Thông tư 07/2018/TT-BGTVT Quy định về kiểm tra tàu biển
Kể từ ngày 01/04/2018, Thông tư 07/2018/TT-BGTVT do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 07/02/2018. Thông tư quy định về kiểm tra tàu biển. Theo đó, khi xuống tàu biển kiểm tra, Sỹ quan kiểm tra Nhà nước phải tuân thủ những yêu cầu theo quy định như sau:
- Xuất trình thẻ cho thuyền trưởng hoặc đại diện của chủ tàu lúc bắt đầu kiểm tra;
- Không được can thiệp vào việc cá nhân và nơi nghỉ của thuyền viên;
- Tôn trọng quyền của thuyền trưởng và những người giúp việc của thuyền trưởng;
- Không đe dọa, độc đoán hay sử dụng ngôn ngữ gây thù oán;
- Tuân thủ yêu cầu an ninh của tàu biển và được người có trách nhiệm dẫn đi xung quanh tàu biển;
- Không được gây khó khăn cho thuyền viên như việc hỏi những thứ ngược với quy định của Công ước, quy định pháp luật.
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2018/TT-BGTVT | Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2018 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA TÀU BIỂN
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về kiểm tra tàu biển.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về kiểm tra điều kiện an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu biển nước ngoài hoạt động trong vùng nước cảng biển Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc kiểm tra tàu biển nước ngoài hoạt động trong vùng nước cảng biển Việt Nam.
2. Thông tư này không áp dụng đối với việc kiểm tra tàu biển Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tàu biển là tàu biển nước ngoài.
2. Khiếm khuyết là tình trạng kỹ thuật, vận hành của tàu biển, Giấy chứng nhận và hồ sơ của tàu biển, bố trí định biên và thuyền viên không tuân thủ quy định của điều ước quốc tế về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường mà Việt Nam là thành viên được phát hiện trong quá trình kiểm tra tàu biển.
3. Bằng chứng rõ ràng là một trong những bằng chứng cụ thể sau:
a) Tàu biển không có các thiết bị hoặc các thiết bị này không hoạt động theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
b) Tàu biển, thuyền viên không có Giấy chứng nhận hoặc Giấy chứng nhận không còn hiệu lực theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
c) Tàu biển không có tài liệu theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
d) Tàu biển có kết cấu, thân vỏ bị hư hỏng nghiêm trọng hoặc có khiếm khuyết gây nguy hiểm tới tính nguyên vẹn kín nước hoặc sự ổn định của tàu biển;
đ) Tàu biển có khiếm khuyết nghiêm trọng về trang thiết bị làm ảnh hưởng đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường;
e) Thuyền viên không biết hoặc không thực hiện các hoạt động thiết yếu liên quan đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường;
g) Thuyền viên trên tàu biển không thể giao tiếp với nhau theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
h) Thuyền viên, thuyền trưởng phát các báo động sai mà không được hủy phù hợp;
i) Cơ quan có thẩm quyền nhận được thông báo về tàu biển không tuân thủ các quy định về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường;
k) Tàu biển không có các biện pháp bảo đảm an ninh hàng hải.
4. Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển là công chức, viên chức của Cục Hàng hải Việt Nam được cấp Thẻ Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển để thực hiện việc kiểm tra các điều kiện về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và điều kiện lao động hàng hải trên tàu biển nước ngoài neo, đậu trong vùng nước cảng biển của Việt Nam.
5. Lưu giữ tàu biển là việc Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển không cho phép tàu biển rời cảng khi phát hiện các khiếm khuyết nghiêm trọng của tàu biển tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này và yêu cầu thuyền trưởng khắc phục trước khi cho phép tàu biển rời cảng.
6. Kiểm tra ban đầu là việc Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển lên tàu biển kiểm tra thực tế tình trạng chung của tàu biển, trang thiết bị, thuyền viên, các Giấy chứng nhận và các tài liệu có liên quan của tàu biển.
7. Kiểm tra chi tiết là việc Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển kiểm tra tàu biển khi có các bằng chứng rõ ràng quy định tại khoản 3 Điều này.
8. Kiểm tra lại là việc kiểm tra được tiến hành sau khi thuyền viên của tàu biển khắc phục các khiếm khuyết được phát hiện bởi Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển tại lần kiểm tra trước đó để khẳng định các khiếm khuyết đã được khắc phục.
9. Kiểm tra tiếp theo là việc Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển kiểm tra để xác nhận việc khắc phục các khiếm khuyết của tàu biển được chỉ ra do Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển của nước ngoài thực hiện trong lần kiểm tra trước đó.
10. Dừng kiểm tra tàu biển là việc Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển không tiếp tục kiểm tra tàu biển do trong quá trình kiểm tra chi tiết phát hiện tình trạng chung của tàu biển, trang thiết bị và thuyền viên có quá nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng theo quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
11. Tàu biển dưới công ước là tàu biển có dung tích hoặc thông số kỹ thuật nhỏ hơn theo tiêu chuẩn tàu biển được quy định tại công ước.
12. Tàu biển dưới tiêu chuẩn là tàu biển có thân vỏ, máy móc, trang thiết bị, quy trình vận hành, khai thác hoặc thuyền viên dưới tiêu chuẩn của công ước có liên quan, bao gồm một hoặc nhiều yếu tố sau:
a) Thiếu trang thiết bị theo quy định của công ước;
b) Trang thiết bị bố trí không tuân thủ theo quy định của công ước;
c) Tàu biển hoặc trang thiết bị hư hỏng nghiêm trọng do bảo dưỡng không đúng quy định;
d) Thuyền viên vận hành trang thiết bị không phù hợp với quy trình khai thác cơ bản;
đ) Định biên không phù hợp hoặc thuyền viên có Giấy chứng nhận không phù hợp.
13. Tổ chức được công nhận là tổ chức đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị quyết A.739 (18), sửa đổi bởi Nghị quyết MSC.208(81) và được ủy quyền bởi Chính quyền tàu biển mang cờ thực hiện các dịch vụ đánh giá, cấp Giấy chứng nhận cần thiết cho tàu biển mang cờ của quốc gia mình.
14. Giấy chứng nhận có hiệu lực là giấy được cấp trực tiếp bởi một quốc gia thành viên công ước hoặc bởi một tổ chức được công nhận, có hiệu lực thỏa mãn các yêu cầu của công ước liên quan và phù hợp với các đặc trưng của tàu biển, thuyền viên, trang thiết bị.
15. Tokyo MOU là tổ chức hợp tác kiểm tra nhà nước cảng biển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
16. APCIS (Asia-Pacific computerized information system) là hệ thống lưu giữ, thống kê, trao đổi dữ liệu về kiểm tra tàu biển của Tokyo MOU.
Điều 4. Nguyên tắc kiểm tra tàu biển
1. Kiểm tra tàu biển được thực hiện theo phân công của Giám đốc Cảng vụ hàng hải, do tối thiểu hai (02) Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển thực hiện. Giám đốc Cảng vụ hàng hải có thể bố trí người có chuyên môn hỗ trợ Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển.
2. Khi lên tàu kiểm tra, Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển phải xuất trình Thẻ Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển cho thuyền trưởng hoặc thuyền viên trực ca của tàu biển.
3. Trong quá trình kiểm tra tàu biển, Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển tránh cho tàu biển bị trì hoãn hoặc bị lưu giữ không chính đáng. Mục tiêu chính của kiểm tra là ngăn không cho tàu biển hành trình khi không bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải hoặc đe dọa gây ô nhiễm môi trường. Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển xem xét quyết định lưu giữ tàu biển cho đến khi các khiếm khuyết được khắc phục hoặc cho phép tàu biển hành hải với một số khiếm khuyết, tùy thuộc vào tính chất cụ thể của từng chuyến đi.
4. Khi thực hiện kiểm tra tàu biển, Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển phải tuân thủ các quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
Chương II
NỘI DUNG VÀ QUY TRÌNH KIỂM TRA
Điều 5. Các công ước quốc tế áp dụng
1. Kiểm tra tàu biển áp dụng các quy định của các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bao gồm:
a) Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển 1974 và sửa đổi (SOLAS); Nghị định thư 1988 liên quan đến Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển 1974 và sửa đổi (SOLAS Protocol 1988);
b) Công ước quốc tế về mạn khô, 1966 (LOAD LINES); Nghị định thư 1988 liên quan đến Công ước quốc tế về mạn khô 1966 (LOAD LINES Protocol 1988);
c) Công ước quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm môi trường từ tàu biển 1973 và các sửa đổi; Nghị định thư 1978 và 1997 liên quan đến Công ước quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm môi trường từ tàu biển 1973 (MARPOL);
d) Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên 1978 và các sửa đổi (STCW);
đ) Công ước quốc tế về đo dung tích của tàu biển 1969 (TONNAGE);
e) Công ước quốc tế về hệ thống kiểm soát chống hà độc hại của tàu biển 2001 (AFS);
g) Công ước Lao động hàng hải 2006 (MLC);
h) Công ước quốc tế về quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển 1972 (COLREG).
2. Trong trường hợp sửa đổi, bổ sung các công ước quy định tại khoản 1 Điều này hoặc Việt Nam mới gia nhập các công ước liên quan về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển áp dụng các quy định mới này trong quá trình kiểm tra tàu biển.
Download file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết.