Văn mẫu lớp 10: Thuyết trình về việc nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác Dàn ý + 2 bài thuyết trình về một vấn đề xã hội
Văn mẫu lớp 10: Thuyết trình về vấn đề nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác mang đến gợi ý cách viết kèm theo 2 mẫu thuyết trình cực hay. Qua đó giúp các bạn học sinh tham khảo, trình bày trước người nghe những ý kiến nhận xét, đánh giá, bàn luận, .. của em về vấn đề đỗ lỗi cho người khác tự tin trước lớp.
Để viết bài thuyết trình vấn đề nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác được hay các em cần xác định thời lượng thuyết trình và đối tượng người nghe để lựa chọn nội dung, cách trình bày phù hợp. Sử dụng ngôn ngữ kết hợp với nét mặt, ánh mắt, giọng điệu, phù hợp với nội dung bài thuyết trình. Vậy dưới đây là 2 bài mẫu thuyết trình về vấn đề nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác mời các bạn lớp 10 theo dõi.
Thuyết trình về vấn đề nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác hay nhất
Dàn ý thuyết trình vấn đề nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác
1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận: Nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác
2. Thân bài:
- Giải thích; “nhận lỗi”, “đổ lỗi”
- Biểu hiện của hiện tượng
- Nguyên nhân của hiện tượng
- Hậu quả
- Giải pháp khắc phục
- Phê phán
- Bài học nhận thức
3. Kết bài: Khẳng định và đánh giá khái quát lại vấn đề.
Suy nghĩ của em về vấn đề nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác
Em xin kính chào cô và các bạn! Sau đây em xin phép đại diện cho nhóm ba lên thuyết trình trước lớp về vấn đề: "Nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác".
Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng đã từng mắc phải sai lầm, vậy các bạn sẽ làm gì trong trường hợp đó? Các bạn sẽ dũng cảm đối diện với sự thật và nhận lỗi hay trở thành một kẻ hèn nhát đổ tội cho người khác vì không muốn mọi người phán xét mình? Mình nghĩ rằng tất cả các bạn ngồi đây đã hơn một lần tự biến mình thành kẻ hèn nhát. Mình cũng giống như các bạn, đã từng trở nên nhu nhược như thế. Trong cuộc sống, không ít người vẫn đang tự biến mình thành người giống vậy. Thay vì chịu trách nhiệm trước hành động của bản thân, họ luôn đổ thừa cho hoàn cảnh và những người xung quanh. Câu cửa miệng của họ mỗi khi bị người khác hỏi về lỗi lầm của mình là "Tại vì...", tại thế nọ, tại thế kia. Đó chính là sự dối trá và thiếu lòng tự trọng với bản thân cũng như thiếu sự tôn trọng đối với người khác.
Vậy các bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao bản thân cũng như mọi người lại sẵn sàng nói dối, đổ lỗi cho người khác để bao biện cho mình hay chưa? Theo mình, nguyên nhân xuất phát từ việc mỗi người không thể tìm được phương án giải quyết cho các vấn đề mà mình gặp phải. Chúng ta sẵn sàng phủi bỏ trách nhiệm và chuyển nó sang người khác để không phải gánh vác, xử lý hậu quả vấn đề. Ngoài ra, nó còn cho thấy sự nhận thức yếu kém về bản thân cũng như khả năng đối mặt với sự thật.
Lâu dần, chúng ta sẽ hình thành một thói quen xấu là đổ lỗi cho người khác, tự ru ngủ để bảo vệ cho cái "tôi" mỏng manh của chính mình. Đổ lỗi cho người khác một cách thường xuyên sẽ khiến bạn đánh mất đi khả năng chịu trách nhiệm cho mọi chuyện; không giữ được vị thế trong mắt mọi người; không thể trưởng thành, học hỏi từ những vấp ngã, sai lầm trong cuộc sống.
Đó là lý do vì sao chúng ta phải thay đổi mỗi ngày. Khi dám thay đổi, bạn sẽ có một tâm thế thoải mái, giải thoát bản thân khỏi những lo lắng hoặc lỗi cư xử chưa phù hợp. Hơn nữa, bạn sẽ nhìn nhận được khả năng của bản thân đối với hoàn cảnh hiện tại và trong những tình huống sắp tới. Phát huy được những điều này, bạn sẽ dần từ bỏ được thói quen đổ lỗi lên ai đó vì hành động của mình.
Mình mong rằng các bạn ngồi đây sẽ có được những nhận thức đúng đắn về hậu quả của việc đổ lỗi cho người khác để tự sửa đổi, rèn luyện mình mỗi ngày. Chỉ khi làm được điều đó, cuộc sống của chúng ta mới trở nên tươi đẹp, tràn đầy ý nghĩa!
Phần thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe! Em xin chân thành cảm ơn.
Thuyết trình suy nghĩ của em về việc nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác
Em xin kính chào cô và các bạn! Sau đây em xin phép đại diện cho nhóm hai lên thuyết trình trước lớp về vấn đề: "Nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác".
Một trong những tư duy của người thành công là tự nhận trách nhiệm về mình, tránh trách móc, đổ lỗi cho người khác.
Phần lớn chúng ta ít nhiều đều có khuynh hướng đổ lỗi lên người khác cho những thiếu sót, những hạn chế trong việc nuôi dạy con, trong việc làm kinh tế gia đình, trong sự thăng tiến công việc,... của chính mình. Chẳng hạn, nếu con bạn có khuyết điểm gì đó thì bạn sẽ đổ lỗi cho chồng (hoặc vợ) bạn. Một ông chồng thấy đứa con học kém, không nghe lời người lớn thì đổ lỗi cho vợ mình như: Tại cô hay bênh con, ít quan tâm đến con nên nó mới thế đấy... hay nặng hơn là đổ lỗi cho ông bà ngoại, cho họ hàng bên vợ: Cái gen bên nhà cô thế đấy, bên nhà tôi ai cũng học giỏi và tính tình vui vẻ,... Thậm chí còn đổ lỗi cho nhà trường, cho cô giáo chủ nhiệm, cho ngành giáo dục,...
Số đông chúng ta đều tự nhận về mình những điều hay, điều tốt là do công sức của mình, do "gen nhà mình",... Chẳng hạn, con học giỏi là do tôi chỉ bảo cho con nhiều, do gen bên nhà tôi, con xinh đẹp là do con giống tôi,.... Rất ít người tự nhận trách nhiệm về mình khi gặp một sự cố, một sự thiếu sót nào đó. Số đông luôn tự nhận mình là tốt rồi, những điều chưa tốt là do người khác và không có trách nhiệm gì về những việc tiêu cực đó cả.
Nếu con trẻ chúng ta sống trong môi trường có bố luôn đổ lỗi cho mẹ và ngược lại, mẹ luôn đổ lỗi cho bố, mỗi người chỉ nhận những cái hay cái tốt về mình thì rồi các con cũng sẽ như thế. Những đứa trẻ sống trong môi trường này sẽ chẳng bao giờ tìm ra giải pháp mà cứ mải tìm cách đổ lỗi cho người khác. Đầu óc chúng sẽ chỉ chất chứa sự oán trách, thù hằn và vô vọng, sẽ mất đi sự sáng suốt để có sự chọn lựa khôn ngoan. Đổ lỗi cho người khác còn có nghĩa là bào chữa cho sự thiếu trách nhiệm của riêng ta.
Nhưng, nếu không nhận trách nhiệm về mình, luôn đổ lỗi cho người khác thì sẽ không bao giờ hoàn thiện được bản thân mình, không tiến bộ lên được, không hạn chế được những điều tiêu cực xảy ra và hạn chế những thành công trong tương lai của đứa trẻ.
Vì vậy, để giúp con, rèn cho con mình biết cách chịu trách nhiệm với việc chúng làm, cha mẹ hãy luôn có thái độ sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình để làm gương cho trẻ. Chẳng hạn, khi con bị điểm kém, bị thầy cô phê bình, bố mẹ hãy nói với thầy cô giáo của con rằng: “Đó là lỗi của tôi”, hoặc nói với con rằng “Đó là lỗi của bố/mẹ...”, sau đó, hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và giúp con tiến bộ. Trong trường hợp này nếu bố/mẹ về nhà lại trách mắng con, đổ lỗi cho con là “lười học, ngu, dốt, ...” thì kết quả có khi lại xấu hơn...
Còn nhớ, lúc con tôi học lớp 2, có một hôm do cháu không nhớ thời khóa biểu có tiết học thuộc lòng vào ngày hôm sau, nên khi đến lớp con không thuộc bài. Bị cô giáo cho điểm kém, về đến nhà con lo sợ lắm, nhưng tôi nói luôn: “Đó là lỗi của mẹ” và sau đó hai mẹ con ngồi với nhau nói chuyện rất lâu, giúp con giải tỏa tâm lí lo sợ và con cũng tự nhận: "Đó là lỗi của con, lần sau con sẽ cẩn thận hơn và có kế hoạch học sớm hơn để học hết bài cô giáo giao về nhà".
Điều đặc biệt tránh là bố mẹ không nên đổ lỗi cho nhau hoặc đổ lỗi, chê trách thầy cô giáo, đổ lỗi cho ông bà, ... trước mặt con cái. Mỗi người cần nhớ rằng khi các con chúng ta còn nhỏ thì trách nhiệm dạy dỗ con cái là thuộc về chúng ta, vì vậy mỗi sơ suất của con cái, hoặc của các thành viên trong gia đình đều có phần trách nhiệm của các thành viên còn lại.
Nếu ai cũng tự nhận một phần trách nhiệm về mình thì mọi rắc rối sẽ trở nên rất đơn giản, khi đó mọi thành viên trong một gia đình, một cộng đồng, một cơ quan, đơn vị, ... sẽ thân thiện với nhau hơn. Người tự nhận trách nhiệm cũng là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây là mẫu của những người chủ, những người lãnh đạo...
Vì vậy, hơn hết, bất luận việc gì xảy ra mỗi người hãy tự nhận một phần trách nhiệm về mình, tránh trách móc, đổ lỗi cho người khác.
Phần thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe! Em xin chân thành cảm ơn.