi." Có mấy cặp từ trái nghĩa?

A. Một cặp từ. Đó là:………………………………………
B. Hai cặp từ. Đó là:………………………………………
C. Ba cặp từ. Đó là:……………………………………….

7. Từ "trong"ở cụm từ phấp phới trong gió và từ "trong" ở cụm từ nắng đẹp trời trong có quan hệ với nhau như thế nào

A. Từ nhiều nghĩa
B. Từ đồng âm
C. Từ đồng nghĩa

8. Trong câu"Còn lá buồm thì cứ căng phồng như ngực người khổng lồ đẩy thuyền đi" có mấy quan hệ từ?

A. Một
B. Hai
C. Ba
D. Bốn

9. Đặt câu với mỗi quan hệ từ sau: với ; nhưng ; và (mỗi quan hệ từ đặt một câu)

Đề đọc hiểu Tiếng Việt lớp 5 cuối học kì 2 - Đề 5

A - BÀI KIỂM TRA ĐỌC

I - Đọc thành tiếng (5 điểm)

II - Đọc thầm và làm bài tập (5 điểm) – Thời gian 25 phút

NÚI RỪNG TRƯỜNG SƠN SAU CƠN MƯA

Mưa ngớt hạt rồi dần dần tạnh hẳn. Màn mây xám đục trên cao đã rách mướp, trôi dạt cả về một phương, để lộ dần một vài mảng trời thấp thoáng xanh. Một vài tia nắng hiếm hoi bắt đầu mừng rỡ rọi xuống. Dưới mặt đất, nước mưa vẫn còn róc rách, lăn tăn, luồn lỏi chảy thành hàng vạn dòng mỏng manh, buốt lạnh. Từ trong các bụi rậm xa gần, những chú chồn, những con dũi với bộ lông ướt mềm, vừa mừng rỡ, vừa lo lắng, nối tiếp nhau nhảy ra rồi biến mất. Trên các vòm lá dày ướt đẫm, những con chim Klang mạnh mẽ, dữ tợn, bắt đầu dang những đôi cánh lớn, giũ nước phành phạch. Cất lên những tiếng khô sắc, chúng nhún chân bay lên làm cho những đám lá úa rơi rụng lả tả. Xa xa, những chỏm núi màu tím biếc cắt chéo nền trời. Một dải mây mỏng mềm mại như một dải lụa trắng dài vô tận ôm ấp, quấn ngang các chỏm núi như quyến luyến, bịn rịn.

Sau trận mưa dầm rả rích, núi rừng Trường Sơn như bừng tỉnh, cảnh vật thêm sức sống mới.

* Dựa vào nội dung bài đọc, khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng.

1. Câu văn nào nêu được ý chính của bài?

A. Mưa ngớt hạt, rồi dần tạnh hẳn.
B. Xa xa, những chỏm núi màu tím biếc cắt chéo nền.
C. Sau trận mưa dầm rả rích, núi rừng Trường Sơn như bừng tỉnh, cảnh vật thêm sức sống mới.

2. Những hình ảnh nào được tả sau cơn mưa?

A. Mây xám đục, tia nắng, nước mưa;những chú chồn, con dũi, vòm lá, chim Klang, những chỏm núi, những dải mây, mưa dầm rả rích.
B. Trời, núi tím biếc, mây ôm ấp dải núi
C. Mây xám đục, tia nắng, nước mưa;những chú chồn, con dũi; vòm lá, chim Klang, những chỏm núi, những dải mây.

3. Câu văn: “Một dải mây mỏng, mềm mại như một dải lụa trắng dài vô tận ôm ấp, quấn ngang các chỏm núi như quyến luyến, bịn rịn” có sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?

A. Nhân hoá
B. So Sánh
C. So Sánh và nhân hoá

4. Trong bài văn trên, tia nắng được miêu tả bằng cách nào?

A. Dùng động từ chỉ trạng thái của người để tả về tia nắng
B. Dùng tính từ chỉ đặc điểm của người để miêu tả tia nắng
C. Dùng đại từ chỉ người để tả tia nắng

5. Trong câu nào dưới đây, "rừng" được dùng với nghĩa gốc?

A. Núi rừng Trường Sơn như bừng tỉnh
B. Ngày 2-9, đường phố tràn ngập một rừng cờ hoa
C. Một rừng người về đây dự ngày giỗ tổ Hùng Vương

6. Từ nào không đồng nghĩa với từ "rọi" trong câu : “ Một vài tia nắng hiếm hoi bắt đầu mừng rỡ rọi xuống” ?

A. chiếu
B. nhảy
C. toả

7.Từ "rách mướp" thuộc từ loại nào?

A. Danh từ
B. Động từ
C. Tính từ

8. Từ đồng nghĩa với từ "mừng rỡ" là từ nào?

A. mừng vui
B. buồn bã
C. phấn khởi
D. rực rỡ

Đề đọc hiểu Tiếng Việt lớp 5 cuối học kì 2 - Đề 6

A - BÀI KIỂM TRA ĐỌC

I - Đọc thành tiếng (5 điểm)

II - Đọc thầm và làm bài tập (5 điểm) – Thời gian 25 phút

CÂY ĐỀ

Ở một khúc quanh con đê, ngay ngã ba đầu làng, cạnh ngôi đền cổ, có một cây đề. Cây đề như vẫy gọi nguời xa, như vỗ về kẻ ở bằng màu xanh um tùm cao ngất với vô vàn lá hình tim. Lá đề không mọc ngang như lá đa mà cứ treo nghiêng hờ hững cho gió lách mình qua để rung lên niềm thanh thoát nhẹ nhàng, xao xuyến.

Mùa xuân khi đề ra lộc, hình như chúa xuân đã dát mỏng những tấm đồng điếu thành từng chiếc lá màu đỏ au hơi ánh tím. Phải nắng lên chói chang, lá đề mới xanh óng nuột nà. Cho đến khi đông sang, lá mới ngả màu nâu thẫm trước khi rơi về gốc mẹ lạnh lùng. Những chiếc lá đề cuối cùng còn sót lại vẫn treo nghiêng như để an ủi gốc cây vặn mình trong giá rét. Cho đến khi mưa xuân phủ tấm màn voan mỏng lên cây, lá đề ướt đẫm nước mắt trời không ai biết.

Cây đề thường cổ thụ. Gốc cây đề vừa là gốc vừa là rễ xoắn xuýt vào nhau, sừng sững vượt qua bão bùng mưa nắng bất chấp mọi ganh đua, chẳng màng đến niềm vui thông tục. Đền đài miếu mạo chính là chỗ cho cây đề gửi thân nương hồn như nhà tu hành đắc đạo. Trong tâm khảm người Việt Nam, cây đề không phải là kỷ niệm mà là niềm sùng kính. Đó cũng là cây mà Đức Phật Thích Ca đã ngồi thiền, đã giác ngộ, đã thành Đức Phật Tổ từ trên hai nghìn năm trăm năm nay. Vì thế, nó được chăm chút trong mỗi làng quê từ đời này sang đời khác, vững chắc, trường tồn.

Trên đất Thăng Long thời hiện đại, có biết bao nơi còn lưu giữ bóng đề, một thứ cây cổ tích, trầm tư suy ngẫm, một thứ cây reo reo rung động lòng người bằng muôn vàn trái tim đồng cảm trong gió mơn man. Đó cũng là chút hồn non nước lắng sâu trong mỗi chúng ta chăng?

(Băng Sơn)

* Dựa vào nội dung bài đọc, khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng.

1. Nhân dân ta thường trồng cây đề ở đâu?

A. Ở một khúc quanh con đê, ngay ngã ba đầu làng, cạnh ngôi đền cổ.
B. Cạnh giếng nước, mái đình.
C. Bên cạnh thác nước.
D. Trồng ở cuối làng.

2. Cây đề ra lộc vào mùa nào?

A. Mùa xuân
B. Mùa hạ
C. Mùa thu
D. Mùa đông

3. Khi miêu tả lá đề, tác giả đã khéo léo dùng những từ chỉ màu sắc nào dưới đây?

A. Đỏ au, ánh tím, xanh óng, vàng hoe, nâu đỏ
B. Đỏ au, xanh óng, vàng hoe, ánh tím, đẫm nước
C. Đỏ au, ánh tím, xanh óng, nuột nà, nâu thẫm
D. Đỏ au, vàng hoe, nâu thẫm, nuột nà, xanh ngắt

4. Gốc cây đề có điểm gì đặc biệt?

A. Vừa là gốc vừa là rễ xoắn xuýt vào nhau, sừng sững vượt qua bão bùng mưa nắng bất chấp mọi ganh đua, chẳng màng đến niềm vui thông tục
B. Gốc có màu nâu thẫm và nhiều rễ
C. Không mọc ngang như lá đa mà cứ treo nghiêng hờ hững
D. Gốc đề là nơi mọi người ngồi tránh nắng những khi trưa hè

5. Trong tâm khảm người Việt nam, cây đề là:

A. Kỉ niệm thời thơ ấu
B. Niềm sùng kính
C. Biểu tượng của tình mẹ con
D. Biểu trưng của thời hiện đại

6. Trong câu “Cây đề như vẫy gọi người xa, như vỗ về kẻ ở bằng màu xanh um tùm cao ngất với vô vàn lá hình tim.” Tác giả đã miêu tả rất thành công với biện pháp:

A. So sánh
B. Nhân hóa
C. Nhân hóa và so sánh
D. Liên kết câu

7. Từ đồng nghĩa với từ “hòa bình” là:

A. Lặng yên
B. Thanh bình
C. Bình thản
D. Yên tĩnh

8. Từ trái nghĩa với từ "cuối cùng" trong câu “Những chiếc lá đề cuối cùng còn sót lại vẫn treo nghiêng như để an ủi gốc cây vặn mình trong giá rét.”:

A. Giữa
B. Ban đầu
C. Cuối
D. Đoạn cuối

9. Từ “nước” thuộc từ loại nào?

A. Danh từ
B. Động từ
C. Tính từ

10. Tìm đại từ được dùng trong bài ca dao sau:

Cái cò, cái vạc, cái nông
Sao mày dẫm lúa nhà ông, hỡi cò?

A. Mày, ông, cái cò
B. Cái cò, cái vạc, cái nông
C. Mày, ông
D. Lúa, cò

>> Tải file để tham khảo trọn bộ 10 đề đọc hiểu cuối kì 2 lớp 5

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 1.000
  • Lượt xem: 12.043
  • Dung lượng: 296,7 KB
Sắp xếp theo