Cách làm bài phân tích cấu tứ và hình ảnh trong thơ trữ tình Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ
Phân tích cấu tứ và hình ảnh trong thơ trữ tình là một trong những dạng bài nghị luận văn học mới các em sẽ được học trong SGK Ngữ văn 11 chương trình mới.
Phân tích các tác phẩm thơ trữ tình sẽ cần giải quyết yêu cầu về việc đánh giá, phân tích cấu tứ của tác phẩm. Để làm tốt được dạng bài này các bạn cần có khả năng khái quát, khả năng liên kết các yếu tố trong tác phẩm thơ. Vì thế trong bài học hôm nay Download.vn sẽ giới thiệu đến các bạn Cách làm bài phân tích cấu tứ và hình ảnh trong thơ trữ tình chi tiết nhất.
Cách làm bài phân tích cấu tứ và hình ảnh trong thơ trữ tình
I. Khái niệm
Cấu tứ là cách thức triển khai mạch cảm xúc và tổ chức hình tượng trong tác phẩm thơ trữ tình.
Nhờ có cấu tứ/ tứ thơ, tổ chức của bài thơ trở nên chặt chẽ, mọi yếu tố cấu tạp đều liên hệ mật thiết với nhau và đều hướng về một ý tưởng.
II. Các bước phân tích, đánh giá cấu tứ trong tác phẩm thơ trữ tình
Bước 1: Đọc bao quát bài thơ và tập trung vào mạch tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo, các hình tượng tiêu biểu của bài thơ.
Bước 2: Nhận xét về cách thức tổ chức mạch tình cảm, cảm xúc; cách thức sắp xếp tổ chức hình tượng trong bài thơ; nhận xét về mối tương quan giữa hai yếu tố này.
Bước 3: Nhận xét, đánh giá về cách cấu tứ thể hiện tư tưởng chủ đề, thông điệp của bài thơ.
III. Dàn ý phân tích cấu tứ và hình ảnh trong thơ trữ tình
1. Mở bài
- Dẫn dắt và gợi mở vấn đề nghị luận: cấu tứ độc đáo của bài thơ và sự chi phối của nó đến hệ thống hình ảnh thơ.
2. Thân bài
*Luận điểm 1 : Khái quát chung
- Khái quát chung về bài thơ: hoàn cảnh sáng tác, vị trí, giá trị nội dung,…
- Khái quát chung về khái niệm cấu tứ và hình ảnh thơ:
- Cấu tứ: là cách triển khai, tổ chức hình ảnh, mạch cảm xúc của bài thơ; là sự cắt nghĩa, lí giải và khái quát hiện tượng đời sống bằng một hình tượng tổng quát có sức chi phối toàn bộ cảm thụ, suy tưởng và miêu tả nghệ thuật trong tác phẩm.
- Hình ảnh thơ: Là các sự vật, hiện tượng, trạng thái đời sống được tái tạo một cách cụ thể, sống động bằng ngôn từ, khơi dậy cảm giác (đặc biệt là thị giác) cũng như gợi ra những ý nghĩa tinh thần nhất định đối với người đọc.
- Mối quan hệ giữa cấu tứ và hình ảnh: Cấu tứ là những điều tạo nên chỉnh thể của tác phẩm. Từ cấu tứ mới nảy nở ra nhiều yếu tố khác của bài thơ, trong đó có hệ thống hình ảnh. Hệ thống hình ảnh và cách tổ chức của chúng chịu sự chi phối của cấu tứ. Ngược lại, hệ thống hình ảnh có tác dụng làm cho cấu tứ trở nên rõ ràng và sống động.
*Luận điểm 2 : Phân tích cấu tứ bài thơ.
- Bước 1: Cảm nhận chung, khái quát, gọi tên về cấu tứ của bài thơ. Mỗi bài thơ có một cách cấu tứ và tứ thơ riêng.
- Bước 2: Chỉ ra và phân tích nét độc đáo của cấu tứ bài thơ, thể hiện được phát hiện riêng của nhà thơ về thế giới và con người:
=> Có thể quy về một số cách tổ chức cấu tứ thường gặp: tương đồng, tương phản, tăng cấp, chuyển hóa hoặc thống nhất giữa các mặt đối lập (động/tĩnh; không gian/thời gian; cảnh/tình)…
* Luận điểm 3 : Phân tích hệ thống hình ảnh trong bài thơ.
- Bước 1: Chỉ ra những hình ảnh đặc sắc và phân tích sự vận động, phát triển, mối liên hệ của các hình ảnh. (Với những bài thơ hay, các hình ảnh thường được lựa chọn phong phú nhưng luôn xoay quanh trục cấu tứ. Đồng thời các hình ảnh đó thường đi từ cụ thể đến biểu trưng, ngoài giá trị tạo hình còn gợi mở những tầng bậc ý nghĩa sâu xa).
- Bước 2: Phân tích ý nghĩa gợi ra từ những hình ảnh đó.
- Bước 3: Phân tích mối liên hệ giữa cấu tứ và hệ thống hình ảnh , cho thấy sự chi phối của cấu tứ đến việc lựa chọn hình ảnh sao cho giá trị biểu đạt về nội dung và hiệu quả hình thức của bài thơ đạt đến độ tối ưu nhất. Đồng thời là tác động trở lại của hệ thống hình ảnh làm cho cấu tứ hiển hiện rõ ràng hơn.
*Luận điểm 4 : Đánh giá
- Đánh giá nét đặc sắc của cấu tứ và hệ thống hình ảnh của bài thơ cũng như giá trị của chúng trong việc thể hiện những khám phá mới về con người và cuộc sống; làm cho bài thơ này trở nên khác biệt so với những bài thơ khác
- Đánh giá về sự chi phối của cấu tứ đến việc lựa chọn và xây dựng hệ thống hình ảnh.
- Đánh giá về tài năng, tư tưởng, tình cảm của nhà văn .
3. Kết bài:
- Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa của nó trong việc đem lại cách nhìn, cách đọc mới cho độc giả.
- Nêu cảm xúc người viết, mở rộng vấn đề.
IV. Đề minh họa
ÁO TRẮNG
Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước toả hồng.
Em đẹp bàn tay ngón ngón thon;
Em duyên đôi má nắng hoe tròn.
Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non.
Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời;
Hồn em anh thở ở trong hơi.
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo,
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.
Đôi lứa thần tiên suốt một ngày.
Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.
Dịu dàng áo trắng trong như suối
Toả phất đôi hồn cánh mộng bay.
(Áo trắng , Huy Cận, in trong Lửa thiêng, NXB Đời nay, Hà Nội, 1940)
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) tìm hiểu vẻ đẹp của cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ “ Áo trắng” của nhà thơ Huy Cận.
DÀN Ý CHI TIẾT
1. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả và tác phẩm: “Áo trắng” là một trong những bài thơ hay nhất viết về tình yêu của Huy Cận nói riêng và của phong trào thơ Mới nói chung.
– Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá: Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi vào phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về cấu tứ và hình ảnh của bài thơ.
2. Thân bài:
*Luận điểm 1: Khái quát chung
- Cấu tứ: là cách triển khai, tổ chức hình ảnh, mạch cảm xúc của bài thơ; là sự cắt nghĩa, lí giải và khái quát hiện tượng đời sống bằng một hình tượng tổng quát có sức chi phối toàn bộ cảm thụ, suy tưởng và miêu tả nghệ thuật trong tác phẩm.
- Hình ảnh thơ: Là các sự vật, hiện tượng, trạng thái đời sống được tái tạo một cách cụ thể, sống động bằng ngôn từ, khơi dậy cảm giác (đặc biệt là thị giác) cũng như gợi ra những ý nghĩa tinh thần nhất định đối với người đọc.
- Mối quan hệ giữa cấu tứ và hình ảnh: Cấu tứ là những điều tạo nên chỉnh thể của tác phẩm. Từ cấu tứ mới nảy nở ra nhiều yếu tố khác của bài thơ, trong đó có hệ thống hình ảnh. Hệ thống hình ảnh và cách tổ chức của chúng chịu sự chi phối của cấu tứ. Ngược lại, hệ thống hình ảnh có tác dụng làm cho cấu tứ trở nên rõ ràng và sống động.
*Luận điểm 2: Phân tích cấu tứ bài thơ.
- Tứ thơ được khắc họa qua khoảnh khắc gặp gỡ của đôi trai gái: cô gái đến thăm chàng trai mình yêu. Cuộc gặp gỡ ấy được cảm nhận qua cái nhìn (từ xa đến gần), qua tâm trạng của chàng trai (từ ngạc nhiên ngỡ ngàng đến đắm say hạnh phúc). Bắt đầu từ cái hình ảnh “nở bừng ánh sáng em đi đến” với “gót ngọc dồn hương”, “bước tỏa hồng”, rồi gần hơn với bàn tay “ngón ngón thon”, “đôi má nắng hoe tròn”, với mái tóc, tiếng nói, rồi tất cả dần hòa quyện tạo thành một sự say đắm trong hạnh phúc hội ngộ. Bài thơ kết thúc với sự hòa hợp và thăng hoa của hai tâm hồn tinh khôi.
- Với cấu tứ độc đáo, bài thơ giống như một câu chuyện kể về sự diễn tiến của cuộc gặp gỡ, vừa thể hiện những bước đi của tình yêu từ chớm nở đến viên thành. Cấu tứ ấy cũng cho ta thấy được những cung bậc cảm xúc mỗi lúc một mãnh liệt của chàng trai đang yêu.
* Luận điểm 3: Phân tích hệ thống hình ảnh trong bài thơ.
- Hình ảnh, chi tiết: Phân tích, đánh giá nghệ thuật: Nghệ thuật xây dựng hình ảnh.
- Hình tượng trung tâm của bài thơ là cô gái, qua cái nhìn say đắm của chàng trai. Tất cả các hình ảnh trong bài thơ đều tập trung thể hiện vẻ đẹp lung linh tỏa sáng, tinh khôi thơ mộng của hình tượng trung tâm đó.
- Hình ảnh “áo trắng”, gợi lên vẻ đẹp trong trắng của tuổi học trò với “mộng trắng trong”. Màu trắng ấy khiến cô gái khi xuất hiện, như tỏa ra ánh sáng rực rỡ: “Nở bừng ánh sáng”.
- Những bước đi của cô gái cũng được miêu tả thật đẹp với “gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng”. Dưới cái nhìn si tình, lãng mạn của chàng trai, cô gái mang một vẻ đẹp trong ngần, tỏa ra hương thơm kì diệu.
- Khi đến gần hơn, vẻ đẹp của cô gái được miêu tả ở “bàn tay ngón ngón thon”, ở “đôi má nắng hoe tròn”, mái tóc xanh tràn đầy sức sống, như mang cả hơi thở của trời đất, núi non, cả tiếng nói ngọt ngào của người yêu, hứng trọn cả “tiếng lẫn lời”.
- Bài thơ khép lại cùng với hình ảnh “áo trắng” nhưng kết tinh, thăng hoa: không còn là tà áo trắng trong hiện thực, mà dường như đã trở thành đôi cánh của thiên thần, khiến cả đôi hồn cùng bay lên trong một tình yêu thần tiên say đắm.
- Toàn bộ hệ thống hình ảnh trong bài thơ đều thống nhất tập trung làm nổi bật vẻ đẹp tinh khôi của cô gái; đồng thời cũng làm nổi bật vẻ đẹp trong trẻo, thơ mộng của tình yêu tuổi học trò.
- Phân tích và đánh giá từng phần của bài thơ
- Mở đầu bài thơ là sự xuất hiện của hình ảnh “áo trắng”, gợi lên vẻ đẹp trong trắng của tuổi học trò với “mộng trắng trong”. Màu trắng ấy khiến cô gái khi xuất hiện, như tỏa ra ánh sáng rực rỡ: “Nở bừng ánh sáng”.
- Những bước đi của cô gái cũng được miêu tả thật đẹp với “gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng”. Dưới cái nhìn si tình, lãng mạn của chàng trai, cô gái mang một vẻ đẹp trong ngần, tỏa ra hương thơm kì diệu.
- Vẻ đẹp của cô gái được miêu tả ở “bàn tay ngón ngón thon”, ở “đôi má nắng hoe tròn”, mái tóc xanh tràn đầy sức sống, như mang cả hơi thở của trời đất, núi non.
- Không chỉ ngỡ ngàng say đắm trước vẻ đẹp, chàng trai còn say đắm cả tiếng nói ngọt ngào của người yêu, hứng trọn cả “tiếng lẫn lời”.
- Bài thơ khép lại cùng với hình ảnh “áo trắng”, nhưng giờ đây nó đã thăng hoa hơn, để không còn là tà áo trắng trong hiện thực, mà dường như đã trở thành đôi cánh của thiên thần, khiến cả đôi hồn cùng bay lên trong một tình yêu thần tiên say đắm.
→ Như vậy, toàn bộ hệ thống hình ảnh trong bài thơ đều thống nhất tập trung làm nổi bật vẻ đẹp tinh khôi của cô gái; đồng thời cũng làm nổi bật vẻ đẹp trong trẻo, thơ mộng của tình yêu tuổi học trò.
*Luận điểm 4: Đánh giá
- Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ
- Khái quát đặc sắc nghệ thuật của bài thơ
- Xác định chủ đề: Bài thơ là tâm trạng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tinh khôi, trong sáng của người yêu; là niềm hạnh phúc, vui sướng ngất ngây của cậu học trò khi được sống trong tình yêu thơ mộng.
- Phân tích, đánh giá chủ đề:
- Tình yêu tuổi học trò là một chủ đề khá quen thuộc trong thơ ca hiện đại. Tình yêu tuổi học trò bài thơ trên vừa mang những vẻ đẹp chung, vừa có những nét độc đáo, gây ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.
- Tình yêu trong bài thơ là niềm hạnh phúc, là khoảnh khắc kì diệu, biến cuộc đời thành một cõi thần tiên. Từ tình yêu của anh và em trong bài thơ, nhắc nhở chúng ta cần trân trọng tình yêu đẹp, biết tận hưởng niềm hạnh phúc trong tình yêu, biết yêu thương và trân quý phút giây hạnh phúc trong cuộc đời.
3. Kết bài: Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa của nó đối với việc đem lại cách nhìn mới, cách đọc mới cho độc giả.
V. Lưu ý khi phân tích cấu tứ trong thơ trữ tình
Cần tìm hiểu & kết nối các yếu tố như từ ngữ, hình ảnh, nhạc điệu, mạch tình cảm, cảm xúc thì mới có đủ căn cứ để khái quát, suy luận, phát hiện ra cấu tứ.