Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 trường tiểu học Trần Phú, Bình Phước năm 2016 - 2017 Đề kiểm tra học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 có đáp án

Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4

Để chuẩn bị thật tốt cho kì thi học kì 2 sắp tới, Download.vn xin gửi tới quý phụ huynh và các em Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 trường tiểu học Trần Phú, Bình Định năm học 2016 - 2017. Thông qua việc ôn tập với đề thi sẽ giúp các em luyện khả năng đọc, viết để chuẩn bị cho bài kiểm tra học kì 2 đạt kết quả tốt nhất. Chúc các em ôn tập tốt và đạt kết quả cao trong kỳ thi học kì 2 sắp tới.

Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 theo Thông tư 22

Bộ đề thi học kì 2 môn Toán lớp 4 theo Thông tư 22

Ma trận đề thi học kì 2 lớp 4 theo Thông tư 22

Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 có đáp án

Trường: TH và THCS Trần Phú

Lớp: 4

Họ và tên:..............................

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ II

NĂM HỌC: 2016 - 2017

Môn: Tiếng Việt (đọc)

Ngày thi: ........................

Thời gian: 90 phút (không tính thời gian phát đề)

I/ ĐỌC THẦM VÀ TRẢ LỜI CÂU HỎI: (7điểm)

PHẦN I: Đọc thầm bài: "Hơn một nghìn ngày vòng quanh trái đất" và khoanh tròn vào chữ cái trước câu trả lời đúng nhất.

Hơn một nghìn ngày vòng quanh trái đất

Ngày 20 tháng 9 năm 1519, từ cửa biển Xê-vi-la nước Tây Ban Nha, có năm chiếc thuyền lớn giong buồm ra khơi. Đó là hạm đội do Ma-gien-lăng chỉ huy, với nhiệm vụ khám phá con đường trên biển dẫn đến những vùng đất mới.

Vượt Đại Tây Dương, Ma- gien-lăng cho đoàn thuyền đi dọc theo bờ biển Nam Mĩ. Tới gần mỏm cực nam thì phát hiện một eo biển dẫn tới một đại dương mênh mông. Thấy sóng yên biển lặng, Ma-gien-lăng đặt tên cho đại dương mới tìm được là Thái Bình Dương.

Thái Bình Dương bát ngát, đi mãi chẳng thấy bờ. Thức ăn cạn, nước ngọt hết sạch. Thuỷ thủ phải uống nước tiểu, ninh nhừ giày và thắt lưng da để ăn. Mỗi ngày có vài ba người chết phải ném xác xuống biển. May sao, gặp một hòn đảo nhỏ, được tiếp tế thức ăn và nước ngọt, đoàn thám hiểm ổn định được tinh thần.

Đoạn đường từ đó có nhiều đảo hơn. Không phải lo thiếu thức ăn, nước uống nhưng lại nảy sinh những khó khăn mới. Trong một trận giao tranh với dân đảo Ma-tan, Ma-gien-lăng đã bỏ mình, không kịp nhìn thấy kết quả công việc mình làm.

Những thuỷ thủ còn lại tiếp tục vượt Ấn Độ Dương tìm đường trở về châu Âu. Ngày 8 tháng 9 năm 1522, đoàn thám hiểm chỉ còn một chiếc thuyền với mười tám thuỷ thủ còn sống sót cập bờ biển Tây Ban Nha.

Chuyến đi đầu tiên vòng quanh thế giới của Ma-gien-lăng kéo dài 1083 ngày, mất bốn chiếc thuyền lớn, với gần hai trăm người bỏ mạng dọc đường. Nhưng đoàn thám hiểm đã hoàn thành sứ mạng, khẳng định trái đất hình cầu, phát hiện Thái Bình Dương và nhiều vùng đất mới.

Theo TRẦN DIỆU TẦN và ĐỖ THÁI

Câu 1: Đoàn thám hiểm do Ma-gien-lăng chỉ huy khởi hành từ đâu? (M1)

a. Châu Mĩ.
b. Châu Á.
c. Châu Âu.

Câu 2: Đoàn thám hiểm do Ma-gien-lăng chỉ huy bắt đầu khởi hành vào ngày tháng nào? (M1)

a. 20/7/1519.
b. 2/9/1519.
c. 20/8/1519.

Câu 3: Cuộc thám hiểm của Ma-gien-lăng có nhiệm vụ gì? (M1)

a. Khám phá con đường trên biển dẫn đến những vùng đất mới.
b. Khám phá những loại cá mới sống ở đại dương.
c. Khám phá dưới đáy biển.

Câu 4: Khi trở về, đoàn thám hiểm còn bao nhiêu chiếc thuyền? (M2)

a. Không còn chiếc nào.
b. 1 chiếc.
c. 2 chiếc.

Câu 5: Đoàn thám hiểm gặp khó khăn khi hết thức ăn và nước ngọt ở đại dương nào? (M2)

a. Đại Tây Dương.
b. Thái Bình Dương
c. Ấn Độ Dương.

Câu 6: Đoàn thám hiểm đi vòng quanh thế giới hết bao nhiêu ngày? (M2)

a. Chưa đến một nghìn ngày.
b. Một nghìn ngày.
c. Hơn một nghìn ngày

Câu 7: Vì sao đoàn thám hiểm chỉ với 18 thuỷ thủ còn sống sót trở về? (M2)

a. Vì họ bị chết đói và chết khát.
b. Vì họ giao tranh với dân đảo.
c. Vì họ bị chết đói, chết khát và giao tranh với dân đảo.

Câu 8: Đoàn thám hiểm đi vòng quanh thế giới bằng? (M2)

a. Đường thuỷ.
b. Đường bộ.
c. Đường hàng không.

Câu 9: Những hoạt động nào được gọi là thám hiểm? (M3)

a. Đi tìm hiểu về đời sống của người dân.
b. Đi thăm dò, tìm hiểu những nơi xa lạ, khó khăn, có thể nguy hiểm.
c. Đi chơi xa để xem phong cảnh.

Câu 10: Câu nào giữ được phép lịch sự? (M3)

a. Chiều nay, đón em nhé!
b. Chiều nay, chị phải đón em đấy!
c. Chiều nay, chị đón em nhé!

Câu 11: Đặt một câu cảm trong tình huống sau: Cô giáo ra một câu hỏi khó, cả lớp chỉ có một bạn trả lời được. (M3)

....................................................................................................

Câu 12: Em có cảm nhận gì về nhân vật Ma-gien-lăng? (M4)

....................................................................................................

II/ ĐỌC THÀNH TIẾNG: (3 điểm)

* Học sinh bốc thăm đọc một đoạn (90 tiếng/1 phút) và trả lời 1 câu hỏi (do giáo viên chọn trong đoạn đọc đó) trong các bài sau:

Bài 1: Đường đi Sa Pa (TV 4, tập II, trang 102)
Bài 2: Ăng - co - Vát (TV4 tập 2 trang 123)
Bài 3: Con chuồn chuồn nước (TV4 tập 2 trang 127)
Bài 4: Vương quốc Vắng nụ cười (TV4 tập 2 trang 132)
Bài 5: Tiếng cười là liều thuốc bổ (TV4 tập 2 trang 153)
Bài 6: Ăn "mầm đá" (TV4 tập 2 trang 157)

III. CHÍNH TẢ: (Nghe – viết): 15 phút

Con chuồn chuồn nước

Ôi chao! Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao! Màu vàng trên lưng chú lấp lánh. Bốn cái cánh mỏng như giấy bóng. Cái đầu tròn và hai con mắt long lanh như thủy tinh. Thân chú nhỏ và thon vàng như màu vàng của nắng mùa thu. Chú đậu trên một cành lộc vừng ngả dài trên mặt hồ. Bốn cái cánh khẽ rung như còn đang phân vân.

Rồi đột nhiên, chú chuồn chuồn nước tung cánh bay vọt lên.

Nguyễn Thế Hội

IV. TẬP LÀM VĂN: 25 phút

Đề bài: Em hãy tả một con vật mà em yêu thích.

Đáp án và hướng dẫn chấm môn Tiếng Việt lớp 4 học kì 2

I/ ĐỌC THẦM VÀ TRẢ LỜI CÂU HỎI:

Trắc nghiệm:

1. c

2. b

3. a

4. b

5. b

6. c

7. c

8. a

9. b

10.c

Đúng mỗi câu đạt 0,5 điểm.

Câu 11: Đặt một câu cảm trong tình huống sau: Cô giáo ra một câu hỏi khó, cả lớp chỉ có một bạn trả lời được. 1 điểm

- Trời! Bạn giỏi thật!

- Ôi! Bạn thông minh quá!

- Bạn giỏi quá!

Câu 12: Em có cảm nhận gì về nhân vật Ma-gien-lăng? 1 điểm

Ma-gien-lăng là người dủng cảm./ Ma-gien-lăng đã hoàn thành sứ mạng, khẳng định trái đất hình cầu./ Ma-gien-lăng và đoàn thám hiểm đã phát hiện Thái Bình Dương và nhiều vùng đất mới./................

II. ĐỌC THÀNH TIẾNG (3 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đạt yêu cầu, giọng đọc có biểu cảm: 1 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa; đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.

III - CHÍNH TẢ: 2 điểm

- Tốc độ đạt yêu cầu; chữ viết rõ ràng, viết đúng kiểu chữ, cỡ chữ; trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm.

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm

IV - TẬP LÀM VĂN: 8 điểm

- Viết được bài văn có bố cục rõ ràng:

Phần mở bài: (1 điểm)

- Giới thiệu được con vật cần tả.

Phần thân bài: (4 điểm)

- Tả hình dáng loài vật cần tả. (2 điểm)

- Tả thói quen sinh hoạt và một vài hoạt động chính của con vật (2 điểm)

Phần kết bài: (1 điểm)

- Nêu được tình cảm của mình với con vật (1 điểm)

Về ngữ pháp, cách trình bày, dùng từ (2 điểm)

- Chữ viết đẹp, đúng chính tả; trình bày sạch đẹp, đúng quy định thể hiện qua bài viết (0,5 điểm)

- Sử dụng câu đúng ngữ pháp, dùng từ đúng nghĩa, rõ nghĩa và sử dụng đúng các dấu câu trong bài. (0,5 điểm)

- Bài viết có sự sáng tạo: có sử dụng từ láy hoặc các biện pháp tu từ, so sánh, nhân hóa, có cảm xúc, ý văn rõ ràng, sinh động... (1 điểm)

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Lương
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm