Kỹ năng làm bài văn nghị luận xã hội từ một câu chuyện Nghị luận về một câu chuyện

Nghị luận về một câu chuyện là một trong những dạng văn trọng tâm và khó, yêu cầu người viết bàn bạc nghị luận về một vấn đề xã hội, đạo lí, tư tưởng, nhân sinh, hiện tượng đời sống trong câu chuyện. Vấn đề nghị luận được đặt trong đề bài luôn có tính hai mặt, không hoàn toàn sai cũng không hoàn toàn đúng. Đúng, sai tùy theo quan điểm từng người, từng hoàn cảnh cụ thể.

Để làm được dạng đề nghị luận về một câu chuyện này ngoài việc học sinh hiểu đề còn phải biết phân tích đề để có chính kiến rõ ràng hoặc đồng ý học không đồng ý, hay chỉ đồng ý một phần nào đó. Muốn được như vậy các bạn học sinh cần được trang bị một số kiến thức xã hội nhất định. Vì vậy trong bài viết dưới đây Download.vn xin giới thiệu TOP 97 Đề nghị luận về một câu chuyện hay nhất để các bạn cùng theo dõi.

I. Thế nào là nghị luận về một vấn đề trong tác phẩm văn học?

1. Đối tượng.

Là một vấn đề xã hội có ý nghĩa sâu sắc nào đó được đặt ra trong tác phẩm văn học.

Vấn đề xã hội có thể lấy từ hai nguồn: Tác phẩm văn học đã học trong chương trình hoặc một câu chuyện nhỏ, một văn bản văn học ngắn gọn mà học sinh chưa được học.

2. Mục đích chính của dạng đề nghị luận.

Dạng đề này liên quan và xuất phát từ tác phẩm văn học, nhưng tác phẩm văn học chỉ là ‚cái cớ‛ khởi đầu.

Mục đích chính là yêu cầu người viết bàn bạc nghị luận về một vấn đề xã hội, đạo lí, tư tưởng, nhân sinh, hiện tượng đời sống

Nghĩa là nhân vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học đó mà bàn luận, kiến giải. Trong trường hợp này, tác phẩm văn học chỉ được khai thác về giá trị nội dung tư tưởng, rút ra ý nghĩa xã hội khái quát của tác phẩm ấy. Tác phẩm nào cũng có một ý nghĩa xã hội nhất định. Điều quan trọng là vấn đề xã hội đó có mang tính thời sự, tính giáo dục sâu sắc, có phù hợp với tâm lý tuổi trẻ học đường hay không.

3. Đặc điểm.

Bài viết cho dạng đề này, ở phần thân bài thường gồm hai nội dung lớn:

Phần 1: Phân tích văn bản (hoặc nêu vắn tắt nội dung câu chuyện) để rút ra ý nghĩa vấn đề.

  • Nếu đề văn nêu sẵn vấn đề xã hội rút ra từ một tác phẩm, thì người làm chỉ cần phân tích qua vấn đề đó đã được thể hiện như thế nào trong tác phẩm.
  • Nếu đề văn chưa cho sẵn vấn đề xã hội, thì người viết cần đọc – hiểu, phân tích văn bản để rút ra vấn đề xã hội và ý nghĩa của vấn đề trước khi vào phần hai.

Phần 2 (trọng tâm): Nghị luận (phát biểu) về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học (câu chuyện). Khi đã có vấn đề (đề tài, chủ đề) cần bàn bạc rồi, thì mới bắt đầu làm bài nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm, nêu suy nghĩ của bản thân mình về vấn đề ấy.

4. Tác dụng.

Giải quyết đề văn loại này, học sinh có cơ hội được bộc lộ năng lực do đọc – hiểu tác phẩm, những hiểu biết, những kiến thức về xã hội

II. Cách làm một bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm.

1. Mở bài.

  • Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học cần bàn luận.
  • Mở ra hướng giải quyết vấn đề.

2. Thân bài.

*Vài nét về tác giả và tác phẩm: Giới thiệu ngắn gọn tác giả, tác phẩm có vấn đề nghị
luận.

*Bàn luận vấn đề xã hội đặt ra trong các tác phẩm văn học mà đề yêu cầu:

  • Nêu vấn đề được đặt ra trong tác phẩm văn học:
  • Người viết phải vận dụng kĩ năng đọc –hiểu văn bản để trả lời các câu hỏi:
  • Vấn đề đó là gì? Được thể hiện như thế nào trong tác phẩm?
  • Cần nhớ, tác phẩm văn học chỉ là cái cớ để nhân đó mà bàn bạc, nghị luận về vấn đề xã hội, vì thế không nên đi quá sâu vào việc phân tích tác phẩm mà chủ yếu rút ra vấn đề có ý nghĩa xã hội để bàn bạc.

- Từ vấn đề xã hội được rút ra, người viết tiến hành làm bài nghị luận xã hội, nêu
những suy nghĩ của bản thân mình về vấn đề xã hội ấy:

  • Vấn đề được yêu cầu bàn luận ở đây (cũng là vấn đề xã hội mà nhà văn đặt ra trong tác phẩm văn học) có thể là 1 tư tưởng đạo lí, có thể là một hiện tượng đời sống.
  • Vì vậy người viết chỉ cần nắm vững cách thức làm các kiểu bài nghị luận xã hội (về tư tưởng đạo lí, về một hiện tượng đời sống) để làm tốt phần này.
  • Khẳng định ý nghĩa của vấn đề trong việc tạo nên giá trị của tác phẩm.

- Rút ra bài học nhận thức và hành động trong cuộc sống:

  • Bài học phải được rút ra từ chính vấn đề xã hội (tư tưởng đạo lí hoặc hiện tượng đời sống) được đặt ra trong tác phẩm mà đề yêu cầu, phải hướng tới tuổi trẻ, phù hợp và thiết thực với tuổi trẻ, tránh chung chung, trừu tượng.
  • Nên rút ra hai bài học, một về nhận thức, một về hành động.
  • Bài học cần được nêu chân thành, giản dị, tránh hô khẩu hiểu, tránh hứa suông, hứa bão.

3. Kết bài.

  • Đánh giá ngắn gọn, khái quát về vấn đề xã hội đã bàn luận.
  • Phát triển, liên tưởng, mở rộng, nâng cao vấn đề

III. Nghị luận xã hội về một câu chuyện

Câu chuyện 1: Suy nghĩ của anh (chị) về câu chuyện sau:

Diễn giả Lê-ô Bu-sca-gli-a kể về cuộc thi mà ông làm giám khảo. Mục đích của cuộc thi là tìm
ra đứa trẻ biết quan tâm đến người khác nhất. Người thắng cuộc là một em bé khoảng 4-5 tuổi.
Người hàng xóm của em là một ông lão vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, em bé lại gần rồi leo lên ngồi vào lòng ông. Em ngồi rất lâu và chỉ ngồi như thế. Khi mẹ em hỏi em đã trò chuyện gì với ông ấy, em chỉ trả lời: “Không có gì đâu ạ. Con chỉ để ông ấy khóc”.

(Theo Phép màu nhiệm của đời– NXB Trẻ, 2005)

GỢI Ý

Giải thích ý nghĩa câu chuyện:

  • Diễn giả Lê-ô Bu-sca-gli-a kể câu chuyện về một cậu bé bốn tuổi được bình chọn là đứa trẻ quan tâm đến người khác nhất chỉ vì hành động rất đơn giản của em. Người hàng xóm của em là một ông lão vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, em lại gần rồi leo lên lòng ông. Em ngồi rất lâu như thế chỉ để ông ấy khóc.
  • Hành động ngồi im thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ của cậu bé với nỗi đau của người khác. Phù hợp với tâm lí, tính cách của một đứa trẻ 4 tuổi (chưa thể có những cử chỉ vỗ về, những lời động viên an ủi<).Hành động tuy đơn giản nhưng xuất phát từ tình cảm chân thực nên đã chiếm được cảm tình của giám khảo.
  • Qua câu chuyện, diễn giả Lê-ô Bu-sca-gli-a muốn đề cao sự cảm thông chia sẻ giữa con người với nhau trong cuộc sống.

Bàn luận và mở rộng vấn đề:

- Cảm thông, chia sẻ là tình cảm giữa con người với nhau: yêu thương, động viên, giúp đỡ nhau vượt lên được những khó khăn trong cuộc sống.

- Sự cảm thông, chia sẻ vô cùng cần thiết trong cuộc sống con người:

  • Trong cuộc sống đầy những khó khăn, con người luôn phải cố gắng nỗ lực song không phải bao giờ mọi việc cũng diễn ra theo ý muốn. Nhiều khi con người phải đối mặt với những thất bại, mất mát, thậm chí tuyệt vọng cùng cực. Khi đó con người cần sự giúp đỡ, động viên chia sẻ của cộng đồng. (Dẫn chứng).
  • Sự cảm thông chia sẻ giúp con người vợi bớt nỗi đau, sự mất mát, có thêm nghị lực, sức mạnh niềm tin trong cuộc sống, làm cho mối quan hệ giữa con người và con người ngày càng tốt đẹp hơn, thân thiện gắn bó hơn.

- Có nhiều cách thể hiện sự cảm thông chia sẻ: lời nói, cử chỉ, việc làm thiết thực tùy theo hoàn cảnh, phụ thuộc tâm lí người được chia sẻ. Song điều cơ bản nhất là phải xuất phát từ tình cảm, sự rung động chân thành.

- Qua câu chuyện về sự cảm thông chia sẻ từ một đứa trẻ bốn tuổi, diễn giả muốn khẳng định: lòng vị tha, yêu thương là bản chất vốn có của con người, vì vậy cần vun xới cho đức tính đó được phát triển đến khi đứa trẻ đó trưởng thành.

- Phê phán những người có lối sống ích kỉ, ngoảnh mặt làm ngơ trước những khó khăn bất hạnh của người khác.

- Bài học nhận thức và hành động:

Để cho cuộc sống trở nên tốt đẹp, con người phải có tình thương vị tha nhân ái, biết chia sẻ gắn kết với nhau.

Câu chuyện 2:

Đọc đoạn tin sau: Cô là người con gái thứ 20 trong một gia đình có 22 người con. Cô sinh thiếu tháng nên mọi người nghĩ cô khó mà sống được. Nhưng cô vẫn sống khỏe mạnh. Năm lên 4 tuổi, cô bị viêm phổi và sốt phát ban. Sau trận ốm đó, cô bị liệt chân trái và phải chống gậy khi di chuyển. Năm 9 tuổi, cô bỏ gậy và bắt đầu tự đi. Đến năm 13 tuổi cô đã có thể đi lại một cách bình thường và cô quyết định trở thành một vận động viên điền kinh. Cô tham gia vào một cuộc thi chạy và về cuối cùng. Những năm sau đó cô đều tham dự tất cả các cuộc thi điền kinh, nhưng cũng đều về cuối. Mọi người nói cô nên từ bỏ nhưng cô vẫn tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành một vận động viên điền kinh. Và rồi cô đã chiến thắng trong một cuộc thi. Từ đó trở đi cô luôn chiến thắng trong tất cả các cuộc thi mà cô tham gia. Sau đó cô đã giành được ba huy chương vàng Olympic. Cô là Wilma Rudolph.

(Wilma Rudolph là nữ vận động viên người Mỹ). Anh (chị) có suy nghĩ gì từ ý nghĩa đoạn tin trên?

Gợi ý đáp án

- Giải thích ý nghĩa của đoạn văn

  • Đoạn văn trên là một câu chuyện kì diệu về một nữ vận động viên nổi tiếng của Mỹ có tên là Wilma Rudolph. Từ một đứa trẻ kém may mắn: sức khỏe yếu vì sinh thiếu tháng, lên 4 tuổi bị liệt chân trái vì bệnh tật, Wilma Rudolph đã kiên trì tập luyện để có thể đi lại bình thường. Lên 9 tuổi cô đã đi lại được và có ước mơ trở thành vận động viên điền kinh. Sau nhiều lần thất bại (về cuối trong các cuộc thi) cô vẫn không nản lòng. Sau nhiều năm cố gắng cô đã chiến thắng và giành được ba huy chương vàng Olympic.
  • Câu chuyện của Wilma Rudolph gợi suy nghĩ về tấm gương những con người không bao giờ chịu đầu hàng số phận: Wilma Rudolph đã vượt lên hoàn cảnh bất hạnh của bản thân không chỉ để trở thành con người bình thường mà còn trở thành con người xuất chúng.

- Bàn luận, mở rộng vấn đề:

Trong cuộc sống, có không ít người gặp phải hoàn cảnh bất hạnh (do bẩm sinh, do tai nạn, bệnh tật<). Nhiều người trong số đó đã vươn lên khôngngừng, tự khẳng định mình ‚tàn nhưng không phế‛.

Câu chuyện của Wilma Rudolph và nhiều người khác gợi suy nghĩ:

  • Sự khâm phục, ngưỡng mộ với những con người giàu ý chí, nghị lực trong cuộc sống.
  • Không có khó khăn nào mà con người không thể vượt qua, điều quan trọng là cần phải có ý chí nghị lực, có hoài bão ước mơ, có tình yêu với cuộc sống.

- Trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội với họ:

  • Cảm thông, tôn trọng chứ không xa lánh, ghẻ lạnh họ.
  • Động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện để họ phát huy khả năng.
  • Phê phán một bộ phận không nhỏ (nhất là thanh niên) sống không có nghị lực, ý chí, ước mơ hoài bão.

Câu chuyện 3:

Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mĩ A.Lin – côn viết:

Xin dạy cho cháu biết đến thế giới kì diệu của sách, nhưng cũng để cho cháu đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong nắng, và những bông hoa nở ngát trên đồi xanh.

(Ngữ văn 10, tập 2, NXBGD, 2006)

Suy nghĩ của anh (chị) về đoạn thơ trên.

Gợi ý:

- Giải thích ý nghĩa đoạn thơ:

  • Dạy cho cháu biết đến thế giới kì diệu của sách: Biết thu nhận kiến thức từ sách vở, có niềm say mê khám phá thế giới kiến thức phong phú của sách.
  • “Cũng để cho cháu đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống‛: chú trọng rèn luyện tâm hồn nhạy cảm, biết quan tâm đến cuộc sống xung quanh, tự mình khám phá ý nghĩa của cuộc sống, vẻ đẹp của thế giới tự nhiên cũng như của con người.
  • Đoạn thơ là lời tâm sự, mong mỏi của một người cha đối với nhà trường, với các nhà giáo dục: Dạy cho con mình hiểu biết và trân trọng giá trị của sách vở và cuộc sống.

- Bàn luận, mở rộng vấn đề:

  • Đây là tâm tình của một người cha: thể hiện tình yêu con, mong muốn con trưởng thành.
  • Lời đề nghị của ông với thầy hiệu trưởng, với nhà trường còn thể hiện mong ước của một người yêu thương, quan tâm đến sự phát triển toàn diện nhân cách của thế hệ trẻ.

- Nội dung lời đề nghị sâu sắc, chính đáng:

  • Không phủ nhận vai trò quan trọng của sách, của kiến thức văn hóa do sách vở mang lại, vì đó là cả một ‚thế giới kì diệu‛, rộng mở. Không có kiến thức văn hóa, con người thiếu nền tảng tri thức.
  • Tuy nhiên, kiến thức cuộc sống thực tiễn của con người cũng quan trọng không kém, bởi đó là‚ sự bí ẩn muôn thuở‛ mà con người luôn cần khám phá, hiểu biết. Nó cần thiết và bổ ích cho con người, có tác động tích cực trong việc vun đắp bồi dưỡng tâm hồn, khơi dậy tình yêu cuộc sống.
  • Vai trò của người thầy trong việc khơi dậy tinh thần tự học, lòng ham hiểu biết khám phá, chiêm nghiệm và ‚ lặng lẽ suy tư‛ trước mọi vấn đề của đời sống của học sinh. Đó là điều quan trọng để học sinh có thói quen quan tâm đến mọi điều trong đời sống.
  • Phê phán quan điểm phiến diện: hoặc chỉ thấy vai trò của kiến thức sách vở,
    hoặc chỉ quan tâm đến thực tiễn.

- Bài học nhận thức và hành động:

  • Biết học trong sách vở nhưng cũng cần biết học ở cuộc sống, quan tâm đến đời sống xã hội. Đó là chìa khóa dẫn đến thành công của mỗi con người.
  • Biết yêu cuộc sống, nhận ra vẻ đẹp từ những điều bình dị nhất của vạn vật quanh ta. Học kiến thức song song với rèn luyện đạo đức, bồi dưỡng tâm hồn.
  • Đó là sự phát triển toàn diện nhân cách của con người.

Câu chuyện 4

CON CHÓ VÀ MIẾNG THỊT

Một con chó tham ăn, một hôm nó đớp được miếng thịt của làng bày ra đình để khao làng. Con chó ba chân bốn cẳng tha miếng thịt đến bờ sông. Sợ người làng đuổi theo nên nó chạy về phía cầu để qua sông tẩu thoát. Khi đến giữa cầu, nó nhìn xuống dòng sông, thấy có một con chó khác đang ngoạm miếng thịt to hơn. Con chó tham ăn mới nghĩ: Ta phải cướp miếng thịt của con chó kia mới được. Nghĩ thế nào, làm thế ấy, nó bèn nhả miếng thịt đang ngoạm ra, rồi nhảy xuống sông để tranh miếng thịt với con chó kia. Vừa nhảy xuống sông thì bóng nước tan ra, nó vùng vẫy một thôi một hồi chẳng kiếm được gì, lúc bấy giờ mọi người đổ xô ra cầm đòn đánh chó. Nước cuốn mạnh, con chó bị chìm nghỉm dưới dòng sông.

(Theo Con chó và miếng thịt – Truyện ngụ ngôn Việt Nam – Nguyễn Văn Ngọc, NXB Văn học, 2003.)

Câu chuyện trên gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về cuộc sống?

Gợi ý:

Nhận thức về câu chuyện:

  • Chuyện kể về một con chó đớp được một miếng thịt trong bữa cỗ làng và vội vàng tẩu thoát.
  • Khi đi qua chiếc cầu, nhìn xuống dưới thấy một con chó khác đang ngoạm một miếng thịt to hơn.
  • Nó liền nhả miếng thịt đang ngoạm ra lao xuống tranh miếng thịt với con chó kia. Nó không những không cướp được mà còn bị nước cuốn mạnh chìm nghỉm dưới lòng sông.
  • Câu chuyện mượn hình tượng con chó tham lam để phê phán những kẻ ngu ngốc thiếu thực tế, Thả mồi bắt bóng. Tham bát bỏ mâm, Thả con cá rô, vồ con săn sắt

- Suy nghĩ của bản thân:

  • Con người nhiều khi không ý thức được giá trị mà mình có, chỉ lo tìm kiếm những thứ viển vông, là cái bóng, là ảo ảnh, là không có thật, vì thế phải nhận những hậu quả đáng tiếc, thứ mà mình đang có cũng tuột khỏi tầm tay.
  • Cái bóng bao giờ cũng đẹp, cũng lung linh nên con người dễ nhầm tưởng, lòng tham khiến họ lao vào nó mà quên đi thực tế. Câu chuyện trở thành một minh chứng sinh động nhằm phê phán những kẻ tham lam, ngu ngốc, thiếu hiểu biết.
  • Nhưng mặt khác, tham cũng có giá trị riêng của nó, tính tham sẽ là điều kiện tuyệt vời giúp chúng ta vượt qua những rào cản của bản thân, nhanh chóng chinh phục những mục tiêu xa hơn, lớn hơn, có lòng tham con người mới có động lực phát triển, có tham mới biến ước mơ thành hiện thực.
  • Tuy nhiên lòng tham tự nó vốn dĩ khó đo lường và kiểm soát. Nếu tham quá đà con người sẽ không làm chủ được bản thân, biến mọi thứ thành tro bụi, hệt như con thú trong truyện, chẳng những đánh mất miếng mồi mà còn mất đi mạng sống của mình nơi lòng sông lạnh lẽo.

- Bài học nhận thức và hành động:

  • Con người phải ý thức được thực tế, phải giữ gìn những gì mình đang có, đừng theo đuổi những cái viển vông.
  • Chúng ta cần có tham vọng nhưng tham vọng phải có chừng mực, tránh biến thành kẻ tham lam, ngu ngốc, để rồi hối hận cũng không kịp

Câu chuyện 5: Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu chuyện ngụ ngôn sau đây:

CHIM CHÀNG LÀNG

Chàng Làng vẫn thường hãnh diện và kiêu ngạo về tiếng hót của mình hơn hẳn đồng
loại. Nó có thể hót tiếng của nhiều loài chim. Một hôm, nhân có mặt đông đủ bạn bè họ nhà chim, chú đậu tót lên cành cây cao rồi ưỡn ngực, vươn cổ cất tiếng hót. Chú hót say sưa, khi thì giống giọng của sáo đen, khi là giọng của chích chòe, hoạ mi. Ai cũng khen chú bắt chước giống và tài tình quá. Cuối buổi biểu diễn, một chú chim sâu đề nghị: Bây giờ anh hãy hót tiếng của riêng anh cho bọn em nghe nào! Chàng Làng đứng mãi mà không hót được giọng của riêng mình, Chàng Làng xấu hổ cất cánh bay thẳng. Bởi vì từ xưa đến nay, Chàng Làng chỉ quen nhại theo giọng hót của các loài chim khác chứ đâu chịu luyện một giọng hót riêng cho chính mình.

Gợi ý đáp án 

- Nhận thức về câu chuyện:

  • Câu chuyện kể về loài chim Chàng Làng( còn có tên khác là chim Bách Thanh), loài chim này có khả năng tuyệt vời là bắt chước giọng của những loài chim khác.
  • Bản thân chú chim này rất tự hào về khả năng của mình và khi có mặt đông đủ bạn bè, họ hàng nhà chim chú lại trình diễn năng khiếu ấy cho mọi người thưởng thức.
  • Tuy nhiên khi được đề nghị hót bằng giọng của mình thì chú xấu hổ bay đi mất vì xưa nay chú chỉ bắt chước, nhại theo chứ đâu có luyện cho mình một giọng hót riêng.
  • Câu chuyện phê phán thói bắt chước, nhại lại mà không chịu suy nghĩ, không chịu sáng tạo để làm nên phong cách riêng ở một số người.

- Suy nghĩ của bản thân từ câu chuyện:

  • Bắt chước là một thói quen được hình thành từ thuở ấu thơ, nó giúp con người học hỏi được mọi thứ từ thế giới xung quanh để thích nghi với cuộc sống.
  • Bắt chước là giai đoạn đầu tiên của tư duy mà bất cứ ai cũng phải trải qua bởi khó có thể phát minh, sáng tạo ra cái mới nếu không dựa vào những ý tưởng cũ. Bắt chước trong một hoàn cảnh nào đó cũng được coi là tài năng nếu sự bắt trước y như thật.
  • Tuy nhiên cuộc sống không ngừng đòi hỏi sự sáng tạo. Thành công của ngày hôm nay không thể giống với ngày hôm qua, ngày mai không thể giống ngày hôm nay vì thế con người không thể rập khuân, bắt chước những cái đã có.
  • Câu chuyện đã phản ánh một thực trạng trong xã hội: nói theo, viết theo, nghĩ theo, hành động theo nhất là đối với học sinh hiện nay. Việc bắt chước một cách máy móc đã làm các em mất đi phong cách riêng của mình, thui chột khả năng sáng tạo, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển trong tương lai.

- Bài học nhận thức và hành động:

  • Trong cuộc sống không tự biến mình thành những con chim Chàng Làng.
  • Không ngừng học hỏi, không ngừng tư duy, sáng tạo để khẳng định mình và
    đi tới thành công.

Câu chuyện 6: Trong bức thư của một du học sinh Nhật bàn về “văn hóa Việt” có đoạn:

“Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”. Là một người Việt trẻ tuổi, anh/chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?

Gợi ý:

- Giải thích ý kiến.

  • Tự hào: là sự hãnh diện, tự tin về điều gì đó.
  • 4000 năm văn hiến: là quá trình lịch sử dài lâu, gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước, tạo nên những truyền thống văn hoá lâu đời và tốt đẹp của dân tộc.
  • Xấu hổ: cảm giác hổ thẹn vì lỗi lầm hoặc sự kém cỏi, không xứng đáng.
  • 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”: chỉ sự tương phản đầy nghịch lý, nhấn mạnh những truyền thống văn hoá lâu đời tốt đẹp chỉ là lý thuyết đóng khung trong sử sách, còn thực tế đời sống không chứng minh cho truyền thống văn hoá lâu đời đó.
  • Ý cả câu là một lời cảnh tỉnh đối với mỗi người Việt Nam: không nên ngủ quên trong quá khứ và hãnh diện về truyền thống văn hoá lâu đời của dân tộc mà cần để truyền thống văn hoá tốt đẹp đó thể hiện trong thực tế cuộc sống hàng ngày.

- Phân tích lý giải.

Vì sao nói “thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến”? Vì trong thực tế không phải dân tộc nào cũng có lịch sử phát triển lâu đời như vậy. Trong suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần, hình thành bản sắc văn hoá của dân tộc với những nét tốt đẹp, biểu hiện phong phú ở nhiều lĩnh vực của đời sống.

Câu chuyện 7:

TẤT CẢ SỨC MẠNH

Có một cậu bé đang chơi ở đống cát trước sân. Khi đào một đường hầm trong đống cát, cậu bé đụng phải một tảng đá lớn. Cậu bé liền tìm cách đẩy nó ra khỏi đống cát.

Cậu bé dùng đủ mọi cách, cố hết sức lực nhưng rốt cuộc vẫn không thể đẩy được tảng đá ra khỏi đống cát. Đã vậy bàn tay cậu còn bị trầy xước, rướm máu. Cậu bật khóc rấm rứt trong thất vọng.

Người bố ngồi trong nhà lặng lẽ theo dõi mọi chuyện. Và khi cậu bé bật khóc, người bố bước tới: “Con trai, tại sao con không dùng hết sức mạnh của mình?”.

Cậu bé thổn thức đáp: “Có mà! Con đã dùng hết sức rồi mà bố!”.

“Không con trai – người bố nhẹ nhàng nói – con đã không dùng đến tất cả sức mạnh của con.

Con đã không nhờ bố giúp”. Nói rồi người bố cúi xuống bới tảng đá ra, nhấc lên và vứt đi chỗ khác.

(Theo Sự bình yên trong tâm hồn, NXB Văn hóa Thông tin, 2006) Suy nghĩ của anh/chị về bài học rút ra từ câu chuyện trên.

Gợi ý:

- Giải thích nội dung, ý nghĩa câu chuyện và rút ra bài học.

  • Cậu bé đối diện với khó khăn, dù cố gắng hết sức vẫn thất bại, khóc và tuyệt vọng vì nghĩ rằng sức mạnh của con người nằm trong chính bản thân mình.
  • Người cha với lời nói và hành động mang đến một thông điệp: sức mạnh của mỗi người là sức mạnh của bản thân và sự giúp đỡ từ người khác.

- Bài học: Tự lực là cần thiết nhưng nếu không biết dựa vào sự giúp đỡ từ người khác khi cần thiết cũng khó thành công hơn.

- Bàn luận.

Tại sao mỗi người nên nhận sự giúp đỡ của người khác?

  • Thực tế cuộc sống đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, bất ngờ vượt khỏi khả năng của mỗi cá nhân; có những vấn đề phải nhiều người mới giải quyết được.
  • Mỗi người luôn có khát vọng được thành công trên nhiều lĩnh vực.

- Ý nghĩa của sự giúp đỡ từ người khác:

  • Sự thành công sẽ nhanh và bền vững hơn.
  • Người nhận sự giúp đỡ có thêm sức mạnh và niềm tin, hạn chế được những rủi ro và thất bại.
  • Tạo lập mối quan hệ tốt đẹp, gắn kết giữa người với người, nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay.
  • Giúp đỡ không phải là làm thay; giúp đỡ phải vô tư, chân thành, tự nguyện.
  • Phê phán những người tự cao không cần đến sự giúp đỡ của người khác, những người ỷ lại, dựa dẫm vào người khác.

- Bài học nhận thức và hành động.

  • Phải nhận thấy sức mạnh của cá nhân là sức mạnh tổng hợp.
  • Chủ động tìm sự giúp đỡ và chỉ nhận sự giúp đỡ khi bản thân thực sự cần.
  • Có thói quen giúp đỡ mọi người.

Câu chuyện 8:

CÂU CHUYỆN CỦA HAI HẠT MẦM

Có hai hạt mầm nằm cạnh nhau trên một mảnh đất màu mỡ. Hạt mầm thứ nhất nói: Tôi muốn lớn lên thật nhanh. Tôi muốn bén rễ sâu xuống lòng đất và đâm chồi nảy lộc xuyên qua lớp đất cứng phía trên. Tôi muốn nở ra những cánh hoa dịu dàng như dấu hiệu chào đón mùa xuân

Tôi muốn cảm nhận sự ấm áp của ánh mặt trời và thưởng thức những giọt sương mai đọng trên cành lá. Và rồi hạt mầm mọc lên.

Hạt mầm thứ hai bảo:

– Tôi sợ lắm. Nếu bén những nhánh rễ vào lòng đất sâu bên dưới, tôi không biết sẽ gặp phải điều gì ở nơi tối tăm đó. Và giả như những chồi non của tôi có mọc ra, đám côn trùng sẽ kéo đến và nuốt ngay lấy chúng. Một ngày nào đó, nếu những bông hoa của tôi có thể nở ra được thì bọn trẻ con cũng sẽ vặt lấy mà đùa nghịch thôi. Không, tốt hơn hết là tôi nên nằm ở đây cho đến khi cảm thấy thật an toàn đã. Và rồi hạt mầm nằm im và chờ đợi.

Một ngày nọ, một chú gà đi loanh quanh trong vườn tìm thức ăn, thấy hạt mầm nằm lạc lõng trên mặt đất bèn mổ ngay lập tức

(THẢO NGUYÊN, Hạt giống tâm hồn - First News và NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành)
Suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề đặt ra trong câu chuyện trên?

Gợi ý:

- Giải thích:

  • Tóm tắt thật ngắn gọn truyện: Hạt mầm thứ nhất muốn lớn lên, bén rễ, đâm chồi nảy lộc, nở hoa dịu dàng nên đã mọc lên. Hạt mầm thứ hai sợ đất sâu tối tăm, sợ chồi non bị côn trùng nuốt, sợ trẻ con vặt hoa nên nằm im, chờ đợi, kết cục bị gà mổ tức khắc.
  • Mượn câu chuyện hai hạt mầm, tác giả đã nêu lên và khẳng định một quan niệm nhân sinh đúng đắn, tích cực: Con người sống phải có ước mơ (mong muốn những điều tốt đẹp trong tương lai), dám đối đầu với khó khăn để biến ước mơ thành hiện thực và tỏa sáng. Sống không có ước mơ, hèn nhát, sợ hãi, thụ động< chỉ nhận được sự thất bại, thậm chí bị hủy diệt.

- Lí giải vấn đề:

  • Cuộc sống rất đa dạng và phong phú: có cơ hội cho con người lựa chọn nhưng cũng lắm thử thách gian nan. Hành trình sống của con người là không ngừng vươn lên để sáng tạo, in dấu ấn trong cuộc đời. Khó khăn không hoàn toàn là trở lực mà chính là động lực thôi thúc hành động, đạt tới thành công
  • Ước mơ tạo nên bản lĩnh, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp con người vượt qua khó khăn ‚xuyên qua đá cứng‛ để sống và tận hưởng hương vị, vẻ đẹp của cuộc đời; là động lực thôi thúc con người tìm tòi, khám phá, đóng góp sức mình làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn.
  • Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người có ước mơ, khát vọng và nỗ lực vượt khó, chinh phục mọi thử thách để sinh tồn và phát triển. Sợ hãi trước cuộc sống, không dám làm bất cứ điều gì, chỉ biết thu mình trong vỏ bọc hèn nhát, thụ động chờ đợi con người sẽ trở nên yếu hèn.
  • Cuộc sống không ước mơ, không dám đương đầu với thực tế là cuộc sống vô vị, nhàm chán, sống thừa, sống vô ích, con người sẽ chỉ nhận được thất bại, thậm chí có thể tan biến trong cuộc đời. (Trong quá trình lí giải cần chọn dẫn chứng minh họa)

- Bàn luận

  • Bên cạnh những người có ước mơ, không ngừng vươn lên để sáng tạo, cũng còn không ít người sợ hãi, né tránh gian khổ, khó khăn. Bên cạnh những ước mơ chính đáng, phù hợp với mục tiêu cao đẹp của cộng đồng cũng còn có ước mơ vụn vặt, tầm thường, vị kỉ.
  • Biểu dương những người có ước mơ, có nghị lực vươn lên. Phê phán những người sống không có ước mơ, thụ động, ngại khó ngại khổ, không có ý chí, nghị lực.

- Liên hệ rút ra bài học về nhận thức và hành động.

.......................

Mời các bạn tải File tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

Chia sẻ bởi: 👨 Bảo Ngọc
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm