Sử dụng mẫu tem kèm thuyết minh giới thiệu về đất nước Việt Nam Đáp án cuộc thi Tem bưu chính 2023
Sử dụng mẫu tem kèm thuyết minh giới thiệu về đất nước Việt Nam gồm 2 mẫu, giúp các em có thêm nhiều ý tưởng mới, để trả lời câu hỏi Cuộc thi Sưu tập và tìm hiểu tem Bưu chính năm 2023 của mình.
Với 2 bài thuyết minh về bộ tem “Kiến trúc, phong cảnh Việt Nam”, bộ tem “Phong cảnh Quảng Ninh (Đình Trà Cổ)” các em sẽ có thêm nhiều kiến thức về những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng của đất nước Việt Nam. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Đề bài: Em hãy sử dụng một số mẫu tem kèm thuyết minh ngắn gọn để giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước Việt Nam.
Sử dụng mẫu tem kèm thuyết minh giới thiệu về đất nước Việt Nam
Thuyết minh bộ tem “Kiến trúc, phong cảnh Việt Nam”
Ngày 16/01/2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành bộ tem phổ thông “Kiến trúc, phong cảnh Việt Nam” giới thiệu Chùa Một Cột, chùa Keo, chùa Cầu là những công trình kiến trúc cổ đặc trưng của Việt Nam, được xây dựng dưới thời kỳ phong kiến, được thay màu đổi giá thành 6 mẫu tem với các giá mặt lần lượt là 2.000 đồng, 3.000 đồng, 3.500 đồng, 4.500 đồng, 6.500 đồng và 10.500 đồng. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, các công trình vẫn giữ nguyên được nét kiến trúc độc đáo vốn có của chúng. Hình ảnh 3 ngôi chùa được tái hiện sinh động trên tem theo phương pháp vẽ chải nét, một phương pháp thiết kế độc đáo, giúp phô bày các đường nét kiến trúc tinh xảo của các công trình kiến trúc cổ Việt Nam.
Chùa Một cột
Chùa Một Cột còn được gọi với những cái tên khác là chùa Mật, chùa Diên Hựu hay Liên Hoa Đài.
Theo sử xưa, chùa được vua Lý Thái Tông cho xây dựng vào mùa đông năm 1049. Tổ chức Kỉ lục Châu Á đã xác nhận chùa Một Cột là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á” năm 2012. Kỉ lục Guiness Việt Nam cũng ghi nhận chùa Một Cột là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam”.
Chùa Keo Thái Bình
Chùa Keo có tên là “Thần Quang Tự”, tọa lạc trên bờ sông Thái Bình tại làng Keo nay là xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Dân gian còn gọi ngôi chùa ở Thái Bình là Keo trên, phân biệt với chùa Keo dưới ở Nam Định, theo dòng chảy của con sông. Ngôi chùa Keo ngày nay được xây dựng từ thời vua Lê Trung Hưng năm 1632 theo lối kiến trúc “Nội công ngoại quốc” đặc trưng của kiến trúc chùa Việt Nam (có nghĩa là kiến trúc bên trong theo hình chữ Công, bên ngoài theo hình chữ Quốc). Toàn bộ khuôn viên chùa rộng hơn 41.500m2, gồm 16 tòa kiến trúc với 116 gian xây dựng. Trong khuôn viên chùa có 3 hồ lớn gồm hồ giữa tam quan ngoại và tam quan nội và hai hồ phía sau dãy hành lang đông và tây.
Chùa Keo Thái Bình được đánh giá là công trình có qui mô rộng lớn bậc nhất trong các chùa cổ ở Việt Nam, bên cạnh đó là nhiều giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo.
Chùa Cầu Hội An
Chùa Cầu là một cây cầu được người Nhật xây dựng cách đây 400 năm. Dù chỉ là một cây cầu gỗ dài 18m uốn cong qua con rạch chảy vào sông Hoài, nhưng với kiến trúc độc đáo mang dáng dấp của một ngôi chùa, Chùa Cầu đã trở thành một công trình đặc sắc, di sản văn hóa Phù Tang duy nhất trên đất Việt Nam.
Chùa Cầu còn có tên là Lai Kiều Viễn, hay Cầu Nhật Bản, nhưng thường được gọi là Chùa Cầu, tức là cây cầu theo kiểu ngôi chùa. Trong quá khứ, bên cạnh chức năng điều tiết giao thông, Chùa Cầu còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng bao đời của người dân phố cổ, là điểm hẹn phân xử tranh chấp buôn bán ở thương cảng Hội An. Ngày nay, Chùa Cầu trở thành biểu tượng của phố cổ, góp phần làm nên một Hội An xứng tầm Di sản Văn hóa thế giới.
Chùa Cầu được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia vào năm 1990; và hình ảnh Chùa Cầu đang xuất hiện trên tờ tiền polymer 20.000 đồng hiện hành của Việt Nam.
Thuyết minh bộ tem “Phong cảnh Quảng Ninh (Đình Trà Cổ)”
Nhằm giới thiệu một di tích kiến trúc lịch sử nơi địa đầu Tổ quốc, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Trà Cổ (Quảng Ninh), ngày 12/7/2018. Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định phát hành bộ tem “Phong cảnh Quảng Ninh (Đình Trà Cổ)” gồm 01 mẫu tem.
Mẫu tem được thiết kế khắc họa toàn cảnh ngôi đình, chính diện với cổng trụ cùng màu sắc ấm áp trên nền lượn sóng biểu đạt vùng non nước kiêu hùng nơi địa đầu Tổ quốc.
Khuôn khổ tem: 46x30 mm. Bộ tem do họa sỹ Nguyễn Du, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế. Bộ Tem có thời hạn cung ứng trên mạng bưu chính công cộng từ ngày 12/7/2018 đến ngày 31/12/2019.
Đình Trà Cổ được xây dựng từ thời Hậu Lê năm Quang Thuận thứ hai (năm 1461) dưới triều vua Lê Thánh Tông thuộc phái Nam phường Trà Cổ ngày nay. Đình Trà Cổ được giới chuyên môn đánh giá là một trong những ngôi đình có quy mô đồ sộ và kiến trúc độc đáo của khu vực đồng bằng Bắc bộ.
Trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử, của thời gian và những lần trùng tu lớn, ngôi đình hiện tọa lạc trên một khu đất rộng hơn 1000 m2. Đình mang đặc trưng kiến trúc cổ kiểu chữ đinh, gồm 05 gian, 02 trái bái đường và 03 gian hậu cung với kết cấu khung gỗ liên kết với nhau bởi các chốt mộng. Các cây cột trụ trong đình đều bằng gỗ lim (48 cây). Hai đầu hồi là hai bức hoành phi sơn son thiếp vàng chạm khắc chữ hán, đối diện nhau. Một bên là ‘Nam Sơn tịnh thọ” (Nước Nam bền vững), một bên là “Địa cửu thiên trường” (Đất vững trời dài).
Vẻ đẹp của ngôi đình không chỉ ở sự bề thế, mái lợp ngói vảy, bốn góc đao cong vút như một con thuyền rẽ sóng lướt tới mà còn tạo ấn tượng từ các vì kèo với đường nét chạm trổ chắc khỏe, tinh xảo nhưng không kém phần sống động. Đình Trà Cổ vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật giá trị như các đỉnh hương đồng, long ngai bằng gỗ của thời Nguyễn, các đạo sắc phong, hạc cưỡi rùa bằng gỗ sơn son thiếp vàng…
Năm 1974, Đình Trà Cổ được xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia. Cùng với chùa Nam Thọ, chùa Vạn Linh Khánh, nhà thờ Trà Cổ, cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, bãi biển Trà Cổ… Đình Trà Cổ đã tạo nên sự gắn kết, hoà quyện giữa vẻ đẹp văn hóa và thiên nhiên tươi đẹp làm cho trung tâm du lịch Trà Cổ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách mọi miền.