Văn mẫu lớp 7: Giải thích câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề Dàn ý & 7 bài văn mẫu lớp 7
Hôm nay, Download.vn sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 7: Giải thích câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề, vô cùng hữu ích.
Tài liệu bao gồm dàn ý và 7 bài văn mẫu lớp 7, mời tham khảo nội dung chi tiết được đăng tải dưới đây.
Giải thích câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề
- Dàn ý giải thích câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề
- Giải thích câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề - Mẫu 1
- Giải thích câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề - Mẫu 2
- Giải thích câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề - Mẫu 3
- Giải thích câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề - Mẫu 4
- Giải thích câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề - Mẫu 5
- Giải thích câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề - Mẫu 6
- Giải thích câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề - Mẫu 7
Dàn ý giải thích câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề
1. Mở bài
Dẫn dắt giới thiệu về câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề”.
2. Thân bài
- Giải thích nghĩa đen và nghĩa bóng của “giấy” và “lề”.
- Ý nghĩa của câu tục ngữ: Khuyên nhủ con người cần có ý thức bảo vệ, giữ gìn phẩm chất, cốt cách cao đẹp dù trong bất cứ hoàn cảnh nào (nghèo đói, bất hạnh…), cũng không được phép sa ngã, làm hoen ố phẩm cách.
- Dẫn chứng, liên hệ bản thân.
3. Kết bài
Khẳng định giá trị của câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề”.
Giải thích câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề - Mẫu 1
Việt Nam - một đất nước giàu giá trị truyền thống. Những câu tục ngữ đã đúc kết từ những kinh nghiệm mà cha ông ta đã để lại trong cuộc sống. Một trong số đó là câu: “Giấy rách phải giữ lấy lề”.
Xét về nghĩa đen, có thể hiểu rằng quyển sách hay vở dù có tờ bị rách nhưng vẫn giữ được lề thì vẫn còn là quyển sách. Còn xét về nghĩa bóng, ông cha ta đã lấy hình ảnh “giấy” để ẩn dụ cho số phận, cuộc đời con người. Giống như số phận có nghèo khó, cuộc đời có lo toan vất vả thì cũng đừng để mất đạo đức, lòng tự trọng của bản thân. Chúng ta cũng có thể liên tưởng đến câu “ Đói cho sạch, rách cho thơm”. Dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì cũng phải có lòng tự trọng, không được đánh mất bản thân.
Phẩm chất đạo đức là điều cần có của mỗi con người. Tuy nhiên đâu đó trong cuộc sống ta vẫn thấy những con người mà nhân cách, phẩm chất của họ bị tha hóa, biến chất. Trong cái guồng quay của cuộc sống cơm áo gạo tiền, của xã hội thì điều đó cũng là dễ hiểu. Bên cạnh đó còn có những người chỉ sống bằng hình thức bên ngoài, chạy theo những thứ vật chất xa hoa mà bỏ qua cả nhân cách đạo đức của bản thân. Họ sẵn sàng đánh đổi phẩm chất đạo đức, những điều cốt lõi của bản thân để chạy theo đồng tiền. Sự tha hóa này không phải chỉ mới bắt đầu mà nó đã bắt đầu từ thời xa xưa khi sự cạnh tranh xuất hiện. Thế mới thấy, không phải cái gì cũng tốt đẹp, người thông minh nhưng chưa chắc có đạo đức, người xinh đẹp cũng chưa chắc có nhân cách đẹp. Đừng nên nhìn mọi thứ chỉ bằng vẻ bề ngoài của nó bởi ta làm sao biết bên trong nó đã mục rữa, thối nát như thế nào. Cũng đừng đổ lỗi cho số phận, cho hoàn cảnh khi mà bản thân đã không giữ được phẩm chất đạo đức cũng như nhân cách sống.
Một xã hội văn minh, tiến bộ hay không phụ thuộc vào yếu tố con người. Con người có nhân cách, đạo đức, lối sống đẹp thì sẽ góp phần làm cho xã hội phát triển, tươi đẹp hơn. Lời răn dạy của cha ông ta luôn là những lời khuyên răn vô cùng quý báu đặc biệt là với những người có nhân cách đạo đức kém. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, môi trường nào chúng ta cũng luôn phải nhớ đến lời răn dạy này của cha ông. Cùng nhau gìn giữ những giá trị văn hóa, giá trị truyền thống có như vậy mới giữ được “cái lề” của đất nước văn minh của xã hội hiện đại.
Lời răn dạy của cha ông ta hoàn toàn đúng đắn. Bài học làm người vô cùng quý báu của thế hệ đi trước dành cho thế hệ con cái sau này.
Giải thích câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề - Mẫu 2
Cuộc sống với muôn vàn khó khăn, thách thức con người ta. Bản tính của con người vốn lương thiện “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Nhưng chính những thử thách mà cuộc sống đem tới khiến chúng ta khó lòng giữ được bản tính lương thiện ấy. Tuy nhiên, khó khăn là để thử sức người, có đứng vững trước những khó khăn ấy mới là bản lĩnh. Như câu nói của ông cha ta vẫn thường răn dạy “Giấy rách phải giữ lấy lề”.
Câu tục ngữ gồm có hai nghĩa là nghĩa đen và nghĩa bóng. Mỗi trang sách có lề phần dòng kẻ thẳng màu đỏ, phân định làm hai phần theo chiều dọc. Lề nằm bên trái, chiếm một tỉ lệ vừa phải. Lề là nói các thầy cô giáo nhận xét bài làm và chấm điểm. Mỗi trang vở có lề mới viết ngay ngắn và đẹp được. Lề vở cẩn thận thể hiện sự tỉ mỉ, chăm chỉ của người học sinh.Cả câu ý nói, dù trang sách rách vẫn cần giữ lấy lề bởi nếu mất lề tức là cả trang sách ấy bỏ đi, quyển sách dù rách một trang nếu giữ được lề vẫn là quyển sách còn nếu không thì sẽ hỏng hết. Từ nghĩa đen ấy, cách nói đầy ẩn ý về hình ảnh “lề”, ngụ ý lời dạy được gửi gắm chính là dù có sa sút, đói nghèo vẫn phải giữ được những phẩm chất tốt đẹp của bản thân, giữ được gia phong nề nếp.
Câu tục ngữ với ngôn ngữ giản dị nhưng chứa đựng một bài học mà mỗi người cần ghi nhớ. Tục ngữ chính là bài học mà cha ông để lại từ xa xưa. Lề là một phần quan trọng trong sách vở, mất nó coi như mất quyển vở. Cũng giống như con người, nếu mất đi những phẩm chất tốt đẹp thì không thể được. Khó khăn trong cuộc sống rất nhiều, tuy nhiên việc lựa chọn giải pháp để vượt qua là lựa chọn của mỗi người. Khi bạn nghèo, bạn muốn vươn lên, có rất nhiều cách cả tiêu cực và tích cực. Tiêu cực như một số người nghe theo lời dụ dỗ rồi sa chân vào công việc bất chính chỉ vì ham mê làm giàu của mình. Còn tích cực là chăm chỉ làm ăn, sáng tạo trong lao động sản xuất, chậm mà chắc. Đứng trước những lựa chọn ấy, nếu ý thức được “Giấy rách phải giữ lấy lề” thì chắc chắn bạn sẽ đưa ra quyết định để sau này không phải hối hận. Câu tục ngữ là một bài học dẫn dắt con người tới những lối sống đẹp, lương thiện.
Tuy nhiên, phẩm chất tốt đẹp của con người không phải tự có, muốn lâu dài cần rèn luyện. Rèn luyện ngay từ những bài học nhỏ nhất, khi là học sinh, luôn trung thực, sống ngay thẳng để không thấy hổ thẹn với bản thân. Cho dù gặp chuyện khó khăn cũng dùng lương tâm của mình để giải quyết, khó khăn từ từ rồi cũng sẽ qua, không nên nóng vội mà đưa ra những hành động sai trái, đánh mất những đức tính quý giá của bản thân. Cho dù nghèo khó, cũng không được “Đói ăn vụng, túng làm liều”, cần sống đúng đạo lí “Đói cho sạch rách cho thơm”, có vậy mới trở thành một người chân chính, ngay thẳng. Mọi phẩm chất tốt đẹp luôn cần rèn luyện và gìn giữ theo thời gian. Quan trọng chúng ta phải luôn ý thức được rằng: Bản thân cần sống ngay thẳng, không được vì khó khăn mà làm chuyện sai trái. Chẳng hạn, không được vì gia đình mình suy yếu mà bản thân cũng suy yếu theo, việc gia đình có thể do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan nhưng bản thân mình vẫn luôn phải gìn giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình, kế thừa và phát huy nó.
Bên cạnh việc rèn luyện bản thân, chúng ta cũng cần phê phán những người sống ích kỉ, không kiên định với bản thân. Dễ bị khó khăn đánh bại. Đó là những người yếu đuối và khó trở thành một người với những phẩm chất tốt. Cùng với đó cũng khuyên họ và giúp đỡ họ rèn luyện bản thân mình, không để họ sa ngã vào những thói hư tật xấu.
Câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề” đã nêu lên bài học đạo đức sáng giá. Qua câu tục ngữ, nhân dân nhắc nhở mọi người phải biết trau dồi nhân cách phẩm hạnh, có ý thức giữ gìn gia phong và phát huy mọi truyền thống tốt đẹp của gia tiên, của gia tộc. Không được đánh rơi nhân cách, không được làm những điều bất lương.
Giải thích câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề - Mẫu 3
Những câu tục ngữ, ca dao luôn được xem là những lời dạy bảo mẫu mực, đúng đắn vì nó được đúc kết bởi nhiều lớp thế hệ giàu kinh nghiệm. Con người ngày nay cần trân trọng những điều đó, bảo tồn và phát huy thêm những giá trị tinh thần to lớn ấy. Chúng ta hẳn chẳng ai quên được câu nói người xưa: “Giấy rách phải giữ lấy lề” cùng với những bài học cao quý về cách làm người của nó thấm vào mỗi người tự bao giờ.
Bài học về cách làm người ấy dung dị, mà sâu sắc, nhẹ nhàng mà lắng sâu bởi những điều đó được chính những người thân trong gia đình ta căn dặn, chỉ dạy. Từng câu từng chữ như thấm vào lòng người, lời khuyên và bài học đạo lý đó luôn đúng bởi sự nhân văn xuất hiện trong cả câu.
Xã hội này luôn cần những con người có chuẩn mực đạo đức, phẩm hạnh cao quý. Câu tục ngữ đã nêu lên được tiếng lòng của người đi trước: “Con ơi, Giấy rách phải giữ lấy lề!”. Câu tục ngữ đã đề cập đến cụm từ “Giấy rách” có nghĩa muốn chỉ đến những vấn đề hết sức cụ thể bằng sự ẩn dụ về cuộc đời của một con người, có lẽ nó nhấn mạnh cho con người ta biết rằng chúng ta được sinh ra đã đáng quý, dù cá nhân có như thế nào, có xinh đẹp hay xấu, dù có trải qua bao nhiêu hoạn nạn, vất vả, khó khăn, những chướng ngại to lớn trong cuộc đời thì ta phải luôn đề cao được nhân cách của mình trước nhất, thể hiện được mình có văn hóa, thể hiện qua cụm từ “giữ lấy lề”.
Điều đó không hề quá khắt khe, khi mà ta hiểu được quy luật, cũng tương tự như việc kẻ “lề” cho một tờ giấy trắng, một trang giấy trong cả quyển vở. ta luôn hiểu được mỗi tờ giấy luôn chứa một khoảng cách nhất định và một đường thẳng kéo theo chiều dọc của tờ giấy, khoảng trống ấy được gọi là “lề”, việc kẻ nó cũng có ý nghĩa to lớn trong việc tạo nên độ thẩm mỹ cho cả tờ giấy, lấy khoảng trống để ta có thể viết ghi chú, để giáo viên chấm điểm, viết những lời nhận xét đã trở thành quen thuộc với mỗi thế hệ học sinh,để ta hiểu chứ không trình bày dày, di dít vào chỗ còn lại của tờ, mất thiện cảm đối với người nhìn. Thử nghĩ xem nếu trang giấy không có “lề” thì chữ nghĩa sẽ viết tùy tiện, và trình bày không đẹp mắt, chữ thừa, chữ thiếu, sẽ phản ánh lên sự thiếu củng cố, thiếu nề nếp của người học sinh ấy.
Và điều đó, cũng khiến ta suy nghĩ về con người, thiếu đi lề lối, thiếu đi những khuôn phép, thật đáng sợ. Con người không được lãng quên, làm lơ tu dưỡng phẩm hạnh, không có ý thức thực hiện, trau dồi gia phong của gia đình. Việc bảo vệ nó, cũng tương đương với việc gìn giữ nhân cách của chính bản thân mình, nên tránh xa những điều phi pháp, những điều trái với lương tâm của con người dù hoàn cảnh có khó khăn, cùng cực đến đâu để hướng đến con người sống tốt, sống chuẩn mực của xã hội. Vì chính cái “lề” của trang giấy vừa nói, dù cả trang có rách đi, nhưng vẫn phải quý, tuân theo cái lề để viết, cần được giữ lại cái gốc lề để từ đó căn chuẩn.
Cũng như dù ta sống, lớn lên, đi xa thì vẫn phải luôn lưu giữ được những điều trân quý nhất, những điều đẹp đẽ của quê hương, gia đình, dòng họ, ta không thể quên nó, đặc biệt trong thời buổi hiện đại, phức tạp, du nhập những nguồn văn hóa mới vào trong nước, ta dễ dàng đi giao du với thể giới nhiều hơn như hiện nay. Để rồi nó vừa là trách nhiệm, là niềm yêu thích, niềm tự hào về truyền thống dân tộc, là sự động viên to lớn đến các thế hệ khác con dân nước Việt, để quảng bá trước thế giới,đưa câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề” được áp dụng vào cuộc sống của ta ngày một phổ biến hơn.
Tất cả không phải một sớm, một chiều mà đó là sự rèn giũa qua ngày tháng, vừa được nhận sự giáo dục từ người lớn, người đi trước, ta cũng phải tự suy nghĩ về thái độ của mình sao cho đúng như câu tục ngữ, với xã hội đang tha hóa về mặt đạo đức, phức tạp như hiện nay, đáng suy ngẫm như hiện tượng trộm cắp, càn quấy, nghiện ngập, bê tha… càng nhìn vào hiện thực càng gây đau lòng, ta chọn cách tránh xa để bảo toàn sự trong sạch, hay chấp nhận nó, quyết tâm thay đổi bằng cả tâm hồn, trí óc dần đều được, giờ đây việc này không phải của riêng ai, mà của tất cả các thành phần sống trong xã hội.
Câu tục ngữ dù trải qua bao lâu, vẫn tồn tại những giá trị với con người hiện đại, nó luôn đúng với mỗi người. Chỉ khi con người hiểu được điều cần phải bảo vệ, giữ gìn nếp nhà, gia phong, sự trong sáng của cốt cách và phẩm hạnh cho cá nhân, cho gia đình, cho cộng đồng thì mới tạo nên diện mạo tốt đẹp hơn cho xã hội chúng ta, để bài học kia, và nhiều bài học khác nữa về đạo lý, nguồn gốc làm người sâu sắc của dân tộc sẽ mãi được nâng cao ý nghĩa.
Giải thích câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề - Mẫu 4
Phẩm giá, đạo đức của con người rất quan trọng. Người ta có thể sống thiếu thốn về vật chất chứ không thể nào đánh mất nhân cách, danh dự, lòng tự trọng của mình được. Vì vậy, ông bà xưa có nói: “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Câu tục ngữ trên nhằm nhắc nhở chúng ta: Dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải giữ gìn nhân cách, phẩm giá của con người.
Câu tục ngữ có một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Giấy rách phải giữ lấy lề nghĩa đen của nó nói về giấy dùng để viết, dùng cho học sinh hoặc dùng cho con người viết cái việc gì đó nhưng cho dù đến khi nó rách đi thì cũng cần phải giữ lấy lề để cho cuốn sách nhìn nó đẹp và có giá trị hơn. Song chúng ta cần hiểu câu tục ngữ trên một cách rộng hơn. “Giấy rách” là ẩn dụ nói về một trang đời, một cảnh ngộ như “Sông có khúc, người có lúc” gặp khó khăn, nghèo đói, họan nạn, hoặc gặp vận rủi ro, vấp ngã trên con đường lập nghiệp, mưu sinh. “Lề" là cái gì mà ta “phải giữ”? Trên tờ giấy, trang vở, trang sách, hình thành một đường kẻ, một đường thẳng, phân định làm 2 phần theo chiều dọc. Trước lúc viết phải biết kẻ lề. Lề nằm bên trái, chiếm một tỉ lệ vừa phải, hợp lý với tờ giấy, trang sách vở. hi là một khoảng trắng nghệ thuật làm cho trang viết, trang sách thêm đẹp, một vẻ đẹp trang nhã. Đặc biệt trên lề trang giấy bài tập của học sinh, thầy giáo, cô giáo ghi một cách ngắn gọn lời nhận xét, đánh giá đúng sai, hoặc khen, chê về chất lượng, về phẩm hạnh trong học tập của học trò. Cũng cần biết, thì từ viết trên tờ giấy, nếu không có lề là khiếm nhã. Quyển vở hoặc tờ giấy bài tập của học sinh mà thiếu lề hoặc lề kẻ một cách tùy tiện, điều đó phản ánh một tinh thần học tập thiếu nề nếp chu đáo.
Hai chữ “phải giữ" nhắc nhở một ý thức, một quyết tâm bảo vệ, giữ gìn một cách trọn vẹn. Câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề” thật là giản dị và dễ hiểu. Cuốn sách, quyển vở không thể không có lề. Giấy có thể bị rách (do khách quan hay chủ quan) nhưng phần lề, gốc lề vẫn được giữ lại trong cuốn sách, quyển vở. Con người ta cũng vậy, khi đứng trước mọi khó khăn, hoạn nạn, phải biết nêu cao lòng tự tôn tự trọng, biết giữ lấy gia phong, truyền thống tốt đẹp của ông bà, tổ tiên, của gia đình mình.
Câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề" đã nêu lên bài học đạo đức sáng giá. Qua câu tục ngữ, nhân dân nhắc nhở mọi người phải biết trau dồi nhân cách phẩm hạnh, có ý thức bảo vệ nếp nhà. gia phong, giữ gìn và phát huy mọi truyền thống tốt đẹp của gia tiên, của gia tộc. Không được đánh rơi nhân cách, không được làm những điều bất lương xằng bậy mà bị thiên hạ mỉa mai là “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, hoặc chê cười là “Nhà kia bạc phúc”.
Những truyền thống đó đã được mọi người rất coi trọng và đó là cách sống của con người từ xưa đến nay, mỗi chúng ta từ xưa đến nay luôn luôn được rèn luyện những phẩm chất đạo đức và tác phong sống gọn gàng. Dân gian thường có câu nhà sạch thì mát bát sạch ngon, dù có nghèo đói nhưng chúng ta cũng phải giữ cho bát đũa luôn sạch đẹp, gọn gàng, những phép gọn gàng ngăn nắp đó sẽ làm cho chúng ta có những thói quen tốt và nó tạo nên cho chúng ta một con người có giá trị. Con người chúng ta cần phải hiểu được giá trị của câu tục ngữ này để từ đó có những cách hiểu và hành động đúng cho cuộc sống của mình có ý nghĩa và giá trị hơn.
Gia đình nào, dòng họ nào. miền quê nào cũng có những mặt tốt đẹp, truyền thống tốt đẹp. Có những “làng nghề", "đất học" nổi tiếng trong thiên hạ xưa nay: "Xứ đông: Cổ An, xứ nam: Hành Thiện (đất học), Nghệ: Yên Thành, Thanh hoá: Nông Cống (vựa lúa),Trại Cầu Vồng, Yên Thế, gái Nội Duệ, Cầu Um. (Trai tài gái đảm),…". Là con em, con cháu của những miền quê ấy, dòng họ ấy, không chỉ tự hào mà họ còn biết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia tiên mình, quê hương mình.
Trong ngôn ngữ dân gian còn có những câu tục ngữ. thành ngữ, từ ngữ như “đất lề, quê thói”, “đất có lề, quê có thói”, "lề luật", "lề lối”. Một chữ lề nhiều ý nghĩa. Lề của phong tục, lề của tập quán, lề trong sinh hoạt đã định hình trong tâm hồn. Trong đời sống vật chất và tinh thần của một miền quê. Nó được thanh lọc trong dòng chảy thời gian, kết tinh thành truyền thống tốt đẹp, thành thuần phong mỹ tục. Vì thế, trước mọi biến cố, mọi thử thách, câu tục ngữ: “Giấy rách phải giữ lấy lề” có tác dụng to lớn nâng đỡ tinh thần mọi người, động viên nhau biết giữ lấy phẩm hạnh, nêu cao truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương với tất cả niềm tự hào.
Giải thích câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề - Mẫu 5
Trong thời đại như hiện nay, ta như thấy được chính mỗi con người luôn luôn phải rèn luyện và tạo cho mình những thói quen tốt. Và có lẽ cũng bởi vì vậy trong cuộc sống ngày nay chúng ta thấy rất nhiều những cử chỉ hay đó có thể là những lời nói dường như cũng đã thể hiện được những điều tốt đẹp đó. Thực sự ta như thấy được chính cuộc sống của mỗi con người cần phải được rèn luyện và rèn giũa mỗi ngày. Và như thế đó chính là như những câu dân gian đã có câu “Giấy rách phải giữ lấy lề”.
Câu tục ngữ mang trong mình một nét nghĩa đen của nó nói về giấy dùng để viết. Những loại giấy này thường được để dùng cho học sinh hoặc dùng cho con người ta khi mà dùng để viết cái việc gì đó. Ta như thấy được rằng, cho dù đến khi nó rách đi thì cũng cần phải giữ lấy lề để cho cuốn sách, cuốn vở của mình phải nhìn nó đẹp và có giá trị hơn. Thế rồi ta như thấy được lại có nhưng những hình ảnh đó đã thể hiện qua hành động gọn gàng và sự cẩn thận của con người với tất cả các sự việt xung quanh họ. Ta như lại còn thấy được cũng chính những đức tính đó không chỉ tạo cho họ những thói quen tốt mà tạo cho họ những nề nếp sống gia phong gọn gàng, hợp lý, ngăn nắp hơn bao giờ hết.
Quả thật, ta dường như cũng đã thấy được những truyền thống đó đã được mọi người rất coi trọng. Hơn nữa ta như thấy được đó còn chính là cách sống của con người từ xưa đến nay. Thực tiễn cho thấy được rằng, chính mỗi chúng ta từ xưa đến nay luôn luôn được rèn luyện được những phẩm chất đạo đức và tác phong sống gọn gàng. Dân gian cũng như đã lưu truyền câu đó thông thường đó chính là câu “Nhà sạch thì mát bát sạch ngon cơm”. Và cũng chính vì thế mà cho dù có nghèo đói nhưng chúng ta cũng phải giữ cho bát đũa luôn sạch đẹp, thơm tho nhất. Thế rồi nó dường như cũng như để chỉ ra những phép gọn gàng ngăn nắp đó sẽ làm cho chúng ta dường như cũng sẽ có những thói quen tốt và nó tạo nên cho chúng ta một con người có giá trị hơn bao giờ hết. Có lẽ rằng chính con người chúng ta cần phải hiểu được giá trị của câu tục ngữ này, hiểu sâu sắc hơn nữa như để từ đó có những cách hiểu, đồng thời cũng chính là phải có những hành động đúng cho cuộc sống của mình có ý nghĩa và giá trị hơn.
Có lẽ rằng, chính con người nên rèn luyện cho mình những thói quen tốt. Mỗi con người chúng ta dường như cũng cần cẩn thận gọn gàng và ngăn nắp có như vậy cuộc sống của chính họ mới trong lành và có nhiều giá trị ý nghĩa hơn nữa. Ngay từ bây giờ việc để cho chúng ta thiết lập và tạo dựng những thói quen đó phải được rèn luyện từ bé và cần làm những điều đó và tránh những điều không hay để dường như cũng có thể làm cho con người họ có đức tính tốt.
Câu “Giấy rách phải giữ lấy lề” như một sự căn dặn, như trách nhiệm của người trước. Đó chính là cho dù có khó khăn, nghèo đói như thế nào thì cũng phải giữ được những phẩm chất tốt đẹp của mình. Không chỉ vì quá coi trọng miếng ăn mà quên mất chính bản thân mình, không bị sa đà và những việc mà trái với đại lý, trái với lương tâm của chính mình. Một người luôn luôn giữ được phẩm chất tốt đẹp của mình thì chắc chắn rằng sẽ luôn được mọi người yêu mến cũng như cảm phục. Cha ông ta đã bao đời nay khuyên nhủ con cháu nên biết được những điều tốt xấu và để có thể tránh xa ra. Từ đó có thể trở thành những người tốt. Vật chất bên ngoài đôi lúc nó dường như lại rất phù phiếm, mà quên mất đi cái phần bản nhất của chúng ta.
Tóm lại câu nói “Giấy rách phải giữ lấy lề” như một lời khuyên chân thành giúp chúng ta nhớ được rằng: Dù trong hoàn cảnh có khó khăn như thế nào đi chăng nữa thì cũng không quên được phẩm chất của chính mình. Đừng quá vì miếng ăn mà ta như đánh mất nhân phẩm của chính mình.
Giải thích câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề - Mẫu 6
Tục ngữ gửi gắm những bài học quý giá của ông cha ta dành cho con cháu. Một trong số đó là câu tục ngữ “Giấy rách phải giữ lấy lề”.
Xét về nghĩa đen, ở mỗi tờ giấy đều có phần lề vở để giúp cho người viết trình bày thẳng hàng, cẩn thận. Bởi vậy mà giữ gìn phần lề vở, cũng chính là giữ gìn cho cả quyển vở. Xét về nghĩa bóng, thì “giấy rách” là ẩn dụ nói về cuộc sống khó khăn, nghèo khổ. Còn “lề” ẩn dụ cho phẩm chất, cốt cách tốt đẹp của con người. Lề của tờ giấy (cũng như đạo đức, phẩm cách con người) là cái gốc rễ, căn bản, làm nên giá trị của sự vật, con người. Như vậy, câu tục ngữ gửi gắm lời khuyên đến con người cần có ý thức bảo vệ, giữ gìn phẩm chất, cốt cách cao đẹp dù trong bất cứ hoàn cảnh nào (nghèo đói, bất hạnh…).
Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng cho câu tục ngữ trên. Trong suốt những năm bôn ba nước ngoài. Người sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Cuộc đời của Người chính là biểu tượng cho một nhân cách, đạo đức mà mỗi thế hệ sau này phải học tập và làm theo.
Với một học sinh, câu tục ngữ là một lời khuyên quý giá. Chúng ta không chỉ cố gắng học tập thật tốt, mà còn phải tích cực rèn luyện phẩm chất, đạo đức. Cũng như tích cực tham gia các hoạt động tập thể, các hoạt động xã hội. Từ đó, rèn luyện cho bản thân một tấm lòng cao cả, những suy nghĩ tích cực và một lối sống lành mạnh. Tôi tin rằng bản thân sẽ có được một “viên ngọc tâm hồn” đẹp đẽ.
Câu tục ngữ giúp người đọc hiểu hơn về giá trị của nhân cách, đạo đức. Mỗi người hãy coi đây là một bài học quý giá cho bản thân.
Giải thích câu tục ngữ Giấy rách phải giữ lấy lề - Mẫu 7
Tục ngữ gửi gắm nhiều lời khuyên quý giá đến con người. Một trong những câu tục ngữ là “Giấy rách phải giữ lấy lề” ngắn gọn, nhưng giàu ý nghĩa.
Trước hết, xét về nghĩa đen, có thể hiểu rằng trong mỗi tờ giấy đều có phần lề vở để giúp cho người viết trình bày thẳng hàng, cẩn thận. Bởi vậy mà giữ gìn phần lề vở nguyên vẹn, sẽ giúp cho quyển vở được trình bày gọn gàng, sạch sẽ. Còn xét về nghĩa bóng, thì “giấy rách” là ẩn dụ nói về cuộc sống khó khăn, nghèo khổ. Còn “lề” ẩn dụ cho phẩm chất, cốt cách tốt đẹp của con người. Đó là cái gốc rễ, căn bản để làm nên giá trị của sự vật, con người. Tóm lại, “Giấy rách phải giữ lấy lề” đã gửi gắm lời khuyên đến con người cần có ý thức bảo vệ, giữ gìn phẩm chất, cốt cách cao đẹp dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Bác Hồ chính là một biểu tượng về văn hóa cho nhân tộc Việt Nam. Cuộc đời của Người là kết tinh của những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương đất nước với những giá trị của văn minh nhân loại. Người không chỉ là một vị lãnh tụ lỗi lạc mà còn là một nhà thơ, nhà văn lớn của Việt Nam và thế giới. Trong suốt những năm tháng của cuộc đời, Bác vẫn luôn giữ được phẩm chất cao quý, ngay cả khi phải ở trong chốn ngục tù. Giáo sư Văn Như Cương - một người thầy đáng quý của nhiều thế hệ học trò Việt Nam. Một con người luôn dành tình yêu thương cho học trò và cả đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp giáo dục. Ở thầy toát lên một cách sống mẫu mực nhưng cũng đầy yêu thương.
Thế hệ trẻ hôm nay cần phải tích cực rèn luyện, trau dồi đạo đức của bản thân để trở thành một người có ích cho xã hội. Ngược lại có không ít những người trẻ chỉ biết chạy theo giá trị vật chất, sống ăn chơi đua đòi. Những hành động đó thật đáng lên án và phê phán.
Tóm lại, câu tục ngữ “ Giấy rách phải giữ lấy lề ” chứa được bài học quý giá. Mỗi người hãy ghi nhớ để có cách sống sao cho đúng đắn, có ích.