Bài dự thi Bảo vệ rừng và môi trường năm 2021 Cuộc thi viết "Bảo vệ Rừng và Môi trường" lần thứ 4

Bài dự thi Bảo vệ rừng và môi trường năm 2021 gồm 2 mẫu, giúp các bạn có thêm tài liệu tham khảo để có những ý tưởng mới hoàn thiện bài dự thi cho mình. Bài dự thi là bài viết, phóng sự từ 500 từ đến 1.200 từ.

Thời gian nhận bài dự thi "Bảo vệ rừng và môi trường lần thứ 4 năm 2021" từ ngày 01/6/2021 đến ngày 30/11/2021. Bên cạnh đó, có thể tham khảo Mẫu tranh vẽ Vì Môi trường tương lai 2021. Vậy mời các bạn cùng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của Download.vn:

Bài dự thi Bảo vệ rừng và môi trường - Mẫu 1

“Giữ được rừng là giữ được nhà”

Nhấp ngụm nước vối tươi, nghe cụ Cao kể chuyện về rừng thấy thấp thoáng bao thăng trầm của những ngày xưa cũ. Ngày còn thiếu ăn, ngày cụ nhận khoán 30 ha rừng vẫn còn hoang hoải, thi thoảng lại bị lấy trộm khúc gỗ, cái cây vì người ta nói không có sổ đỏ thì đâu làm minh chứng là rừng của cụ được…

Nhưng dù gì, trong thâm tâm cụ luôn tâm niệm một điều, giữ được rừng là giữ được nhà. Có lẽ đó là một điều tâm linh mà người Dao luôn tâm niệm, bởi mỗi khi ốm đau, bệnh tật người Dao cũng thường vào rừng hái lá nọ, củ kia, về ninh, sắc để làm thuốc chữa… cứ như thế, mỗi cánh rừng không những nuôi sống mà còn chữa lành bao vết thương cho đồng bào người Dao.

Rừng của cụ Cao đa số là lim – thứ gỗ quý mà nhiều người muốn có. Giữ rừng đời cụ đã khó, làm sao để các con hiểu được và giữ được rừng theo hướng khoanh nuôi, tái sinh về sau mới là điều cụ trăn trở. Tuổi cao, cụ cũng phải tiến hành chia cho các con khoảnh rừng này, nhưng nói là chia, cụ vẫn luôn giữ cho khu vừng toàn vẹn, ít nhất là chừng nào cụ còn sống trên đời này.

Anh Triệu Tiến Trìu, con của cụ Cao cũng chia sẻ: “Trước đây nhà tôi giữ rừng vất vả lắm, diện tích thì rộng, người thì ít, nhất là khi chưa được giao sổ đỏ. Từ những năm 80 khi được giao khoán thì mới ổn định dần. Nhưng việc giữ được rừng nguyên sinh như hiện nay gia đình cũng rất vất vả, bởi vừa phải lo bảo vệ rừng vừa phải lo trang trải kinh tế gia đình”.

Anh Trìu cũng băn khoăn:“Trước đây, các cây dược liệu trong rừng rất sẵn nhưng giờ cũng trở nên hiếm. Nhiều hộ gần nhà tôi sau khi được giao rừng đã chuyển đổi ngay sang trồng keo. Với loại cây này chỉ sau 4-5 năm, người dân sẽ có ngay khoản thu 100 triệu đồng/ha và đây sẽ là khoản lớn để các hộ có thể đầu tư nâng cấp nhà cửa”.

Dù có băn khoăn nhưng các con cụ cũng không bao giờ nghĩ đến hướng tác động đến rừng, bởi nếu không, cánh rừng riêng chỉ tính gỗ lim đã có giá trị lên đến 6-7 tỷ đồng của cụ làm sao còn vững đến lúc này. Một hướng đi khác mà cụ Cao cùng các con đang phát triển kinh tế là đưa thêm các loại cây dược liệu như trà hoa vàng, ba kích, vôi tía, trầm gió… trồng dưới tán rừng trên 3 ha. Sau từ 2-3 năm, thu nhập gia đình cụ từ việc thu hoạch cây trám, nhựa trám và một số loại dược liệu khoảng 100 triệu đồng. Thu nhập này chỉ giúp gia đình cụ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Đây là cách làm dù chưa thể đem lại hiệu quả kinh tế cao ngay nhưng bền vững hơn và có hy vọng phát triển hơn nữa trong lúc nguồn dược liệu ngày càng khan hiếm.

“Cứ đi, rồi sẽ đến”

Cụ Cao đã già, chuyện cụ kể nghe câu được, câu mất, chỉ cảm nhận qua ánh mắt và sắc giọng cụ khi nói về rừng mới thấy quyết tâm giữ rừng của cụ đã trở thành văn hóa và truyền thống trong ngôi nhà gỗ được dựng từ những năm 60 giữa rừng Hoành Bồ này.

Nói chuyện tương lai của khu rừng được bảo tồn nguyên vẹn duy nhất của cả tỉnh Quảng Ninh này, anh Trìu tiếp nối câu chuyện của cha mình rất hồ hởi: “Chuyện giữ rừng của cha tôi giờ không đơn độc nữa, nhiều cấp ban ngành rất quan tâm, đặc biệt là ngay tại xã, nói đến rừng ông Cao ai cũng biết, cũng vì thế chẳng còn lo mất rừng như ngày trước”.

Anh phấn khởi kể: “Mới đây tôi được biết Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh đang phát triển mạnh 'mỗi làng một sản phẩm' nên sắp tới nhiều sản phẩm dược liệu sẽ được huyện thẩm định đưa vào phát triển theo mô hình này. Hiện huyện đang thẩm định, đăng ký sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu 'Trà hoa vàng' đấy”.

Để phát huy kinh tế rừng, anh Triệu Tiến Trìu cũng mong muốn được hỗ trợ về vốn đầu tư, cây giống, kỹ thuật trồng và đặc biệt là cách phòng trừ sâu bệnh. Gia đình tự gây một số diện tích trầm nhưng cứ đến mùa hè là sâu bệnh hoành hành khiến cây không thể phát triển được.

Hiện nay, nhiều loại dược liệu dưới tán rừng của cụ Cao được rất nhiều thương lái đến hỏi mua nhưng gia đình chưa đồng ý vì muốn để thêm thời gian, sản phẩm có thêm chất lượng cao hơn. Nhờ trồng cây dược liệu dưới tán rừng nên những người bảo vệ và phát triển rừng như cụ Triệu Tài Cao có thêm sinh kế hằng ngày.

Ông Đỗ Quyết Tiến, Bí thư xã Tân Dân cho biết, đây được xem là mô hình tiêu biểu của địa phương, huyện, thậm chí đối với cá nhân thì đây còn là mô hình của tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm mô hình của ông Cao, bởi tỉnh đang hướng tới phát triển bảo vệ môi trường tự nhiên. Tuy vậy ông Tiến cũng băn khoăn: “Việc khoanh nuôi bảo vệ rừng chỉ nhận được khoản kinh phí hỗ trợ của Nhà nước nếu là rừng phòng hộ, còn rừng tự nhiên được giao cho sản xuất là không có. Hiện Nhà nước có hỗ trợ trồng cây gỗ lớn để vận động nhân dân thay đổi nhận thức, thay đổi cây keo bằng cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, chính sách chỉ hỗ trợ với diện tích trên 3 ha, nhưng xã hầu như không có gia đình nào có diện tích này. Các chính sách như hỗ trợ cây giống, chỉ 10 triệu đồng/ha nên không đủ khuyến khích, thu hút được người dân”.

Nghe lực lượng kiểm lâm cơ sở kể mới đây Bí thư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đến thăm khu rừng của cụ, chính ông đã phải thốt lên vì rừng cụ Cao quý hiếm quá, cần được bảo tồn bằng mọi giá. Ông có hỏi lực lượng kiểm lâm liệu trong tỉnh còn khu rừng nào thế này không, rất tiếc câu trả lời là không còn nữa.

Rừng của cụ Cao giờ là duy nhất của cả tỉnh, cũng khó có cánh rừng nào trải dài cùng năm tháng mà vẹn nguyên như thế, có lẽ mỗi cánh rừng phải có một tâm hồn đồng điệu để cùng lo toan, vun vén cho người yêu rừng phải sống được cùng rừng…

Bài dự thi Bảo vệ rừng và môi trường - Mẫu 2

Đồng Văn là 1 trong những huyện có diện tích rừng biên giới lớn, để quản lý và bảo vệ tốt diện tích này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều ngành chức năng như: Kiểm lâm, biên phòng, công an… Bên cạnh đó, còn có những cá nhân thường xuyên nắm bắt địa bàn, trực tiếp tham gia vào công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức về quyền lợi, tác dụng thiết thực mà rừng mang lại. Trong đó, nổi bật phải nhắc đến anh Củng Phủ Suẩn, thôn Chúng Trải, xã Phố Là đã tham gia tình nguyện bảo vệ rừng vùng biên được 20 năm, anh luôn quan tâm đến đời sống của bà con nơi đây; thường xuyên xuống từng nhà dân tuyên truyền, vận động bằng tiếng địa phương về lợi ích thiết thực mà rừng đem lại như: Bảo vệ bầu khí quyển, hệ sinh thái, giữ đất không bị xói mòn…Để nhân dân trong xã tin tưởng nghe theo, anh nảy ra sáng kiến kêu gọi những hộ dân ở sát biên giới, lập ra tổ tự quản rừng, thường xuyên lên kế hoạch cụ thể, rõ ràng và hiệu quả; các thành viên trong tổ thay nhau tuần tra, gác trực tại khu vực quan trọng để theo dõi, quan sát những diễn biến bất thường của khí hậu, thời tiết trong mùa hanh khô gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con. Ngoài ra, không để lâm tặc khai thác gỗ lậu. Anh Suẩn được đồng bào yêu quý và trân trọng từ những đóng góp lớn lao cho công tác bảo vệ rừng vùng biên. Anh chia sẻ: Anh em trong tổ luân phiên tuần tra từ 4 giờ sáng đến 17 giờ chiều hôm sau mới hết được các vị trí quan trọng. Công việc đòi hỏi phải kiên trì, không ngại gian khó, cống hiến bằng lòng nhiệt huyết. Tôi cùng các anh em trong tổ thường xuyên nhận được những lời động viên, ngợi khen của lực lượng kiểm lâm, cấp ủy và chính quyền địa phương. Để tăng thêm sự an toàn cho rừng vành đai biên giới, tôi luôn cố gắng đi đầu làm gương; luôn vững tâm trước mọi gian nguy, cống hiến hết mình bảo vệ rừng, giúp đồng bào yên tâm lao động, sản xuất vươn lên phát triển kinh tế. Thời gian tới, sẽ truyền đạt những lợi ích của rừng vào giảng dạy tại nhà trường,hình thành ý thức biết chăm sóc, bảo vệ rừng vùng biên.

Anh Hoàng Văn Lùng, khu 2, thị trấn Phố Bảng cũng là 1 trong những tấm gương sáng trong công tác bảo vệ rừng vùng biên, từ năm 2010 đã tình nguyện tham gia bảo vệ rừng biên giới. Không phải ai cũng đủ chí khí, yêu rừng như anh; chim, sóc ở khu vực nào trong rừng đặc dụng anh đều nắm rõ trong bàn tay, những vách núi tai mèo luôn in hằn dấu chân hàng ngày của anh. Trong quá trình đi tuần, nhiều khó khăn ập đến bất ngờ không lường trước được như rắn, rết, vắt cắn hay bị trượt chân ngã vào những ngày mưa bão là điều bình thường. Anh Lùng tâm sự: Rừng giáp biên rất nhiều cây gỗ quý như Kháo, Dẻ, Sồi… Tôi luôn kiểm tra kỹ lưỡng những địa điểm có thực vật hiếm trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới cần được gìn giữ và bảo vệ. Lâm tặc vùng biên giới hoành hành vào những giờ cao điểm, nhất là về đêm, với nhiều dụng cụ hiện đại; với phương châm “Không để lâm tặc khai thác gỗ trộm, không để gỗ quý rời khỏi vùng biên” tôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra và thông báo diễn biến cho các lực lượng chức năng. Nhờ sự đồng lòng cùng quyết tâm bảo vệ rừng biên giới của bà con, đã tiếp thêm sức mạnh, giúp tôi vững tin bước tiếp những hành trình bảo vệ miền biên viễn của Tổ quốc.

Những tấm gương trong bảo vệ rừng biên giới, tạo nguồn tin quan trọng cho công tác phòng, chống các tệ nạn khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, các anh trở thành chỗ dựa vững chắc trong lòng mỗi người dân giáp biên. Công lao của các anh trở thành gương sáng để thế hệ trẻ noi theo và học tập. Bảo vệ rừng vành đai biên giới - lá phổi xanh, lá chắn thép chiến lược quân sự là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi cá nhân.

Chia sẻ bởi: 👨 Lê Thị tuyết Mai
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 13
  • Lượt xem: 255
  • Dung lượng: 112,7 KB
Sắp xếp theo

    Chủ đề liên quan