Văn mẫu lớp 11: Nghị luận xã hội về Sự cần thiết của việc học ngoại ngữ Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội (Hình thành lối sống tích cực trong xã hội hiện đại)

Văn mẫu lớp 11: Nghị luận xã hội về Sự cần thiết của việc học ngoại ngữ là một chủ đề rất hay để viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội (Hình thành lối sống tích cực trong xã hội hiện đại).

Nghị luận về Sự cần thiết của việc học ngoại ngữ mang đến bài văn mẫu hay nhất, giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo củng cố kiến thức, trau dồi ngôn ngữ để biết cách viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn mẫu nghị luận xã hội về thực hành lối sống xanh.

Nghị luận về Sự cần thiết của việc học ngoại ngữ hay nhất

Ngay từ khi mới xuất hiện, ngôn ngữ đã vô cùng đa dạng và sinh động. Mỗi quốc gia luôn có một thứ tiếng riêng cùng với tất cả tình yêu và niềm tự hào, chúng ta trìu mến gọi đó là “tiếng mẹ đẻ”. Nhưng liệu rằng, chỉ biết mỗi tiếng nước mình như thế có đủ? Bàn về vấn đề này, chúng ta có thể nhận được rõ tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ.

Càng biết thêm nhiều ngôn ngữ, những đường biên giới càng nới sẽ càng rộng ra và thế giới càng rộng mở, chúng ta càng có thêm khả năng giao tiếp được với nhiều người, tiếp cận được với nhiều cuốn sách chứa đựng nhiều vùng chân trời mới. Nhìn nhận ngôn ngữ đúng với vai trò của chúng, ta mới nhận ra biết thêm một ngoại ngữ thực sự là tìm hiểu để biết thêm một thế giới.

Ngoại ngữ với vai trò trong giao tiếp, là con đường kết nối giữa chúng ta với những người bạn trên toàn cầu, mà mỗi người bạn đó sẽ là một người thầy dạy cho chúng ta nhiều điều bổ ích. Còn gì tuyệt vời hơn nếu như trong một buổi triển lãm tranh mà chúng ta có cơ hội được trao đổi cảm nhận của bản thân với một người bạn nước Ý – một người con được sinh ra và lớn lên trong cái nôi của hội họa Phục Hưng, để cùng nhau sẻ chia cảm nhận cá nhân và cũng để có những cái nhìn toàn diện hơn khi rung cảm nghệ thuật được soi chiếu bằng cả một nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Cũng tương tự như thế với mọi ngành nghệ thuật và các ngành khoa học khác.

Hơn thế nữa, ngoại ngữ còn giúp bạn tự tin hơn trong quá trình giao tiếp. Có thể bạn sẽ chỉ sinh sống ở Việt Nam, không đặt mục tiêu làm việc hoặc du lịch tới một đất nước khác, nhưng bạn có chắc rằng sẽ không bao giờ gặp phải một vị khách du lịch nước ngoài hỏi đường hoặc nhờ giới thiệu về danh thắng ở quê hương. Bạn tin chắc rằng, trong buổi tiệc chào mừng bạn mình là một du học sinh mới về nước sẽ không có bất cứ một vị khách nước ngoài nào? Trong buổi tiệc của công ty mà bạn làm sau này cũng chỉ toàn là người Việt Nam? Những lúc đó ta mới thấy, thế giới của bản thân thực sự nhỏ bé và hạn hẹp đến mức nào khi không trang bị cho mình ngoại ngữ. Còn gì lạc lõng hơn việc cô đơn giữa một đám đông đang nói cười trao đổi với nhau bằng một ngôn ngữ mà chúng ta không thể nào hiểu được ngay trên quê hương mình?

Hơn thế nữa, ngoại ngữ còn có vai trò là phương tiện của tư duy giúp chúng ta có thể tiếp thu được kho tàng tri thức của toàn nhân loại. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi internet đã trở nên hết sức phổ biến và những công cụ tìm kiếm trên mạng đang ngày càng được mở rộng và hoàn thiện. Ta có thể dễ dàng tìm được các công trình nghiên cứu và các tài liệu khoa học về bất kì ngành nghề nào mà mình quan tâm. Tuy nhiên, có một thực tế rằng phần lớn những tài liệu đó được viết bằng tiếng Anh – ngôn ngữ chuẩn quốc tế hiện nay. Khi ấy, nếu chúng ta có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh, thì chẳng phải chúng ta sẽ dễ dàng tiếp thu được những tinh hoa văn hóa của nhân loại hay sao. Tất nhiên, sẽ có người nói chúng ta có thể tìm tới những người phiên dịch hoặc dựa vào những công cụ giúp chuyển đổi ngôn ngữ. Nhưng tất nhiên, trong chúng ta ai cũng biết rằng công cụ chuyển đổi ngôn ngữ đã được lập trình sẵn nên dịch theo cách đơn lẻ, từng từ một. Do đó, rất khó để có thể hiểu đúng và đầy đủ ý nghĩa của những văn bản chúng ta cần. Nhờ người phiên dịch có thể sẽ giúp chúng ta dễ hiểu hơn, nhưng sẽ chẳng bao giờ bạn có thể khám phá được vấn đề trực tiếp bằng cảm quan của mình mà luôn phải đi vay mượn góc nhìn và góc cảm nhận của người khác.

Trong xu thế toàn cầu hóa, mà biểu hiện rõ ràng nhất là sự hội nhập kinh tế giữa những quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới đã tác động vô cùng mạnh mẽ tới từng cá nhân trên mỗi quốc gia. Đó không chỉ là hợp tác về lĩnh vực kinh tế, mà còn là sự giao lưu về văn hóa giữa nhiều quốc gia, nên việc thông thạo ngoại ngữ đang dần trở thành một xu thế tất yếu và bắt buộc. Biết thêm một loại ngôn ngữ là biết thêm một thế giới, không chỉ thông qua sự tìm hiểu trên sách báo của đất nước họ mà đó còn là tấm vé “thông quan” giúp chúng ta trực tiếp trải nghiệm đời sống và văn hóa của họ, tham gia lao động tại những công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoặc có đối tác là người nước ngoài. Đó không chỉ là thế giới trên tấm bản đồ địa lí mà còn là thế giới sống động ngay trước mắt bạn và trong tinh thần của bạn.

Mặc dù có ý nghĩa to lớn như thế nhưng thực trạng học ngoại ngữ của chúng ta thời điểm hiện nay vẫn chưa mấy khả quan. Đại đa số học sinh học tiếng Anh suốt những năm tại trường nhưng không thể nào sử dụng tiếng Anh với tư cách như một ngôn ngữ. Nhiều người chỉ có thể làm những bài tập về cấu trúc ngữ pháp mà không thể nói hoặc nghe một câu ngoại ngữ đơn giản. Phần lớn mọi người cảm thấy vô cùng mệt mỏi và chán nản khi phải học tiếng Anh và muốn bỏ cuộc giữa chừng.

Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này, có thể do phương pháp giáo dục ở các trường chỉ chú trọng tới cấu trúc ngữ pháp để có thể vượt qua được những bài kiểm tra. Do số lượng lớp khá đông nên dù đổi mới phương pháp thì cũng chỉ có thể phù hợp với một vài bạn học sinh chứ không phải là tất cả. Và bản thân môn tiếng Anh hoặc bất kì ngôn ngữ nào khác cũng là một bộ môn vô cùng khó. Nhất là đối với những trường nằm ở vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, phương tiện học tập vẫn còn thiếu thốn.

Song nguyên nhân trực tiếp nhất vẫn là do mỗi chúng ta chưa nhìn nhận được vai trò quan trọng của việc học ngoại ngữ một cách đúng mực. Mặc dù ngoại ngữ là môn thi bắt buộc ở trong kì thi trung học phổ thông quốc gia, nhưng nhiều bạn vẫn còn học đối phó hoặc trì hoãn bằng suy nghĩ “để mai tính”. Đi kèm với nó chính là thái độ học sao nhãng, chưa kiên trì và khả năng tự học là chưa cao. Sự e dè và ngần ngại giao tiếp cũng trở thành một rào cản trong quá trình sử dụng ngoại ngữ. Lối suy nghĩ ỷ lại vào chỉ sinh sống ở Việt Nam nên không cần phải biết thêm ngoại ngữ đã ăn sâu vào tư tưởng của rất nhiều người, khiến chúng ta quên mất rằng chỉ sinh sống ở Việt Nam nhưng vẫn có thể sử dụng ngoại ngữ như một phương tiện hoặc một công cụ giúp phục vụ chúng ta trong quá trình học tập, vui chơi hay đời sống sau này. Rất nhiều người nhờ ngoại ngữ đã có thể thay đổi cuộc sống, nhận học bổng từ những trường học danh tiếng, dễ dàng có một công việc dành cho bản thân, thỏa sức khám phá cũng như trải nghiệm những nền văn hóa khác, trở thành một công dân của toàn cầu. Muốn hiện đại cần phải có giá trị truyền thống làm nên nền tảng nhưng không thể thiếu đi sự thúc đẩy của ngoại ngữ. Bởi vậy, giải pháp để cải thiện được tình hình ngoại ngữ chính là điều cần thiết.

Mỗi chúng ta đều phải có ít nhất bảy năm học ngoại ngữ ở trên ghế nhà trường. Bởi vậy, sự cập nhật, đổi mới phương pháp giảng dạy trong các nhà trường là giải pháp đầu tiên cần phải thực hiện. Những hoạt động ngoại khóa sẽ là một sân chơi bổ ích và là nơi để mỗi học sinh có thể giao lưu, học hỏi lẫn nhau và thực hành được tiếng. Sự cách biệt giữa những vùng miền phải được rút ngắn bằng cách chú trọng vào việc đầu tư cho những vùng vẫn còn khó khăn. Và hơn hết, mỗi chúng ta cần phải tự ý thức về tác dụng hết sức to lớn của ngoại ngữ và thế giới mới mẻ và tươi đẹp mà ngoại ngữ mang đến để có ý thức trau dồi ngoại ngữ cũng như kiên trì và cố gắng vượt qua những khó khăn xuất hiện trong quá trình học tập. Chúng ta có thể năng động và mạnh dạn trong quá trình giao tiếp với những người nước ngoài, đọc các bài nghiên cứu ngắn về những lĩnh vực yêu thích, nghe nhạc hoặc xem các bộ phim ý nghĩa bằng nhiều ngôn ngữ. Sử dụng ngoại ngữ như một thế đối sánh nhằm khắc sâu những đặc điểm của tiếng Việt, hướng tới việc sử dụng đúng, sử dụng hay tiếng nước mình và ngược lại.

Xã hội hiện đại đã biến ngoại ngữ trở thành một chiếc chìa khóa vạn năng mở được hàng ngàn thế giới mới. Muốn nắm bắt chiếc chìa khóa ấy còn phụ thuộc vào suy nghĩ, quyết định cũng như hành động của chúng ta ngày hôm nay.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 54
  • Lượt xem: 45.681
  • Dung lượng: 126,9 KB
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Hoàng Bùi Minh
    Hoàng Bùi Minh

    bài viết rất hay và hữu ích, so amaging 😍

    Thích Phản hồi 23:15 21/11