Nghị định 132/2018/NĐ-CP Quy định quản lý, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi
Ngày 01/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Theo đó, Nghị định quy định những lĩnh vực được ưu tiên sử dụng vốn ODA bao gồm:
- Hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp), phát triển đô thị thông minh, thủy lợi.
- Nghiên cứu, xây dựng chính sách, thể chế và cải cách;
- Phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao tri thức và phát triển công nghệ;
- Giải quyết ô nhiễm và nâng cao chất lượng môi trường; phòng, chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh;
- Sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP);
- Lĩnh vực ưu tiên khác theo quyết định của Thủ tướng.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 132/2018/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2018 |
NGHỊ ĐỊNH 132/2018/NĐ-CP
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 16/2016/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 3 NĂM 2016 VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA) VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ NƯỚC NGOÀI
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật điều ước quốc tế ngày 09 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 23 tháng 11 năm 2017;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài
1. Bổ sung khoản 4a Điều 3 như sau:
“4a. Báo cáo nghiên cứu khả thi là tài liệu trình bày các nội dung nghiên cứu về sự cần thiết, mức độ khả thi và hiệu quả của chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi làm cơ sở để cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư.”
2. Sửa đổi khoản 15 Điều 3 như sau:
“15. Dự án hỗ trợ kỹ thuật là dự án có mục tiêu hỗ trợ công tác nghiên cứu chính sách, thể chế, chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực con người hoặc để chuẩn bị thực hiện chương trình, dự án khác thông qua các hoạt động như cung cấp chuyên gia trong nước và quốc tế, đào tạo, hỗ trợ một số trang thiết bị, tư liệu và tài liệu, tham quan khảo sát, hội thảo trong và ngoài nước. Dự án hỗ trợ kỹ thuật bao gồm dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại và dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi để chuẩn bị dự án đầu tư.”
3. Bổ sung khoản 15a Điều 3 như sau:
“15a. Đề xuất chương trình, dự án đầu tư là tài liệu mô tả bối cảnh, sự cần thiết, mục tiêu, phạm vi, kết quả chính, dự kiến thời gian thực hiện, dự kiến tổng mức vốn và cơ cấu vốn, sơ bộ đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, tác động môi trường (nếu có), đề xuất cơ chế tài chính trong nước, phương án cân đối trả nợ và tác động đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn của cơ quan chủ quản làm cơ sở để cấp có thẩm quyền quyết định cho phép lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.”
4. Sửa đổi điểm a khoản 16 Điều 3 như sau:
“a) Điều ước quốc tế khung về vốn ODA, vốn vay ưu đãi là điều ước quốc tế về nguyên tắc và điều kiện khung liên quan tới chiến lược, chính sách, khuôn khổ hợp tác, lĩnh vực ưu tiên; chuẩn mực cần tuân thủ trong cung cấp và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; cam kết vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho một năm hoặc nhiều năm và những nội dung khác theo thỏa thuận của các bên ký kết;”
5. Sửa đổi khoản 18 Điều 3 như sau:
“18. Ngân hàng phục vụ là ngân hàng được người sử dụng (Chủ dự án) lựa chọn cho các dự án vay ODA, vốn vay ưu đãi theo điều kiện thị trường, căn cứ danh sách và ý kiến về ngân hàng đủ điều kiện làm ngân hàng phục vụ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định.”
6. Sửa đổi khoản 20 Điều 3 như sau:
“20. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi (sau đây gọi là “Quyết định chủ trương đầu tư”) là văn bản quyết định của cấp có thẩm quyền về chủ trương đầu tư chương trình, dự án hoặc chủ trương tiếp nhận khoản vay hỗ trợ ngân sách, bao gồm những nội dung chính: Tên chương trình, dự án và nhà tài trợ, đồng tài trợ nước ngoài; tên cơ quan chủ quản; mục tiêu và kết quả chủ yếu; thời gian và địa điểm thực hiện; hạn mức vốn; cơ chế tài chính trong nước và phương thức cho vay lại; các hoạt động thực hiện trước (nếu có) làm cơ sở để cơ quan chủ quản phối hợp với nhà tài trợ nước ngoài xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi.”
7. Bổ sung khoản 20a Điều 3 như sau:
“20a. Quyết định chủ trương thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại (sau đây gọi là “Quyết định chủ trương thực hiện”) là văn bản quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án bao gồm những nội dung chính: Tên dự án, phi dự án và nhà tài trợ, đồng tài trợ nước ngoài; tên cơ quan chủ quản; mục tiêu; hạn mức vốn làm cơ sở để cơ quan chủ quản phối hợp với nhà tài trợ nước ngoài phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án.”
8. Sửa đổi khoản 21 Điều 3 như sau:
“21. Thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi là văn bản thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi được ký kết nhân danh Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không phải là điều ước quốc tế.”
9. Sửa đổi khoản 22 Điều 3 như sau:
“22. Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại (sau đây gọi là Văn kiện dự án) là tài liệu trình bày bối cảnh, sự cần thiết, mục tiêu, nội dung, hoạt động chủ yếu, kết quả, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, tổng vốn, nguồn và cơ cấu vốn, các nguồn lực khác, phương thức tài trợ, điều kiện của nhà tài trợ nước ngoài (nếu có), hình thức tổ chức quản lý thực hiện do cơ quan chủ quản phê duyệt làm cơ sở thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án.”
10. Sửa đổi điểm b, c khoản 23 Điều 3 như sau:
“b) Vốn vay ODA là khoản vay nước ngoài có thành tố ưu đãi đạt ít nhất 35% đối với khoản vay có điều kiện ràng buộc liên quan đến mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài hoặc đạt ít nhất 25% đối với khoản vay không có điều kiện ràng buộc. Phương pháp tính thành tố ưu đãi nêu tại Phụ lục I của Nghị định này;
c) Vốn vay ưu đãi là khoản vay nước ngoài có điều kiện ưu đãi hơn so với vay thương mại nhưng thành tố ưu đãi chưa đạt tiêu chuẩn của vay ODA được quy định tại điểm b khoản này.”
11. Sửa đổi khoản 25 Điều 3 như sau:
“25. Vốn ODA, vốn vay ưu đãi có ràng buộc là khoản vốn ODA, vốn vay ưu đãi có kèm theo điều kiện ràng buộc liên quan đến mua sắm hàng hóa và dịch vụ từ quốc gia tài trợ hoặc một nhóm quốc gia nhất định theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài và quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)
12. Sửa đổi Điều 5 như sau:
“Điều 5. Lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi
1. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp), phát triển đô thị thông minh, thủy lợi.
2. Nghiên cứu, xây dựng chính sách, thể chế và cải cách.
3. Phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao tri thức và phát triển công nghệ.
4. Giải quyết ô nhiễm và nâng cao chất lượng môi trường; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
5. Sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).
6. Lĩnh vực ưu tiên khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.”
13. Sửa đổi Điều 6 như sau:
“Điều 6. Lĩnh vực ưu tiên theo nguồn vốn và nguyên tắc sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng
1. Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án tăng cường năng lực; xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, an sinh xã hội, chuẩn bị các dự án kết cấu hạ tầng có kỹ thuật, công nghệ phức tạp, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.
2. Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng giao thông thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.
3. Vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng cho chương trình, dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, có khả năng tạo ra nguồn thu để trả nợ; dự án vay về để cho vay lại.
4. Việc vay theo phương thức chỉ định nhà cung cấp, nhà thầu của nhà tài trợ nước ngoài áp dụng đối với: Khoản vay hỗ trợ giải quyết các vấn đề khẩn cấp về thiên tai, thảm họa, đảm bảo an ninh, quốc phòng, an ninh năng lượng; trường hợp chủ dự án chứng minh hàng hóa, thiết bị của nhà tài trợ nước ngoài có ưu thế vượt trội về công nghệ, giá cả; các trường hợp cụ thể khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
5. Vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.
6. Việc sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho các trường hợp khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
7. Vốn đối ứng được ưu tiên bố trí cho chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thuộc diện được ngân sách nhà nước cấp phát toàn bộ từ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 5 năm và kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm theo đúng tiến độ quy định trong điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, dự án và thực tế giải ngân các nguồn vốn này trong quá trình thực hiện.”
14. Sửa đổi Điều 8 như sau:
“Điều 8. Nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi
1. Đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp: Ngân sách trung ương cấp phát toàn bộ.
2. Đối với chương trình, dự án đầu tư thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương: Ngân sách trung ương cấp phát một phần, cho vay lại một phần hoặc toàn bộ đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài làm phần đóng góp của địa phương trong dự án đối tác công tư (PPP): Cho vay lại một phần hoặc toàn bộ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài từ ngân sách trung ương theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Đối với chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn toàn bộ hoặc một phần: Cho vay lại toàn bộ hoặc một phần vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài từ ngân sách trung ương theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.”
15. Sửa đổi Điều 10 như sau:
“Điều 10. Quy trình quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi
Căn cứ kết quả vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi, quy trình quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi như sau:
1. Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại, bao gồm:
a) Lập, lựa chọn, phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án (không áp dụng với chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại);
b) Lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án;
c) Lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án;
d) Ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho chương trình, dự án;
đ) Quản lý thực hiện chương trình, dự án;
e) Hoàn thành, chuyển giao kết quả chương trình, dự án.
2. Đối với dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại bao gồm:
a) Lập Văn kiện dự án, phi dự án; thẩm định, quyết định chủ trương thực hiện (áp dụng đối với dự án, phi dự án quy định tại khoản 1 Điều 30a) và phê duyệt Văn kiện dự án, phi dự án;
b) Ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA không hoàn lại cho dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án;
c) Quản lý thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án;
d) Hoàn thành, chuyển giao kết quả dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án.
3. Quy trình quản lý, sử dụng khoản hỗ trợ ngân sách:
a) Lập, thẩm định, quyết định chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách;
b) Ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về khoản hỗ trợ ngân sách;
c) Quản lý thực hiện;
d) Hoàn thành, chuyển giao kết quả.”
16. Sửa đổi khoản 1 Điều 11 như sau:
“1. Công tác vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện thông qua đối thoại chính sách phát triển với các nhà tài trợ nước ngoài căn cứ vào Định hướng thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và quy hoạch phát triển của cả nước, của bộ, ngành, lĩnh vực và của địa phương; Kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính ngân sách 05 năm quốc gia; Chiến lược dài hạn về nợ công và Chương trình quản lý nợ công trung hạn; Hạn mức vay vốn ODA, vay ưu đãi hàng năm và trung hạn 5 năm; Kế hoạch tài chính ngân sách 05 năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Kế hoạch tài chính ngân sách 03 năm quốc gia, kế hoạch tài chính ngân sách 03 năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Kế hoạch vay và trả nợ nước ngoài hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.”
17. Sửa đổi tên Chương II như sau:
“Chương II
LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT ĐỀ XUẤT VÀ QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN VAY ODA, VỐN VAY ƯU ĐÃI VÀ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐẦU TƯ SỬ DỤNG VỐN ODA KHÔNG HOÀN LẠI”
18. Sửa đổi khoản 3, 4 Điều 12 như sau:
“3. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với các trường hợp không nêu tại khoản 1, 2 Điều này, bao gồm:
a) Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi;
b) Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại trong các trường hợp sau: chương trình, dự án đầu tư nhóm A và nhóm B; chương trình, dự án kèm theo khung chính sách; chương trình, dự án trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tôn giáo; chương trình tiếp cận theo ngành; mua sắm các loại hàng hóa thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép; sự tham gia của Việt Nam vào chương trình, dự án khu vực;
c) Dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi để chuẩn bị dự án đầu tư.
4. Người đứng đầu cơ quan chủ quản quyết định chủ trương đầu tư đối với các trường hợp không quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này.”
19. Sửa đổi Điều 13 như sau:
“Điều 13. Trình tự, thủ tục lập, lựa chọn và phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án
1. Thẩm quyền phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án:
a) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi;
b) Đối với chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại, cơ quan chủ quản lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án, không phải lập Đề xuất Dự án.
2. Lập Đề xuất chương trình, dự án: Cơ quan chủ quản căn cứ vào quy định tại khoản 1, 2 Điều 24 của Luật đầu tư công và khoản 1, 2 Điều 29 Luật Quản lý nợ công lập Đề xuất chương trình, dự án. Mẫu Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi quy định tại Phụ lục II của Nghị định này.
3. Tiêu chí lựa chọn Đề xuất chương trình, dự án:
a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chỉ tiêu an toàn nợ công và khả năng trả nợ; định hướng thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi; chính sách, định hướng ưu tiên cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;
b) Bảo đảm hiệu quả và bền vững về kinh tế - xã hội, môi trường;
c) Phù hợp với khả năng cân đối vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng;
d) Không trùng lặp với nội dung chương trình, dự án đã có đề xuất, chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Lựa chọn, phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ:
a) Cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính văn bản kèm Đề xuất chương trình, dự án;
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá sự cần thiết của chương trình, dự án, đánh giá sơ bộ tính khả thi, hiệu quả kinh tế, xã hội, tác động môi trường (nếu có) và tác động của chương trình, dự án đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn, lựa chọn Đề xuất chương trình, dự án phù hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; Bộ Tài chính chủ trì xác định thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay ODA và vay ưu đãi đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, xác định cơ chế tài chính trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt cùng Đề xuất chương trình, dự án;
c) Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án.”
20. Sửa đổi tên Điều 16 như sau:
“Điều 16. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, trừ dự án nhóm A”
21. Bổ sung Điều 16a như sau:
“Điều 16a. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách
1. Cơ quan chủ quản có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kèm theo tài liệu về khoản hỗ trợ ngân sách, trong đó nêu rõ bối cảnh, sự cần thiết, mục tiêu, nội dung, hoạt động chủ yếu, kết quả, hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường, tổng vốn, nguồn và cơ cấu vốn, các nguồn lực khác, điều kiện tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách, quyền lợi và nghĩa vụ, phương thức tài trợ và hình thức tổ chức quản lý.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, lấy ý kiến các cơ quan có liên quan và tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách.
..............
Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết