Phân tích bài thơ Lửa đèn của Phạm Tiến Duật Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ lớp 10
Phân tích bài thơ Lửa đèn của Phạm Tiến Duật mang đến bài văn mẫu cực hay, ấn tượng nhất. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao kỹ năng viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ hay.
Bài thơ Lửa đèn của Phạm Tiến Duật là bài ca chiến đấu, cổ vũ, ẩn dụ cho tinh thần bất khuất của nhân dân ta. Để hiểu rõ hơn về bài thơ mời các bạn cùng theo dõi bài văn mẫu phân tích Lửa đèn trong bài viết dưới đây. Ngoài ra các bạn xem thêm bài văn mẫu: phân tích bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy, phân tích bài thơ Chỉ có thể là mẹ của Đặng Minh Mai.
Phân tích bài thơ Lửa đèn của Phạm Tiến Duật
Dàn ý phân tích bài thơ Lửa đèn
1, Mở bài
- Giới thiệu bài thơ, tác giả, hoàn cảnh sáng tác.
- Khái quát cảm nhận chung về bài thơ.
2, Thân bài
- Cảm nhận phần 1: Đèn, hình ảnh bình dị, thân thuộc của cuộc sống hiện lên, qua đó thể hiện tình cảm gắn bó thân thương của tác giả với quê hương yêu dấu.
- Cảm nhận phần 2: Tắt lửa, bom đạn của Mỹ hoành hành, cả dân tộc cùng tắt lửa để chiến đấu trong gian khổ, khó khăn. Song vẫn sáng ngời tinh thần quả cảm, nhiệt huyết, tất cả vì một ngày mai tươi sáng.
- Cảm nhận phần 3: Thắp đèn, những ngọn đèn lại được thắp lên trong ống nứa, trái núi, trong chăn… gợi lên không khí của những ngày chiến đấu gian khổ và ngày mai hòa bình độc lập tự do.
- Cảm nhận chung về bài thơ: một bài thơ xúc động về những ngày tháng kháng chiến gian khổ nhưng đầy tự hào của quân dân ta, khơi gợi trong lòng mỗi người về quá khứ hào hùng của dân tộc, nhắc nhở hãy trân trọng giá trị của độc lập tự do.
3, Kết bài
- Khẳng định lại cảm xúc về bài thơ.
- Liên hệ bản thân.
Phân tích bài thơ Lửa đèn
Bài thơ Lửa đèn được in trong tập “Vầng trăng quầng lửa” là một sáng tác của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Thời điểm sáng tác bài thơ là những năm 1960, thời điểm Mỹ bắn phá dữ dội hai miền Nam Bắc, chiến tranh bước vào giai đoạn cực kỳ cam go, khốc liệt. Lấy cảm hứng từ những ngọn lửa đèn bài thơ đã khơi gợi lại không khí đấu tranh đầy hào hùng của quân dân ta, qua đó giúp người đọc cảm nhận được những phẩm chất đẹp đẽ, kiên cường của quân dân ta trong thời kỳ lịch sử gian khổ nhưng đầy oanh liệt ấy.
Bài thơ khá dài và được chia làm ba phần Đèn, Tắt lửa và Thắp đèn. Thông qua hình ảnh tả thực và cũng là hình ảnh ẩn dụ, lửa đèn đã thể hiện được rất nhiều thông điệp ý nghĩa được tác giả gửi gắm. Phần đầu tiên thuộc chủ đề “Đèn”
Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Bên kia cầu ấy chính là quê hương yêu dấu của anh và em, nơi có những miền quê yên ả, nơi cuộc sống bình thường, giản dị, nơi có những trái chín dân dã của cuộc sống, gắn liền với đời sống lao động của anh và em.
Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá
Quả cây chín đỏ hoe
………………………………….
Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu
Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng…
Thì ra đèn ở đây không phải là ngọn đèn dầu sáng mà chúng ta tưởng tượng, đèn ở đây là những trái chín đỏ hoe, là quả nhót, quả cà chua, quả ớt… những cây trái quê hương bình dị, thân thuộc tô đẹp cho cuộc sống nhiều màu sắc của anh và em. Những hình ảnh so sánh thật ngộ nghĩnh như “quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu”, “quả ớt như ngọn lửa đèn dầu” gợi lên những hình ảnh thật dung dị, đẹp đẽ, ngộ nghĩnh dưới con mắt tài hoa của nhà thơ. Cây trái quê hương không chỉ nuôi sống con người mà còn rất giàu sức sống, làm nên sự màu mỡ của mảnh đất nơi đây, vì thế nhà thơ mới đúc kết thành hai câu thơ:
Mạch đất ta dồi dào sức sống
Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương
Quê hương yên bình và tươi đẹp là thế nhưng từ khi có bóng giặc xâm lược, những ngọn đèn nhỏ xinh ấy bị tàn phá, lụi tắt, cả đất trời rung chuyển trong bầu không khí đáng sợ
Chúng nó đến từ bên kia biển
Rủ nhau bay như lũ ma trơi
Từ trên trời bảy trăm mét
Thấy que diêm sáng mặt người
Một nghìn mét từ trên trời
Nhà thơ cảm nhận quân giặc Mỹ giống như lũ ma trơi trên bầu trời, chúng ném bom B52 trút xuống đất nước ta, phá hoại nhà cửa, làng mạc, gieo rắc bao nỗi đau thương, mất mát
Loè ánh lửa,
Gió thổi tắt đèn, bom rơi máu ứa.
Trên đất nước đêm đêm.
Chỉ bằng một vài hình ảnh chấm phá bom rơi, máu ứa, gió thổi, tắt đèn nhà thơ Phạm Tiến Duật đã diễn tả trọn vẹn cái không khí đau đớn, tang thương của biết bao làng mạc quê hương ta dưới gót giày xâm lược. Giặc Mỹ trút bom xuống thổi tắt những ngọn đèn, vùi dập ngọn lửa đấu tranh của quân dân ta:
Giặc muốn cướp đi
Giặc muốn cướp lửa tim ta đấy
Mặc giặc Mỹ có giày xéo, tàn phá, giết, gây ra bao tội ác kinh hoàng quân dân ta vẫn kiên cường và bền bỉ chiến đấu, tắt đèn thì chúng ta chiến đấu trong bóng tối, dùng ngọn đèn trong tim để thắp sáng ngọn lửa đấu tranh. Dưới bóng tối quân dân ta đã làm nên những điều hào hùng
Bóng tối che rồi
………………….
Bóng tối phủ dày
Che mắt địch
Giặc Mỹ có tàn bạo cỡ nào thì quân dân ta vẫn kiên cường và bền bỉ chiến đấu, bóng tối che tất cả, thế nhưng trong bóng tối ấy cả cây cối và cả con người đều đang chiến đấu bằng nhiệt huyết cách mạng. Nhà thơ đã thật tinh tế khi sử dụng những câu thơ duyên dáng như “cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi”, “cô gái làm duyên phải dùng giọng nói” mọi khó khăn được khắc phục bằng những thứ thật tự nhiên và dịu dàng. Điệp ngữ nơi tắt lửa vang lên dõng dạc đầy tự hào, nhắc nhở về những ngày tháng chiến đấu đầy hào hùng trong bóng tối
Nơi tắt lửa đêm đêm khiến đất trời rộng quá
Nơi tắt lửa là nơi in vết bánh ôtô,
Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích
Nơi tắt lửa là nơi dài tiếng hát
Chính từ trong những nơi tắt lửa ấy quân dân ta đã chiến đấu đầy anh dũng, tự tin, tiếng hát vẫn cất lên, say sưa, đó là tinh thần lạc quan và niềm vui chiến thắng vào một ngày không xa. Lấy bóng tối để đấu tranh, biến bóng tối thành hoàn cảnh thuận lợi để chống lại kẻ thù, chỉ có quân dân ta mới có thể làm được. Những câu thơ vang lên là niềm tự hào sâu sắc của tác giả với những năm tháng gian khổ và hào hùng ấy.
Trước mỗi phần của bài thơ đều được bắt đầu bằng hai câu thơ: Anh cùng em sang bên kia cầu/ Nơi có những miền quê yên ả, cách lặp lại này tạo cho bài thơ kết cấu trùng điệp, giống như tiếng hát của người lính được cất lên trong hoàn cảnh chiến tranh, giống như sự vỗ về của anh với em, cùng động viên nhau vượt qua những năm tháng chiến đấu gian khổ. Anh với em đều tự hào khẳng định dù giặc có tàn phá, dù giặc có tìm mọi cách dập tắt ngọn lửa cách mạng trong quân dân ta thì chúng mãi mãi không bao giờ thực hiện được bởi:
Những ngọn đèn vẫn cứ thắp lên
……………………………………
Cho những tốp trai làng đọc lá thư thăm
Ngọn đèn ấy vẫn được thắp lên để chiếu sáng trong mọi hoàn cảnh, cho em thơ học chữ, cho xưởng máy sản xuất thay ca, cho tốp trai làng đọc lá thư thăm của quê nhà gửi ra chiến trường. Kì diệu hơn ta còn dõng dạc, tự tin thắp đèn để dụ quân địch đến để lấy đá xây cầu, để đánh lừa địch, để hướng đến ngày mai chiến thắng
Ngày mai, ngày mai hoàn toàn chiến thắng
Anh dắt tay em, trời chi chít sao giăng
Có thể thấy hình ảnh lửa đèn trở đi trở lại trong bài thơ khi thì đèn sáng, khi thì tắt đèn khi lại thắp đèn. Ngọn đèn ấy không chỉ có ý nghĩa tả thực, là ngọn đèn chiến đấu mà còn là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho nhiệt huyết cách mạng của quân dân ta, là ngọn lửa cách mạng rực cháy không bao giờ tắt dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù.
Bằng những hình ảnh bình dị nhưng nhờ cách sáng tạo độc đáo, cách truyền tải câu chuyện bằng lời thơ, tác phẩm Lửa đèn thực sự đã chạm đến trái tim của người đọc. Có thể nói với thi phẩm này chúng ta đều phải khẳng định Phạm Tiến Duật là một ngòi bút xuất sắc bậc nhất trong văn học cách mạng Việt Nam.