Viết một đoạn văn song song và một đoạn văn phối hợp theo chủ đề tự chọn (10 mẫu) Văn mẫu lớp 8
Download.vn sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 8: Viết một đoạn văn song song và một đoạn văn phối hợp theo chủ đề tự chọn.
Nội dung bao gồm 10 đoạn văn mẫu lớp 8. Bạn đọc có thể tham khảo nội dung chi tiết ngay sau đây.
Đề bài: Hãy viết một đoạn văn song song và một đoạn văn phối hợp (mỗi đoạn khoảng 7 - 9 câu) theo chủ đề tự chọn.
Viết một đoạn văn song song và một đoạn văn phối hợp theo chủ đề tự chọn
Viết đoạn văn song song
Mẫu số 1
Nam Cao tên khai sinh là Trần Hữu Tri. Quê làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân (nay là xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Ông được coi là một nhà văn hiện thực xuất sắc trước Cách mạng tháng 8, với những truyện ngắn, truyện dài chân thực viết về người nông dân nghèo đói bị vùi dập và người trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ. Sau Cách mạng, Nam Cao sáng tác tận tụy sáng tác phục vụ kháng chiến. Ông đã hy sinh trên đường vào công tác vùng sau lưng địch tháng 11 năm 1951.
Mẫu số 2
“Lão Hạc” được đăng báo lần đầu năm 1943. Truyện kể về Lão Hạc - một người nông dân nghèo khổ, sống một mình cùng với con chó Vàng - người bạn duy nhất của lão. Lão có một đứa con trai nhưng vì nhà nghèo, không có tiền lấy vợ nên bỏ đi đồn điền cao su. Cả gia tài của lão chỉ có mảnh vườn vốn là của hồi môn của con trai và con chó Vàng sống cùng để bầu bạn. Sau trận ốm thập tử nhất sinh, nhà lão không còn gì để ăn. Lão đành phải bán con Vàng đi. Số tiền bán chó và bán mảnh vườn, lão đem gửi ông giáo và nhờ khi nào anh con trai về sẽ trao lại cho anh. Còn bản thân thì đến xin Binh Tư một ít bả chó, nói dối là để đánh bả con chó nhưng thực ra là để tự tử.
Mẫu số 3
Sự thật là những điều có thật hoặc phản ánh đúng với khách quan cuộc sống. Còn ngược lại, giả dối là những điều ngược lại, gắn với hành động nói dối để che giấu đi sự thật. Bản thân sự thật và giả dối cũng tồn tại những nghịch lí. Có những lời nói dối mang đến cho con người những điều tốt đẹp, nhưng cũng có những sự thật lại gây ra tổn thương. Nhưng dù vậy, chúng ta vẫn cần tôn trọng sự thật và tránh xa việc nói dối.
Mẫu số 4
Xứ Huế rất nổi tiếng với các điệu hò. Mỗi câu hò gắn với tâm tình của người hò. Ca Huế được trình diễn trên một khoang thuyền với đầy đủ các loại nhạc cụ. Các ca công còn rất trẻ, nam mặc áo dài the, quần thụng, đầu đội khăn xếp, nữ mặc áo dài, khăn đống duyên dáng. Ca Huế được hình thành từ dòng ca nhạc dân gian và ca nhạc cung đình. Thú nghe ca Huế thể hiện sự tao nhã, đầy sức quyến rũ.
Viết đoạn văn phối hợp
Mẫu số 1
“Có chí thì nên” là câu tục ngữ gửi gắm bài học về ý chí, nghị lực trong cuộc sống. Con người có ý chí, nghị lực và sự kiên trì sẽ đạt được ước mơ, gặt hái được thành công. Mạc Đĩnh Chi là một trong những tấm gương tiêu biểu. Ông sống trong một gia đình nghèo khó. Ban ngày còn phải làm kiếm sống chỉ tối đến mới có thời gian học tập. Không có tiền mua dầu thắp đèn, cậu bé họ Mạc phải bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng rồi soi lên trang sách mà đọc chữ. Với ngọn đèn đom đóm ấy, cậu bé miệt mài học tập và đến khoa thi năm 1304 cậu đã thi đỗ trạng nguyên rồi trở thành một vị quan có tài năng lớn trong triều nhà Trần. Như vậy, đức kiên trì, bền bỉ chính là một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Trái ngược với người “Có chí thì nên” là những người “Thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Họ luôn sợ hãi thử thách, khi gặp phải khó khăn thì chỉ biết lùi bước. Những người như vậy sẽ mãi gặp phải thất bại. Bởi vậy, mỗi người hãy coi câu “Có chí thì nên” là một bài học quý giá cho bản thân.
Mẫu số 2
“Mây và sóng” của Ta-go là một trong những bài thơ mà tôi cảm thấy yêu thích nhất. Tác phẩm được viết theo thể thơ tự do với những câu thơ có độ dài khắc khác nhau, từ đó khiến cho bài thơ giống như một câu chuyện được kể lại - điều này đã góp phần tạo ra yếu tố tự sự. Em bé trong bài thơ được mời gọi đến thế giới kỳ diệu ở “trên mây” và “trong sóng”. Với sự hiếu kỳ của một đứa trẻ, em đã cất tiếng hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”, “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”. Sau khi nghe câu trả lời, em bé chợt nhớ đến mẹ vẫn đang đợi mình ở nhà và từ chối: “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Chẳng có niềm hạnh phúc nào bằng được ở bên cạnh mẹ mặc dù thế giới ngoài kia nhiều hấp dẫn. Để rồi, em bé đã sáng tạo ra những trò chơi còn thú vị hơn của những người “trên mây” và “trong sóng”. Trong trò chơi đó, em sẽ là mây, là sóng tinh nghịch nô đùa; còn mẹ sẽ là vầng trăng, là bờ biển dịu hiền, ôm ấp và che chở vào lòng. Như vậy, “Mây và sóng” đã mang lại những cảm xúc thật đẹp đẽ cho người đọc.
Mẫu số 3
Máy vi tính là một sản phẩm của trí tuệ nhân loại. Và chúng ta không thể phủ nhận được vai trò quan trọng của nó trong cuộc sống của con người. Đầu tiên, máy vi tính phục vụ công việc học tập, làm việc của con người trong xã hội hiện đại. Trong máy vi tính có nhiều phần mềm, công cụ khác nhau phục vụ cho từng ngành nghề khác nhau. Cơ bản nhất phải kể đến Word, Excel, Powerpoint, Photoshop là những công cụ mà bất cứ ngành nghề nào cũng cần dùng đến. Không chỉ vậy, với một chiếc máy tính được kết nối internet, con người có thể tìm kiếm thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, từ đó luôn luôn cập nhật cùng với thời đại, mở mang kiến thức vươn tầm thế giới. Ngoài vai trò kể trên, máy vi tính còn giúp con người giải trí như chơi game, xem phim hay nghe nhạc,... Tuy nhiên, chúng ta cần sử dụng một cách hợp lí, khoa học để tránh rơi vào tình trạng “nghiện”. Có thể khẳng định rằng, máy vi tính có một vai trò vô cùng quan trọng với cuộc sống của con người.
Mẫu số 4
Con người Việt Nam luôn chú trọng việc học tập, bởi vậy mà chúng ta luôn tự hào là một quốc gia giàu truyền hiếu học. Có thể hiểu đơn giản, hiếu học là thói quen ham thích, coi trọng việc học hành được hình thành lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác . Việc học tập không chỉ là khoảng thời gian hữu hạn, mà là một hành trình của con người. Ngay từ khi còn bé, chúng ta đã phải bắt đầu học lẫy, học nói, học đi. Đến khi trưởng thành, con người bắt đầu với quá trình học tập qua nhiều cấp học. Rồi khi đã đi làm chúng ta vẫn phải tiếp tục học hỏi thêm kiến thức, kĩ năng để phục vụ công việc. Một tấm gương tiêu biểu cho truyền thống hiếu học chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời của Người luôn suốt đời học tập. Từ lúc còn là một chàng thanh niên giàu lí tưởng hay khi đã trở thành một vị lãnh tụ, Bác vẫn tích cực học tập, tìm hiểu. Chúng ta biết được Bác có một vốn am hiểu sâu rộng, uyên bác - điều đó là thành quả của việc không ngừng trau dồi, học hỏi. Việc nỗ lực học tập không ngừng sẽ giúp nâng cao giá trị của bản thân, giúp con người chạm tới thành công. Vì vậy, thế hệ trẻ cần tích cực phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc.
Mẫu số 5
Thời đại công nghệ với sự ra đời của nhiều mạng xã hội đã phục vụ cho nhu cầu giải trí của con người. Các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Youtube... được rất nhiều người sử dụng, đặc biệt là đối tượng học sinh. Bên cạnh những tiện ích mà nó mang lại, thì các trang mạng xã hội này cũng đem đến nhiều tác hại. Nhiều học sinh chìm đắm trong thế giới của mạng xã hội, dẫn đến tình trạng “nghiện mạng xã hội”. Mạng xã hội khiến chúng ta dần rời xa cuộc sống thực tế. Đôi khi trên các trang mạng xã hội còn những nguồn thông tin không lành mạnh về cách hành vi bạo lực, các web đen, các loại văn hóa phẩm đồi trụy… ảnh hưởng không tốt đến nhân cách, đạo đức của học sinh. Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần phải có biện pháp quản lí trong việc sử dụng mạng xã hội của học sinh. Bản thân mỗi học sinh cũng cần tỉnh táo trong việc sử dụng các trang mạng xã hội. Tóm lại, mạng xã hội đem đến nhiều lợi ích, nhưng chúng ta cần biết sử dụng sao cho phù hợp và khoa học.
Mẫu số 6
Kho tàng tục ngữ Việt Nam đã gửi gắm thật nhiều bài học giá trị, trong đó tôi thích nhất là câu: “Thương người như thể thương thân”. Trước hết, “thương người” là tình cảm yêu mến gắn liền với hành động quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh. Còn “thương thân” chính là trân trọng, yêu thương chính bản thân. Cách so sánh “thương người như thể thương thân” nhằm nhắn nhủ mỗi con người hãy biết yêu thương những người xung quanh giống như yêu chính bản thân. Mỗi người sinh ra đều có quyền được mọi người xung quanh yêu thương, tôn trọng. Không chỉ vậy, tình yêu thương giữa con người sẽ luôn đem đến những điều tốt đẹp xóa đi mọi khoảng cách, giúp xã hội trở nên văn minh hơn. Bài học được gửi gắm qua câu tục ngữ là mỗi người cần có tấm lòng yêu thương, biết chia sẻ và đồng cảm với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, vẫn còn nhiều người sống vô cảm, ích kỉ. Họ thờ ơ khi thấy người đang gặp khó khăn. Đó là những hành động cần lên án, tránh xa. Tóm lại, câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” tuy ngắn gọn nhưng lại giàu ý nghĩa.