Phân tích bài thơ Bến đò ngày mưa của Anh Thơ Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ lớp 10
Phân tích bài thơ Bến đò ngày mưa của Anh Thơ mang đến bài văn mẫu cực hay, ấn tượng nhất. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao kỹ năng viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ hay.
Bến đò ngày mưa của Anh Thơ gợi tả quang cảnh của một bến đò trong ngày mưa. Qua việc khắc họa bức tranh cảnh vật và con người nơi bên đò. Để hiểu rõ hơn về bài thơ mời các bạn cùng theo dõi bài văn mẫu phân tích Bến đò ngày mưa trong bài viết dưới đây. Ngoài ra các bạn xem thêm bài văn mẫu: phân tích bài thơ Vịnh năm canh, phân tích bài thơ Chỉ có thể là mẹ của Đặng Minh Mai.
Phân tích Bến đò ngày mưa của Anh Thơ
Thơ ca là tri thức đầu tiên và cuối cùng, nó bất diệt như trái tim con người (William Wordsworth). Thật vậy, thơ là tiếng nói của tình cảm xuất phát từ những rung cảm của trái tim với cuộc đời của người nghệ sĩ. Đến với Bến đò ngày mưa của Anh Thơ là đến với nỗi buồn của một hồn thơ trước cảnh quê mưa dầm, một nỗi buồn lặng như bến cô đơn đang cảm nghe mưa ngoài trời hóa thành mưa trong lòng của một hồn thơ lãng mạn:
Tre rũ rượi ven bờ chen ướt át,
Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa.
Và dầm mưa dòng sông trôi rào rạt
Mặc con thuyền cắm lái đậu chơ vơ.
Trên bến vắng, đắm mình trong lạnh lẽo,
Vài quán hàng không khách đứng xo ro,
Một bác lái ghé buồm vào hút điếu
Mặc bà già sù sụ sặc hơi, ho.
Ngoài đường lội họa hoằn người đến chợ
Thúng đội đầu như đội cả trời mưa.
Và họa hoằn một con thuyền ghé chở
Rồi âm thầm bến lại lặng trong mưa.
Anh Thơ là một gương mặt hiền hòa lặng lẽ, nhưng cũng không kém vẻ tân kỳ. Chị đem lại cho Thơ mới một phong cách độc đáo, đặc biệt. Sau Tương Phố mười lăm năm, cùng các nhà thơ nữ đương thời Vân Ðài, Mộng Tuyết, Hằng Phương…, Anh Thơ đã góp phần chứng tỏ truyền thống nữ lưu văn học không hề đứt đoạn, mà càng nảy nở. Thơ của Anh Thơ hiền hoà ở cấu trúc, giọng điệu, ở bút pháp, nhưng tân kì ở những chi tiết. hình ảnh, những câu thơ rất ảo rất say. Bến đò ngày mưa dựng lại một khung cảnh bến đò nhỏ nơi làng quê vào ngày mưa. Nét vẽ thơ là nét tả thực, không bộn bề chi tiết, nhưng cũng gợi được cái hồn xưa cảnh cũ của thôn cảnh xứ Bắc thuở nào.
Cái hay của bài thơ là mỗi nét vẽ đượm thấm chất hồn nhiên của cảnh quyện lẫn với sự hồn nhiên của tâm hồn thi nhân. Bức tranh bến đò ngày mưa vì thế mà có hồn vía, có nét đẹp riêng.
Bài thơ mở ra là cảnh ven bờ, đầu bến. Trong không gian nghiêng nghiêng xa cách ấy, những tạo vật tre, chuối, dòng sông, con đò – những hình ảnh quen thuộc ở làng quê Bắc Bộ – như đang phơi mình tắm mưa.
Tre rũ rượi ven bờ chen ướt át,
Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa.
Và dầm mưa dòng sông trôi rào rạt
Mặc con thuyền cắm lái đậu chơ vơ.
Tạo vật thiên nhiên tưởng như có chung một nỗi niềm, ngỡ như sum vầy, chung cùng một tình điệu mưa, cùng dầm mưa, ướt át . Thế mà, ở chúng chẳng có sợi tơ mảnh liên hệ nào. Mọi tạo vật là một hồn đơn, có sự sống riêng. Sở dĩ cảm nhận được như vậy là nhờ nhà thơ đã cài vào thơ những từ ngữ: rũ rượi, chen, bơ phờ, trôi rào rạt, chơ vơ,… rất nghệ thuật ứng với mỗi sự vật. Tre chen chúc nhau tìm hơi ấm. Chuối bất lực đành chịu bơ phờ trong mưa giầm. Dòng sông xuôi nhanh trốn mưa bỏ mặc con đò trơ vơ dưới mưa. Phải có con mắt tinh tế mới khám phá được nét riêng của tạo vật, mới cấp cho chúng một nét đẹp tâm hồn như thế.
Cảnh đầu bến ven bờ là vậy. Còn cảnh bến đò, trung tâm của bức tranh càng vắng lặng hơn trong mưa lạnh.
Trên bến vắng, đắm mình trong lạnh lẽo,
Vài quán hàng không khách đứng co ro.
Một bác lái ghé buồm vào hút điếu
Mặc bà hàng sù sụ sặc hơi, ho.
Không gian thơ đã có sự chuyển dịch từ sông đến bến, từ mưa đến lạnh, từ bến vắng đến quán nghèo và hẹp. Đắm mình trong không gian ấy là những quán hàng ế khách đang co ro vì lạnh và hai con người với hai hoạt động “thù nghịch” nhau, nối kết nhau. Ba hình ảnh vừa gợi được cái lạnh của mưa, vừa gợi được không khí vắng lặng của bến đò vừa gợi được sự ấm áp của lòng người. Giả như khổ thơ không có âm thanh rít lên của điếu thuốc lào, tiếng họ sù sụ vì sặc khói thuốc của bà hàng thì có lẽ thơ cũng chỉ như quán hàng không khách đứng co ro mà thôi. Thơ lúc ấy chỉ là thơ mặt phẳng, đâu còn là thơ sự sống ba chiều.Mạch thơ như mở rộng ra. Không gian ngoại vi bến đò đã có phần đông người hơn.
Ngoài đường lội họa hoằn người đến chợ
Thúng đội đầu như đội cả trời mưa
Và hoạ hoằn một con thuyền ghé chở
Rồi âm thầm bến lại lặng trong mưa.
Khổ thơ có hai nét cảnh với hai không gian con đường và bến sông. Hai không gian gợi sự chuyển vận, gợi sự sống của con người. Thế nhưng, sức sống ở làng quê cũng chỉ là hoạ hoằn người, hoạ hoằn thuyền (một hoán dụ nghệ thuật) đứt quãng để lại những khoảng hở lạnh giữa đất trời và trong lòng người.
Hai câu đầu vẽ ra không gian con đường ướt sũng nước mưa lầy lội. Trên con đường đó, những người dân quê thưa thớt đến chợ quê. Cảnh chẳng có chút gì vui. Cuộc sống người dân quê ngày xưa là thế. Người dân quê với những phiên chợ nghèo trong những ngày tạnh ráo đã buồn rồi huống hồ là phiên chợ ngày mưa ! Thế nên, con người có rời rạc đến phiên chợ buồn cũng chẳng có gì là lạ. Anh Thơ hẳn đã sống sâu với người dân quê mới có được một câu thơ thực đến thế. Nhưng nữ sĩ là một nhà thơ lãng mạn nên hình ảnh thơ từ cõi thực đã bay vào cõi ảo: Thúng đội đầu như đội cả trời mưa. Một câu thơ đẹp đến say người. Câu thơ như là một nút nhấn trong một bản đàn cung trầm. Câu thơ đẹp nhờ một lối so sánh đẹp. Người dân quê nghèo nhưng tâm hồn cũng dào dạt chất thơ.
Hai câu kết là không gian bến sông, nhưng thực ra là cả dòng sông dài qua hoạt động của thuyền đến đổ bến rồi ra đi. Nhà thơ đã lấy động để nói tĩnh gợi được cái vắng của sông: hoạ hoằn con thuyền đến chở và cái lặng của bến lại lặng trong mưa. Bài thơ mở ra là ven bờ, đậu bến và khép lại với hình ảnh bến âm thầm lặng trong mưa. Bài thơ như vậy là có một cái tứ xuyên suốt: nỗi buồn của một hồn thơ trước cảnh quê mưa dầm, một nỗi buồn lặng như bến cô đơn đang cảm nghe mưa ngoài trời hóa thành mưa trong lòng của một hồn thơ lãng mạn.
Bến đò ngày mưa có cấu trúc chặt chẽ, chi tiết bình thường đã được nhà thơ thổi vào đấy sức sống mới nên có sức hấp dẫn riêng. Bài thơ tái hiện không khí vắng vẻ, ngưng đọng cũ kĩ ở chốn quê một thời đã qua, nên có thể xem bài thơ như là một chứng tích văn hoá của quê hương Việt một thời đã qua, nhưng lại là một thời để nhớ, để yêu. Đó là điều đáng trân trọng của hồn thơ Anh Thơ.