Định mức tiết dạy của giáo viên chủ nhiệm
Quy định về định mức tiết dạy đối với giáo viên viên chủ nhiệm tính như thế nào? Có lẽ là câu hỏi mà rất nhiều thầy cô vẫn băn khoăn, cần lời giải đáp. Vậy mời thầy cô cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Giáo viên chủ nhiệm là giáo viên giảng dạy ở các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục khác, giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp được cơ sở giáo dục đó phân công trực tiếp quản lý, điều hành, theo sát quá trình học tập của học sinh để báo cáo với nhà trường và gia đình. Giáo viên chủ nhiệm có vai trò, sứ mệnh cực kỳ quan trọng.
Quy định về định mức tiết dạy của giáo viên khi làm giáo viên chủ nhiệm
Theo quy định tại Điều 6, Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT nêu rõ:
- Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết.
- Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 17 tiết ở cấp trung học cơ sở, 15 tiết ở cấp trung học phổ thông.
- Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp trung học cơ sở.
- Định mức tiết dạy của giáo viên trường dự bị đại học là 12 tiết.
- Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp trung học cơ sở.
Như vậy, đối với mỗi cấp giáo dục cũng như đối với loại hình cơ sở giáo dục thì định mức tiết dạy cũng có sự khác nhau, điều này cũng hoàn toàn hợp lý, xuất phát từ việc bản chất của các chương trình giáo dục tại các cấp, trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục khác là khác nhau.
Thực tiễn pháp luật không quy định một con số cụ thể đối với định mức tiết dạy của giáo viên kiêm giáo viên chủ nhiệm, tuy nhiên, căn cứ tại Điều 8, Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT về Chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn, thì:
- Giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần. Như vậy, định mức tiết dạy của giáo viên chủ niệm là 20 tiết tuần ở cấp tiểu học và 15 tiết/tuần ở cấp trung học cơ sở và 13 tiết/tuần đối với cấp trung học phổ thông.
- Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần. Như vậy, định mức tiết dạy của giáo viên chủ nhiệm trong trường hợp này là 13 tiết/tuần ở cấp trung học cơ sở và 11 tiết/tuần ở cấp trung học phổ thông.
- Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường chuyên, trường bán trú được giảm 4 tiết/tuần. Trong trường hợp này, định mức tiết dạy của giáo viên chủ nhiệm là 17 tiết/tuần ở cấp tiểu học và 13 tiết/tuần ở cấp trung học cơ sở.
- Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật được giảm 3 tiết/tuần. Trong trường hợp này, định mức tiết dạy của giáo viên chủ nhiệm là 118 tiết/tuần ở cấp tiểu học và 14 tiết/tuần ở cấp trung học cơ sở.
Vậy: Tại sao, giáo viên là giáo viên chủ nhiệm lại được giảm định mức tiết dạy?
Để lí giải cho câu hỏi này, tác giả sẽ phân tích một số khía cạnh sau:
- Thứ nhất, việc đặt ra định mức tiết dạy được xét dựa trên một giáo viên với tư cách là giáo viên chuyên môn, thực hiện nhiệm vụ của giáo viên đối với học sinh liên quan đến môn học đó. (Điều này cũng không mang tính tuyệt đối vì đối với giáo viên chủ nhiệm tiểu học, chủ thể này sẽ phải thực hiện giảng dạy nhiều môn khác nhau). Do vậy, định mức đó chỉ thực sự hiệu quả khi cá nhân thực hiện đúng chuyên môn và không phải gánh thêm các tư cách khác nhau (ví dụ như giáo viên chủ nhiệm, giáo viên kiêm phụ trách phòng học bộ môn, giáo viên kiêm nhiệm phụ trách công tác văn nghệ, thể dục toàn trường, phụ trách vườn trường, xưởng trường, phòng thiết bị, thư viện (nếu các công tác này chưa có cán bộ chuyên trách); tổ trưởng bộ môn).
- Thứ hai, bên cạnh phải thực hiện nhiệm vụ của giáo viên theo quy định của Điều lệ hoặc Quy chế tổ chức và hoạt động, thì giáo viên chủ nhiệm phải thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tìm hiểu và nắm vững học sinh trong lớp về mọi mặt để có biện pháp tổ chức giáo dục sát với đối tượng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của từng học sinh và của cả lớp;
- Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, chủ động phối hợp với các giáo viên bộ môn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, các đoàn thể và các tổ chức xã hội khác có liên quan trong hoạt động giảng dạy và giáo dục học sinh của lớp mình chủ nhiệm;
- Nhận xét, đánh giá xếp loại học sinh cuối kỳ và cuối năm học, đề nghị khen thưởng và kỷ luật học sinh, đề nghị danh sách học sinh được lên lớp, danh sách học sinh phải kiểm tra lại, phải rèn luyện thêm về hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, phải ở lại lớp, hoàn chỉnh việc ghi vào sổ điểm và học bạ học sinh;
- Tham gia hướng dẫn hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục và rèn luyện học sinh do nhà trường tổ chức;
- Báo cáo thường kì hoặc đột xuất về tình hình của lớp với Hiệu trưởng.
Việc thực hiện các nhiệm vụ riêng này cũng phải mất một khoảng thời gian nhất định, trong khi đó định mức đặt ra đã là thời gian “lao động cơ bản” của giáo viên, thì theo đó, giáo viên chủ nhiệm phải được giảm định mức tiết dạy để bù vào thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ theo đúng quy định mà nhà trường, pháp luật trao cho.
Trên cơ sở tìm hiểu quy định của pháp luật về định mức tiết dạy, có thể thấy rằng, pháp luật ngày càng có sự quan tâm rõ rệt đối với sự phát triển của hệ thống giáo dục, đối với chất lượng giảng dạy, hoạt động giáo dục của giáo viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Việc pháp luật đặt ra định mức không chỉ có ý nghĩa trong việc đảm bảo sự thống nhất trong cả nước mà còn có vai trò trong việc hạn chế tình trạng “ép” dạy quá nhiều so với thời gian cơ bản, dẫn đến những tiêu cực trong giáo dục. Đồng thời, đây cũng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các giáo viên có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình và thực hiện theo đúng quy định để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong công tác giảng dạy của mình.