Bố đề đọc hiểu Bến quê (Có đáp án) 2 Đề đọc hiểu Bến quê của Nguyễn Minh Châu

TOP 2 Đề đọc hiểu Bến quê của Nguyễn Minh Châu có đáp án kèm theo, giúp các em học sinh lớp 9 trả lời thật thành thạo các câu hỏi đọc hiểu xoay quanh tác phẩm, để đạt kết quả cao trong bài thi vào lớp 10 sắp tới.

Bến quê

Qua 2 Đề đọc hiểu Bến quê, các em sẽ hiểu rõ hơn về tác phẩm, tác giả. Bên cạnh đó, có thể tham khảo bộ đề đọc hiểu Chị em Thúy Kiều, Cảnh ngày xuân, Đoàn thuyền đánh cá, Sang thu để vận dụng cách hiểu, tư duy vào bài của mình dễ dàng hơn.

Đề đọc hiểu Bến quê của Nguyễn Minh Châu

Đề đọc hiểu Bến quê - Đề 1

Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi:

Bên kia những hàng cây bằng lăng, tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian nhà bác Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, như hơi thở của đất màu mỡ. Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, đây là một chân trời gần gũi, mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến – cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình.”

Câu 1: Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Của ai? Nêu hoàn cảnh sáng tác.

Câu 2: Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt chính nào?

Câu 3: Nội dung chính của đoạn văn đề cập đến vấn đề gì?

Câu 4: Trong đoạn văn, tác giả đã diễn tả nội tâm nhân vật bằng cách nào?

Câu 5: Đoạn văn diễn tả tâm trạng gì của nhân vật Nhĩ?

Câu 6: Nêu ý nghĩa cách sử dụng các từ ngữ “gần gũi” và “xa lắc” trong câu văn “Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, đây là một chân trời gần gũi, mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến – cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình”.

Câu 7: Xác định cụm từ làm thành phần câu trong câu "Bên kia những hàng cây bằng lăng, tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra". Cho biết mỗi cụm từ đó làm thành phần gì của câu.

Câu 8: Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu "Vòm trời cũng như cao hơn" thuộc kiểu câu gì? Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu đó.

Câu 9: Chỉ ra các thành phần phụ chú trong đoạn văn.

Câu 10: Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn. Nêu giá trị biểu cảm của biện pháp tu từ đó.

ĐÁP ÁN

Câu 1: Đoạn văn trên trích trong tác phẩm Bến quê của tác giả Nguyễn Minh Châu.

Hoàn cảnh sáng tác: Truyện ngắn Bến quê in trong truyện cùng tên của Nguyễn Minh Châu, xuất bản năm 1985

Câu 2: Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt chính là: miêu tả và biểu cảm.

Câu 3: Nội dung chính của đoạn văn là miêu tả cảnh đẹp huy hoàng ở bờ bên kia sông Hồng qua khung cửa sổ nhà Nhĩ.

Câu 4: Trong đoạn văn, tác giả đã diễn tả nội tâm nhân vật bằng cách:

  • Gián tiếp qua ngoại cảnh
  • Trực tiếp diễn tả ý nghĩ, cảm xúc

Câu 5: Đoạn văn diễn tả tâm trạng của nhân vật Nhĩ: vừa gắn bó, yêu thương, vừa pha chút nuối tiếc, ân hận khi ngắm khung cảnh thiên nhiên nơi bãi bồi thân thuộc ngay trước cửa sổ nhà mình.

Câu 6: Các từ ngữ “gần gũi” và “xa lắc” trong câu văn “Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, đây là một chân trời gần gũi, mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến – cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình”: nhấn mạnh sự tương phản giữa khoảng cách địa lí của bãi bồi bên sông cận kề nhà Nhĩ, nhưng vì Nhĩ chưa bao giờ đặt chân đến nên bãi bồi trở nên xa lạ. Qua đó thể hiện một nghịch lí thường gặp trong cuộc sống.

Câu 7: Xác định cụm từ làm thành phần câu trong câu "Bên kia những hàng cây bằng lăng, tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra" là:

  • Trạng ngữ: Bên kia những hàng cây bằng lăng
  • CN1: tiết trời đầu thu
  • VN1: đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ nhạt
  • CN2: mặt sông
  • VN2: như rộng thêm ra

Câu 8: Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu "Vòm trời cũng như cao hơn" thuộc kiểu câu đơn.

Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu đó:

  • CN: Vòm trời
  • VN: cũng như cao hơn

Câu 9: Các thành phần phụ chú trong đoạn văn là:

  • “những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ”.
  • “cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình”

Câu 10: Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn là: phép so sánh.

Giá trị biểu cảm của biện pháp tu từ đó là:

  • Với phép tu từ so sánh, tác giả gợi một không gian có chiều sâu và bề rộng: từ những bông bằng lăng ngay phía ngoài cửa sổ đến con sông Hồng với màu đỏ nhạt lúc đã vào thu, vòm trời và bãi bồi bên kia sông.
  • Đây là một cảnh đẹp chỉ có thể cảm nhận được bằng những cảm xúc tinh tế: những chùm hoa thưa thớt nhưng lại đậm sắc hơn, mặt sông Hồng như rộng thêm ra, vòm trời như cao hơn, “những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông…”. Những cảnh sắc ấy vốn rất quen thuộc, gần gũi nhưng lại như rất mới mẻ với Nhĩ, tưởng chừng như lần đầu tiên anh mới gặp.

Đề đọc hiểu Bến quê - Đề 2

Đọc kĩ đoạn văn trích trong truyện ngắn “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu và trả lời các câu hỏi bằng cách khoanh tròn chữ cái ở đầu câu trả lời đúng.

“Ngoài cửa sổ bây giờ những bông hoa bằng lăng đã thưa thớt – Cái giống hoa ngay khi mới nở, màu sắc đã nhợt nhạt. Hẳn có lẽ ví đã sắp hết mùa, hoa đã vãn trên cành, cho nên mấy bông hoa cuối cùng còn sót lạc trở nên đậm sắc hơn

Bên kia những hàng cây bằng lăng, tiết trời đầu thu đem đến cho con sông hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non – Những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ – Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, đây là một chân trời gần gũi, mà lại xa lắc vì chưa bao giờ đi đến – “cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình” .

(Bến quê, Ngữ văn 9 – tập hai)

1. Cảnh vật trong đoạn văn trên được miêu tả theo trình tự như thế nào? Cảnh vật trong đoạn văn được miêu tả vào thời điểm nào? Cảnh vật trong đoạn văn trên có đặc điểm gì?

2. Tâm trạng của nhân vật Nhĩ qua đoạn văn : “Bên kia cây bằng lăng… cửa sổ nhà mình” ?

3. Tổ hợp “Ngoài cửa sổ ” trong câu văn Ngoài cửa sổ, những bông hoa bằng lăng đã thưa thớt. thuộc thành phần nào của câu?

4. Viết đoạn văn qui nạp từ 10-12 câu nêu cảm nhận của em về đoạn văn trên. Đoạn văn có sử dụng thành phần phụ chú và cảm thán

GỢI Ý:

1

Cảnh vật trong đoạn văn trên được miêu tả theo trình tự như thế nào? Cảnh vật trong đoạn văn được miêu tả vào thời điểm nào? Cảnh vật trong đoạn văn trên có đặc điểm gì?

- Trình tự: Không gian từ gần đến xa

- Thời điểm: Tiết trời đầu thu

- Đặc điểm: Cảnh vật tàn úa, cuối mùa, nhợt nhạt, thiếu sức sống.

2

Tâm trạng của nhân vật Nhĩ qua đoạn văn: “Bên kia cây bằng lăng… cửa sổ nhà mình”?

- Trân trọng vẻ đẹp bình dị của quê hương

3

Tổ hợp “Ngoài cửa sổ ” trong câu văn Ngoài cửa sổ, những bông hoa bằng lăng đã thưa thớt. thuộc thành phần nào của câu?

- Thành phần: Trạng ngữ.

4

Viết đoạn văn qui nạp từ 10-12 câu nêu cảm nhận của em về đoạn văn trên. Đoạn văn có sử dụng thành phần phụ chú và cảm thán.

- Hình ảnh bãi bồi, bến sông và toàn bộ khung cảnh thiên nhiên được tạo dựng trong truyện cũng mang ý nghĩa khái quát, biểu tượng. Nó chính là biểu tượng của vẻ đẹp cuộc sống bình dị, thân thuộc,… nhưng đôi khi bị che khuất bởi những yếu tố khác. Vẻ đẹp bình dị thân thương ấy cũng chính là vẻ đẹp của quê hương, xứ sở. Cái bãi bồi bình dị ấy là hiện thân cho tất cả những giá trị bền vững, bình thường mà sâu xa của cuộc sống.

- Có một khung cảnh thật khác của một buổi sáng đầu thu hiện lên qua cái nhìn của nhân vật Nhĩ hiện lên với một vẻ đẹp riêng biệt. Vẻ đẹp ấy, không gian ấy vốn cũng gần gũi, quen thuộc nhưng đối với Nhĩ lại mới mẻ quá, kì lạ quá, Nhĩ ngạc nhiên về vẻ đẹp và sự giàu có của nó. Một vẻ đẹp mà bấy lâu nay anh không hề nhận thấy.

- Hình ảnh những chùm hoa bằng lăng cuối mùa cũng là một biểu tượng đặc sắc của tác phẩm. Hình ảnh hoa bằng lăng thưa thớt nhưng lại đậm sắc hơn; tiếng những tảng đất lở ở bờ bên này, khi cơn lũ đầu nguồn dồn về, đổ ụp vào giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng. Hai chi tiết đã cho biết sự sống của Nhĩ ở vào những ngày cuối cùng.

- Nhĩ khao khát được một lần đặt chân lên bãi bồi và anh vấp phải một nghịch lí: Anh không còn khả năng, không còn cơ hội để thực hiện mơ ước. Anh dồn mơ ước vào con trai nhưng cậu bé sa vào ván cờ thế ven đường và bỏ lỡ chuyến đò duy nhất. Anh không trách con trai bởi anh hiểu khi còn trẻ người ta thường bỏ qua, thường không nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống. Anh nhận ra những nghịch lí của cuộc đời để từ đó thấu hiểu phải tránh được những cái vòng vèo, chùng chình để đến được với những giá trị bền vững của đời sống.

Chia sẻ bởi: 👨 Mai Mai
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 18
  • Lượt xem: 3.522
  • Dung lượng: 213,1 KB
Liên kết tải về

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo

    Chủ đề liên quan