20 câu hỏi đáp tập huấn GDPT 2018 môn Đạo đức, TNXH Hỏi đáp về chương trình Giáo dục phổ thông 2018

20 câu hỏi đáp tập huấn GDPT 2018 môn Đạo đức, TNXH giúp thầy cô giáo giải đáp mọi thắc mắc liên quan tới môn Đạo đức, Tự nhiên và xã hội trong Chương trình GDPT 2018 mới.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành, nên nhiều thầy cô còn gặp khó khăn, bỡ ngỡ. Vậy mời thầy cô tham khảo 20 câu hỏi đáp về môn Đạo đức, Tự nhiên xã hội trong bài viết dưới đây của Download.vn để có thêm kinh nghiệm về chương trình mới này:

10 câu hỏi đáp môn Đạo đức theo chương trình GDPT 2018

Câu 1: Mục tiêu của sách giáo khoa Đạo đức lớp 1 là gì?

Khác với cách tiếp cận nội dung của chương trình hiện hành, sách Đạo đức mới được viết theo định hướng tiếp cận năng lực. Mục tiêu của sách là bước đầu hình thành, phát triển ở học sinh những chuẩn mực hành vi đạo đức, kĩ năng sống đơn giản trong quan hệ với bản thân, gia đình, nhà trường và công việc. Qua đó, học sinh bước đầu hình thành được phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; năng lực điều chỉnh hành vi và phát triển bản thân.

Câu 2: Sách giáo khoa Đạo đức 1 gồm những nội dung gì?

Tuân thủ chương trình mới, nội dung sách giáo khoa Đạo đức 1 gồm 8 chủ đề. Mỗi chủ đề được cụ thể hoá thành các bài học nhỏ với tổng số 30 bài, trong đó 60% nội dung dành cho giáo dục đạo đức (18 bài); 30% nội dung dành cho giáo dục kĩ năng sống (12 bài); 10% còn lại dành cho ôn tập, kiểm tra, đánh giá.

Nội dung mỗi bài học chắt lọc từ những tình huống tiêu biểu, gắn với thực tiễn cuộc sống sinh động của học sinh trong gia đình, nhà trường và xã hội. Các mạch nội dung của sách được sắp xếp khoa học theo cấu trúc đồng tâm về các mối quan hệ (Quan hệ giữa học sinh với bản thân, với gia đình, với nhà trường, với cộng đồng và với môi trường tự nhiên) và đảm bảo sự phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trong nội dung của các lớp sau.

Chủ đề 1. TỰ CHĂM SÓC BẢN THÂN

  • Bài 1 – Em giữ sạch đôi tay
  • Bài 2 – Em giữ sạch răng miệng
  • Bài 3 – Em tắm, gội sạch sẽ
  • Bài 4 – Em giữ trang phục gọn gàng, sạch sẽ

Chủ đề 2. YÊU THƯƠNG GIA ĐÌNH

  • Bài 5 – Gia đình của em

Chủ đề 3. QUAN TÂM, CHĂM SÓC NGƯỜI THÂN TRONG GIA ĐÌNH

  • Bài 6 – Lễ phép, vâng lời ông bà, cha mẹ, anh chị
  • Bài 7 – Quan tâm, chăm sóc ông bà
  • Bài 8 – Quan tâm, chăm sóc cha mẹ
  • Bài 9 – Chăm sóc, giúp đỡ em nhỏ

Chủ đề 4. THỰC HIỆN NỘI QUY TRƯỜNG, LỚP

  • Bài 10 – Đi học đúng giờ
  • Bài 11 – Học bài và làm bài đầy đủ
  • Bài 12 – Giữ trật tự trong trường, lớp
  • Bài 13 – Giữ gìn tài sản của trường, lớp
  • Bài 14 – Giữ vệ sinh trường, lớp

Chủ đề 5. SINH HOẠT NỀ NẾP

  • Bài 15 – Gọn gàng, ngăn nắp
  • Bài 16 – Học tập, sinh hoạt đúng giờ

Chủ đề 6. TỰ GIÁC LÀM VIỆC CỦA MÌNH

  • Bài 17 – Tự giác học tập
  • Bài 18 – Tự giác tham gia các hoạt động ở trường
  • Bài 19 – Tự giác làm việc nhà

Chủ đề 7. THẬT THÀ

  • Bài 20 – Không nói dối
  • Bài 21 – Không tự ý lấy và sử dụng đồ của người khác
  • Bài 22 – Nhặt được của rơi trả lại người đánh mất
  • Bài 23 – Biết nhận lỗi

Chủ đề 8. PHÒNG, TRÁNH TAI NẠN, THƯƠNG TÍCH

  • Bài 24 – Phòng, tránh tai nạn giao thông
  • Bài 25 – Phòng, tránh đuối nước
  • Bài 26 – Phòng, tránh bỏng
  • Bài 27 – Phòng, tránh thương tích do ngã
  • Bài 28 – Phòng, tránh điện giật
  • Bài 29 – Phòng, tránh ngộ độc thực phẩm
  • Bài 30 – Phòng, tránh xâm hại

Câu 3. Sách giáo khoa Đạo đức 1 có cấu trúc như thế nào?

Cấu trúc chung của sách gồm:

1/ Hướng dẫn sử dụng sách;

2/ Lời nói đầu;

3/ Mục lục;

4/ Các chủ đề;

5/ Một số thuật ngữ dùng trong sách.

Mỗi chủ đề trong sách giáo khoa Đạo đức 1 được cấu trúc thành nhiều bài học nhỏ. Mỗi bài học giáo dục một chuẩn mực hành vi đạo đức/ kĩ năng sống, góp phần thực hiện mục tiêu (chuẩn đầu ra) của chủ đề. Mỗi bài học được thiết kế thống nhất theo các hoạt động sau:

  • Khởi động: Hoạt động tạo tâm thế tích cực, khơi gợi sự suy nghĩ, hứng thú của học sinh để vào bài mới. Hình thức khởi động có thể là một trò chơi, một bài hát, một câu chuyện hay một câu hỏi gợi mở,…
  • Khám phá: Bằng tranh ảnh, câu chuyện, tình huống… kết nối với kinh nghiệm thực tiễn, học sinh khám phá các chuẩn mực hành vi đạo đức để trả lời cho các câu hỏi: Cần thực hiện chuẩn mực hành vi đó như thế nào? Vì sao phải thực hiện các chuẩn mực hành vi đó? Điều này giúp học sinh thực hiện các chuẩn mực hành vi một cách tự giác hơn.
  • Luyện tập: Từ những tri thức đã được khám phá, học sinh đi đến các tình huống giả định để nhận xét, phân biệt hành vi nào đúng, hành vi nào sai; đồng tình với hành vi đúng, không đồng tình với hành vi sai. Cao hơn, học sinh được đưa vào các tình huống mở để thảo luận, đề xuất các cách xử lí tình huống khác nhau.
  • Vận dụng: Học sinh tự giác áp dụng những điều đã học vào thực tiễn với không gian mới, tình huống mới.. Cuối mỗi bài học đều có Thông điệp ngắn gọn, cô đọng giúp học sinh ghi nhớ các chuẩn hành vi.

Câu 4. Điểm mới nổi bật trong sách giáo khoa Đạo đức 1 là gì?

Trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm quốc tế về biên soạn sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực và kế thừa ưu điểm, khắc phục hạn chế của sách Đạo đức hiện hành, sách giáo khoa Đạo đức 1 có những điểm mới nổi bật sau:

Thứ nhất, môn Đạo đức hiện hành không có sách học sinh lớp 1,2,3, chỉ có sách giáo viên. Việc có sách học sinh là điểm mới nổi bật nhất.

Thứ hai, trên tinh thần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa Đạo đức 1 được thiết kế theo định hướng tiếp cận năng lực: Đi từ việc thiết kế các hoạt động để bước đầu hình thành cho học sinh các phẩm chất, năng lực: nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; các kĩ năng tự nhận thức, quản lí và tự bảo vệ bản thân để có năng lực điều chỉnh hành vi và phát triển bản thân. Sách mang tinh thần “Khám phá tri thức /kết nối yêu thương/ cùng em vui bước vào đời”. Tinh thần “Khám phá tri thức” đáp ứng mục tiêu của chương trình “Hình thành, phát triển ở học sinh những hiểu biết ban đầu về chuẩn mực hành vi đạo đức, pháp luật và sự cần thiết thực hiện theo các chuẩn mực” đồng thời thể hiện quan điểm đổi mới sách giáo khoa theo mô hình phát triển phẩm chất và năng lực của người học nhưng không xem nhẹ vai trò của tri thức. Tuy nhiên, sách không quá chú trọng vào việc khám phá tri thức. Tri thức chỉ là chất liệu để hình thành phẩm chất đạo đức mà hạt nhân là lòng nhân ái. Tinh thần “Kết nối yêu thương” giúp học sinh hình thành phẩm chất nhân ái, tình yêu thương “yêu gia đình, quê hương, đất nước; yêu thương, tôn trọng con người” như mục tiêu của chương trình. Cùng với đó, sách hướng tới việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Tinh thần “Cùng em vui bước vào đời” thể hiện thông điệp “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Từ hiểu biết đến yêu thương và hành động trong niềm vui sống mỗi ngày là con đường giáo dục đạo đức/ kĩ năng sống một cách nhẹ nhàng, sinh động, hấp dẫn.

Thứ ba, sách giáo khoa Đạo đức mới trình bày toàn bộ hoạt động của bài học trọn vẹn trong một tiết. Chương trình Đạo đức hiện hành gồm 14 chuẩn hành vi/ lớp. Mỗi chuẩn hành vi được thiết kế trong hai tiết: một tiết lí thuyết, một tiết thực hành. Tuy nhiên, do chỉ có một tiết Đạo đức/ tuần nên sau một tuần, phần lớn học sinh đã quên những nội dung được học trong tuần trước. Việc thiết kế một bài/ tiết đảm bảo tính hệ thống, tính chỉnh thể, giúp giáo viên dễ tổ chức các hoạt động dạy học hơn.

Thứ tư, hình thức trình bày sách hấp dẫn nhằm kích thích sự ham học, trí tò mò và tư duy sáng tạo của học sinh. Nhờ đó, việc học Đạo đức sẽ trở thành một hành trình khám phá đầy thú vị. Do đặc điểm học sinh lớp 1 là nhận thức cảm tính, trực quan, vốn ngôn ngữ còn hạn chế nên sách Đạo đức 1 chú ý kết hợp hài hoà giữa nội dung và hình thức, giữa kênh chữ và kênh hình, đặc biệt ưu tiên kênh hình ở những bài đầu tiên. Kênh chữ được diễn đạt bằng những từ ngữ ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, gần gũi với học sinh. Sách được in trên khổ giấy to, chất lượng giấy tốt, hình ảnh, màu sắc đẹp. Sau khi hoàn thiện bản in giấy, sách sẽ được số hoá thành phiên bản sách điện tử riêng, nhằm đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ số vào giáo dục.

Câu 5. Có những dạng bài nào trong sách giáo khoa Đạo đức 1? Cần lưu ý điều gì khi dạy mỗi dạng bài? 

Sách giáo khoa Đạo đức 1 mới có hai dạng bài:

1/Giáo dục đạo đức;

2/Giáo dục kĩ năng sống.

Ngoài những điểm chung về cấu trúc bài học, mỗi dạng bài có cách thức tổ chức hoạt động dạy học riêng.

1/ Bài Giáo dục đạo đức: Kết quả quan trọng nhất của bài giáo dục đạo đức là giáo dục được hành vi và thói quen đạo đức cho học sinh. Vì vậy, giáo viên cần tổ chức các hoạt động để học sinh tự phát hiện tri thức, nhận xét hành vi, xử lí tình huống, liên hệ bản thân, thực hiện hành vi đạo đức trong cuộc sống. Học sinh được suy nghĩ, được nói, được trao đổi, luyện tập, thực hành, vận dụng tri thức vào cuộc sống nhiều hơn. Qua việc tham gia các hoạt động, tri thức đạo đức sẽ bền vững và hành vi đạo đức sẽ tự giác, thực chất hơn.

2/ Bài Giáo dục kĩ năng sống: Trong chương trình Đạo đức tiểu học mới, nội dung Giáo dục kĩ năng sống chiếm bình quân 24%, riêng lớp 1 chiếm 30% nội dung chương trình.

Để dạy học dạng bài Giáo dục kĩ năng sống đạt hiệu quả, giáo viên cần:

1/ Chuẩn bị tốt các phương tiện, đồ dùng dạy học để học sinh thực hành;

2/ Dùng tình huống, việc làm cụ thể, sát thực để minh hoạ cho các kĩ năng;

3/ Dạy quy trình cụ thể để thực hiện một kĩ năng và cho học sinh tập theo quy trình đó, tạo điều kiện cho học sinh luôn được thực hành;

4/ Tích hợp giáo dục kĩ năng sống trong các bài giáo dục đạo đức.

Câu 6. Để khai thác có hiệu quả sách Đạo đức 1, giáo viên nên sử dụng phương pháp nào?

1/ Vận dụng phối hợp các phương pháp: Phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học hiện đại; phương pháp dạy học và phương pháp giáo dục; đặc biệt chú ý vận dụng các phương pháp đặc thù (kể chuyện, thảo luận nhóm, tập luyện theo mẫu hành vi, tổ chức trò chơi…). Tuỳ nhiệm vụ bài học, giáo viên có thể lựa chọn phương pháp phù hợp. Với bài học giáo dục đạo đức, có thể sử dụng phương pháp chủ đạo là kể chuyện, đàm thoại, thảo luận nhóm… Với bài học giáo dục kĩ năng sống, có thể sử dụng phương pháp chủ đạo là tập luyện theo mẫu hành vi, tổ chức trò chơi…

2/ Chú trọng tổ chức hoạt động cho học sinh: Cần tăng cường tổ chức các hoạt động để học sinh phân tích, khai thác thông tin, khám phá tri thức, lựa chọn hành vi, chia sẻ ý kiến xử lí tình huống thực tiễn đa dạng, gần gũi với đời sống thực của học sinh. Giáo viên không nên giảng giải quá nhiều mà cần đóng vai người tổ chức, gợi mở, khích lệ, lắng nghe và định hướng cho học sinh. Điều này giúp cho giờ Đạo đức sinh động, hấp dẫn và đạt được hiệu quả cao hơn trong việc phát triển năng lực của học sinh.

3/ Chú ý hình thành các kĩ năng cho học sinh: Việc sử dụng các phương pháp dạy học cần hướng tới hình thành, rèn luyện các kĩ năng mềm cho học sinh:

  • Kĩ năng tự nhận thức bản thân;
  • Kĩ năng lắng nghe, chia sẻ;
  • Kĩ năng thuyết trình;
  • Kĩ năng biểu cảm;
  • Kĩ năng hợp tác, làm việc nhóm;
  • Kĩ năng ra quyết định…

4/ Tăng cường sử dụng phương tiện dạy học: Để hỗ trợ cho việc vận dụng phương pháp có hiệu quả cao hơn, giúp học sinh học tập môn Đạo đức thuận lợi và có hứng thú hơn, cần sử dụng đa dạng các phương tiện dạy học như: Tranh ảnh, máy chiếu, video clip, thẻ học tập, sticker mặt cười mặt mếu, phiếu thảo luận nhóm…

Câu 7. Nên sử dụng hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá nào trong môn Đạo đức 1?

Hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực trong môn Đạo đức Theo Thông tư 22, đánh giá kết quả trong môn Đạo đức được thực hiện thông qua đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì/tổng kết; qua các hình thức:

  • Học sinh tự đánh giá;
  • Giáo viên đánh giá;
  • Đánh giá đồng đẳng (học sinh đánh giá lẫn nhau);
  • Đánh giá của cha mẹ và cộng đồng.

+ Đánh giá thường xuyên về phẩm chất, năng lực:

  • Giáo viên căn cứ vào các biểu hiện về nhận thức, kĩ năng, thái độ của học sinh ở từng năng lực, phẩm chất để nhận xét, có biện pháp giúp đỡ kịp thời;
  • Học sinh tự nhận xét và tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn về những biểu hiện của từng năng lực, phẩm chất;
  • Khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi, phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh rèn luyện và phát triển phẩm chất, năng lực.

+ Đánh giá định kì/tống kết là đánh giá kết quả giáo dục sau một giai đoạn học tập, rèn luyện, nhằm xác định mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất học sinh so với mục tiêu, yêu cầu của chương trình trên 3 mức:

  • Hoàn thành tốt (HTT): học sinh thể hiện được đầy đủ/thực hiện thành thạo các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực;
  • Hoàn thành (HT): học sinh cơ bản thực hiện được các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực;
  • Chưa hoàn thành (CHT): học sinh chưa thực hiện được các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực.

- Các phương pháp/ kĩ thuật kiểm tra, đánh giá: Kiểm tra đánh giá qua:

  • Lời nói;
  • Bài viết;
  • Quan sát hành động của học sinh;
  • Phiếu thực hành;
  • Các lực lượng giáo dục…

Việc đánh giá cần dựa trên các năng lực cần đạt của học sinh: Năng lực chung (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo), năng lực đặc thù của môn học (năng lực đặc thù của môn Giáo dục công dân nói chung, môn Đạo đức nói riêng là năng lực phát triển bản thân, năng lực điều chỉnh hành vi, năng lực tìm hiểu và tham gia hoạt động kinh tế - xã hội).

Câu 8. Sách Đạo đức 1 có vai trò gì đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh? 

Sách Đạo đức 1 là phương tiện hỗ trợ giáo viên, học sinh và gia đình học sinh trong quá trình xã hội hoá giáo dục:

- Giúp giáo viên đổi mới phương pháp, tổ chức thành công quá trình dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh. Với sách giáo khoa mới, giáo viên không thể truyền thụ tri thức một chiều hay áp đặt các bài học đạo đức cho học sinh mà phải hướng dẫn học sinh khám phá, chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện kĩ năng và vận dụng thành công vào thực tiễn thông qua những hoạt động học tập phong phú, đa dạng, sáng tạo.

- Giúp học sinh tự học, tự chủ, sáng tạo để phát huy năng lực của bản thân một cách hiệu quả thông qua các nhiệm vụ học tập phong phú, đa dạng: quan sát tranh, nghe/đọc/kể truyện, thảo luận nhóm, đóng vai xử lí tình huống... Học sinh được đặt vào các tình huống có vấn đề để tự đưa ra các cách xử lí khác nhau một cách dân chủ, linh hoạt và sáng tạo.

- Hỗ trợ và thu hút sự tham gia của gia đình vào quá trình giáo dục học sinh ở nhà. Các nội dung được trình bày rõ ràng, dễ hiểu để các bậc cha mẹ có thể hướng dẫn con nhất quán với quá trình tổ chức dạy học của giáo viên trên lớp.

Câu 9. Có những điểm gì cần lưu ý khi sử dụng sách giáo viên Đạo đức 1?

Sách giáo viên Đạo đức 1 là tài liệu giúp giáo viên thực hiện chương trình và nâng cao chất lượng dạy học Đạo đức 1. Tuy nhiên, dạy học theo định hướng phát triển năng lực là một quá trình phát huy tối đa năng lực sáng tạo của giáo viên và học sinh. Bởi vậy, không nên coi sách giáo viên là tài liệu mang tính pháp lệnh, buộc giáo viên phải răm rắp tuân theo, hay là căn cứ để cán bộ quản lí, chỉ đạo chuyên môn đánh giá giờ lên lớp của giáo viên.

Trên cơ sở những gợi ý của sách, giáo viên có thể xây dựng kế hoạch bài học một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện trường lớp, địa phương và năng lực giáo viên. Giáo viên cũng có thể điều chỉnh thời gian phân bổ cho từng chủ đề (đây là điểm khác so với sách cũ, chương trình cũ). Tuy nhiên, mọi sự sáng tạo của giáo viên phải đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình và phải đảm bảo tỉ lệ: 60% thời lượng dành cho giáo dục đạo đức, 30% thời lượng dành cho giáo dục kĩ năng sống và 10% thời lượng dành cho kiểm tra, đánh giá.

Câu 10. Có những điểm gì cần lưu ý khi sử dụng sách bài tập môn Đạo đức?

Sách bài tập Đạo đức 1 là phương tiện bổ trợ cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy – học môn Đạo đức. Giáo viên có thể sử dụng các bài tập này trong các giờ Đạo đức hoặc cho học sinh làm bài tập vào giờ học buổi chiều.

Ngoài ra, giáo viên có thể đưa ra một số dạng bài tập khác cho học sinh luyện tập. Giống như sách giáo viên, sách bài tập Đạo đức cũng không mang tính pháp lệnh mà chỉ là công cụ bổ trợ cho giáo viên trong quá trình dạy học. Học sinh không bắt buộc phải làm tất cả các bài tập trong sách này.

Tóm lại, sách Đạo đức 1 chỉ là một trong những phương tiện giúp giáo viên có thể sử dụng để dạy tốt hơn môn Đạo đức. Giáo viên hoàn toàn có thể vận dụng linh hoạt, sáng tạo để xây dựng kế hoạch bài học sao cho phù hợp với năng lực học sinh, năng lực giáo viên và điều kiện thực tế của địa phương. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo đạt được tính logic, tính hiệu quả của bài học, đáp ứng mục tiêu của chương trình.

10 câu hỏi đáp môn Tự nhiên xã hội theo chương trình GDPT 2018

Câu hỏi 1: SGK Tự nhiên xã hội 1 mới được cấu trúc như thế nào?

Khác với SGK Tự nhiên và Xã hội 1 hiện hành (chỉ gồm 3 chủ đề), SGK Tự nhiên và xã hội 1 theo Chương trình GDPT mới được cấu trúc gồm 6 chủ đề và sắp xếp theo trật tự các chủ đề trong Chương trình GDPT mới môn TNXH. Đó là: 1. Gia đình; 2. Trường học; 3. Cộng đồng địa phương; 4. Thực vật và động vật; 5. Con người và sức khoẻ; 6. Trái Đất và bầu trời. Các bài học trong sách là những câu chuyện xung quanh 2 bạn HS lớp 1A: Minh và Hoa - hai nhân vật chính của cuốn sách. Ngoài ra, Mặt Trời cũng là một nhân vật xuyên suốt của sách, có vai trò chỉ dẫn, nhắc nhở hoặc chốt lại kiến thức bài học,…

Câu hỏi 2. Cách cấu trúc một chủ đề trong SGK Tự nhiên và xã hội 1 mới có gì khác so với SGK hiện hành?

Giống như SGK hiện hành, mỗi chủ đề trong SGK Tự nhiên và xã hội 1 mới bao gồm các bài học mới và bài ôn tập ở cuối chủ đề. Tuy nhiên, điểm ở SGK mới, tên các bài học được đặt rất gần gũi và thân thiện với HS. Điểm mới nổi bật của cuốn sách đó là: Cuối mỗi bài học là những kiến thức cốt lõi HS học được và một hình ảnh để định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của HS. Với các hình này, HS quan sát và nhận xét về thái độ, hành vi của các bạn nhỏ trong hình, thảo luận hay đóng vai theo tình huống đó hay tình huống tương tự. Qua đó, HS sẽ liên hệ với bản thân để có thể tự điều chỉnh thái độ và hành vi của mình cho phù hợp. Ở cuối mỗi bài ôn tập đều có nội dung tự đánh giá. Nội dung trong khung chữ là những gợi ý cụ thể cho việc tự đánh giá kết quả học tập của HS phù hợp với định hướng đổi mới đánh giá của Chương trình giáo dục phổ thông mới. GV cũng có thể căn cứ vào đó để đánh giá HS. Hình ảnh bên cạnh khung chữ là những gợi ý cho HS tự lực, sáng tạo để tạo ra sản phẩm học tập thể hiện kết quả học tập của mình sau khi học xong một chủ đề.

Câu hỏi 3. Mỗi bài học trong SGK Tự nhiên và Xã hội 1 có cấu trúc như thế nào?

Mỗi bài học mới có 2 – 3 tiết. Mỗi tiết được trình bày trong hai trang mở, cách trình bày này rất hấp dẫn và thuận lợi cho HS theo dõi trong quá trình học. Cấu trúc mỗi bài học mới được thiết kế thống nhất bao gồm hệ thống các hoạt động học tập được chỉ dẫn bởi các kí hiệu biểu trưng cho các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Mỗi một bài học có 4 hoạt động:

- Hoạt động khởi động là hoạt động mở bài có mục tiêu là chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho HS khám phá kiến thức bằng cách kết nối kiến thức, kinh nghiệm HS đã có với nội dung bài mới. Các hoạt động để khởi động có thể là hát, chơi trò chơi, câu hỏi,…

- Hoạt động khám phá: Xây dựng kiến thức mới trên cơ sở kết nối với trải nghiệm của HS. Môn học Tự nhiên và Xã hội coi trọng việc trải nghiệm và khám phá của HS, vì vậy khuyến khích GV tổ chức các hoạt động quan sát, điều tra, hỏi đáp, thảo luận,... để HS được tự lực, chủ động khám phá và lĩnh hội kiến thức.

- Hoạt động thực hành: Từ những kiến thức đã khám phá được, HS thực hiện các hoạt động học tập như chơi trò chơi, nói, kể, vẽ, thảo luận,... để củng cố, khắc sâu kiến thức đã học.

- Hoạt động vận dụng: HS vận dụng kiến thức vào các tình huống tương tự hoặc các tình huống mới, vận dụng kiến thức vào thực tiễn hoặc kết nối với các nội dung học tập tiếp theo thông qua các hoạt động đóng vai, thảo luận để xử lí tình huống, liên hệ thực tế,... Trong các hoạt động trên, thì hoạt động thực hành và hoạt động vận dụng được chú trọng cho HS thực hành, vận dụng, tự đặt mình vào một tình huống cụ thể

Câu hỏi 4. Trong SGK Tự nhiên và Xã hội 1, HS được tham gia các dự án học tập. Đề nghị tác giả nói rõ hơn về các dự án này

Trong SGK môn Tự nhiên và Xã hội lớp 1 mới, chúng tôi đã thiết kế 2 dự án học tập vào học kì 2.

Đó là: Dự án Trồng và chăm sóc cây thuộc chủ đề Thực vật và động vật: Mỗi HS sẽ tự trồng, chăm sóc một cây xanh và theo dõi sự phát triển của cây.

Dự án Tìm hiểu bầu trời và thời tiết thuộc chủ đề Trái Đất và bầu trời: HS tự tìm hiểu các biểu hiện khác nhau của bầu trời (vào ban ngày và ban đêm) và thời tiết. Các hoạt động cụ thể của các dự án đều gắn bó mật thiết với các hoạt động của bài học.

Đây cũng là hoạt động thực hành để HS vận dụng kiến thức của bài học vào thực tiễn cuộc sống. Các hoạt động này vừa có vai trò bổ trợ, vừa có vai trò áp dụng và khắc sâu hơn các kiến thức, kĩ năng đã được khám phá qua các bài học. Các dự án có mục tiêu là bước đầu cho HS làm quen với việc kết nối kiến thức với cuộc sống, và để tạo ra sản phẩm học tập cụ thể.

Câu hỏi 5. Khi tổ chức các hoạt động học tập trong mỗi bài học, cần lưu ý điều gì?

Khi tổ chức các hoạt động học tập trong mỗi bài học, GV có thể sử dụng phối hợp nhiều phương pháp và hình thức tổ chức dạy học khác nhau như: quan sát, thảo luận, hỏi đáp, trò chơi học tập, thực hành, đóng vai,... Các hoạt động trong SGK mang tính mở giúp GV sáng tạo, linh hoạt trong quá trình dạy học sao cho phù hợp với điều kiện của trường lớp, vùng miền,..

Câu hỏi 6. SGK giúp HS trải nghiệm như thế nào?

Nội dung SGK Tự nhiên và Xã hội 1 được trình bày theo các chủ đề: gia đình, trường học, cộng đồng địa phương, thực vật và động vật, con người và sức khoẻ, Trái Đất và bầu trời. - Tuỳ theo từng chủ đề, GV tổ chức cho HS tham gia tích cực vào quá trình học tập thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế hoặc quan sát tranh ảnh để tìm tòi, khám phá kiến thức mới (Ví dụ: bài Cây xung quanh em. HS có thể quan sát thực tế cây xung quanh trường và tự phát hiện có những cây gì, đặc điểm bên ngoài và lợi ích của chúng,…; ở bài Tự bảo vệ mình, HS trải nghiệm một số tình huống thông qua quan sát tranh ảnh,…) qua đó tạo ra sự kết nối gia đình, xã hội và tự nhiên.

- SGK giúp HS trải nghiệm thông qua các dự án (Ví dụ: dự án Trồng và chăm sóc cây, dự án Tìm hiểu bầu trời và thời tiết) hoặc các hoạt động hướng đến cộng đồng: Ủng hộ sách cho các bạn vùng lũ (bài Cùng khám phá trường học), tiết kiệm tiền mừng tuổi để giúp đỡ các bạn vùng khó khăn (bài Vui đón Tết),... Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành những việc làm phù hợp với khả năng của HS. Thông qua các hoạt động trải nghiệm đó, HS hình thành các kĩ năng, thói quen tích cực trong cuộc sống hằng ngày.

Câu hỏi 7. SGK có những nội dung nào khác so với SGK hiện hành?

SGK mới tiếp thu những mặt tích cực của SGK hiện hành; tuy nhiên cũng có một số nội dung mới:

  • Tìm hiểu về lễ hội (bài Vui đón Tết);
  • Trường học (bài Cùng bạn bè khám phá trường học - trước đây ở lớp 2)
  • Cách bảo vệ sự an toàn của bản thân, phòng tránh bị xâm hại (bài: Tự bảo vệ mình)

Các nội dung này dạy cho trẻ về ngày tết là bài học giáo dục đầy tính nhân văn, cho trẻ biết tri ân ông bà, tổ tiên, biết nhớ về cội nguồn. Giúp HS có những hiểu biết về trường học, nơi hàng ngày các em gắn bó, đồng thời cũng dạy các em cách tự bảo vệ bản thân trong một số tình huống cụ thể phù hợp với độ tuổi của các em.

Câu hỏi 8. Hoạt động khởi động của bài học trong SGK có phải là mục “kiểm tra bài cũ” trong chương trình hiện hành?

Hoạt động khởi động của bài học trong SGK không giống như mục “kiểm tra bài cũ” trong chương trình hiện hành. Đây là hoạt động khởi đầu của một bài học mới. Mục tiêu của hoạt động này là tạo tâm thế cho HS vào bài mới, là nêu tình huống của bài học. Còn kiểm tra bài cũ là GV yêu cầu HS nhắc lại những kiến thức đã học ở bài trước, tiết trước.

Câu hỏi 9. Mỗi bài học trong sách gồm 2 hay 3 tiết. Mỗi tiết học được trình bày trong 2 trang mở. Khi dạy học GV có được phép điều chỉnh ranh giới phân tiết đó không?

Ranh giới phân tiết trong SGK không cứng nhắc, GV hoàn toàn có thể điều chỉnh ranh giới đó cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, phù hợp với cách dạy học của mình,…

Câu hỏi 10. Mỗi bài học trong SGK đều bao gồm 4 hoạt động: khởi động, khám phá, thực hành, vận dụng và được sắp xếp theo đúng trật tự như vậy. Trong quá trình dạy học GV có quyền được thay đổi trật tự đó không?

Các hoạt động trong SGK chỉ mang tính chất gợi ý. GV hoàn toàn có thể điều chỉnh trật tự các hoạt động nếu thấy làm như vậy có thể mang lại kết quả tốt hơn. Vì thực tế có nhiều cách dạy học khác nhau nó phụ thuộc vào kinh nghiệm dạy học của GV và trình độ nhận thức của HS, điều kiện dạy học ở mỗi địa phương… Hơn nữa đôi khi chúng ta cũng rất khó phân chia rạch ròi các giai đoạn trong một bài học cũng như khó xác định xem hoạt động này chỉ thuộc một giai đoạn nào trong bốn giai đoạn đó. Thậm chí một hoạt động có thể có nhiều hơn một vai trò thực hành hay vận dụng,…

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 691
  • Lượt xem: 57.794
  • Dung lượng: 197,7 KB
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨