Văn mẫu lớp 12: Viết đoạn văn nghị luận về sự thấu hiểu (thấu cảm) (6 Mẫu) Viết đoạn văn 200 chữ hay nhất

Văn mẫu lớp 12: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu hiểu trong cuộc sống mang đến 6 mẫu khác nhau cực hay. Qua đoạn văn 200 chữ về ý nghĩa của sự thấu hiểu bản thân các em có thêm nhiều nguồn tư liệu tham khảo, biết cách lựa chọn ngôn từ để hoàn thiện bài văn của riêng mình.

Viết đoạn văn về sự thấu hiểu trong cuộc sống cực chất dưới đây được viết rất hay với văn phong rõ ràng, dễ hiểu có thể tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức viết đoạn văn nghị luận. Đồng thời các em hiểu rõ được ý nghĩa của sự thấu hiểu trong cuộc sống của chúng ta. Bên cạnh đó các em xem thêm: đoạn văn nghị luận về nạn bạo hành trẻ em, đoạn văn nghị luận về lối sống ích kỉ, đoạn văn nghị luận về biến đổi khí hậu.

Viết đoạn văn 200 chữ về ý nghĩa của sự thấu hiểu bản thân

Tự thấu hiểu bản thân là tự hiểu biết chính mình, thấu hiểu năng lực, ý chí và khát vọng của mình nhằm hướng đến việc tự hoàn thiện bản thân, tự phát triển một cách hài hòa và trọn vẹn. Người luôn hiểu rõ bản thân, hiểu điểm mạnh, điểm yếu của mình thường dễ thành công. Họ luôn đề ra mục tiêu của cuộc đời rõ ràng và tận dụng chính xác các sở trường trong những lĩnh vực mà họ đam mê để đạt được mục tiêu đó. Muốn thấu hiểu bản thân, trước hết cần liên tục tự đánh giá bản thân mình, có ý chí, lòng quyết tâm cao độ, dám đương đầu để vượt qua khó khăn, thử thách, dám mạo hiểm và sẵn sàng trả giá khi thất bại. Chỉ trong lao khổ, người mới có thể tìm ra sức mạnh của mình. Hạnh phúc nhất, là khi được làm những điều ta yêu thích và được sống với những người ta yêu thương. Luôn lắng nghe ý kiến từ người thân. Khi lắng nghe phải giữ cái tâm thật bình thản và sẵn sàng đón nhận thông tin một cách khách quan nhất. Hãy quan sát những người xung quanh có cùng đam mê sở thích để suy nghĩ và tìm mọi cách để vươn lên tiến tới. Liên tục nâng cao khả năng quan sát và tích lũy tri thức. Tri thức giúp con người khám phá và thấu hiểu chính mình. Không bao giờ khoan nhượng hay thỏa hiệp với lỗi lầm hay sự trì hoãn của bản thân mình nhưng luôn khoan thứ cho người khác. Bạn không cạnh tranh với bất cứ ai khác. Bạn chỉ cạnh tranh với chính mình để làm được tốt nhất với bất cứ điều gì mình nhận được. Phải luôn biết lắng nghe để thấu hiểu Đừng kiêu căng và khoe mẽ, điều đó chi khiến bạn nhận về thất bại và khinh chê của người khác. Hiểu rõ mình để định vị giá trị bản thân mình, và để thành công.

Viết đoạn văn 200 chữ về ý nghĩa của sự thấu hiểu trong cuộc sống

Để thành công trong cuộc sống và được mọi người yêu quý, chúng ta cần phải rèn luyện cả về trí tuệ lẫn tình cảm. Một trong những yếu tố mà chúng ta nên có chính là việc hiểu mình, hiểu người. Hiểu mình là khi chúng ta biết được ưu điểm, nhược điểm của bản thân, biết mình muốn gì, cần gì và phải làm gì để cuộc sống tốt đẹp hơn. Còn hiểu người là việc chúng ta thấu hiểu tính cách, con người của người đó để từ đó yêu thương, bao dung và trân trọng họ bằng tấm lòng chân thành nhất. Hiểu mình hiểu người sẽ giúp cho bản thân chúng ta có thêm nhiều bài học về lẽ sống, cách làm người. Người hiểu mình là những người hiểu được tính cách, giá trị của bản thân, biết được ưu, nhược điểm của mình, từ đó cố gắng hoàn thiện bản thân mình theo chiều hướng tích cực hơn, tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó còn là việc chúng ta biết quan tâm đến cảm nhận của những người xung quanh, sẵn sàng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người khác, lắng nghe người khác bằng cả tấm lòng chân thành, sự yêu thương, chia sẻ mà không vụ lợi. Hiểu người, hiểu đời còn là việc từ sự cảm thông của người khác chúng ta rút ra được bài học cho bản thân mình để giúp mình và người cùng tốt hơn. Việc hiểu mình, hiểu người sẽ làm cho cuộc sống chúng ta ý nghĩa hơn. Trong xã hội có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn. Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn. Bên cạnh đó vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác. Lại có những người sống mà không có mục tiêu, lí tưởng, không biết bản thân mình cần gì, muốn gì… Những người này cần kiểm điểm lại chính mình và thay đổi cách sống. Tình người vô cùng cần thiết và quan trọng trong cuộc sống này, hãy trở thành một người có ích, giàu tình yêu thương để thấy cuộc sống thật đáng sống.

Ý nghĩa của sự thấu hiểu trong cuộc sống

Trong cuộc sống, không ai là giống ai cả. Mỗi người có một tính cách, một bản thể của riêng mình. Vậy nên sự thấu hiểu đóng một vai trò rất quan trọng. Thấu hiểu là khả năng nhận biết và nhận thức một cách sâu sắc về cảm xúc của người khác. Người có khả năng thấu hiểu sẻ đồng cảm và liên kết với người khác và họ có thể đặt mình và hoàn cảnh của người khác. Thấu hiểu không đơn giản chỉ là hiểu cảm xúc của người khác, mà còn là kỹ năng vô cùng quan trọng mà ai cũng cần có trong cuộc sống. Sự thấu hiểu bắt nguồn từ lòng trắc ẩn, vì vậy nó khiến con người xích lại gần nhau hơn, trở nên gần gũi tương thân, tương ái. Một người biết thấu hiểu sẽ là con người đưa ra những phán đoán chính xác và bao dung với những lỗi lầm của người xung quanh. Sự thấu hiểu sẽ mang lại sức mạnh vô cùng to lớn, làm nên những điều kỳ diệu. Đó chính là sự thay đổi tâm tính của một con người, dẫn đến việc hoàn thiện bản thân, nhân cách và suy nghĩ. Hơn nữa, một thế giới mà mọi người đều thấu hiểu cho nhau sẽ là một thế giới tốt đẹp, tràn đầy yêu thương. Tuy nhiên, sự thấu hiểu không đồng nghĩa với nhân nhượng, dung túng và bao che. Bởi nó là những hành vi trái với đạo đức, trái với đạo lý làm người. Thấu hiểu đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống con người, nhưng nó cũng không phải điều dễ dàng gì. Vậy nên hãy học cách bao dung cho những lỗi lầm, khó khăn của người khác để tạo điều kiện cho mọi người cùng sửa đổi, cùng cố gắng, để xã hội tốt đẹp hơn.

Viết đoạn văn về sự thấu hiểu trong cuộc sống

Có bao giờ bạn tự hỏi điều quan trọng nhất trong cuộc sống của con người là gì không? Chắc hẳn mỗi chúng ta đều biết đó chính là tình yêu thương, sự thấu cảm. Vậy thế nào là thấu cảm? Sự thấu cảm là thấu hiểu, đồng cảm với hoàn cảnh của người khác, từ đó chúng ta yêu thương, san sẻ những điều nhỏ nhặt nhất với họ. Sự thấu cảm vô cùng quan trọng và cần thiết trong cuộc sống mà mỗi người cần có. Sự thấu cảm là cội nguồn của lòng trắc ẩn, của tình yêu thương, mang con người lại gần nhau hơn. Khi có được sự thấu cảm, ta có thể có thể hòa hợp với tâm trạng của người ấy và có mong muốn được chia sẻ từ niềm vui đến nỗi buồn, đó cũng là lúc con người biết san sẻ với nhau. Có được sự thấu cảm, mỗi người sẽ biết cảm thông, yêu thương và cũng chính là lúc lòng nhân ái, sự trắc ẩn lên ngôi. Sự thấu cảm có thể mang lại sức mạnh kỳ diệu có thể làm thay đổi con người, hướng con người tới sự hoàn thiện nhân cách. Sự thấu cảm giúp ta được được mọi người tin cậy, yêu thương, những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống sẽ vơi đi, con người có thêm động lực để vượt qua những khó khăn, thử thách và tạo dựng một xã hội thực sự nhân văn, tốt đẹp với những mối quan hệ giữa các cá nhân được gắn kết trong sự thấu cảm và tình thương. Người sống có sự thấu cảm là những người có cái nhìn hiểu biết, thấu đáo, trọn vẹn; biết đặt cá nhân mình vào vị thế, suy nghĩ của người khác để hiểu sâu sắc tình cảm, hành động của người đó. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có những người chỉ thờ ơ, vô cảm, ích kỉ, chỉ biết đến bản thân mình và không quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Để khắc phục những tình trạng đó, mỗi chúng ta cần ý thức được ý nghĩa và sức mạnh của tình yêu thương và sự cảm thông; đồng thời biết sẻ chia ngay từ những điều nhỏ bé của cuộc sống với mọi người xung quanh, sống chân thành, cởi mở, bao dung và vị tha. Mỗi chúng ta cần có lối sống tích cực và xây dựng cho mình những tình cảm tốt đẹp để xã hội ngày càng phát triển văn minh, nhân đạo hơn.

Đoạn văn nghị luận về sự thấu hiểu

Sự thấu cảm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Khi ta có sự thấu cảm, ta sẽ biết đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của người khác để cảm nhận, thấu hiểu, cảm thông với cảnh ngộ, nỗi niềm của họ một cách sâu sắc. Sự thấu cảm bồi đắp lòng nhân ái, giúp con người biết sống yêu thương, biết chia sẻ và có trách nhiệm với cộng đồng, với những người xung quanh mình. Sự thấu cảm cũng giúp ta tránh được những phán xét, suy nghĩ cực đoan và sống vị tha hơn đối với người khác. Những người ở trong hoàn cảnh đau buồn, bất hạnh khi nhận được sự thấu cảm, yêu thương, chia sẻ, họ sẽ vơi bớt nỗi buồn, có thêm động lực để vượt qua khó khăn, nỗi đau, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Sự thấu cảm còn tạo nên mối quan hệ thân thiện, gắn kết, yêu thương giữa người với người, giúp cho xã hội tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Chính vì vậy, mỗi người chúng ta phải biết thấu cảm với người khác để sống có tấm lòng, biết yêu thương, sẻ chia với những người bất hạnh, làm cho xã hội tốt đẹp hơn như lời khẳng định của nhà thơ Tố Hữu:

“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau"

Đoạn văn suy nghĩ về sự thấu cảm

Con người Việt Nam ta vốn được biết đến với nhiều đức tính, phẩm chất tốt đẹp. Một trong số đó chúng ta phải kể đến chính là sự thấu cảm, sẻ chia, đùm bọc nhau. Sự thấu cảm là việc chúng ta yêu thương, san sẻ những điều nhỏ nhặt nhất với những người xung quanh. Bên cạnh đó, sự thấu cảm còn là việc chúng ta đồng cảm, xót thương trước những số phận bất hạnh, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người khác để khiến cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn. Người sống có sự thấu cảm, chia sẻ là những người sẵn sàng giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình mà không màng đến tư lợi của bản thân. Họ sống vì tập thể, vì người khác, biết nghĩ đến lợi ích chung của tập thể, của mọi người. Bên cạnh đó, họ cũng là những người biết lan tỏa những hành động, những thông điệp tốt đẹp đến người khác cũng như tuyên truyền những thông điệp đó để nó lan tỏa tốt hơn. Sự thấu cảm, chia sẻ có vai trò vô cùng to lớn đối với cuộc sống của con người: Khi giúp đỡ, san sẻ với người khác, ta không chỉ giúp cuộc sống của họ tốt hơn mà ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của họ dành cho mình. Một xã hội tràn ngập tình yêu thương là một xã hội vô cùng đáng sống. Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm