Nghị luận xã hội về đừng sợ vấp ngã (Dàn ý + 5 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 12
Nghị luận xã hội về đừng sợ vấp ngã bao gồm gợi ý cách viết kèm theo 5 mẫu khác nhau cực hay. Qua bài văn nghị luận về không sợ vấp ngã giúp các bạn có thể tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội hay hơn.
TOP 5 bài văn nghị luận không sợ vấp ngã được viết rất rõ ràng dễ hiểu. Qua đó giúp các bạn nhanh chóng nắm bắt kiến thức và cũng là tiết kiệm thời gian cho việc tìm kiếm. Từ đó khi gặp những dạng bài tương tự, các em học sinh dễ dàng xác định dạng bài và cách triển khai chính xác. Bên cạnh đó để nâng cao kỹ năng viết văn nghị luận xã hội các bạn xem thêm: nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh, nghị luận về hiện tượng nghiện Tiktok của giới trẻ hiện nay.
Nghị luận xã hội đứng dậy sau vấp ngã
Dàn ý nghị luận về không sợ vấp ngã
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: không sợ vấp ngã.
2. Thân bài
a. Giải thích
“Không sợ vấp ngã” có thể hiểu dám đối đầu với mọi khó khăn, thử thách gây cản trở, làm khó dễ cho bản thân; dám lao vào làm những điều mà người khác e sợ.
b. Phân tích
- Biểu hiện của người không sợ vấp ngã:
- Dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách mà không hề sợ sệt, ngại ngùng.
- Khi gặp khó khăn trong cuộc sống luôn cố gắng vươn lên, càng khó khăn càng kiên cường bước tiếp.
- Đứng trước việc người khác dè dặt, sợ sệt không dám làm thì bản thân dám xông xáo vào làm những việc đó.
- Lợi ích, ý nghĩa của việc không sợ vấp ngã:
- Khi dám làm những việc mà người khác không dám làm, con người ta sẽ đạt được những thành quả mà người khác không thể đạt được.
- Người không sợ vấp ngã là người có đức tính tốt đẹp, đây cũng là người có tinh thần thép, mạnh mẽ, quyết đoán và tự chủ cuộc sống của chính họ.
- Những người không sợ vấp ngã là tấm gương sáng để con người chúng ta học tập và noi theo.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng minh họa cho bài làm văn của mình về những con người sống với lòng can đảm, không sợ vấp ngã và nhận về thành công rực rỡ.
d. Phản biện
Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn có nhiều con người sống nhút nhát, không dám làm những việc mà bản thân mình đặt ra, lại có người sợ thất bại mà nản chí, lùi bước về sau,… Những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, phê phán.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận, đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.
Nghị luận về không sợ vấp ngã - Mẫu 1
Tuổi trẻ của chúng ta đầy hoài bão và những ước mơ. Trải qua những năm tháng tươi đẹp ấy, ai cũng phải vấp ngã đôi lần. Vấp ngã là một phần không thể thiếu trên hành trình phát triển của chúng ta.
Thế giới càng hiện đại, xã hội càng phát triển thì tỉ lệ cạnh tranh càng cao. Trong đường đua cuộc đời, ai cũng mong muốn mình ftrở thành kẻ thành công sớm nhất. Thế nhưng, không có con đường nào bằng phẳng. Vấp ngã, thất bại luôn tìm đến ta như lẽ tất yếu. Nó sẽ khiến ta buồn lo, nản lòng, sợ hãi. Tuy nhiên, sau tất cả, ta nên học cách chấp nhận và đối mặt với chúng. Những sai lầm là những bài học quý giá để học hỏi và phát triển bản thân. Việc đứng dậy sau vấp ngã cũng giúp ta trở nên mạnh mẽ hơn, kiên trì hơn và có niềm tin vào chính bản thân mình. Điều này sẽ giúp ta đạt được những mục tiêu lớn hơn. Không chỉ vậy, nhờ có những phút giây gian nan đó mà ta mới biết quý trọng giá trị của thành công. Nhiều người đạt được mong muốn quá dễ dàng mà nảy sinh tâm lí chủ quan, "ngủ quên trên chiến thắng". Người xưa đã nói: "Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Có "ngã ngựa" vài lần, ta mới biết khả năng của mình đến đâu.
Hãy nhớ rằng “Ông vua xe hơi” của nước Mỹ, Henry Ford đã bị phá sản chỉ sau một năm rưỡi, cay đắng hơn là ông bị chính cổ đông của mình đuổi khỏi công ty vì sự quản lý kém hiệu quả. Giờ đây, Ford đã trở thành một trong những tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất tại Mỹ nhờ sự dũng cảm đối mặt với những khó khăn. Hay ta có thể kể đến tỉ phú Jack Ma. Thành công của người đàn ông này khiến thế giới phải sửng sốt nhưng không phải ai cũng biết về quá khứ từng vấp ngã nhiều lần của ông. Jack Ma từng không vượt qua được một bài thi quan trọng ở trường tiểu học hai lần, trượt ba lần trong kỳ thi ở cấp hai và dù đã thi hai lần nhưng vẫn không thể bước vào cánh cổng trường đại học. Thậm chí, khi đi thử việc ở KFC, ông là ứng viên duy nhất bị từ chối trong 24 người. Không hề từ bỏ hay tuyệt vọng, Jack Ma chọn tìm ra bài học trong những thất bại ấy và tận dụng mọi cơ hội để vươn lên.
Ngược lại, xã hội vẫn còn nhiều con người nghĩ nhưng không dám làm, hay những người mới chỉ gặp chút khó khăn đã nản chí, bỏ cuộc. Họ chọn nằm lì ở nơi vấp ngã, gặm nhấm vết thương thay vì đứng dậy đi tiếp. Kết cục, họ trở thành những kẻ thua cuộc và bị bỏ lại phía sau.
Hãy nhớ rằng, một thái độ tích cực và một phong thái kiên cường có thể giúp bạn xoay chuyển tình hình. Hi vọng bạn sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách để đạt được thành công thực sự.
Nghị luận về không sợ vấp ngã ngắn gọn - Mẫu 2
Trong cuộc sống, con người luôn phải đối mặt muôn vàn thử thách. Dù vậy, chúng ta hãy tôi luyện được bản lĩnh, đừng sợ vấp ngã. Đồng thời, mỗi người cần dám đương đầu với khó khăn, kiên trì nỗ lực mới có thể đạt được thành công. Vấp ngã sẽ giúp bạn thêm trưởng thành, học hỏi được kinh nghiệm và trở nên vững vàng hơn để tiến bước tới đích đến. Không chỉ vậy, bạn cũng sẽ biết trân trọng thành quả mà bản thân đã đạt được hơn. J.K. Rowling - tác giả của bộ truyện nổi tiếng Harry Potter cũng đã phải trải qua một thời kỳ khó khăn. Cuộc sống hôn nhân không trọn vẹn khiến bà phải đi đến ly hôn. Không dừng lại ở đó, mọi chi phí để trang trải cuộc sống của con bà đều phải phụ thuộc vào những đồng phụ cấp. Cuốn Harry Potter bị nhiều nhà xuất bản từ chối nhưng bà không hề nản lòng, Nhờ vậy, hiện nay bà đã trở thành nữ tỷ phú đầu tiên trên thế giới nhờ viết sách. Mỗi người hãy giữ vững tinh thần, không sợ vấp ngã, dám tiến bước!
Nghị luận về không sợ vấp ngã - Mẫu 3
Cuộc sống muôn vàn chông gai, và có những lúc con người vấp ngã. Nhưng cần đừng sợ vấp ngã, hãy tự tin và vững bước mới có thể đạt được thành công.
Đã bao lần bạn vấp ngã mà không hề nhớ? Lần đầu tiên chập chững bước đi, chắc chắn bạn đã bị ngã. Lần đầu tiên tập bơi, bạn đã bị uống rất nhiều nước và suýt chết đuối. Lần đầu tiên chơi bóng bàn, bạn đã không hề đánh được quả nào ra hồn. Không sao đâu vì tất cả mỗi người để bước đi được những bước đi vững chãi đầu tiên đều ít nhất phải có một vài lần vấp ngã. Đừng sợ vấp ngã. Điều vinh quang nhất của con người không phải ở chỗ không bao giờ vấp ngã, mà chính là vươn lên từ mỗi lần vấp ngã. Giống như Anten, nếu tự mình đứng dậy, bạn sẽ mạnh mẽ hơn.
Vấp ngã có nghĩa là gặp phải hoàn cảnh khó khăn, trở ngại khiến ta không thể đạt đến mục đích trong công việc và trong cuộc sống. Ở đây, vấp ngã có thể hiểu thất bại, khiến ta bị tổn thương, gây cho ta sự đau đớn. Vấp ngã hay thất bại có thể do hoàn cảnh, cũng có thể do chính bạn.
Vấp ngã hay thất bại vốn là một phần của cuộc sống. Và thành công cũng thế. Không có vấp ngã sẽ không thể có thành công. Nói như vậy không hẳn đã đúng nhưng chính mỗi lần vấp ngã sẽ khiến chúng ta cẩn trọng hơn trong công việc, nhận biết rõ những sai lầm và nâng cao quyết tâm khởi tạo lại từ đầu một cách chắc chắn hơn. Chính những lần vấp phải thất bại đã tăng cường ở con người nguồn sức mạnh mới hơn, lớn hơn.
Có vấp ngã ta mới làm lại và rút ra những kinh nghiệm quý báu cho bản thân, điều mà chúng ta thường xem nhẹ trước khi thất bại. Có vấp ngã ta mới biết mình còn nhiều yếu kém cần phải sửa chữa, còn nhiều sai lầm cần phải khắc phục, còn nhiều khuyết điểm cần phải khắc chế. Giải quyết xong những hạn chế ấy, chắc chắn bạn sẽ trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn.
“Vạn sự khởi đầu nan” đúng như lời ông cha ta nói. Không có việc gì dễ làm mà mang lại thành quả lớn lao. Hãy khống chế nỗi sợ hãi để bước qua được những gian nan đầu tiên đó, chắc chắn con đường tương lai sẽ rộng mở trước mắt bạn và thành công sẽ đến với bạn không xa. Đừng sợ vấp ngã bởi khó khăn hay thất bại là những nấc thang đưa bạn tới thành công. Không có nó, bạn sẽ trở nên chủ quan, kiêu ngạo. Chính kiêu ngạo và chủ quan sẽ khiến bạn thất bại nhanh nhất.
Người không nản lòng trước khó khăn hay thất bại thường tràn đầy nghị lực vươn lên. Họ là những người giàu ý chí, kiên định với mục tiêu, lúc nào cũng sẵn sàng đương đầu với khó khăn thử thách, tự tin hướng đến tương lai tốt đẹp. Trên bước đường thành công, những khó khăn trở ngại là không thể tránh khỏi. Đừng thấy sóng cả đã vội ngã tay chèo.
Không đầu hàng trở ngại chính là bản năng mạnh mẽ nhất của con người. Lúc bé thơ, dù có ngã đau, ta vẫn vui vẻ đứng lên và đi tiếp. Không có gì khác ngoài sự kiên cường, tinh thần tự lập đã xuất hiện trong ta từ khi còn nhỏ. Chỉ là khi lớn lên, do nhiều yếu tố ngoại cảnh, thời gian làm ta quên dần đi bản năng sinh tồn ấy.
Con người cần phải dũng cảm đứng lên sau mỗi lần thất bại, phải thể hiện bản lĩnh, kiên định ý chí, phát huy tài năng của mình trước thử thách vì “thất bại là mẹ thành công”. Đừng sợ vấp ngã, đừng bao giờ bỏ cuộc dù cuộc sống có khắc nghiệt đến thế nào.
Cuộc đời có lắm đau thương, có lắm biến động thì con người ta mới trưởng thành và vững chãi hơn. Đừng bao giờ nản lòng chùn bước hay than trách oán giận. Vấp ngã để ta trở nên mạnh mẽ, kiên cường và dung hòa giữa mọi thứ để sống tốt, sống bền với đời. Vấp ngã để cảm nhận được tình yêu thương, sự giúp đỡ, biết tôn trọng, yêu thương mọi người xung quanh ta hơn nữa.
Chỉ có người nào đã một lần trượt ngã mới biết được cái trắc trở của đường đi. Nếu đời người không một lần vấp ngã, con người sẽ trở nên kiêu ngạo, tự đắc bản thân, xem thường khó khăn thử thách, sống liều lĩnh và cố chấp. Lúc đó, không những ta sống sai mà tình người cũng mất. Biết khiêm nhường để học hỏi, rút kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân, con người mới có sức mạnh để chiến thắng hoàn cảnh. Kẻ kiêu căng tự mãn là kẻ dễ bị thất bại nhất.
Trong cuộc sống, để chiến thắng bản thân, chiến thắng nghịch cảnh không có sức mạnh nào mạnh hơn ý chí kiên định và niềm tin vào bản thân. Tin tưởng vào bản thân và hướng đến những giá trị hữu ích khiến ta không sợ vấp ngã. Nhà bác học Edison hơn nghìn lần thất bại mới chế tạo ra được bóng đèn chiếu sáng. Dân tộc nhật Bản đã xây dựng một đất nước hùng cường từ đóng đổ nát sau chiến tranh. Tổng thống vĩ đại Nelson Mandela dẫu bị giam cầm, bị tra tấn trong một quãng thời gian dài đến 27, bằng sức mạnh của lòng vị tha và tinh thần hòa giải, ông đã hàn gắn hố sâu mâu thuẫn sắc tộc, mở ra kỷ nguyên mới cho Nam Phi sau hàng chục năm xung đột. Chính vì điều đó, Nelson Mandela trở thành biểu tượng mạnh mẽ của phong trào chống phân biệt chủng tộc trên toàn thế giới. tất cả là minh chứng hùng hồn cho tinh thần vượt qua vấp ngã để vươn đến thành công vĩ đại.
Vấp ngã sẽ không phải là thất bại nếu bạn dám đứng lên và bước tiếp. Thất bại chỉ đến khi bạn không chịu đứng dậy khi vấp ngã. Thất bại là cơ hội để con người khởi đầu một lần nữa một cách hoàn hảo hơn. Những ai đầu hàng khó khăn và số phận thì thật đáng trách. Họ bị hoàn cảnh khuất phục. Họ quá hèn nhát và yếu đuối. Không phải liều lĩnh là đem lại kết quả tốt đẹp nhưng gượng dậy sau mỗi lần vấp ngã là rất cần thiết. Hành động liều lĩnh, quyết liệt là một tinh thần dũng mãnh, một nghị lực phi thường và yếu tố quan trọng nhất chính là đối mặt trước thất bại để rèn luyện cho mai sau nhưng nó cũng có thể đẩy ta vào chỗ hiểm nguy do nóng vội, thiếu suy xét. Nếu tạo hóa tô lên cuộc đời bạn màu đen, hãy tự tin vẽ lên đó những vì sao lấp lánh.
Có những người vì sợ vấp ngã mà không dám bước đi, không dám hành động. Họ đã bỏ qua nhiều cơ hội để thành công mà cứ ngỡ rằng nó chưa từng đến. Những người như thế thật yếu đuối, kém cỏi, không thể nào có được thành công đích thực trong cuộc sống này.
Mọi thứ đều có thể làm lại được nếu ta còn tồn tại và mong muốn làm điều đó. Thế nên, bạn đừng sợ vấp ngã. Nếu mai này cuộc đời có trắc trở, có đổi thay, hãy bắt lấy niềm tin, nuôi dưỡng ước mơ như một đứa con tinh thần để từ đó làm động lực mà đi lên. Chúng ta luôn được nâng đỡ bởi gia đình. Dẫu có vấp ngã, đã có những người xung quanh ta chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ. Nhưng sẽ không gì sánh bằng được với ý chí và nội lực của bản thân. Có thành công hay có thất bại, tất cả đều phụ thuộc vào chính bản thân mình.
Không vấp ngã trước cuộc sống, điều đó là rất tốt. Khi vấp ngã rồi, hãy đứng dậy mà đi lên càng tốt hơn. Lời khuyên “Đừng sợ vấp ngã” của người đời như một chân lý hết sức đúng đắn. Mỗi chúng ta nên tu dưỡng ý chí, rèn luyện tính kiên trì nhẫn nại để học tập và theo đuổi mục đích, ước mơ hoài bão tốt đẹp của mình.
Nghị luận về không sợ vấp ngã - Mẫu 4
Trên con đường đời, chúng ta thường đối mặt với hàng loạt khó khăn và thử thách có thể khiến chúng ta vấp ngã. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chúng ta phải nuôi dưỡng lòng dũng cảm và không sợ vấp ngã.
Cuộc sống không bao giờ tránh khỏi những thách thức và khó khăn, và chính những khó khăn này thúc đẩy con người phát triển và thành công. Vì vậy, chúng ta không nên sợ sự vấp ngã. Tinh thần kiên cường, dũng cảm, và sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, thử thách là điều quan trọng.
Khi gặp thất bại, chúng ta cần mạnh dạn đứng lên và tiếp tục trên con đường đã chọn. Những người không sợ vấp ngã là những người dám nghĩ, dám hành động, và không ngần ngại khi đối diện với khó khăn. Họ luôn cố gắng vươn lên trong mọi tình huống và càng khó khăn, họ lại càng kiên trì hơn.
Những người dũng cảm, không sợ vấp ngã, còn rèn luyện được các phẩm chất tốt như kiên trì, nhẫn nại, và tích cực. Họ là nguồn cảm hứng cho người khác học tập và theo đuổi.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, vẫn có nhiều người mới gặp thất bại đã tự bắt đầu nản chí. Cũng có những người bi quan, không tin vào khả năng của mình và không dám hành động. Những người này sẽ gặp khó khăn trong việc vượt qua bản thân và không thể đạt được thành công.
Thất bại không chỉ là một thử thách của cuộc sống, mà còn là một bài học quý báu nếu chúng ta biết vượt qua. Hãy luôn mạnh mẽ, tự tin, và kiên trì đứng lên sau mỗi lần vấp ngã. Điều này sẽ giúp chúng ta tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cuộc đời và khám phá những khả năng tiềm ẩn bên trong mình.
Nghị luận về không sợ vấp ngã - Mẫu 5
Trong bài hát “Đường đến ngày vinh quang” của cố nhạc sĩ Trần Lập có viết: “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”. Quả thật, hành trình của cuộc sống luôn chứa đựng nhiều thử thách khiến chúng ta vấp ngã. Nhưng quan trọng, mỗi người cần rèn luyện được tinh thần không sợ vấp ngã.
Đầu tiên, “không sợ vấp ngã” có thể hiểu đơn giản là thái độ không sợ hãi, lo lắng khi gặp phải khó khăn, thất bại. Đồng thời, “không sợ vấp ngã” còn là dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách gây cản trở, làm khó dễ cho bản thân; dám lao vào làm những điều mà người khác e sợ.
Người không sợ vấp ngã sẽ luôn dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách mà không hề sợ sệt, ngại ngùng. Khi gặp khó khăn trong cuộc sống luôn cố gắng vươn lên, càng khó khăn càng kiên cường bước tiếp. Bạn hãy nhớ rằng khi dám làm những việc mà người khác không dám làm, chúng ta sẽ đạt được những thành quả mà người khác không thể đạt được. Người không sợ vấp ngã sẽ luôn độc lập, làm chủ cuộc sống của bản thân. Họ khiến người khác nể phục, yêu mến và trở thành tấm gương sáng để con người chúng ta học tập và noi theo.
Abraham Lincoln - là một tấm gương sáng chói của sự tự lập, biết phấn đấu vươn lên để trở thành người quyền lực. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo khổ. Bố mẹ của ông đều là những người nông dân thất học và mù chữ. Cuộc đời Lincoln gặp nhiều thất bại cũng như thành công. Tuy nhiên, sau mỗi thất bại ông đều lấy lại tinh thần, coi đó là nguồn động lực để tiếp tục cố gắn g. Cho đến bây giờ, cái tên Abraham Lincoln luôn được xem là một nhà chính trị tiêu biểu sánh ngang với vị tổng thống khai quốc huyền thoại - George Washington. Hay như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng, trên con tàu Đô đốc Latouche Tréville, Người ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng. Trong suốt “hành trình ngàn dặm” đó, Người đã đi qua nhiều nước phương Tây, phải làm nhiều nghề để kiếm sống. Con đường ấy tuy đầy khó khăn, nhưng Người chưa bao giờ sợ hãi vấp ngã. Đến cuối cùng, Bác cũng tìm đến được với ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc.
Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều con người sống sống thụ động, luôn sợ hãi, không dám đương đầu với thử thách. Khi gặp khó khăn, họ nản chí và lùi bước, chạy trốn. Những người như vậy sẽ chỉ nhận được thất bại, sống một cuộc đời vô ích.
Như vậy, “không sợ vấp ngã” là một tinh thần đáng nể phục. Mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ cần tôi luyện để có được tinh thần đó, sống một cuộc đời ý nghĩa và giá trị.