Sinh học 11 Bài 4: Quang hợp ở thực vật Giải Sinh 11 Cánh diều trang 25, 26, 27, 28, 29,... 34

Giải Sinh 11 Bài 4: Quang hợp ở thực vật giúp các em học sinh lớp 11 nhanh chóng trả lời câu hỏi nội dung bài học trong SGK trang 25→34.

Soạn Sinh học 11 Cánh diều trang 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34 giúp các em học sinh hiểu được kiến thức về quá trình quang hợp và các yếu tố ảnh hưởng đến quang hợp ở thực vật để học thật tốt Bài 4 chủ đề 1 Sinh 11. Vậy sau đây là nội dung chi tiết bài giải Sinh 11 Bài 4 Cánh diều trang 25→34 mời các bạn cùng tải tại đây.

I. Khái quát về quang hợp ở thực vật

Câu hỏi trang 29

Dựa vào phương trình tổng quát, hãy nêu bản chất của quá trình quang hợp ở thực vật

Gợi ý đáp án

Bản chất của quá trình quang hợp ở thực vật: Quang hợp ở thực vật là quá trình lục lạp hấp thụ và sử dụng năng lượng ánh sáng để chuyển hóa CO2 và H2O thành hợp chất hữu cơ (C6H12O6) đồng thời giải phóng O2.

II. Quá trình quang hợp ở thực vật

Câu hỏi trang 27

Cho biết nguyên liệu và sản phẩm của pha sáng.

Gợi ý đáp án

- Nguyên liệu của pha sáng: H2O, NADP+, ADP, Pi, năng lượng ánh sáng.

- Sản phẩm của pha sáng: O2, ATP và NADPH.

Câu hỏi trang 27

Phân chia thực vật thành các nhóm C3, C4 và CAM dựa trên cơ sở khoa học nào?

Gợi ý đáp án

Phân chia thực vật thành các nhóm C3, C4 và CAM dựa trên cơ sở pha đồng hóa CO2 diễn ra ở chất nền của lục lạp.

  • Thực vật C3: Nhóm thực vật này cố định CO2 theo chu trình Calvin, sản phẩm ổn định đầu tiên của chu trình là hợp chát 3 carbon nên chúng được gọi là thực vật C3
  • Thực vật C4: Ở tế bào thịt lá, CO2 được cố định bởi hợp chất phosphoenolpyruvate và hình thành hợp chất oxaloacetate (4C) (hợp chất 4 carbon được hình thành đầu tiên nên gọi là thực vật C4. Oxaloacetate được chuyển hóa thành malate và vận chuyển sang tế bào bao bó mạch. Tại đây, malate chuyển hóa thành pyruvate đồng thời giải phóng CO2, CO2 được cố định và chuyển hóa thành hợp chát hữu cơ theo chu trình Calvin.
  • Thực vật CAM: bản chất hóa học của quá trình cố định CO2 ở thực vật CAM và thực vật C4 là giống nhau, tuy nhiên ở thực vật CAM cả 2 giai đoạn đều diễn ra trên một tế bào nhưng ở hai thời điểm khác nhau.

III. Vai trò của quang hợp ở thực vật

Câu hỏi trang 28

Giải thích vì sao quang hợp có vai trò quyết định đến năng suất cây trồng?

Gợi ý đáp án

Quang hợp có vai trò quyết định đến năng suất cây trồng vì: Quang hợp tạo ra hợp chất hữu cơ – nguyên liệu để cung cấp, dự trữ năng lượng và kiến tạo nên cơ thể thực vật. Khoảng 90 – 95% tổng khối lượng vật chất khô của tế bào và cơ thể thực vật chính là các hợp chất hữu cơ. Chính vì vậy, quang hợp là nhân tố quyết định năng suất cây trồng, hiệu quả của quá trình quang hợp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng.

IV. Một số yếu tố ảnh hưởng đến quang hợp ở thực vật

Câu hỏi trang 29

Phân tích ảnh hưởng của ánh sáng tới hiệu quả quang hợp.

Gợi ý đáp án

Ảnh hưởng của ánh sáng tới hiệu quả quang hợp:

- Ánh sáng ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến quá trình quang hợp: Ánh sáng ảnh hưởng trực tiếp đến phản ứng phân li nước và mức độ kích thích của các phân tử diệp lục, ảnh hưởng đến sự đóng mở của khí khổng nên gián tiếp làm ảnh hưởng đến hàm lượng CO2 trong tế bào.

- Cường độ ánh sáng, thành phần quang phổ và thời gian chiếu sáng đều ảnh hưởng đến quá trình quang hợp ở thực vật: Hiệu quả của quang hợp tăng khi tăng cường độ ánh sáng và đạt giá trị cực đại ở điểm bão hòa ánh sáng; vượt qua điểm bão hòa ánh sáng, cường độ quang hợp không tăng mà có thể bị giảm. Ánh sáng đỏ và xanh tím giúp tăng hiệu quả quang hợp. Thời gian chiếu sáng khoảng 10 – 12 giờ/ngày thường phù hợp với đa số thực vật.

Câu hỏi trang 30

Phân tích mối quan hệ giữa nồng độ CO 2 và cường độ quang hợp. Điểm bù CO 2 được xác định như thế nào?

Gợi ý đáp án

Mối quan hệ giữa nồng độ CO2 với cường độ quang hợp: Khi tăng nồng độ CO2 thì cường độ quang hợp cũng tăng tỉ lệ thuận, sau đó tăng chậm cho tới khi đến giá trị bão hòa (nồng độ CO2 khoảng 0,06 - 0,1%).

Điểm bù CO2 là nồng độ CO2 mà tại đó lượng CO2 sử dụng cho quá trình quang hợp tương đương với lượng CO2 tạo ra trong quá trình hô hấp.

Câu hỏi trang 31

Phân tích ảnh hưởng của nhiệt độ đến quá trình quang hợp.

Gợi ý đáp án

Ảnh hưởng của nhiệt độ đến quá trình quang hợp: Khi các nhân tố môi trường khác ở điều kiện thuận lợi, cường độ quang hợp tăng khi tăng nhiệt độ. Khi vượt qua ngưỡng nhiệt tối ưu, cường độ quang hợp bắt đầu giảm. Nhiệt độ tối ưu cho quá trình quang hợp của các nhóm thực vật là khác nhau.

Câu hỏi trang 31

Nêu các biện pháp kĩ thuật và công nghệ nâng cao năng suất cây trồng dựa trên cơ sở cải tạo điều kiện môi trường sống.

Gợi ý đáp án

Một số biện pháp kĩ thuật và công nghệ nâng cao năng suất cây trồng dựa trên cơ sở cải tạo điều kiện môi trường sống:

- Bón phân hợp lí: làm tăng sự phát triển của bộ lá, nâng cao hiệu suất quang hợp; thúc đẩy quá trình vận chuyển sản phẩm đồng hóa về cơ quan dự trữ, làm tăng năng suất.

- Tưới nước hợp lí: Cung cấp nước đầy đủ, đặc biệt là khi cây bắt đầu chuyển sang giai đoạn sinh sản sẽ quyết định đến sự vận chuyển vật chất trong cây về cơ quan dự trữ. Đồng thời, nước cũng là nguyên liệu của quá trình quang hợp nên cung cấp đủ nước làm tăng hiệu quả quang hợp, từ đó làm tăng năng suất cây trồng.

- Tăng cường nguồn sáng: Khi cần thiết có thể chiếu sáng bổ sung và sử dụng nguồn sáng có bước sóng phù hợp với từng loại cây trồng.

- Ngoài ra, ủ ấm hoặc chống nóng cho cây trồng, xới đất tạo độ thoáng khí, diệt cỏ dại,… cũng là những biện pháp kĩ thuật giúp cải tạo môi trưởng để tăng năng suất cây trồng.

V. Thực hành

Báo cáo thực hành trang 32

Học sinh trình bày (hình vẽ hoặc ảnh chụp) và giải thích các kết quả thu được. Tham khảo cách trình bày báo cáo theo mẫu bài 3.

Gợi ý đáp án

BÁO CÁO KẾT QUẢ THÍ NGHIỆM

QUAN SÁT ĐƯỢC LỤC LẠP TRONG TẾ BÀO THỰC VẬT

- Tên thí nghiệm: Quan sát lục lạp trong tế bào thực vật.

- Nhóm thực hiện: …………………..

- Kết quả và thảo luận:

+ Ảnh chụp tế bào lục lạp dưới kính hiển vi:

+ Giải thích: Lục lạp là bào quan lớn, có màu xanh lục của tế bào thực vật nên có thể quan sát trực tiếp dưới kính hiển vi.

- Kết luận: Có thể quan sát lục lạp của tế bào thực vật trực tiếp dưới kính hiển vi.

Báo cáo thực hành trang 33

Học sinh trình bày các kết quả thu được trên từng loại lá và cho nhận xét về màu sắc của các dịch lọc và miếng giấy lọc thu được ở các mẫu thí nghiệm và mẫu đối chứng. Tham khảo cách trình bày báo cáo theo mẫu bài 3.

Gợi ý đáp án

BÁO CÁO KẾT QUẢ THÍ NGHIỆM

NHẬN BIẾT, TÁCH CHIẾT CÁC SẮC TỐ TRONG LÁ CÂY

- Tên thí nghiệm: Nhận biết, tách chiết các sắc tố trong lá cây.

- Nhóm thực hiện: ………………

- Kết quả và thảo luận:

Học sinh tiến hành thí nghiệm theo hướng dẫn trong SGK để ghi nhận và giải thích kết quả thí nghiệm về màu sắc của các dịch lọc và miếng giấy lọc thu được ở các mẫu thí nghiệm và mẫu đối chứng.

Chú ý:

+ Các sắc tố hòa tan tốt trong dung môi hữu cơ (cồn) và hòa tan kém trong nước. Điều này được thể hiện thông qua sự khác nhau về màu sắc của các dịch lọc ở các mẫu thí nghiệm và mẫu đối chứng (Ví dụ: dịch chiết từ lá cây khoai lang khi sử dụng dung môi hữu cơ có màu xanh lục, dịch chiết từ lá cây khoai lang khi sử dụng nước có màu xanh lục nhạt).

Chạy sắc kí tách chiết sắc tố quang hợp của lá khoai lang

(a) thí nghiệm và (b) kết quả

+ Mỗi loại lá cây có thể có thành phần các sắc tố khác nhau, dịch chiết sẽ có màu tương ứng với màu sắc của lá cây (Ví dụ: dịch chiết của lá cây khoai lang có màu xanh lục, dịch chiết của lá cây rau rền có màu đỏ tía vì lá cây khoai lang có hàm lượng diệp lục (có màu xanh lục) cao còn lá cây rau rền có chứa nhiều anthocyanin (có màu đỏ tía) cao).

- Kết luận:

+ Lá cây chứa nhiều loại sắc tố quang hợp khác nhau như chlorophyll, carotenoid,…

+ Các sắc tố hòa tan trong dung môi hữu cơ, do đó có thể dùng dung môi hữu cơ để tách sắc tố quang hợp.

Chia sẻ bởi: 👨 Thảo Nhi
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 14
  • Lượt xem: 1.828
  • Dung lượng: 163,8 KB
Liên kết tải về
Sắp xếp theo