Văn mẫu lớp 7: Dàn ý giải thích câu tục ngữ Một mặt người bằng mười mặt của (2 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 7
Câu tục ngữ "Một mặt người bằng mười mặt của" gửi gắm bài học vô cùng giá trị. Hôm nay, Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Dàn ý giải thích câu tục ngữ Một mặt người bằng mười mặt của.
Nội dung chi tiết của tài liệu bao gồm 2 mẫu dàn ý, dành cho học sinh lớp 7. Mời tham khảo ngay sau đây.
Dàn ý giải thích câu tục ngữ Một mặt người bằng mười mặt của
Dàn ý giải thích Một mặt người bằng mười mặt của - Mẫu 1
1. Mở bài
Dẫn dắt để giới thiệu về câu tục ngữ: “Một mặt người bằng mười mặt của”.
2. Thân bài
a. Giải thích
- “Một mặt người” là cách nói hoán dụ dùng bộ phận để chỉ toàn thể, ý muốn chỉ con người nói chung.
- “Mười mặt của”: của ở đây là của cải, vật chất. Vậy nên “mười mặt của” ý nói đến số của cải rất nhiều.
- Tác giả dân gian vừa dùng hình thức so sánh (bằng), vừa dùng hình thức đối lập giữa đơn vị chỉ số lượng ít và nhiều (một - mười) để khẳng định sự quý giá gấp bội của con người so với của cải.
=> Câu tục ngữ muốn đề cao giá trị của con người
b. Bình luận
- Câu tục ngữ khuyên mọi người hãy yêu quý, tôn trọng và bảo vệ con người, không để của cải che lấp con người. Đây là một tư tưởng hoàn toàn đúng đắn.
- Trong lao động, sản xuất: Của cải quý giá nhưng của cải là do con người làm ra, không có con người không có của cải như “Người làm ra của, người sống đống vàng”.
- Trong quan hệ giữa người với người: Nếu chỉ coi trọng của cải, chúng ta sẽ dễ trở thành người cô độc, không người thân, bạn bè như “Có vàng vàng chẳng hay phô/ Có con nó nói trầm trồ dễ nghe”
- Câu tục ngữ còn có thể sử dụng trong nhiều văn cảnh khác:
- Phê phán những trường hợp coi trọng của cải hơn giá trị con người.
- Lời an ủi, động viên những trường hợp mà nhân dân cho là “Của đi thay người”...
=> Câu tục ngữ đã đi vào đời sống dân gian bởi tính đúng đắn và giá trị nhân văn của nó.
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị của câu tục ngữ trong cuộc sống.
Dàn ý giải thích Một mặt người bằng mười mặt của - Mẫu 2
1. Mở bài
Dẫn dắt, giới thiệu về câu tục ngữ Một mặt người bằng mười mặt của: Tục ngữ gửi gắm nhiều bài học răn dạy vô cùng ý nghĩa. Một trong số đó là câu tục ngữ: “Một mặt người bằng mười mặt của” nói về giá trị của con người trong cuộc sống.
2. Thân bài
a. Giải thích
- “một mặt người” là cách nói hoán dụ dùng bộ phận để chỉ toàn thể, nhằm chỉ một con người.
- “mười mặt của” có nghĩa là rất nhiều của cải, vật chất.
- “Một mặt người bằng mười mặt của” tưởng như thể hiện quan hệ ngang bằng. Nhưng thực chất lại nhằm đề cao giá trị của con người qua số từ “một - mười”.
=> Tiền bạc của cải cũng chỉ là vật ngoài thân, có thể sẽ mất đi nhưng cũng có thể làm ra được. Nhưng còn con người chính là “nguồn tài nguyên” vô giá không thể thay thế được.
b. Mở rộng vấn đề
- Tạo hóa đã tạo ra con người với những giá trị tốt đẹp nhất, cả về ngoại hình lẫn trí tuệ. Trải qua hàng nghìn năm tiến hóa, con người đã biết chinh phục tự nhiên, hay phát minh ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu của chính mình.
- Mỗi người đều có giá trị của riêng mình khi họ làm được công việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
- Câu tục ngữ cũng là một lời nhắc nhở cho những người luôn chạy theo những giá trị vật chất mà quên mất giá trị của bản thân.
- Học sinh cần tích cực trau dồi, rèn luyện tri thức cũng như kỹ năng để có thể trở thành một người có ích cho xã hội.
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị của câu tục ngữ: Tóm lại, “Một mặt người bằng mười mặt của” là một câu tục ngữ ngắn gọn, nhưng sâu sắc. Chúng ta cần coi trọng giá trị của bản thân, sống có ích và đừng chạy theo những giá trị vật chất bên ngoài.