Thông tư 107/2018/TT-BTC Quyết toán vốn đầu tư dự án đầu tư công
Ngày 15/11/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 107/2018/TT-BTC quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các Cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài.
Theo quy định này, việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các Cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Việc tạm ứng, thanh toán vốn cho các dự án đầu tư được căn cứ theo hợp đồng đã ký kết, phù hợp với pháp luật Việt Nam và nước sở tại.
- Bộ, ngành quản lý thay mặt chủ đầu tư giao dịch thanh toán vốn đầu tư với Kho bạc Nhà nước; Kho bạc Nhà nước thanh toán cho các dự án theo đề nghị của Bộ quản lý…
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 107/2018/TT-BTC | Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2018 |
THÔNG TƯ 107/2018/TT-BTC
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG CỦA CƠ QUAN ĐẠI DIỆN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI VÀ CÁC CƠ QUAN KHÁC CỦA VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm;
Căn cứ Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;
Căn cứ Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ Quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 104/2018/NĐ-CP ngày 8 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, số 136/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công và số 161/2016/NĐ-CP ngày 2 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Nghị định số 117/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với hoạt động đối ngoại;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đầu tư;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các Cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định các nội dung về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các Cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài) theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 117/2017/NĐ-CP ngày 19/10/2017 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại, gồm các dự án mua, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở vật chất; các dự án đầu tư thuê nhà, đất dài hạn (trên 30 năm) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở, nhà ở của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
2. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, thanh toán, quyết toán các dự án đầu tư xây dựng của các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng của các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài sử dụng các nguồn vốn khác khuyến khích vận dụng những nguyên tắc thanh toán theo quy định tại Thông tư này.
Điều 2. Nguyên tắc quản lý
1. Việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công của các dự án đầu tư xây dựng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện theo quy định cụ thể tại Thông tư này. Đối với những nội dung quản lý, thanh toán, quyết toán không được quy định tại Thông tư này được thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
2. Việc tạm ứng và thanh toán vốn cho các dự án đầu tư của các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài tại nước ngoài được căn cứ theo hợp đồng đã ký kết, phù hợp với quy định của pháp luật nước sở tại và các quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Bộ, ngành quản lý (sau đây gọi chung là Bộ quản lý) thay mặt chủ đầu tư giao dịch thanh toán vốn đầu tư với Kho bạc Nhà nước. Kho bạc Nhà nước thanh toán cho các dự án theo đề nghị của Bộ quản lý.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Kiểm tra phân bổ vốn đầu tư hằng năm
Việc kiểm tra phân bổ kế hoạch vốn đầu tư các dự án đầu tư xây dựng của các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài sử dụng vốn ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định về Kiểm tra phân bổ vốn đầu tư tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24/5/2018 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Thông tư số 108/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính.
(Mẫu biểu phân bổ kế hoạch vốn theo phụ lục số 01 ban hành kèm theo thông tư này).
Sau khi kế hoạch vốn được phê duyệt, Bộ quản lý có trách nhiệm nhập vào chương trình TABMIS kể cả trường hợp sử dụng Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 4. Mở tài khoản
1. Bộ quản lý (hoặc chủ đầu tư nếu chủ đầu tư trong nước) mở tài khoản để thanh toán vốn cho dự án tại Kho bạc Nhà nước.
2. Việc mở tài khoản thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ mở và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
Điều 5: Hồ sơ pháp lý gửi một lần của dự án
Để phục vụ cho công tác quản lý, thanh toán vốn, Bộ quản lý gửi đến Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản thanh toán các tài liệu cơ sở của dự án (các tài liệu này là bản chính hoặc bản sao y bản chính có dấu của Bộ quản lý xác nhận, chỉ gửi một lần cho đến khi dự án kết thúc đầu tư, trừ trường hợp phải bổ sung, điều chỉnh), bao gồm:
1. Đối với vốn chuẩn bị đầu tư:
a) Quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư và dự toán chuẩn bị đầu tư của cấp có thẩm quyền;
b) Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định;
c) Hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu.
2. Đối với vốn thực hiện đầu tư:
a) Dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa cải tạo:
- Quyết định phê duyệt dự án đầu tư (hoặc Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với dự án chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật) của cấp có thẩm quyền, các quyết định điều chỉnh dự án (nếu có);
- Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; Riêng đối với trường hợp tự thực hiện: văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép tự thực hiện dự án (trường hợp chưa có trong quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền);
- Hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu hoặc nhà cung cấp và các tài liệu kèm theo hợp đồng như: phụ lục hợp đồng, điều kiện riêng, điều kiện chung liên quan đến việc tạm ứng, thanh toán hợp đồng, hợp đồng bổ sung, điều chỉnh (nếu có); Riêng đối với trường hợp tự thực hiện: văn bản giao việc hoặc hợp đồng giao khoán nội bộ;
- Dự toán và quyết định phê duyệt dự toán của cấp có thẩm quyền đối với trường hợp chỉ định thầu hoặc tự thực hiện và các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng (trừ dự án chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật).
b) Dự án mua nhà, đất để làm trụ sở và nhà ở:
- Quyết định phê duyệt dự án đầu tư (hoặc Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với dự án chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật) của cấp có thẩm quyền, các quyết định điều chỉnh dự án (nếu có);
- Bản thỏa thuận nguyên tắc về việc mua bán nhà, đất làm căn cứ thanh toán tiền đặt cọc (nếu có);
- Hợp đồng mua bán nhà, đất;
- Giấy bảo lãnh tiền đặt cọc (nếu trong hợp đồng có quy định phải đặt cọc).
c) Đối với dự án gồm cả mua nhà, đất và xây dựng mới, sửa chữa cải tạo: các tài liệu cơ sở bao gồm cả hai loại dự án nói trên.
d) Các dự án đầu tư thuê nhà, đất dài hạn (trên 30 năm) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng:
- Quyết định phê duyệt dự án đầu tư (hoặc Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với dự án chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật) của cấp có thẩm quyền, các quyết định điều chỉnh dự án (nếu có);
- Bản thoả thuận nguyên tắc về việc thuê nhà, đất làm căn cứ thanh toán tiền đặt cọc (nếu có);
- Hợp đồng thuê nhà, đất;
- Giấy bảo lãnh tiền đặt cọc (nếu trong hợp đồng có quy định phải đặt cọc);
- Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; Riêng đối với trường hợp tự thực hiện: văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép tự thực hiện dự án (trường hợp chưa có trong quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền);
- Hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu hoặc nhà cung cấp và các tài liệu kèm theo hợp đồng như: phụ lục hợp đồng, điều kiện riêng, điều kiện chung liên quan đến việc tạm ứng, thanh toán hợp đồng, hợp đồng bổ sung, điều chỉnh (nếu có); Riêng đối với trường hợp tự thực hiện: văn bản giao việc hoặc hợp đồng giao khoán nội bộ;
- Dự toán và quyết định phê duyệt dự toán của cấp có thẩm quyền đối với từng công việc, hạng mục công trình, công trình đối với trường hợp chỉ định thầu hoặc tự thực hiện và các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng (trừ dự án chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật).
Điều 6. Tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng
Việc tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng các dự án đầu tư xây dựng của các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện theo nội dung về tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được quy định tại các Thông tư của Bộ Tài chính: số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016, số 108/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 và số 52/2018/TT-BTC ngày 24/5/2018.
Đối với các hợp đồng xây dựng được ký kết tại nước ngoài, trường hợp hợp đồng xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật nước sở tại và có các quy định khác với quy định của pháp luật Việt Nam về tạm ứng, thu hồi vốn tạm ứng, bảo lãnh tạm ứng hợp đồng thì thực hiện theo hợp đồng đã ký.
Đối với từng trường hợp cụ thể có tính chất đặc thù cần tạm ứng ở mức cao hơn mức quy định, Kho bạc Nhà nước thực hiện tạm ứng theo đề nghị của Bộ quản lý nhưng không vượt kế hoạch vốn được giao trong năm của dự án.
Đối với từng trường hợp cụ thể có tính chất đặc thù cần tạm ứng khi chưa có đủ chứng từ tạm ứng theo quy định tại Thông tư này do quy định của nước sở tại, Bộ quản lý có văn bản giải trình gửi Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến.
Bộ quản lý có văn bản đề nghị tạm ứng vốn cho từng nội dung công việc (ghi rõ số tiền, tài khoản, đơn vị thụ hưởng). Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư của Bộ quản lý được thực hiện theo phụ lục số 05 kèm theo.
Điều 7. Thanh toán khối lượng hoàn thành
1. Đối với các công việc được thực hiện thông qua hợp đồng xây dựng, việc thanh toán hợp đồng phải phù hợp với loại hợp đồng, giá hợp đồng và các điều kiện trong hợp đồng. Số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán, thời hạn thanh toán, hồ sơ thanh toán và điều kiện thanh toán phải được quy định rõ trong hợp đồng. Chủ đầu tư có trách nhiệm tuân thủ các điều kiện áp dụng các loại giá hợp đồng theo quy định hiện hành của nhà nước.
Đối với các hợp đồng được ký kết tại nước ngoài, trường hợp hợp đồng xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật nước sở tại và có các quy định khác với quy định của pháp luật Việt Nam thì việc thanh toán được thực hiện theo hợp đồng đã ký.
2. Khi có nhu cầu thanh toán vốn đầu tư, chủ đầu tư gửi Bộ quản lý các tài liệu bao gồm:
a) Đối với dự án xây dựng mới, sửa chữa cải tạo:
- Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng (phụ lục số 02A; 02B kèm theo Thông tư này hoặc theo mẫu xác định khối lượng được thống nhất tại hợp đồng đối với trường hợp hợp đồng tại nước ngoài).
- Giấy đề nghị thanh toán của chủ đầu tư - phụ lục số 04 kèm theo;
- Khi có khối lượng phát sinh ngoài phạm vi hợp đồng ban đầu, chủ đầu tư gửi Bảng xác định giá trị khối lượng phát sinh đề nghị thanh toán có xác nhận của đại diện bên giao thầu và đại diện bên nhận thầu (phụ lục số 03 kèm theo Thông tư này hoặc theo mẫu xác định khối lượng phát sinh được thống nhất tại hợp đồng đối với trường hợp hợp đồng tại nước ngoài).
b) Đối với dự án mua nhà, đất hoặc thuê nhà, đất dài hạn (trên 30 năm): Việc thanh toán (gồm cả thanh toán tiền đặt cọc, nếu có) được thực hiện theo hợp đồng mua bán, thuê nhà, đất. Chủ đầu tư gửi Bộ quản lý Giấy đề nghị thanh toán của chủ đầu tư.
c) Đối với dự án gồm cả mua nhà, đất và xây dựng mới, sửa chữa cải tạo: tài liệu thanh toán bao gồm cả hai loại dự án nói trên.
3. Trên cơ sở các tài liệu được chủ đầu tư cung cấp nêu trên, Bộ quản lý lập hồ sơ đề nghị thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước, bao gồm:
a) Giấy đề nghị thanh toán vốn của Bộ quản lý cho từng nội dung công việc (ghi rõ số tiền, tài khoản, đơn vị thụ hưởng);
b) Đối với dự án xây dựng mới, sửa chữa cải tạo, hồ sơ đề nghị thanh toán kèm theo:
- Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng (phụ lục số 02A; 02B kèm theo Thông tư này hoặc theo mẫu xác định khối lượng được thống nhất tại hợp đồng đối với trường hợp hợp đồng tại nước ngoài).
- Bảng xác định giá trị khối lượng phát sinh đề nghị thanh toán có xác nhận của đại diện bên giao thầu và đại diện bên nhận thầu (phụ lục số 03 kèm theo Thông tư này hoặc theo mẫu xác định khối lượng phát sinh được thống nhất tại hợp đồng đối với trường hợp hợp đồng tại nước ngoài) khi có khối lượng phát sinh ngoài phạm vi hợp đồng ban đầu.
c) Khi cần thanh toán bằng nội tệ (VNĐ): Bộ quản lý lập Giấy rút vốn đầu tư (theo mẫu quy định của Kho bạc Nhà nước).
d) Khi cần thanh toán bằng ngoại tệ, Bộ quản lý lập Giấy rút dự toán ngân sách bằng ngoại tệ (theo mẫu quy định của Kho bạc Nhà nước).
đ) Chứng từ chuyển tiền khác (nếu có).
4. Đối với các công việc được thực hiện không thông qua hợp đồng, trên cơ sở Bảng kê giá trị khối lượng công việc hoàn thành do chủ đầu tư lập, Bộ quản lý lập hồ sơ đề nghị thanh toán gửi Kho bạc nhà nước. Hồ sơ thanh toán vốn được thực hiện theo Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính.
5. Kiểm tra, thanh toán tại Kho bạc Nhà nước:
Căn cứ hồ sơ đề nghị thanh toán của Bộ quản lý, căn cứ kế hoạch vốn đã được giao hằng năm của dự án; căn cứ các hồ sơ, tài liệu của dự án, trong vòng 4 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Kho bạc Nhà nước thực hiện công tác kiểm soát thanh toán vốn cho dự án theo quy định.
Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát thanh toán theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần thanh toán và “kiểm soát trước, thanh toán sau” đối với lần thanh toán cuối cùng của hợp đồng. Căn cứ vào nguyên tắc này, Kho bạc Nhà nước hướng dẫn cụ thể phương thức kiểm soát thanh toán trong hệ thống Kho bạc Nhà nước, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, nhà thầu và đúng quy định của Nhà nước. Tổng số vốn tạm ứng, thanh toán trong năm không vượt kế hoạch vốn được giao hằng năm của dự án.
Trường hợp phát hiện hồ sơ chưa đảm bảo theo quy định, chậm nhất trong vòng 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị thanh toán, Kho bạc Nhà nước có văn bản thông báo cho Bộ quản lý để hoàn thiện hồ sơ.
6. Thanh toán bằng ngoại tệ:
Nếu chủ đầu tư cần thanh toán cho nhà thầu hoặc người bán, cho thuê nhà, đất bằng ngoại tệ thì thực hiện như sau:
a) Trường hợp không thanh toán ngoại tệ từ Quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước, Bộ quản lý hoặc chủ đầu tư chủ động sử dụng số tiền đã được Kho bạc Nhà nước tạm ứng, thanh toán để mua ngoại tệ từ ngân hàng để thanh toán cho đơn vị thụ hưởng. Nếu mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước tạm ứng, thanh toán chuyển tiền vào tài khoản của ngân hàng thương mại mà Bộ quản lý đã ký hợp đồng với ngân hàng thương mại để mua ngoại tệ cho dự án.
b) Trường hợp cần thanh toán ngoại tệ từ Quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước:
- Trên cơ sở kế hoạch vốn và nhu cầu chi ngoại tệ trong năm của các dự án thuộc phạm vi quản lý, Bộ quản lý lập bảng tổng hợp phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm bằng đồng Việt Nam có quy ra đôla Mỹ theo tỷ giá do Bộ Tài chính quy định tại thời điểm giao kế hoạch và không được vượt kế hoạch vốn được giao hằng năm, gửi Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước.
(Mẫu biểu kế hoạch chi ngoại tệ theo phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này).
- Khi cần thanh toán bằng ngoại tệ, Bộ quản lý lập Giấy rút dự toán ngân sách bằng ngoại tệ gửi Kho bạc Nhà nước (mẫu biểu số C2-06/NS kèm theo Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán Ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước).
- Riêng đối với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được sử dụng Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để thanh toán vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt thông qua thông báo của Bộ Ngoại giao. Khi cần chi ngoại tệ tại quỹ này, lập 02 liên Giấy rút vốn đầu tư kiêm ghi thu ngân sách nhà nước (dùng trong trường hợp chi từ Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) do Bộ Tài chính quy định gửi Kho bạc Nhà nước.
c) Kho bạc Nhà nước cấp ngoại tệ theo đề nghị của Bộ quản lý, cụ thể:
- Trường hợp chi từ Quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước: Kho bạc Nhà nước căn cứ vào phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm bằng đồng Việt Nam có quy ra đôla Mỹ do Bộ quản lý gửi từ đầu năm và Giấy rút dự toán ngân sách bằng ngoại tệ của Bộ quản lý theo quy định nói trên, xuất Quỹ ngoại tệ tập trung để thanh toán.
- Trường hợp sử dụng Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài: Kho bạc Nhà nước căn cứ vào phân bổ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm bằng đồng Việt Nam có quy ra đôla Mỹ do Bộ quản lý gửi từ đầu năm và các liên chứng từ mà Bộ Ngoại giao đã gửi theo quy định trên đây, thực hiện kiểm tra các yếu tố, ký trên các liên chứng từ và xử lý như sau: sử dụng liên số 1 “Giấy rút vốn đầu tư kiêm ghi thu ngân sách nhà nước” để ghi thu ngân sách “Tiền lệ phí lãnh sự hoặc các khoản thu khác ở nước ngoài” và hạch toán ghi chi cho Bộ Ngoại giao (tương ứng chương, khoản, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước). Các liên còn lại trả lại Bộ Ngoại giao để Bộ Ngoại giao hạch toán và thông báo cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trích Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để sử dụng.
Điều 8. Chế độ báo cáo
1. Đối với các chủ đầu tư, các Bộ quản lý: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 82/2017/TT-BTC ngày 15/8/2017 của Bộ Tài chính quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công.
2. Đối với Kho bạc Nhà nước:
a) Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Thông tư số 82/2017/TT-BTC ngày 15/8/2017 của Bộ Tài chính quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công.
b) Kết thúc năm kế hoạch, Kho bạc Nhà nước tổng hợp số liệu thanh toán vốn đầu tư báo cáo Cơ quan Tài chính đồng cấp theo quy định về quyết toán ngân sách nhà nước. Đồng thời, xác nhận số thanh toán trong năm, lũy kế số vốn thanh toán từ khởi công đến hết niên độ ngân sách nhà nước cho từng dự án do chủ đầu tư lập.
Điều 9. Quyết toán vốn đầu tư
1. Quyết toán vốn đầu tư hằng năm
Việc quyết toán vốn đầu tư hằng năm thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 85/2017/TT-BTC ngày 15/8/2017 quy định việc quyết toán tình hình sử dụng vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hằng năm).
2. Quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành
Việc quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/1/2016 hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước và Thông tư số 64/2018/TT-BTC ngày 30/7/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/1/2016 hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.
Điều 10. Trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan có liên quan
1. Đối với Cơ quan Tài chính các cấp:
a) Phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn và kiểm tra tình hình thanh toán, quyết toán vốn đầu tư các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
b) Được quyền yêu cầu Kho bạc Nhà nước, Bộ quản lý cung cấp các tài liệu, thông tin cần thiết để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tài chính đầu tư, bao gồm các tài liệu phục vụ cho công tác kiểm tra phân bổ vốn đầu tư, các tài liệu báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch và thực hiện vốn đầu tư theo quy định về chế độ thông tin báo cáo, các tài liệu phục vụ thẩm tra quyết toán vốn đầu tư theo quy định.
c) Thực hiện quy định về kiểm tra phân bổ vốn đầu tư theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.
2. Đối với Kho bạc Nhà nước:
a) Hướng dẫn Bộ quản lý mở tài khoản để được thanh toán vốn đầu tư.
b) Kiểm soát, thanh toán vốn kịp thời, đầy đủ cho dự án khi đã có đủ điều kiện và đúng thời gian quy định.
c) Có ý kiến bằng văn bản cho Bộ quản lý đối với những khoản giảm thanh toán hoặc từ chối thanh toán, trả lời các vướng mắc của Bộ quản lý trong việc thanh toán vốn.
d) Kho bạc Nhà nước kiểm soát thanh toán trên cơ sở các tài liệu do Bộ quản lý hoặc chủ đầu tư cung cấp và theo nguyên tắc thanh toán đã quy định, không chịu trách nhiệm về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu; không chịu trách nhiệm về tính chính xác đơn giá, khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán. Trường hợp phát hiện quyết định của các cấp có thẩm quyền trái với quy định hiện hành, phải có văn bản đề nghị xem xét lại và nêu rõ ý kiến đề xuất. Nếu quá thời gian quy định mà không được trả lời hoặc được trả lời mà thấy chưa phù hợp với quy định phải báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn và báo cáo Cơ quan tài chính để xem xét, xử lý.
đ) Thường xuyên đôn đốc Bộ quản lý yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng để thu hồi ngay những khoản tạm ứng quá hạn hoặc sử dụng không đúng mục đích.
e) Thực hiện chế độ thông tin báo cáo và quyết toán sử dụng vốn đầu tư theo quy định.
3. Đối với Bộ quản lý:
a) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư thuộc phạm vi quản lý thực hiện kế hoạch đầu tư, tiếp nhận và sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích, đúng chế độ Nhà nước. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ và pháp luật nhà nước về số vốn đã đề nghị tạm ứng, thanh toán của các dự án thuộc thẩm quyền quản lý.
b) Chịu trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của các hồ sơ, tài liệu, chứng từ của dự án gửi tới Cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước. Các hồ sơ tài liệu, chứng từ bằng tiếng nước ngoài khi gửi Cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước phải dịch ra tiếng Việt (hoặc lược dịch các thông tin cần thiết theo yêu cầu của Cơ quan thanh toán), là bản chính hoặc sao y bản chính có dấu của Bộ quản lý xác nhận. Trường hợp cấp bách không kịp dịch ra tiếng Việt, phải có chữ ký và dấu của Bộ quản lý chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của tài liệu.
c) Chịu trách nhiệm kiểm tra về tính chính xác của khối lượng, đơn giá và giá trị đề nghị thanh toán; đảm bảo tính hợp pháp của các số liệu, tài liệu trong hồ sơ cung cấp cho Kho bạc Nhà nước và các cơ quan chức năng của Nhà nước.
d) Hằng quý thay mặt chủ đầu tư chủ trì phối hợp với Kho bạc Nhà nước có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện tạm ứng vốn, thu hồi tạm ứng vốn.
e) Thực hiện chế độ thông tin báo cáo và quyết toán sử dụng vốn đầu tư theo quy định.
4. Đối với Chủ đầu tư:
a) Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định. Chấp hành đúng quy định của pháp luật về chế độ quản lý tài chính đầu tư.
b) Thực hiện việc nghiệm thu khối lượng, lập hồ sơ thanh toán và đề nghị thanh toán cho nhà thầu theo thời gian quy định của hợp đồng. Chịu trách nhiệm về tính chính xác của khối lượng thực hiện, đơn giá và giá trị đề nghị thanh toán; đảm bảo tính hợp pháp của số liệu, tài liệu trong hồ sơ cung cấp gửi Bộ quản lý.
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người có thẩm quyền về việc tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy định.
d) Báo cáo kịp thời, đầy đủ theo quy định cho cơ quan quyết định đầu tư và các cơ quan nhà nước có liên quan; cung cấp đủ hồ sơ, tài liệu để phục vụ cho công tác quản lý và thanh toán vốn; chịu sự kiểm tra của cơ quan quyết định đầu tư về tình hình sử dụng vốn đầu tư và chấp hành chính sách, chế độ tài chính đầu tư của Nhà nước.
đ) Thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng của các nhà thầu, phải kiểm tra trước, trong và sau khi thực hiện tạm ứng vốn cho các nhà thầu.
e) Tiếp nhận và sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích, đúng chế độ Nhà nước; Thực hiện chế độ thông tin báo cáo và quyết toán sử dụng vốn đầu tư theo quy định.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11: Xử lý chuyển tiếp
Các hợp đồng đã ký và đang thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì việc thanh toán, quyết toán vốn đầu tư của các dự án đầu tư xây dựng của các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được tiếp tục thực hiện theo các quy định trước đây.
Điều 12. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 thay thế Thông tư số 120/2008/TT-BTC ngày 9/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thanh toán, quyết toán vốn đầu tư của các dự án đầu tư xây dựng của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài.
2. Trong quá trình thực hiện, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì sẽ áp dụng theo các văn bản mới đó.
3. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |