Bộ câu hỏi ôn thi học sinh giỏi môn Địa lí 9 (Có đáp án) Tài liệu ôn thi HSG Địa 9

Bộ câu hỏi ôn thi học sinh giỏi môn Địa lí 9 tổng hợp các câu hỏi có đáp án giải chi tiết kèm theo. Tài liệu được biên soạn bám sát chương trình học theo chuyên đề.

Thông qua tài liệu bồi dưỡng HSG môn Địa lý lớp 9 giúp cho các em học sinh hệ thống đề ôn luyện bao gồm các dạng câu hỏi với nhiều mức độ khác nhau. Qua đó còn giúp các em được tiếp xúc, rèn luyện với những đề thi cơ bản và nâng cao trong các kỳ thi ở trường và thi học sinh giỏi cấp quận, huyện. Vậy sau đây là trọn bộ Các dạng bài tập ôn thi HSG Địa lí 9 mời các bạn cùng tải tại đây.

Các dạng bài tập ôn thi HSG Địa lí 9

CHỦ ĐỀ 1: ĐỊA LÍ DÂN CƯ

Nội dung 1

Câu 1. Chứng minh rằng Việt Nam là nước có nhiều dân tộc.

Gợi ý làm bài

- Nước ta có 54 dân tộc cùng chung sống, gắn bó với nhau trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

- Trong các dân tộc ở Việt Nam, dân tộc Việt (Kinh) có số dân đông nhất với gần 74 triệu người (năm 2009), chiếm 86% dân số cả nước.

- Một số dân tộc ít người có số dân khá đông như Tày (1,63 triệu người), Thái (hơn 1,55 triệu người), Mường (1,27 triệu người), Khơ-me (1,26 triệu người - năm 2009).

Câu 2. Trình bày tình hình phân bố dân tộc Việt (Kinh) và các dân tộc ít người nước ta. Hiện nay sự phân bố các dân tộc có gì thay đổi?

Gợi ý làm bài

a) Tình hình phân bố dân tộc Việt (Kinh) và các dân tộc ít người ở nước ta

* Dân tộc Việt (Kinh)

Người Việt phân bố rộng khắp cả nước song tập trung hơn ở các vùng đồng bằng, trung du và duyên hải.

* Các dân tộc ít người: phân bố chủ yếu ở miền núi và trung du.

- Trung du và miền núi Bắc Bộ là địa bàn cư trú đan xen của trên 30 dân tộc. Ở vùng thấp, người Tày, Nùng sống tập trung đông ở tả ngạn sông Hồng; người Thái, Mường phân bố từ hữu ngạn sông Hồng đến sông Cá. Người Dao sống chủ yếu ở các sườn núi từ 700 - 1.000 m. Trên các vùng núi cao là địa bàn cư trú của người Mông.

- Khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên có trên 20 dân tộc ít người. Các dân tộc cư trú thành từng vùng khá rõ rệt, người Ê-dê Đắk Lắk, Gia-rai ở Kon Turn và Gia Lai, người Cơ-ho chủ yếu ở Lâm Đồng,...

- Các tỉnh cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ có các dân tộc Chăm, Khơ-me cư trú thành từng dải hoặc xen kẽ với người Việt. Người Hoa tập trung chủ yếu ở các đô thị, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh.

* Hiện nay, phân bố dân tộc đã có nhiều thay đổi.

- Một số dân tộc ít người từ miền Bắc đến cư trú ở Tây Nguyên.

- Một số dân tộc vùng hồ thủy điện Hòa Bình, Y-a-ly, Sơn La sống hòa nhập với các dân tộc khác tại các địa bàn tái định cư.

- Nhờ cuộc vận động định canh, định cư gắn với xóa đói giảm nghèo mà tình trạng du canh, du cư của một số dân tộc vùng cao đã được hạn chế, đời sống các dân tộc được nâng cao, môi trường được cải thiện.

Nội dung 2:

DÂN SỐ VÀ GIA TĂNG DÂN SỐ

Câu 1. Nêu đặc điểm dân số nước ta. Tại sao dân số đông cũng là một thế mạnh để phát triển kinh tế của nước ta?

Gợi ý làm bài

a) Đặc điểm của dân số nước ta

- Đông dân, có nhiều thành phần dân tộc.

+ Năm 2002, số dân nước ta là 79,7 triệu người (đứng thứ 14 trên thể giới).

+ Nước ta có 54 thành phần dân tộc.

+ Nước ta còn có khoảng 3,2 triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài.

- Dân số còn tăng nhanh: Từ cuối những năm 50 của thế kỉ XX, nước ta bắt đầu có hiện tượng “bùng nổ dân số”. Nhờ thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình nên tỉ lệ gia tăng của dân số có xu hướng giảm, nhưng mỗi năm dân số nước ta vẫn tăng thêm khoảng 1 triệu người.

- Nước ta có cơ cấu dân số trẻ và đang có sự biến đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số theo nhóm tuổi.

+ Tỉ lệ nhóm tuổi từ 0-14 giảm (dẫn chứng).

+ Tỉ lệ nhóm tuổi từ 15 đến 59 tăng (dẫn chứng).

+ Tỉ lệ nhóm tuổi từ 60 trở lên tăng (dẫn chứng).

b) Giải thích: Dân số đông vừa là nguồn lao động dồi dào, vừa là thị trường tiêu thụ rộng lớn. Thu hút vốn đầu tư của nước ngoài.

Câu 2. Chứng minh rằng dân số nước ta còn tăng nhanh.

Gợi ý làm bài

Dân số nước ta còn tăng nhanh.

- Tốc độ gia tăng dân số tự nhiên ở mức cao, tuy đã giảm trong những năm gần đây nhưng vẫn còn chậm (1,32% trong giai đoạn 2002 - 2005).

- Do quy mô dân số đông nên mỗi năm dân số nước ta vẫn tăng thêm trung bình hơn 1 triệu .

Câu 3. Vì sao tỉ lệ gia tăng tự nhiên của dân số giảm nhưng số dân vẫn tăng nhanh?

Gợi ý làm bài

- Tỉ lệ gia tăng tự nhiên của dân số giảm nhưng số dân vẫn tăng nhanh, vì nước ta có quy mô dân số đông, cơ cấu dân số trẻ, số người trong độ tuổi sinh đẻ cao.

Câu 4. Nêu hậu quả của của việc gia tăng dân số nhanh ở nước ta.

Gợi ý làm bài

Dân số nước ta tăng trong khi nền kinh tế còn chậm phát triển dẫn tới hậu quả:

- Đối với phát triển kinh tế:

+ Tốc độ tăng dân số chưa phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế để tăng 1% dân số thì mức tăng trưởng kinh tế hàng năm phải đạt từ 3 - 4% và lương thực phải tăng trên 4%. Trong điều kiện kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn thì mức tăng dân số như hiện nay là vẫn còn cao.

+ Khó có thể giải quyết hết việc làm được vì nguồn lao động nước ta tăng nhanh trong khi nền kinh tế còn chậm phát triển.

+ Dân số tăng nhanh làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng, tạo mâu thuẫn giữa cung và cầu.

+ Làm cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành và lãnh thổ diễn ra chậm.

- Sức ép đối với tài nguyên môi trường:

+ Nguồn tài nguyên thiên bị suy giảm do khai thác quá mức.

+ Môi trường ô nhiễm.

+ Không gian cư trú ngày càng trở nên chật hẹp,...

- Sức ép đối với chất lượng cuộc sống:

+ Chất lượng cuộc sống của người dân chậm được nâng cao.

+ GDP/người thấp.

+ Các vấn đề phát triển giáo dục, y tế, văn hoá, cơ sở hạ tầng,...

+ Tỉ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp lớn.

Câu 5. Tại sao cơ cấu dân số theo độ tuổi có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta?

Gợi ý làm bài

- Cơ cấu dân số theo độ tuổi thể hiện tổng hợp tình hình sinh, tử, tuổi thọ, khả năng phát triển dân số và nguồn lao động của nước ta.

- Cơ cấu dân số theo độ tuổi cho biết nước ta có dân số trẻ hay dân số già.

Câu 6. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy nhận xét cơ cấu dân số theo nhóm tuổi và theo giới tính ở nước ta năm 1999 và năm 2007.

Gợi ý làm bài

- Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi:

+ Năm 1999:

Tỉ lệ nhóm tuổi từ 0 - 14 tuổi khá lớn, chiếm 33,5% dân số.

Tỉ lệ nhóm tuổi từ 15 - 59 tuổi lớn nhất, chiếm 58,4% dân số.

Tỉ lệ nhóm tuổi lừ 60 tuổi trở lên nhỏ nhất, chiếm 8,19% dân số.

+ Năm 2007:

Tỉ lệ nhóm tuổi từ 0-14 tuổi khá lớn, chiếm khoảng 25% dân số.

Tỉ lệ nhóm tuổi lừ 15 - 59 tuổi lớn nhất, chiếm khoảng 66%.

Tỉ lệ nhóm tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 9% dân số.

+ Năm 2007 so với năm 1999:

Tỉ lệ dân số thuộc nhóm tuổi từ 0 - 14 tuổi giảm, tỉ lệ dân số thuộc nhóm tuổi từ 15 - 59 tuổi và nhóm tuổi từ 60 tuổi trở lên tăng.

Cơ cấu dân số nước ta đang có sự chuyển biến từ cơ cấu dân số trẻ sang cơ cấu dân số già. Tuy nhiên, hiện nay nước ta vẫn là nước có kết cấu dân số trẻ.

- Cơ cấu dân số theo giới tính:

+ Ở nước ta, tỉ lệ nữ giới cao hơn so với nam giới và đang tiến tới sự cân bằng.

+ Tỉ lệ giới tính khác nhau giữa các nhóm tuổi. Ở nhóm tuổi 0 - 14 tuổi, tỉ lệ nam cao hơn so với nữ; ở nhóm tuổi 15 - 59 tuổi và từ 60 tuổi trở lên, tỉ lệ nữ cao hơn so vơi nam.

Câu 7. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

a) Nhận xét về sự thay đổi của cơ cấu dân số theo độ tuổi ở nước ta. Giải thích nguyên nhân.

b) Cơ cấu dân số theo độ tuổi của nước ta có ảnh hưởng như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta?

Gợi ý làm bài

a) Nhận xét và giải thích về sự thay đổi của cơ cấu dân số theo độ tuổi

Nước ta có cơ cấu dân số trẻ nhưng đang có xu hướng già hoá.

- Tỉ lệ nhóm tuổi lừ 0 - 14 tuổi khá cao và đang có xu hướng giảm (dẫn chứng). Nguyên nhân: tỉ lệ sinh nước ta cao nhưng đang có xu hướng giảm (nhờ vào việc thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, cùng với sự nhận thức của người dân về kế hoạch hoá gia đình ngày càng được nâng cao).

- Tỉ lệ nhóm tuổi từ 15 - 59 tuổi cao nhất và có xu hướng tăng (dẫn chứng) do hậu quả của sự bùng nổ dân số ở giai đoạn trước đó.

- Tỉ lệ nhóm tuổi từ 60 tuổi trở lên thấp nhưng đang có xu hướng tăng (dẫn chứng) do tuổi thọ trung bình nước ta chưa cao nhưng đang tăng lên.

b) Ảnh hưởng của cơ cấu dân số theo độ tuổi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta

- Thuận lợi: Nguồn lao động dồi dào, trẻ, năng động, khả năng tiếp thu khoa học kĩ thuật cao; thị trường tiêu thụ rộng lớn.

- Khó khăn:

+ Nguồn lao động dồi dào trong khi trình độ phát triển kinh tế chưa cao dẫn tới tỉ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp lớn.

+ Tỉ lệ dân số phụ thuộc lớn đặt ra vấn đề cấp bách về văn hoá, giáo dục, y tế.

+ Số người trong độ tuổi sinh đẻ cao nên tỉ lệ sinh vẫn còn cao.

Câu 8. Phân tích ý nghĩa của sự giảm tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên và thay đổi cơ cấu dân số nước ta.

Gợi ý làm bài

- Ý nghĩa của sự giảm tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên:

+ Về kinh tế: góp phần nâng cao năng suất lao động, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước, tăng thu nhập bình quân đầu người,...

+ Về chất lượng cuộc sống của người dân: tạo điều kiện để nâng cao chất lượng về y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cải thiện đời sống, đảm bảo các phúc lợi xã hội, tăng tuổi thọ,...

+ Về môi trường: giảm sức ép đối với tài nguyên, môi trường.

- Ý nghĩa của sự thay đổi cơ cấu dân số:

+ Sự thay đổi cơ cấu dân số nước ta theo xu hướng tăng tỉ lệ nhóm từ 60 tuổi trở lên và giảm tỉ lệ nhóm tuổi từ 0 - 14 tuổi. Điều đó cho thấy tỉ lệ sinh của nước ta đang có xu hướng giảm, sự phát triển dân số đang được điều chỉnh phù hợp hơn với sự phát triển kinh tế - xã hội.

+ Sự thay đổi cơ cấu dân số theo nhóm tuổi như trên sẽ góp phần hạn chế được một số hậu quả do sự gia tăng dân số nhanh đem lại.

Câu 9. Di dân ảnh hưởng đến cơ cấu dân số theo giới tỉnh và độ tuổi ở Đông Nam Bộ trong thời gian gần đây như thế nào?

Gợi ý làm bài

- Ảnh hưởng đến cơ cấu giới tính: Đông Nam Bộ có tỉ lệ giới tính thấp nhất cả nước hiện nay do luồng nhập cư nhiều nữ (do ở đây tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất với nhiều ngành công nghiệp nhẹ, thu hút nhiều lao động nữ từ các vùng khác đến).

- Ảnh hưởng đến cơ cấu dân số theo độ tuổi: lao động nhập cư nhiều, đa số lao động trong độ tuổi lao động nên lực lượng lao động hiện tại của vùng lớn.

Câu 10. Cho bảng số liệu sau:

Cơ cấu dân số theo giới tính và nhóm tuổi ở Việt Nam (%)

Nhóm tuổi

Năm 1979

Năm 1989

Năm 1999

Nam

Nữ

Nam

Nữ

Nam

Nữ

0 - 14

21,8

20,7

20,1

18,9

17,4

16,1

15 - 59

23,6

26,6

25,6

28,2

28,4

30,0

60 tr lên

2,9

4,2

3,0

4,2

3,4

4,7

Tổng

48,5

51,5

48,7

51,3

49,2

50,8

a) Nhận xét và giải thích về sự thay đổi cơ cấu theo nhóm tuổi. Sự thay đổi cơ cấu theo độ tuổi có ảnh hưởng gì đến việc phát triển kinh tế - xã hội nước ta?

b) Nhận xét về cơ cấu giới tính và sự thay đổi cơ cấu giới tính ở nước ta.

Gợi ý làm bài

a) Nhận xét và giải thích về sự thay đổi cơ cấu theo nhóm tuổi

* Nhận xét

- Tỉ lệ nhóm tuổi từ 0 - 14 tuổi ngày càng giảm từ 42,5% (năm 1979) xuống còn 39,0% (năm 1989) và 33,5% (năm 1999).

- Tỉ lệ nhóm tuổi từ 15 - 59 tuổi ngày càng tăng từ 50,4% (năm 1979) lên 53,8% (năm 1989) và đạt 58,4% (năm 1999).

- Tỉ lệ nhóm tuổi từ 60 tuổi trở lên cũng ngày càng tăng từ 7,1% (năm 1979) lên 7,2% (năm 1989) và đạt 8,1% (năm 1999).

Kết luận: Nước ta có cơ cấu dân số trẻ và đang có xu hướng già hoá.

* Nguyên nhân

- Tỉ lệ nhóm tuổi từ 0 - 14 tuổi ngày càng giảm do tỉ lệ sinh giảm, nhờ vào việc thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, cùng với sự nhận thức của người dân về kế hoạch hoá gia đình ngày càng được nâng cao.

- Tỉ lệ nhóm tuổi từ 15 - 59 tuổi tăng là do hậu quả của sự bùng nổ dân số ở giai đoạn trước đó.

- Tỉ lệ nhóm tuổi từ 60 tuổi trở lên tăng do chất lượng cuộc sống được cải thiện, cùng với sự tiến bộ của ngành y tế đã làm giảm tỉ lệ tử, tuổi thọ trung bình tăng.

* Ảnh hưởng

- Giảm tỉ lệ dân số phụ thuộc, giảm gánh nặng dân số. Tuy nhiên, tỉ lệ dân số phụ thuộc ở nước ta vẫn còn cao nên các vấn đề giáo dục, y tế, văn hoá,... cũng cần được quan tâm giải quyết.

- Cơ cấu dân số trẻ nên có lực lượng lao động dồi dào, năng động, có khả năng tiếp thu khoa học kĩ thuật cao, nguồn dự trữ lao động lớn.

- Sự gia tăng nguồn lao động gây sức ép lên vấn đề giải quyết việc làm.

b) Nhận xét về cơ cấu giới tính và sự thay đổi cơ cấu giới tính

- Ở nhóm tuổi từ 0 - 14 tuổi: tỉ lệ nam nhiều hơn nữ.

- Ở nhóm tuổi từ 15 - 59 tuổi và từ 60 tuổi trở lên: tỉ lệ nam ít hơn nữ.

- Tỉ lệ giới tính nước ta luôn có sự mất cân đối và đang tiến tới cân bằng hơn.

+ Tỉ lệ nữ nhìn chung cao hơn tỉ lệ nam. Năm 1979, tỉ lệ nam: 48,5%, tỉ lệ nữ: 51,5%; năm 1999, tỉ lệ nam: 49,2%, tỉ lệ nữ: 50,8%.

+ Tỉ lệ nam giới có xu hướng ngày càng tăng, tỉ lệ nữ giảm (dẫn chứng).

Câu 11. Cho bảng số liệu sau:

Dân số và tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên ở nước ta, giai đoạn 1960 - 2009

Năm

Số dân (triệu người)

Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên (%)

1960

30,2

3,9

1965

34,9

2,9

1970

41,0

3,2

1979

52,7

2,5

1989

64,6

2,1

1999

76,3

1,4

2009

86,0

1,1

a) Vẽ biểu đồ thể hiện quy mô và tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên ở nước ta, giai đoạn 1960 - 2009.

b) Nhận xét và giải thích tình hình tăng dân số nước ta trong giai đoạn trên.

Gợi ý làm bài

b) Nhận xét và giải thích

* Nhận xét

Trong giai đoạn 1960 - 2009:

- Dân số nước ta tăng liên tục qua các năm với tốc độ tăng khá nhanh, từ 30,2 triệu người (năm 1960) lên 86,0 triệu người (năm 2009), tăng 55,8 triệu người (tăng gấp 2,85 tần), trung bình tăng 1,14 triệu người/năm.

- Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên có xu hướng giảm, từ 3,9% (năm 1960) xuống còn 1,1% (năm 2009), giảm 2,8% .

* Giải thích

- Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên giảm là do tác động của chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình và nhận thức của người dân được nâng cao làm giảm nhanh tỉ lệ sinh, kéo theo gia tăng dân số giảm.

- Dân số nước ta tăng khá nhanh mặc dù tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên giảm là do gia tăng dân số giảm nhưng vẫn dương, quy mô dân số ngày càng lớn, số người trong độ tuổi sinh đẻ đông, nên dân số hàng năm vẫn tăng nhanh.

......

Tải file tài liệu để xem thêm Tài liệu bồi dưỡng HSG môn Địa lý 9

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 199
  • Lượt xem: 3.290
  • Dung lượng: 5,9 MB
Sắp xếp theo