Văn mẫu lớp 7: Viết bài văn nghị luận về một câu tục ngữ bàn về một vấn đề trong đời sống (2 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 7
Download.vn muốn giới thiệu tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Viết bài văn nghị luận về một câu tục ngữ.
Tài liệu sẽ bao gồm 2 bài văn mẫu lớp 7 nghị luận về một câu tục ngữ. Mời các bạn học sinh cùng tham khảo nội dung chi tiết ngay sau đây.
Viết bài văn nghị luận về một câu tục ngữ
Viết bài văn nghị luận về một câu tục ngữ - Mẫu 1
Con người thường hay chịu tác động từ yếu tố môi trường xung quanh. Bởi vậy mà ông cha ta đã có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” gửi gắm đến một bài học ý nghĩa trong cuộc sống.
Câu tục ngữ có hai nét nghĩa. Về nghĩa đen, “mực” là loại chất lỏng có màu, sử dụng cùng với bút để viết được chữ; còn “đèn” là một đồ vật dùng để thắp sáng. Về nghĩa bóng, “mực” chỉ những điều xấu xa; còn “đèn” chỉ những điều tốt đẹp. Như vậy, ý nghĩa của câu tục ngữ là một người khi thường xuyên tiếp xúc với người xấu thì ta sẽ bị nhiễm thói hư tật xấu, còn nếu tiếp xúc với những người tốt ta sẽ học hỏi và học được nhiều điều hay từ họ. Qua đó, câu tục ngữ muốn khuyên nhủ thế hệ sau phải biết học hỏi những điều tốt đẹp, đúng đắn và tránh xa những cái xấu xa, không lành mạnh.
Bác Hồ chính là một dẫn chứng điển hình. Dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhưng người vẫn giữ được tinh thần yêu nước, ý thức cách mạng và nhân cách cao đẹp. Hoặc chúng ta có thể kể đến cái tên Nguyễn Văn Trỗi - người thợ điện ở thành phố Sài Gòn hoa lệ, vẫn không chút mảy may xao động bởi cuộc sống hào nhoáng, những thủ đoạn lọc lừa xảo trá. Anh chọn cho mình con đường Cách mạng, chấp nhận chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng mà mình theo đuổi…
Con người cần phải hiểu được rằng cần phải giữ được nhân cách cao đẹp dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Có thể thấy đây là một lời khuyên giàu giá trị, ngay cả trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh. Họ có lối sống lệch lạc, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Điều đó thật đáng lên án và tránh xa.
Với một người học sinh, chúng tôi luôn ý thức trách nhiệm rèn luyện phẩm chất, đạo đức tốt đẹp. Việc học tập phải luôn được đặt lên đầu tiên, để từ đó xây dựng một con đường tương lai vững chắc.
Dù trải qua thời gian, nhưng tục ngữ vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa. Và câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” cũng như vậy.
Viết bài văn nghị luận về một câu tục ngữ - Mẫu 2
Người xưa thường đúc kết kinh nghiệm trong những câu tục ngữ. Tuy ngắn gọn, nhưng tục ngữ lại chứa đựng bài học sâu sắc. Và câu “Tiên học lễ, hậu học văn” cũng là một trong số đó.
Câu tục ngữ có hai vế. Trong vế thứ nhất, “tiên” là có nghĩa là ban đầu, còn “lễ” là những lễ nghi hay hiểu đơn giản là cách cư xử của mỗi người trong cuộc sống. Ý nói rằng việc đầu tiên cần phải của con người đó là học cách lễ nghĩa, cách cư xử với những người xung quanh. Còn ở vế câu thứ hai, “hậu” có nghĩa là sau, “văn” là vốn kiến thức có được trong các môn học hay bên ngoài xã hội. Ý nói rằng việc sau đó là học kiến thức. Như vậy, câu tục ngữ muốn những kiến thức.
Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam vốn coi trọng lễ nghi. Học “lễ” có nghĩa là học cách ứng xử và hành động sao cho chuẩn mực, phù hợp. Khi còn nhỏ, chúng ta được dạy cách nói năng, ăn uống hay đi đứng: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Đến khi lớn lên, chúng ta lại học cách ứng xử như kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo… Sau khi học hỏi được những lễ nghi đó thì mới học đến những kiến thức văn hóa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng về đạo đức. Bác là một nhân cách lớn. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Người vẫn luôn chú ý đến việc rèn luyện đạo đức cá nhân, tu dưỡng tâm chí. Như vậy, việc rèn luyện đạo đức, phép tắc là vô cùng quan trọng. Đạo đức là nguồn gốc con người, những việc làm tốt sẽ tạo nên thói quen tốt. Đầu tiên cần học lễ nghĩa để làm người tốt, sau đó mới học kiến thức để làm người hiểu biết.
Tóm lại, câu “Tiên học lễ, hậu học văn” tuy ngắn gọn nhưng giàu ý nghĩa. Chúng ta cần tích cực học lễ nghĩa, cũng như kiến thức để hoàn thiện bản thân ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.