Văn mẫu lớp 12: Đoạn văn nghị luận về hiệu ứng đám đông (2 Mẫu) Viết đoạn văn nghị luận hay

Văn mẫu lớp 12: Đoạn văn nghị luận về hiệu ứng đám đông là tài liệu cực kỳ hữu ích gồm 2 đoạn văn hay ấn tượng nhất.

Viết đoạn văn 200 chữ về hiệu ứng đám đông giúp các bạn học sinh có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi vốn từ, củng cố kiến thức để đạt được kết quả cao trong các bài kiểm tra, bài thi sắp tới. Ngoài ra các bạn tham khảo thêm một số đoạn văn mẫu như: đoạn văn nghị luận về vấn đề bùng nổ dân số hiện nay, đoạn văn nghị luận về văn hóa giao thông trong xã hội hiện nay.

Đoạn văn nghị luận về hội chứng đám đông

Hiệu ứng đám đông là những tác động của đám đông đến suy nghĩ và hành vi của con người, khiến con người phải làm theo những điều mà số đông cho là hay, là đúng và sáng suốt mà bản thân lại không có suy nghĩ, chính kiến về điều đó. Biểu hiện của hiệu ứng đám đông là nỗi sợ hãi bị đám đông phán xét và bị loại ra khỏi nhóm; là những người không quen biết cùng hùa nhau phán xét, “ném đá” một người dẫu chưa hiểu ngọn nguồn sự việc; ăn mặc theo trào lưu, nói năng theo số đông dẫu điều đó chưa hẳn có nghĩa và chưa hẳn đúng phong cách của bản thân; là những hành vi phản cảm trên mạng dễ dàng nhận hàng nghìn like và lượt share vì được đám đông cổ vũ… Đây là hiện tượng rất phổ biến, có thể thấy ở bất cứ đâu, cần cảnh báo về sự nguy hại của nó. Con người sống trong xã hội nên luôn chịu sự tác động, chi phối của quy luật chung, của số đông. Do tâm lý chủ quan “số đông luôn đúng”. Do đám đông có những quyền lực đáng sợ, có thể kiểm soát và định hướng hành vi con người. Do bản thân mỗi người thiếu thông tin, mơ hồ trong nhận thức, thiếu chính kiến, yếu đuối, không suy nghĩ chín chắn … nên dễ bị đám đông chi phối, lôi kéo. Hiệu ứng đám đông tích cực sẽ giúp con người kết nối với nhau; bắt kịp trào lưu, xu hướng để tránh lạc hậu; được tham vấn và định hướng hành động đúng đắn; tập hợp đông đảo mọi người hưởng ứng các phong trào tích cực của xã hội… Hiệu ứng đám đông tiêu cực làm mỗi người bị thủ tiêu chính kiến, tư duy độc lập, sự sáng tạo vì mải chạy theo điều đám đông nghĩ và làm. Điều này tất yếu sẽ khiến mỗi người trở thành cái bóng, không dám sống thật với chính mình, không làm chủ được bản thân và cuộc đời của mình, không biết mình thực sự muốn gì và cần phải làm gì, khiến cho mọi người không hiểu, không nắm bắt được bản chất cốt lõi của sự việc, sự vật vì nó luôn bị che lấp bởi ý kiến của đám đông. Lúc đó lời đánh giá của số đông trở thành tiêu chuẩn của chân lý. Thực tế đã chứng minh trong nhiều trường hợp số đông chưa chắc đã đúng. Nhiều người phải chạy trốn, trầm cảm hoặc tự sát vì bị đám đông lên án; nhiều vụ phạm tội tập thể diễn ra; tệ nạn xã hội gia tăng…Đám động luôn xuất hiện trong cuộc sống và có tác động ít nhiều đối với mỗi con người. Hãy biết khai thác mặt tích cực từ hiệu ứng đám đông một cách thông minh nhưng cần phải sống luôn là chính mình.

Viết đoạn văn 200 chữ về hội chứng đám đông

Nhà tâm lý học xã hội Gustave Le Bon đã từng viết rằng: “Thời đại mà chúng ta đang bước vào sẽ là thời đại của những đám đông”. Xã hội hiện đại, công nghệ phát triển, dân số tăng nhanh tạo tiền đề cho hiệu ứng đám đông, “quyền lực đám đông” lên ngôi mạnh mẽ. Hội chứng đám đông chỉ việc con người cá nhân bị chi phối bởi quyết định của đám đông. Một nhóm người có suy nghĩ, hành động giống nhau nhưng không hoàn toàn nhận thức được ý nghĩa của hành động đó. Hiệu ứng đám đông khác biệt hoàn toàn với tinh thần đoàn kết tích cực. Cảnh tượng đoàn người ùn ùn kéo nhau đi xem những vụ đánh nhau, hùa theo một vụ tranh cãi trên mạng vì không muốn mình bị lạc loài,...không phải là điều hiếm gặp. Từ đó mà chúng ta dè bỉu, phán xét những người đi ngược lại số đông. Đây là gốc rễ của những thói quen xấu xí. Con người không có chính kiến, luôn a dua, hèn mạt, ẩn nấp sau lưng cộng đồng. Có không ít vụ việc do đám đông hiếu kỳ, thiếu hiểu biết đã gây ra những hậu quả đáng tiếc. Ví dụ như vụ việc xảy ra tại tỉnh Hải Dương trước đây. Một người đàn ông bị cho là đối tượng thôi miên, bắt cóc trẻ em. Đám đông kích động đã vây đánh nạn nhân thừa sống thiếu chết. Qua đó, ta có thể thấy rằng, đám đông sẽ tạo được hiệu ứng tích cực có ích cho cộng đồng nếu con người biết suy nghĩ cẩn thận và quyết đoán trước khi hành động. Nhưng ngược lại nó cũng đẩy con người vào những tình huống hết sức thê thảm nếu chúng ta có cái nhìn phiến diện. Vì thế, mỗi người cần thấu đáo và có kiến thức vững vàng, đạo đức trong sạch để không bị cuốn vào cơn lốc đám đông.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt xem: 07
  • Dung lượng: 96 KB
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo
👨