Đề thi học sinh giỏi lớp 12 THPT tỉnh Hà Nam năm 2011 - 2012 môn Sinh học (Có đáp án) Sở GD-ĐT Hà Nam

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HÀ NAM

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH LỚP 12 THPT
NĂM HỌC 2011 – 2012

MÔN THI: SINH HỌC
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (2 điểm)

a. Cho biết vai trò của các loại enzim tham gia vào quá trình nhân đôi ADN.

b. Sự khác nhau cơ bản giữa quá trình nhân đôi ADN ở sinh vật nhân thực và sinh vật nhân sơ (E.coli)?

c. Tại sao trong quá trình ADN nhân đôi 2 mạch đơn mới trong cùng 1 chạc tái bản lại có chiều tổng hợp ngược nhau?

Câu 2 (2 điểm)

a. Đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể có những loại nào? Loại đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể nào dễ xảy ra nhất trong phân bào giảm phân?

b. Đột biến mất đoạn nhiễm sắc thể không chứa tâm động xảy ra đối với 1 nhiễm sắc thể. Hãy cho biết những thay đổi có thể xảy ra trong cấu trúc của hệ gen.

Câu 3 (2 điểm)

a. Nêu các trường hợp đột biến thay thế 1 cặp nuclêôtit này bằng 1 cặp nuclêôtit khác trong vùng mã hóa của gen cấu trúc mà không làm thay đổi chức năng của prôtêin do gen đó mã hóa.

b. Thể đa bội thể khảm thường phổ biến hơn thể đa bội hoàn toàn ở động vật. Các con vật đa bội thể khảm về cơ bản các tế bào có bộ nhiễm sắc thể là lưỡng bội, trừ một số mảng cơ thể có tế bào đa bội. Thể tứ bội khảm (con vật có một số tế bào có bộ nhiễm sắc thể 4n) được hình thành như thế nào?

c. Khoảng 5% cá thể mắc hội chứng Down là do chuyển đoạn nhiễm sắc thể trong đó một bản sao thứ 3 của nhiễm sắc thể số 21 được gắn vào nhiễm sắc thể số 14. Nếu kiểu chuyển đoạn này xảy ra trong giảm phân phát sinh giao tử của bố hoặc mẹ thì sẽ dẫn đến hội chứng Down như thế nào ở người con?

Câu 4 (2 điểm)

a. Nêu đặc điểm cấu trúc di truyền của quần thể tự phối và quần thể ngẫu phối.

b. Ở người, tính trạng cuộn lưỡi là do 1 gen nằm trên nhiễm sắc thể thường qui định trong đó khả năng cuộn lưỡi là do alen trội A qui định, alen lặn a qui định tính trạng không có khả năng cuộn lưỡi. Trong một quần thể người đạt cân bằng di truyền, 64% người có khả năng cuộn lưỡi. Một người có khả năng cuộn lưỡi kết hôn với một người không có khả năng này. Hãy tính:

- Tần số alen qui định khả năng cuộn lưỡi và tần số từng loại kiểu gen trong quần thể.

- Xác suất để cặp vợ chồng trên sinh con đầu lòng có khả năng cuộn lưỡi.

Câu 5 (2 điểm)

Ở một loài thực vật, cho cây thân cao, hoa trắng thuần chủng lai với cây thân thấp, hoa đỏ thuần chủng, F1 thu được toàn cây thân cao, hoa đỏ. Cho F1 tự thụ phấn, ở F2 thu được 4 loại kiểu hình trong đó kiểu hình thân cao, hoa trắng chiếm tỉ lệ 24%. Biết mỗi gen qui định một tính trạng và gen nằm trên nhiễm sắc thể thường. Mọi diễn biến của nhiễm sắc thể trong giảm phân ở tế bào sinh hạt phấn và tế bào sinh noãn giống nhau đồng thời không có đột biến phát sinh. Xác định kiểu gen của P, F1 và tỷ lệ các loại giao tử của F1.

Câu 6 (2 điểm)

Ở ong mật, alen A quy định cánh dài, alen a quy định cánh ngắn; alen B quy định cánh rộng, alen b quy định cánh hẹp. Hai gen qui định 2 tính trạng trên đều nằm trên nhiễm sắc thể thường và liên kết hoàn toàn với nhau. Cho ong cái cánh dài, rộng giao phối với ong đực cánh ngắn, hẹp thu được F1 toàn cánh dài, rộng.

a. Hãy xác định kiểu gen của P.

b. Nếu cho F1 tạp giao thì tỷ lệ phân li kiểu gen, kiểu hình của ong cái và ong đực ở F2 như thế nào?

c. Cũng với giả thiết thực hiện phép lai như trên nhưng ở đối tượng ruồi giấm thì tỷ lệ phân li kiểu gen và kiểu hình ở F2 như thế nào?

Câu 7 (2 điểm)

a. Khái niệm về plasmit? Vai trò của plasmit đối với vi khuẩn? Điều kiện để 1 plasmit có thể làm vectơ thể truyền trong kỹ thuật cấy gen?

b. Bằng kỹ thuật di truyền người ta có thể tái tổ hợp 2 gen (gen phân mảnh) nguyên bản, giống nhau ở sinh vật nhân thực với ADN plasmit để tạo ra 2 phân tử ADN plasmit tái tổ hợp. Sau đó người ta chuyển 1 phân tử ADN tái tổ hợp vào tế bào E.coli và 1 phân tử ADN tái tổ hợp vào tế bào nấm men (Sac.cerevisiae) và tạo điều kiện cho 2 gen đều được phiên mã, giải mã tổng hợp ra các chuỗi polypeptit. Hãy cho biết kích thước của chuỗi polypeptit ở tế bào E.coli và tế bào nấm men. Giải thích.

Câu 8 (2 điểm)

a. Trong công tác chọn giống người ta áp dụng những phương pháp nào để tạo ra nguồn nguyên liệu cho chọn lọc? Sử dụng phương pháp nào thì đạt hiệu quả cao đối với chọn giống vi sinh vật? Giải thích.

b. Muốn nghiên cứu mức phản ứng của một kiểu gen nào đó ở vật nuôi ta cần tiến hành như thế nào?

Câu 9 (2 điểm)

a. Vì sao sự thay đổi tần số tương đối của 1 alen trong quần thể vi khuẩn diễn ra nhanh hơn so với sự thay đổi tần số tương đối của 1 alen trong quần thể sinh vật nhân thực lưỡng bội?

b. Tác dụng của chọn lọc tự nhiên đối với một alen lặn trên nhiễm sắc thể X không có alen tương ứng trên nhiễm sắc thể Y so với một alen lặn có cùng giá trị thích nghi trên nhiễm sắc thể thường có gì khác nhau?

Câu 10 (2 điểm)

a. Khái niệm về phiêu bạt di truyền? Tác động của phiêu bạt di truyền đối với 1 quần thể tiến hóa?

b. Giải thích tại sao chọn lọc tự nhiên là cơ chế tiến hóa duy nhất, liên tục tạo nên tiến hóa thích nghi.

c. Giá trị thích nghi tương đối của một con la bất thụ là bao nhiêu? Giải thích.

d. Xét 1 quần thể trong đó các cá thể dị hợp tử về một locut nhất định có kiểu hình to lớn hơn rất nhiều so với cá thể có kiểu gen đồng hợp tử (thứ tự kiểu hình ứng với kiểu gen như sau: Aa > AA > aa). Khi môi trường sống trở lên lạnh kéo dài thì kiểu hình nào sẽ được chọn lọc tự nhiên giữ lại? Trường hợp này thể hiện hình thức chọn lọc định hướng, chọn lọc phân hóa hay chọn lọc ổn định? Giải thích.

Download tài liệu để xem thêm chi tiết

Chia sẻ bởi:
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Sắp xếp theo
👨
    Chỉ thành viên Download Pro tải được nội dung này! Download Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm