Lịch sử 10 Bài 12: Văn minh Đại Việt Soạn Sử 10 trang 108 sách Kết nối tri thức

Soạn Sử 10 Bài 12: Văn minh Đại Việt sách Kết nối tri thức với cuộc sống giúp các em học sinh lớp 10 xem gợi ý tham khảo để trả lời các câu hỏi trang 100 →122 thuộc chủ đề 6: Một số nền văn minh trên đất nước Việt Nam.

Giải Lịch sử 10 Bài 12 các em sẽ biết cách trả lời toàn bộ các câu hỏi của bài Văn minh Đại Việt chủ đề 6 trong sách giáo khoa Lịch sử 10 Kết nối tri thức với cuộc sống. Đồng thời đây cũng là tư liệu hữu ích giúp giáo viên soạn giáo án cho riêng mình.

Trả lời câu hỏi hình thành kiến thức mới Sử 10 Bài 12

1. Khái niệm và cơ sở hình thành

Câu 1 trang 109 

Em hiểu thế nào về khái niệm văn minh Đại Việt?

Gợi ý đáp án

- Khái niệm: văn minh Đại Việt là những sáng tạo vật chất và tinh thần tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam từ thế kỉ X đến giữa thế kỉ XIX.

Câu 2 trang 109

Hãy phân tích cơ sở hình thành văn minh Đại Việt. Theo em, cơ sở nào là quan trọng nhất? Vì sao?

Gợi ý đáp án

* Cơ sở hình thành văn văn minh Đại Việt:

- Cội nguồn từ những nền văn minh cổ trên đất nước Việt Nam; phản ánh quá trình sinh sống, lao động và thích ứng với điều kiện tự nhiên và cuộc đấu tranh trong hơn 1000 năm Bắc thuộc để giành độc lập và bảo tồn văn hoá dân tộc.

- Trải qua các triều đại, triều đình và nhân dân luôn kiên cường chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ và củng cố nền độc lập, tạo điều kiện cho nền văn minh Đại Việt phát triển rực rỡ.

- Tiếp thu có chọn lọc những thành tựu của các nền văn minh bên ngoài (Ấn Độ, Trung Hoa,...) về tư tưởng, chính trị, giáo dục, văn hoá, kĩ thuật,...

* Cơ sở quan trọng nhất: nền độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Việt. Vì: môi trường hòa ình, ổn định; nền độc lập, tự chủ của dân tộc được bảo vệ vững chắc sẽ tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân xây dựng và phát triển một nền văn hóa dân tộc rực rỡ trên mọi lĩnh vực.

2. Tiến trình phát triển

Câu hỏi trang 110 

Hãy nêu khái quát tiến trình phát triển văn minh Đại Việt qua các triều đại thông qua trục thời gian.

Gợi ý đáp án

- Thời Ngô - Đinh - Tiền Lê (thế kỉ X)

+ Sau chiến thắng Bạch Đằng (năm 938), Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa (Hà Nội), nền độc lập dân tộc được khôi phục hoàn toàn.

+ Triều Đinh và Tiền Lê đóng đô Hoa Lư (Ninh Bình), bắt đầu phát triển kinh tế và văn hoá dân tộc.

- Thời Lý - Trần - Hồ (thế kỉ XI - XV)

+ Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long (Hà Nội), mở đầu kỉ nguyên mới của văn minh Đại Việt. Nhà Trần kế thừa và phát huy các thành tựu của nhà Lý. Một trong những đặc trưng nổi bật của văn minh Đại Việt thời Lý - Trần - Hổ là tam giáo cộng tồn.

+ Từ năm 1407 đến năm 1427, nhà Minh thống trị và thực hiện chính sách huỷ diệt văn minh Đại Việt.

- Thời Lê sơ (thế kỉ XV - XVI)

+ Năm 1428, nhà Lê sơ được thành lập, Đại Việt trở thành một cường quốc trong khu vực Đông Nam Á.

+ Văn minh Đại Việt thời Lê sơ đạt được nhiều thành tựu trên cơ sở độc tôn Nho học.

- Thời Mạc - Lê Trung Hưng (thế kỉ XV - XVIII)

+ Năm 1527, nhà Mạc thành lập, khuyến khích phát triển kinh tế Công thương nghiệp và văn hoá. Một trong những đặc trưng nổi bật của văn minh Đại Việt thời Mạc là kinh tế hướng ngoại

+ Thời Lê trung hưng, văn minh Đại Việt phát triển theo xu hướng dân gian hoá và bước đầu tiếp xúc với văn minh phương Tây.

- Thời Tây Sơn - Nguyễn (cuối thế kỉ XVIII - 1858)

+ Cuối thế kỉ XVIII, Vương triều Tây Sơn được thành lập, lật đổ các chính quyền phong kiến trong nước, đánh tan quân xâm lược bên ngoài, xoá bỏ tình trạng chia cắt đất nước, tạo nền tảng cho sự thống nhất quốc gia.

+ Năm 1802, nhà Nguyễn thành lập, xây dựng quốc gia thống nhất.

+ Văn minh Đại Việt thời Nguyễn nổi bật là tính thống nhất: những khác biệt giữa các vùng miền được giảm bớt.

Trả lời Luyện tập, vận dụng Sử 10 Bài 12 trang 122

Luyện tập 1

Lập bảng thống kê những thành tựu tiêu biểu của nền văn minh Đại Việt theo gợi ý dưới đây.

Gợi ý đáp án

Lĩnh vực

Thành tựu tiêu biểu

Ý nghĩa/ giá trị

Chính trị

- Bộ máy nhà nước được tổ chức theo thiết chế quân chủ trung ương tập quyền và ngày càng được hoàn thiện

- Ban hành nhiều bộ luật

- Nhiều lần tiến hành nhiều cải cách đất nước

- Củng cố sự ổn định về chính trị, đời sống xã hội

- Cải cách nhằm thúc đẩy đất nước phát triển phù hợp với bối cảnh thời đại

Kinh tế

- Sản xuất nông nghiệp là ngành chính

- Thủ công nghiệp và thương nghiệp cũng được nhà nước chú trọng, song không được nhà nước đề cao.

- Kinh tế phát triển, đời sống vật chất của nhân dân được cải thiện

- Tư tưởng “trọng nông - ức thương” góp phần kìm hãm sự phát triển của đất nước

Tín ngưỡng

- Thờ thần Đồng cổ

- Đạo mẫu được đông đảo nhân dân tin theo

- Thờ thành hoàng làng ngày càng phổ biến

- Cho thấy sức sống mãnh liệt của văn hóa bản địa, lâu đời của người Việt

Tư tưởng,

tôn giáo

- Du nhập: Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Thiên Chúa giáo.

- Nho giáo giữ vị trí độc tôn (từ thời Lê sơ)

- Đông đảo nhân dân tin theo Phật giáo

- Đạo giáo có vị trí nhất định trong xã hội

- Thiên Chúa giáo bị chính quyền phong kiến kìm hãm sự phát triển

- Tạo nên sự đa dạng, phong phú trong bức tranh tư tưởng, tôn giáo

- Việc độc tôn Nho giáo góp phần tạo ra sự bảo thủ, làm cản trở sự phát triển của xã hội

Giáo dục,

Khoa cử

- Giáo dục, khoa cử từng bước phát triển

- Từ thời Lê sơ, khoa cử Nho học phát triển thịnh đạt.

- Nhà nước ban hành nhiều chính sách khuyến khích giáo dục, khoa cử

- Nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước

- Góp phần bảo vệ chế độ chính trị, sự ổn định của trật tự xã hội

Chữ viết

- Sáng tạo ra chữ Nôm trên cơ sở chữ Hán

- Thể hiện tính dân tộc, tinh thần sáng tạo

Văn học

- Phong phú, đa dạng về thể loại và đề tài

- Để lại nhiều di sản lớn

- Góp phần bồi dưỡng lòng: yêu nước, thương dân…

Khoa học,

Kĩ thuật

- Đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực: sử học, địa lí, khoa học quân sự,…

- Để lại nhiều di sản lớn trong kho tàng văn hóa dân tộc.

Nghệ thuật

- Phát triển toàn diện trên các lĩnh vực: kiến trúc, điêu khắc; hội họa và nghệ thuật biểu diễn

Luyện tập 2

Chứng minh những thành tựu văn minh Đại Việt là sự kế thừa, phát triển các thành tựu của nền văn minh cổ trên đất nước Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc những ảnh hưởng từ bên ngoài.

Gợi ý đáp án

- Một số dẫn chứng chứng minh: Văn minh Đại Việt là sự kế thừa, phát triển các thành tựu của nền văn minh Việt cổ

+ Tín ngưỡng thờ thần Đồng Cổ (thần Trống đồng) được đưa vào cung đình từ thời Lý, được triều đình bảo trì và phát triển.

+ Các tín ngưỡng có từ thời Văn minh Văn Lang – Âu lạc như: sùng bái các vị thần tự nhiên; thờ cúng anh hùng dân tộc hoặc những người có công với cộng đồng, làng xã…. vẫn tiếp tục được duy trì và ngày càng phổ biến rộng rãi trong nhân dân

+ Nghề nông trồng lúa nước tiếp tục phát triển

+ Tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm được duy trì qua các thời kì lịch sử.

- Một số dẫn chứng chứng minh: Văn minh Đại Việt tiếp thu có chọn lọc ảnh hưởng từ bên ngoài

+ Học hỏi thiết chế chính trị của Trung Hoa, song cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của Đại Việt

+ Tiếp thu chữ Hán của Trung Quốc; trên cơ sở chữ Hán, người Việt đã sáng tạo ra chữ Nôm

+ Tiếp thu Phật giáo; vua Trần Nhân Tông sáng lập la Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

+…

Luyện tập 3

Có ý kiến cho rằng: Văn minh Đại Việt phát triển rất phong phú, đa dạng và mang tính dân tộc sâu sắc. Em có đồng ý với ý kiến đó không? Vì sao?

Gợi ý đáp án

- Em đồng ý với ý kiến: Văn minh Đại Việt phát triển rất phong phú, đa dạng và mang tính dân tộc sâu sắc. Vì:

+ Tính đa dạng và phong phú của văn minh Đại Việt được thể hiện qua các thành tựu trên nhiều lĩnh vực, như: chính trị, kinh tế; tín ngưỡng, tư tưởng – tôn giáo, chữ viết, văn học; khoa học – kĩ thuật và nghệ thuật

+ Tính dân tộc của văn minh Đại Việt được thể hiện ở việc: văn minh Đại Việt có sự kế thừa, phát triển ở trình độ cao hơn các thành tựu của nền văn minh Việt cổ.

Vận dụng 1

Theo em, mỗi cá nhân cần làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị của những thành tựu văn minh Đại Việt trong thời đại ngày nay?

Gợi ý đáp án

- Để bảo tồn và phát huy giá trị của những thành tựu văn minh Đại Việt trong thời đại ngày nay, chúng ta cần:

+ Hiểu rõ tiến trình lịch sử của dân tộc và những thành tựu cơ bản mà cha ông để lại

+ Tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam đến người thân, bạn bè trong và ngoài nước

+ Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc

+ Đấu tranh chống lại các hành động xâm phạm và làm tổn hại đến di sản văn hóa dân tộc. Ví dụ như: viết, vẽ bậy lên các di tích lịch sử…

Vận dụng 2

Lựa chọn thành tựu thuộc một lĩnh vực của văn minh Đại Việt, thực hiện theo nhóm (tổ) cùng sưu tầm tư liệu và xây dựng một bài thuyết trình (bài viết, sơ đồ hoặc đoạn phim ngắn) rồi trình bày trước lớp.

Gợi ý đáp án

(*) Giới thiệu về: Bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội)

- Văn Miếu - Quốc Tử Giám nằm ở phía Nam thành Thăng Long. Trước đây, khu vực này thuộc thôn Minh Giám, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương; thời Pháp thuộc, thuộc làng Thịnh Hào, tổng Yên Hạ, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Hiện nay, di tích thuộc địa bàn 2 quận Đống Đa và Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đây là một trong những di tích có giá trị đặc biệt, phản ánh hết sức sinh động truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài của dân tộc ta trong lịch sử ngàn năm văn hiến, trong đó, các bia tiến sĩ hiện còn tại di tích là một di sản văn hóa nổi tiếng và là niềm tự hào của dân tộc

- Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) là người đề xướng dựng bia đề danh tiến sĩ để tôn vinh các trí thức Nho học đỗ đạt. Đến nay, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn lưu giữ được 82 bia ghi rõ họ tên, quê quán của 1.304 nhà trí thức khoa bảng (85 trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa; 283 hoàng giáp và 939 tiến sĩ). Trong số văn bia này, bia tiến sĩ có niên đại sớm nhất, được dựng năm 1484, đời Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442; bia tiến sĩ có niên đại muộn nhất, được dựng vào năm 1780, ghi về khoa thi năm 1779.

- Từ lâu, hệ thống bia đề danh tiến sĩ trong Khu di tích đã được coi là một trong những di sản văn hóa vô cùng giá trị của ông cha ta để lại. Giá trị ấy được thể hiện qua một số điểm sau:

+ Thứ nhất,đây là những tư liệu lịch sử xác thực, ghi lại kết quả các kỳ thi tiến sĩ từ năm 1442 đến năm 1779, thuộc thời Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng, (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII). Mỗi tấm bia dựng cho một khoa thi. Những bài ký trên bia là nguồn sử liệu phong phú về một khoa thi. 82 bia này là nguồn sử liệu quí giá, phản ánh về lịch sử giáo dục Việt Nam trong suốt 300 năm.

+ Thứ hai, trên mỗi tấm bia đều có các bài văn thể hiện quan điểm đào tạo nhân tài của các triều đại phong kiến Việt Nam. Nhiều triết lý về dựng nước, giữ nước, bảo tồn văn hóa, phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài của các triều đại… đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Chẳng hạn, việc khẳng định: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp" được khắc trên bia đề danh tiến sĩ năm 1484 (ghi lại khoa thi năm 1442) đến nay vẫn được coi như một tư tưởng lớn về việc đánh giá và sử dụng nhân tài của đất nước.

+ Thứ ba, bia đề danh tiến sĩ là nguồn sử liệu quí giá, giúp cho việc nghiên cứu về tiểu sử, hành trang của nhiều danh nhân Việt Nam, như Nguyễn Trãi - người được UNESCO công nhận là Danh nhân Văn hóa thế giới, Lê Quí Đôn, Lương Thế Vinh.... Hơn nữa, trong số 1304 tiến sĩ được khắc tên trên 82 bia, có tới 225 vị từng đi sứ Trung Quốc, như Nguyễn Như Đổ, Lê Quý Đôn… Điều này đã thể hiện giá trị độc đáo và khẳng định ý nghĩa quốc tế của bia đề danh tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

+ Thứ tư, chữ Hán khắc trên các bia, có niên đại rất cụ thể, phản ánh về thư pháp (cách viết chữ) của các thời liên quan. Vì vậy, có thể coi đây là căn cứ quan trọng để nhận diện tiến trình phát triển thư pháp chữ Hán của người Việt từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII.

+ Thứ năm, về giá trị nghệ thuật, mỗi tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, do các nghệ nhân hàng đầu tạo tác. Do đó, 82 tấm bia là 82 phong cách nghệ thuật khác nhau, phản ánh cụ thể và sinh động nghệ thuật tạo tác bia đá của tiền nhân.

- 82 bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) là những tấm bia đề danh tiến sĩ duy nhất trên thế giới có bài ký (văn bia) không chỉ lưu danh những tiến sĩ đã thi đỗ trong các kỳ thi trải dài suốt gần 300 năm (từ 1442 đến 1779), mà còn ghi lại triết lý của các triều đại về vấn đề giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài, do đó có tác động to lớn đối với xã hội đương thời và hậu thế. Ngoài ý nghĩa văn hóa, giáo dục, mỗi tấm bia tiến sĩ còn mang theo những thông tin về các khoa thi Hội, như tên các quan trông coi thi, chấm thi, ngày thi, ngày yết bảng xướng danh những người thi đỗ...

- Qua phong cách nghệ thuật và nội dung phản ánh, về cơ bản, có thể chia 82 bia này thành 3 loại:

+ Loại I gồm 14 bia dựng từ năm 1484 đến năm 1536

+ Loại II gồm 25 bia dựng vào năm 1653

+ Loại III gồm 43 bia dựng từ năm 1717 đến năm 1780.

Trong số trong số 82 bia này, các nhà mỹ thuật đánh giá bia loại II là những hiện vật quý giá nhất về mặt nghệ thuật trang trí (đề tài trang trí trên trán và diềm bia phong phú và tinh tế, đường nét chạm đục hoa văn, linh thú, mây trời đều rất sinh động, tươi vui, hóm hỉnh. Rùa đế của bia loại II được tạc đơn sơ nhưng khỏe mạnh, mang cái đẹp của những phác thảo, tượng trưng và gợi cảm...)

- Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ đặc sắc, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đã ghi danh 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê sơ - Mạc - Lê Trung Hưng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào Danh mục Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 09
  • Lượt xem: 221
  • Dung lượng: 169 KB
Liên kết tải về
Sắp xếp theo