Nghị luận về câu nói “Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng” (Dàn ý + 3 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 12

Chúng tôi xin giới thiệu tài liệu Bài làm văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu nói “Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng”, vô cùng hữu ích cho học sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.

Tài liệu gồm dàn ý và 3 bài văn mẫu lớp 12 Nghị luận về câu nói “Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng”, xin mời quý bạn đọc cùng tham khảo.

Dàn ý nghị luận Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng

I. Mở bài

Giới thiệu về câu nói: “Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng

II. Thân bài

1. Giải thích

- Khát vọng: mong muốn những điều lớn lao, tốt đẹp với một sự thôi thúc mạnh mẽ.

- Tham vọng: lòng ham muốn, mong ước quá lớn, thường vượt xa khả năng thực tế, khó có thể đạt được

=> Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng: hướng con người đến những mong muốn tốt đẹp, chính đáng.

2. Bình luận và chứng minh

* Sống có khát vọng sẽ đem đến cho con người những điều tốt đẹp:

- Đây là một cách sống có ý nghĩa.

- Người có khát vọng sẽ luôn cố gắng, nỗ lực để vươn tới khát vọng của bản thân.

- Đem lại thành công cho mỗi người, góp phần vào lợi ích chung của đất nước.

* Sống quá tham vọng sẽ để lại những hậu quả tiêu cực

- Con người sẽ không từ thủ đoạn để đạt được tham vọng của bản thân.

- Tham vọng khiến con người trở nên ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến lợi ích cá nhân.

- Đôi khi có tham vọng chưa chắc đã không tốt, nhưng nếu tham vọng vào những điều phi thực tế sẽ khiến con người dễ rơi vào con đường sai trái, tội lỗi.

=> Câu nói khuyên mỗi con người cần phải nhận thức đúng đắn giữa khát vọng và tham vọng. Cuộc sống luôn cần có những khát vọng để bước đến thành công, nhưng cần tránh xa nhưng tham vọng viển vông, phi thực tế để tránh bước vào con đường sai lầm.

3. Liên hệ bản thân

- Khát vọng của một học sinh là đạt được thành tích cao trong học tập, trong thi cử.

- Học sinh cần nhận thức đúng để tránh rơi vào lối sống tham vọng.

III. Kết bài

- Khẳng định câu nói trên là hoàn toàn đúng đắn.

- Câu nói đem đến cho người đọc bài học sâu sắc.

Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng - Mẫu 1

Cuộc sống là một hành trình dài, thành công chỉ đến với những ai có được đam mê và khát vọng. Nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo để có thể duy trì những khát vọng ấy mãi tốt đẹp. Và câu nói: “Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng” đã đem đến cho chúng ta một bài học sâu sắc.

Trước hết, khát vọng là những mong muốn, mơ ước lớn lao của con người được thôi thúc mạnh mẽ để mỗi người nỗ lực thực hiện nó. Còn tham vọng lại là lòng ham muốn, mong ước quá lớn, thường vượt xa khả năng thực tế, khó có thể đạt được. Câu nói: “Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng” khuyên nhủ mỗi người hãy hướng đến những mong muốn, khát khao chính đáng để đem lại những lợi ích tốt đẹp cho bản thân cũng như gia đình, xã hội. Đồng thời tránh xa những tham vọng viển vông, phi thực tế nhằm đem lại lợi ích cho cá nhân.

Hai khái niệm “khát vọng” và “tham vọng” luôn được nhắc đến song hành cùng nhau. Bản thân cả hai đều có những điểm chung khi nói về một trạng thái tâm lý của con người. Đó là khi con người mong muốn vươn tới những điều lớn lao, tốt đẹp trong cuộc sống. Cả hai đều là động lực cho chúng ta cố gắng không ngừng nghỉ, kích thích chúng ta tiến về phía trước chứ không phải là mãi giậm chân tại chỗ hay lùi về phía sau. Nhưng khát vọng và tham vọng cũng có điểm riêng. Khát vọng mang tính tích cực, có ích cho bản thân và xã hội. Nó xuất phát từ ước mơ, đam mê và mong muốn của bản thân. Còn tham vọng lại mang tính tiêu cực khi xuất phát từ lòng tham và ước nguyện của con người.

Khi sống có khát vọng, rõ ràng mỗi chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Con đường bước tới thành công cũng rộng mở và đầy hạnh phúc. Khát vọng đem lại động lực to lớn cho con người. Nếu như khao khát mãnh liệt về một điều gì đó, bạn sẽ đem hết sức lực và trí tuệ của bản thân ra để biến điều đó thành sự thật. Một cậu bé có khát vọng được trở thành ca sĩ. Cậu bé ấy sẽ ngày đêm học tập những kiến thức về âm nhạc, rèn luyện giọng hát cũng như khả năng trình diễn. Một ngày nào đó, khi được đứng trên sân khấu cất tiếng hát, cậu bé đó chắc hẳn sẽ thỏa mãn khi đạt được khát vọng của mình. Một người sống có khát vọng không chỉ giúp cho bản thân tốt đẹp hơn. Mà còn đóng góp vào sự phát triển của quốc gia dân tộc.

Trái lại, nếu sống quá tham vọng, con người sẽ chỉ tìm đến với những hậu quả tiêu cực. Tham vọng quá mức sẽ khiến con người trở nên ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến lợi ích cá nhân. Có những người chỉ mải chạy theo những tham vọng về tiền bạc, về quyền lực công danh mà đánh mất đi những giá trị tình cảm tốt đẹp. Đôi khi, tham vọng còn che mờ đi sự tỉnh táo của con người khiến họ trở nên xấu đi. Không ít những người bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được tham vọng của bản thân. Những người chỉ vì mong muốn có được quyền cao chức trọng mà sẵn sàng chà đạp lên cuộc sống của người khác.

Còn đối với một học sinh như tôi, khát vọng lớn nhất lúc này chính là đạt được kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới. Vì vậy tôi luôn tự dặn lòng phải cố gắng hơn nữa. Để rồi trong tương lai đây thôi, tôi có thể tự hào bước đến cánh cổng trường đại học với tâm thế của một tân sinh viên.

Như vậy, câu nói trên là hoàn toàn đúng đắn. Mỗi người hãy nhận thức đúng đắn về khát vọng và tham vọng để có thể sống tốt hơn từng ngày.

Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng - Mẫu 2

Có ai đó đã từng nói rằng: “Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng”. Câu nói ấy đã để lại trong mỗi người những nhận thức sâu sắc về khát vọng và tham vọng trong cuộc sống.

Tôi đã từng đọc được ở trên mạng câu chuyện về hai hạt lúa nọ. Chuyện kể rằng có hai hạt lúa khỏe mạnh được ông chủ giữ lại làm hạt giống cho vụ mùa sau. Đến vụ mùa, khi ông chủ quyết định đem chúng gieo xuống cánh đồng. Hạt lúa thứ nhất nghĩ rằng mình đang sống sung sướng thì dại gì phải theo ông chủ ra đồng. Nó cứ giữ tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ của mình và tìm một nơi trú ngụ thật tốt để tiếp tục sống qua ngày. Nó tìm cách trốn vào một góc sâu trong hầm để lẫn ra khỏi đấm thóc giống. Còn hạt lúa thứ hai lại khát khao được gieo xuống đất. Nó theo ông chủ ra đồng, bắt đầu một cuộc đời mới dù phải đối mặt với nắng gió và mưa bão. Sau nhiều ngày tháng, hạt lúa thứ hai đã trở thành một cây lúa trĩu hạt. Hạt lúa thứ nhất vì trốn trong góc hầm tối nên đã dần khó héo. Như vậy, qua câu chuyện này đã đem đến cho chúng ta một bài học ý nghĩa. Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ - đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai. Đó cũng khát vọng được cống hiến cho cuộc đời để tạo ra nhiều hạt lúa trĩu nặng thơm ngon hơn.

Vậy thế nào là khát vọng hay tham vọng? Khát vọng là những mong muốn, mơ ước lớn lao của con người được thôi thúc mạnh mẽ để mỗi người nỗ lực thực hiện nó. Còn tham vọng lại là lòng ham muốn, mong ước quá lớn, thường vượt xa khả năng thực tế, khó có thể đạt được. Như vậy, câu nói: “Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng” chính là lời nhắc nhở con người phải phải biết nhận thức đúng đắn đâu là khát vọng, đâu là tham vọng để có được lựa chọn hướng đi đúng đắn cho bản thân.

Khát vọng là những biểu hiện mang tính tích cực của tâm hồn con người. Nó xuất phát từ những ước mơ, đam mê cháy bỏng làm cho cuộc đời hạnh phúc, không chỉ cho bản thân mà còn cho những người xung quanh, cho xã hội. Người sống có khát vọng luôn mang trong mình một trái tim nhiệt huyết, say mê để cống hiến hết thảy những giá trị tốt đẹp của bản thân. Đôi khi, khát vọng có thể không trở thành hiện thực nhưng đã đem đến những giá trị tích cực cho mỗi người.

Đôi khi có tham vọng cũng đem lại cho con người động lực để cố gắng. Nhưng tham vọng ấy phải dựa trên cơ sở thực tế chứ không mù quáng, phi thực tế. Khi có những tham vọng mang tính tiêu cực, con người dễ rơi vào lối sống cá nhân. Họ sẵn sàng bất chấp mọi nguyên tắc về nhân cách, đạo đức để đạt được mục đích. Họ không từ mọi thủ đoạn dù là xấu xa, đê hèn nhất để thoả mãn lòng tham của bản thân. Những người làm kinh doanh có tham vọng kiếm tiền sẽ bất chấp chất lượng của sản phẩm mà tìm mọi cách để thu được lợi nhuận cao. Những ca sĩ, diễn viên có tham vọng nổi tiếng sẽ không chú tâm rèn luyện giọng hát hay khả năng diễn xuất mà lại tạo ra những scandal. Thậm chí, nhiều người vì muốn giàu có mà làm ăn phi pháp (buôn bán ma túy, chất cấm, động vật hoang dã…). Như vậy, tham vọng đã che mờ đi lý trí của con người, khiến họ trở nên mù quáng.

Đối với một học sinh như tôi, câu nói trên đã giúp tôi tìm ra định hướng rõ ràng về khát vọng của bản thân. Với tôi, khát vọng lớn nhất lúc này chính là đạt được kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới. Vì vậy tôi luôn tự dặn lòng phải cố gắng hơn nữa. Để rồi trong tương lai đây thôi, tôi có thể tự hào bước đến cánh cổng trường đại học với tâm thế của một tân sinh viên. Không chỉ vậy, tôi cũng ý thức được việc cần tránh xa những tham vọng phi thực tế.

Tóm lại, câu nói: “Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng” đã giúp cho mỗi người hiểu được ý nghĩa của khát vọng và tham vọng. Từ đó có ý thức nỗ lực để sống tốt hơn mỗi ngày.

Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng - Mẫu 3

Nhà tâm lý học xã hội, nhà phân tâm học, triết gia và người ủng hộ chủ nghĩa xã hội dân chủ người Đức - Erich Fromm từng khẳng định: “Tham vọng là cái hố không đáy làm kiệt sức con người trong nỗ lực bất tận tìm cách thỏa mãn nhu cầu mà không bao giờ chạm tới được sự thỏa mãn”. Cũng đồng quan điểm trên, câu nói: “Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng” cũng khuyên con người nhận thức đúng đắn về khát vọng và tham vọng.

Khát vọng là những mong muốn, mơ ước lớn lao của con người được thôi thúc mạnh mẽ để mỗi người nỗ lực thực hiện nó. Còn tham vọng lại là lòng ham muốn, mong ước quá lớn, thường vượt xa khả năng thực tế, khó có thể đạt được. Có nhiều người cho rằng tham vọng sẽ tạo nên động lực cho con người phấn đấu. Nhưng nếu tham vọng ấy quá xa vời, viển vông thì nó sẽ không đem đến lợi ích tốt đẹp. Tóm lại, câu nói trên là lời khuyên nhủ mỗi người hãy hướng đến những mong muốn, khát khao chính đáng để đem lại những lợi ích tốt đẹp cho bản thân cũng như gia đình, xã hội. Đồng thời tránh xa những tham vọng viển vông, phi thực tế nhằm đem lại lợi ích cho cá nhân.

Sống có khát vọng sẽ đem đến cho con người những điều tốt đẹp. Đây là một cách sống có ý nghĩa dành cho mỗi người. Người có khát vọng sẽ luôn cố gắng, nỗ lực để đạt được điều đó. Khát vọng đem lại thành công cho mỗi người, góp phần vào lợi ích chung của đất nước. Còn nếu sống quá tham vọng sẽ để lại những hậu quả tiêu cực. Người ta sẽ không từ thủ đoạn để đạt được tham vọng. Tham vọng còn khiến họ trở nên ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến lợi ích của cá nhân mà không quan tâm đến lợi ích và trách nhiệm với công đồng. Một sự thật đáng buồn là trong xã hội ngày nay, không ít người lợi dụng tham vọng của bản thân để che đậy những hành vi xấu xa, vô đạo đức.

Khi còn là một học sinh, mỗi người hãy tự nhận thức đúng đắn về khát vọng và tham vọng. Có thể nói, ranh giới của hai khái niệm ấy rất mong manh nhưng lại đem đến những lối sống khác biệt cho con người.

Qua phân tích, chúng ta có thể nhận ra bài học sâu sắc từ câu nói “Hãy khát vọng chứ đừng tham vọng”. Mỗi người hãy có được nhận thức đúng đắn để cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.

Chia sẻ bởi: 👨 Tiểu Thu
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 16
  • Lượt xem: 6.400
  • Dung lượng: 153,7 KB
Sắp xếp theo