Địa lí 12 Bài 21: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông Soạn Địa 12 Chân trời sáng tạo trang 84, 85, 86, 87, 88, 89
Giải bài tập SGK Địa lí 12 trang 84, 85, 86, 87, 88, 89 sách Chân trời sáng tạo giúp các em học sinh lớp 12 xem gợi ý giải các câu hỏi Bài 21: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông thuộc Chương 3: Địa lí các ngành kinh tế.
Soạn Địa lí 12 Chân trời sáng tạo Bài 21 các em sẽ biết cách trả lời toàn bộ các câu hỏi bài học, luyện tập, vận dụng. Đồng thời, qua tài liệu này giúp quý thầy cô tham khảo để soạn giáo án cho học sinh của mình theo chương trình mới. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Địa lí 12 Bài 21: Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông
Trả lời câu hỏi Hình thành kiến thức mới Địa 12 Chân trời sáng tạo Bài 21
I. Giao thông vận tải
Dựa vào hình 21 và thông tin trong bài, hãy:
- Trình bày sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải nước ta.
- Lựa chọn 2 tuyến quốc lộ theo hướng Bắc – Nam, Đông – Tây và kể tên các tỉnh có tuyến quốc lộ đó đi qua.
Trả lời:
- Sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải:
+ Có nhiều loại hình, được đầu tư phát triển nhanh và toàn diện. Số lượt hành khách và khối lượng hàng hóa vận chuyển xu hướng tăng. Giao thông vận tải đường bộ có khối lượng vận chuyển lớn nhất.
+ Mạng lưới phát triển rộng khắp, các tuyến giao thông được mở rộng, nâng cấp, hiện đại hóa nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển người và hàng hóa. Khu vực đồng bằng, ven biển và các đô thị có mật độ mạng lưới giao thông vận tải cao hơn các khu vực khác do điều kiện tự nhiên thuận lợi, dân cư đông đúc, kinh tế phát triển,…
• Đường bộ (đường ô tô): hệ thống cơ sở hạ tầng được nâng cấp và mở rộng, chất lượng vận tải tăng nhanh, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến. Hình thành các tuyến đường huyết mạch theo hướng Bắc – Nam (quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc – Nam), các tuyến cao tốc khác, các tuyến đường ven biển. Các trục chính theo hướng Đông – Tây (quốc lộ 8, 9 ,19 ,…) Kết nối với hệ thống đường bộ xuyên Á (kết nối với Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia). Hình thành nhiều đầu mối giao thông, 2 đầu mối quan trọng là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
• Đường sắt: hình thành từ cuối thế kỉ XIX, áp dụng các thành tựu khoa học – công nghệ. Mạng lưới gồm các trục chính: Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Lạng Sơn,… Kết nối với Trung Quốc qua tuyến liên vận Hà Nội – Đồng Đăng và Hà Nội – Lào Cai. Đang được cải tạo, nâng cấp theo hướng hiện đại, tại các đô thị lớn, các tuyến đường sắt đô thị đang được đầu tư phát triển (Cát Linh – Hà Đông).
• Đường thủy nội địa: có khoảng 300 cảng thủy nội địa (2021). Các bến cảng, thiết bị giám sát, phương tiện vận chuyển được đầu tư phát triển. Tập trung chủ yếu ở một số hệ thống sông chính, miền Bắc có sông Hồng, sông Thái Bình, miền Nam có sông Đồng Nai và sông Mê Công, miền Trung có các tuyến nội địa trong từng tỉnh. Các tuyến chủ yếu hiện nay là Hải Phòng – Việt Trì, Hải Phòng – Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh – Bà Rịa – Vũng Tàu – Cần Thơ,…
• Đường biển: có 34 cảng biển với 296 bến cảng (2021). Một số cảng quan trọng có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh,… Chú trọng đầu tư theo hướng hiện đại hóa phương tiện vận tải, năng lực quản lí. Mạng lưới ngày càng mở rộng, phát triển các tuyến nội địa và thiết lập các tuyến vận tải quốc tế, quy hoạch bến cảng trung chuyển quốc tế tại Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa).
• Đường hàng không: có 22 cảng hàng không đang được khai thác, 10 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng nội địa. Đang xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành. Hệ thống kết cấu hạ tầng, cảng hàng không, sân bay không ngừng được đầu tư, phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại. Một số cảng năng lực vận tải lớn là Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất.
- 2 tuyến quốc lộ theo hướng Bắc – Nam, Đông – Tây và các tỉnh đi qua:
+ Quốc lộ 1: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
+ Quốc lộ 19: Bình Định, Gia Lai
II. Bưu chính viễn thông
Dựa vào hình 21 và thông tin trong bài, hãy trình bày sự phát triển và phân bố ngành bưu chính viễn thông ở nước ta.
Trả lời:
- Bưu chính:
+ Ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu vận chuyển thư tín, bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa.
+ Mạng lưới phát triển rộng khắp cả nước, các đô thị lớn có mạng lưới phát triển nhanh với mật độ cao. Năm 2021, cả nước có hơn 60 bưu cục cấp 1 (tỉnh, thành phố), hơn 700 bưu cục cấp 2 (quận, huyện), hơn 8000 bưu điện – văn hóa xã,…
+ Hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng được đầu tư nâng cấp, ứng dụng khoa học – công nghệ nên các dịch vụ ngày càng nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
- Viễn thông:
+ Các dịch vụ viễn thông đa dạng, cơ bản như: dịch vụ thoại, truyền số liệu, truyền hình, hội nghị truyền hình, kết nối internet,…
+ Phát triển nhanh, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu dụng khoa học – công nghệ.
+ Là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet nhanh trên thế giới. Mạng băng rộng di động ngày càng phát triển. Hệ thống cáp quang hiện nay đã phủ khắp cả nước. Có 7 tuyến cáp quang biển kết nối với thế giới (2021). Hệ thống vệ tinh phủ sóng toàn bộ Việt Nam và nhiều nước trong khu vực.
+ Mạng lưới phát triển rộng khắp, tập trung cao ở các đô thị, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh,…
Giải Luyện tập - Vận dụng Địa lý 12 Chân trời sáng tạo Bài 21
Luyện tập
Dựa vào bảng 21.1, hãy vẽ biểu đồ thể hiện số lượt hành khách và khối lượng hàng hóa vận chuyển ở nước ta, giai đoạn 2005 – 2021. Rút ra nhận xét.
Trả lời:
- Vẽ biểu đồ:
- Nhận xét: Nhìn chung số lượt hành khách và khối lượng hàng hóa vận chuyển ở nước ta, giai đoạn 2005 – 2021 đã có sự thay đổi, trong đó số lượt hành khách giảm và khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng, cụ thể:
+ Số lượt hành khách trong giai đoạn 2005 – 2015 vẫn luôn tăng đều, từ 1350 triệu lượt người tăng lên 3310 triệu lượt người. Tuy nhiên từ 2015 – 2021 đã có sự giảm sút, giảm từ 3310 triệu lượt người xuống chỉ còn 2519 triệu lượt người. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2019.
+ Khối lượng hàng hóa vận chuyển không ngừng tăng lên nhanh trong cả giai đoạn 2005 – 2021, từ 460,1 triệu tấn tăng lên 1621,5 triệu tấn, đặc biệt giai đoạn 2015 – 2021, đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao.
Vận dụng
Hãy lựa chọn và thực hiện một trong hai nhiệm vụ sau:
1. Lựa chọn một tuyến đường liên huyện (hoặc liên quận) đi qua nơi em sống, nêu ý nghĩa của tuyến đường đó đối với hoạt động sản xuất và đời sống của người dân.
2. Xác định điểm bưu cục cấp 1 tại tỉnh hoặc thành phố em sinh sống. Tìm hiểu một số dịch vụ bưu chính tại điểm bưu cục đó.