Bộ đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn lớp 10 năm 2023 - 2024 3 Đề khảo sát chất lượng đầu năm lớp 10 (Có đáp án)

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn 10 năm 2023 - 2024 mang đến 3 đề kiểm tra có đáp án giải chi tiết kèm theo. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo ôn luyện để làm bài kiểm tra thật tốt.

TOP 3 Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 10 môn Văn 2023 giúp các bạn học sinh làm quen với các dạng bài tập cơ bản, luyện giải đề từ đó xây dựng kế hoạch học tập để tự tin trước mỗi bài thi chính thức. Đồng thời đây cũng là tư liệu hữu ích giúp quý thầy cô tham khảo để ra đề thi cho các bạn học sinh. Vậy sau đây là trọn bộ 3 đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn lớp 10 có đáp án mời các bạn cùng tải tại đây.

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 10 môn Văn - Đề 1

Đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn 10

I. Đọc hiểu văn bản (3đ)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

“Chúng ta nhận rõ cái kì diệu của văn nghệ khi chúng ta nghĩ đến những người rất đông, không phải ở trốn trong một cơ quan bí mật, không phải bị giam trong một nhà pha, mà bị chung thân trong cuộc đời u tối, vất vả không mở được mắt. Những người đàn bà nha quê lam lũ ngày trước, suốt đời đầu tắt mặt tối, sống tối tăm, vậy mà biến đổi khác hẳn, khi họ ru con hoặc hát ghẹo nhau bằng một câu ca dao, khi họ chen nhau say mê xem một buổi chèo. Câu ca dao tự bao giờ truyền lại đã gieo vào bóng tối những cuộc đời cực nhọc ấy một ánh sáng, lay động những tình cảm, ý nghĩ khác thường. Và ánh đèn buổi chèo, những nhân vật ra trò, những lời nói, những câu hát làm cho những con người ấy trong một buổi được cười hả dạ hay rỏ giấu một giọt nước mắt. Văn nghệ đã làm cho tâm hồn họ thực được sống. Lời gửi của văn nghệ là sự sống.”

(Tiếng nói của văn nghệ - Nguyễn Đình Thi)

Câu 1 (0,5đ): Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 (0,5đ): Đối tượng được tác giả nêu ra trong đoạn trích là gì?

Câu 3 (0,75đ): Sự kì diệu của văn nghệ được tác giả thể hiện như thế nào?

Câu 4 (1,25đ): Qua đoạn trích, anh/chị hiểu thế nào về tầm quan trọng của văn nghệ?

II. Làm văn (7đ)

Câu 1 (2đ): Viết một bài văn nêu suy nghĩ của anh/chị về câu danh ngôn: Tiền mua được tất cả trừ hạnh phúc.

Câu 2 (5đ): Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa.

Đáp án đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn 10

I. Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5đ):

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận.

Câu 2 (0,5đ):

Đối tượng: người phụ nữ và văn nghệ.

Câu 3 (0,75đ):

Sự kì diệu của văn nghệ được tác giả thể hiện: văn nghệ đánh thức tâm hồn cằn cỗi của con người.

Câu 4 (1,25đ):

Tầm quan trọng của văn nghệ: văn nghệ nuôi dưỡng tâm hồn, làm cho tâm hồn của con người tràn đầy sức sống hơn, chạm đến trái tim và giúp con người trở nên tốt đẹp hơn.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ):

Dàn ý nghị luận về câu danh ngôn: “Tiền mua được tất cả trừ hạnh phúc”

1. Mở bài

Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Tiền mua được tất cả trừ hạnh phúc.

2. Thân bài

a. Giải thích

Hạnh phúc: cảm giác vui vẻ, viên mãn khi con người hài lòng về cuộc sống và không có mối bận tâm nào.

→ Tiền làm cho con người đầy đủ về vật chất nhưng chính hạnh phúc mới làm con người sống tốt, sống vui → đề cao vai trò của hạnh phúc.

b. Phân tích

  • Hạnh phúc là trạng thái tình cảm xuất phát từ trái tim, là cảm xúc vui sướng khi ta đạt được hoặc làm được điều gì đó có ý nghĩa.
  • Nếu chúng ta cứ mải chạy theo giá trị vật chất mà quên đi những giá trị tinh thần thì chúng ta sẽ bị sa ngã vào lối sống thực dụng, ích kỉ.

c. Chứng minh

Học sinh tìm những nhân vật, dẫn chứng tiêu biểu nhất để minh họa cho bài viết của mình.

d. Phản biện

Có những người sống ích kỉ, toan tính, vụ lợi, chạy theo nhu cầu vật chất, sẵn sàng đánh đổi vì đồng tiền mà bỏ lỡ nhiều giá trị tốt đẹp của cuộc sống → đáng bị phê phán.

3. Kết bài

Liên hệ bản thân và rút ra bài học.

Câu 2 (5đ):

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long, truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa và nhân vật anh thanh niên.

2. Thân bài

  • Anh thanh niên hiện lên là người làm công tác khí tượng thủy văn, đó gió, đo mây. Một người yêu nghề, nhiệt huyết đối với nghề, không quản ngại khó khăn để hoàn thành công việc được giao.
  • Mặc dù sống trong điều kiệu thiếu thốn và khắc nghiệt nhưng anh thanh niên luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn. Anh tự sắp xếp cuộc sống, dù một mình ở trên đỉnh núi cao anh vẫn có bầy gà đẻ trứng, có trà ngon, có vườn hoa.
  • Anh chàng này “thèm người”, sống một mình trên núi nên anh luôn muốn gặp con người dù chỉ một chút, anh muốn nhìn thấy họ, muốn nghe giọng nói của họ. Có khi anh còn để cây ngang đường để có thể gặp người nói chuyện vài câu.
  • Anh luôn sống trong tinh thần lạc quan, một trái tim ấm áp, yêu đời. Anh đã vui sướng biết bao khi kể về câu chuyện khi kịp phát hiện ra các đám mây khô mà từ đó quân ta đã hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng.
  • Anh rất khiêm tốn, khi biết họa sĩ muốn vẽ mình, anh đã từ chối, anh kể ra rất nhiều người khác phải hi sinh như thế nào, chứ mình không là gì cả.
  • Anh tâm sự với mọi người “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Qua chi tiết này, anh thanh niên hiện lên là một người không ngại khó khăn, thử thách vẫn dấn thân vào con đường biết rằng không mấy bình lặng.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 10 môn Văn - Đề 2

Đề khảo sát chất lượng đầu Văn 10

I. Đọc hiểu văn bản (3đ)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Thân em thời trắng phận em tròn,
Bảy nổi ba chìm mấy nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son.

Câu 1 (0,5đ): Tác giả của bài thơ trên là ai?

Câu 2 (0,75đ): Nêu nội dung chính của bài thơ.

Câu 3 (0,75đ): Chỉ ra 01 biện pháp nghệ thuật nổi bật và nêu tác dụng.

Câu 4 (1đ): Qua bài thơ trên, anh/chị hiểu thêm điều gì về người phụ nữ trong xã hội cũ.

II. Làm văn (7đ)

Câu 1 (2đ): Viết một bài văn nêu suy nghĩ của anh/chị về sự vô cảm.

Câu 2 (5đ): Phân tích nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Đáp án đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn 10

I. Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5đ):

Tác giả của bài thơ: Hồ Xuân Hương

Câu 2 (0,75đ):

Nội dung chính của bài thơ: nói về thân phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ không được lựa chọn hạnh phúc cho mình và phải nghe theo số phận đồng thời thể hiện tấm lòng thủy chung son sắt của họ.

Câu 3 (0,75đ):

Biện pháp nghệ thuật: vận dụng thành ngữ Bảy nổi ba chìm.

Tác dụng: Nói lên số phận long đong, lận đận, bất hạnh của người phụ nữ.

Câu 4 (1đ):

Người phụ nữ trong xã hội cũ chịu nhiều bất hạnh, thiệt thòi. Họ là người có tấm lòng thủy chung son sắt tuy nhiên lại không được lựa chọn, không được sống cuộc đời theo ý mình mà phải nghe theo sự sắp đặt của người khác để rồi rơi vào bi kịch.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ):

Dàn ý nghị luận về sự vô cảm

1. Mở bài

Giới thiệu về sự vô cảm.

2. Thân bài

a. Giải thích

Vô cảm: lạnh lùng, thờ ơ trước nỗi đau, bất hạnh của người khác; chỉ biết sống cho bản thân mình. Người vô cảm là người có trái tim lạnh giá.

b. Phân tích

  • Xã hội phát triển, con người bận rộn ít có thời gian quan tâm đến nhau dần dần xa cách và trở nên vô cảm.
  • Bản chất con người lạnh lùng trước nỗi đau của người khác.

Ngoài ra học sinh có thể tự phân tích thêm những khía cạnh khác.

c. Chứng minh

Học sinh lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu để minh họa cho luận điểm của mình.

d. Phản đề

Có nhiều người sống với tấm lòng nhân hậu, trái tim ấm áp, biết yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ người khác đáng để chúng ta học tập và noi theo.

3. Kết bài

Liên hệ bản thân và rút ra bài học.

Câu 2 (5đ):

Dàn ý bài văn phân tích nhân vật bé Thu

1. Mở bài

Giới thiệu nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà và nhân vật bé Thu.

2. Thân bài

a. Khái quát nhân vật bé Thu

  • "một đứa bé độ tám tuổi tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo bông đỏ đang chơi nhà chòi dưới bóng cây xoài trước sân nhà" → cô bé đáng yêu, hồn nhiên, nhí nhảnh.
  • Bé Thu phải chịu cảnh thiếu thốn tình cảm của cha: cha đi kháng chiến khi bé chưa đầy 1 tuổi, không thể nhớ được mặt của cha.

b. Hành động của bé Thu khi ông Sáu trở về

  • Khi nghe tiếng người ba gọi mình với hai cánh tay dang ra đầy đón đợi, Thu chỉ biết "trợn mắt nhìn ngơ ngác, lạ lùng" rồi bỗng nhiên "mặt nó tái đi rồi vụt chạy" chỉ vì người đàn ông ấy không giống trong bức ảnh mà nó có.
  • Ông Sáu càng muốn gần con thì Thu lại càng xa cách với một thái độ ương ngạnh, bướng bỉnh. Nó phớt lờ ngay cả lời nói của mẹ: "Thì má cứ kêu đi", khi phải gọi thì nói trống không với ba: "Vô ăn cơm", "Cơm chín rồi!".
  • Trong hình dung của cô bé, cha không có vết sẹo dài trên mặt.
  • Cho đến lúc bị dồn vào thế bí, nó thà tự giải quyết còn hơn nhận sự giúp đỡ của ông Sáu. Nó khước từ mọi sự quan tâm chăm sóc nhỏ bé nhất của ông Sáu.

→ Những hành động của bé Thu không hề đáng trách bởi lẽ đối với một đứa trẻ chỉ nhìn ba mình qua tấm ảnh và sự khác biệt của người cha khi đi chiến đấu về khiến bé không nhận ra ba. Chính hành động bướng bỉnh này của bé Thu thể hiện em là người rất thương ba, trong lòng luôn tôn thờ người ba trong ảnh, khi một người khác nhận làm ba mình tất thảy em sẽ có những hành động phản kháng như vậy.

c. Sau khi sang nhà bà ngoại về

  • Sau đêm bé Thu bỏ sang nhà bà, nó đã được bà giải thích về vết sẹo trên mặt ba và Thu đã hiểu rằng người mà nó khước từ bấy lâu nay chính là ba nó. Cô bé quay trở về nhận ba.
  • Vẻ mặt của nó hơi khác, không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có. Vẻ mặt buồn rầu ủ dột ấy là do ân hận, day vò hay một mối linh cảm chẳng lành sắp có thể xảy đến.
  • Ánh mắt của bé Thu bắt gặp "đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu" của ba nó, đôi mắt mênh mông của cô bé bỗng xôn xao.
  • Chỉ với một cái nhìn mà cô bé như đọc thấu cả những tình cảm yêu thương, những nuối tiếc và đau xót trong lòng ba nó.
  • Niềm khát khao mà tám năm nay Thu kìm nén đã bật lên từ sâu thẳm con tim. Con bé đã thét lên một tiếng gọi với một chuỗi âm thanh vừa đứt đoạn vừa nức nở: "ba....a...a...a".
  • Ngay sau tiếng gọi ba, con bé "nhanh như một con sóc, chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba", "nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó". Đó như là cách để cô bé bù đắp những nỗi đau, những tổn thương đã gây ra cho ba. Và khi cuộc chia tay sắp kết thúc "nó dang cả hai chân câu chặt lấy ba nó".

→ Đến đây, mọi cảm xúc của bé như vỡ òa, bé nhận ra người ba mà mình hết lòng yêu thương và nhớ nhung bao lâu nay, tiếng gọi ba tuy có hơi muộn màng nhưng lại vô cùng xúc động.

d. Sau khi ba đi

  • Tình yêu thương cha vô bờ của bé Thu còn được thể hiện trong ước mơ mà con bé gửi cho ba "ba mua cho con một cây lược nghe ba".
  • Bất chấp sự khốc liệt của chiến tranh, theo thời gian, bé Thu đang dần trưởng thành, nét nữ tính của một người con gái vẫn lặng lẽ lớn dần lên.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 10 môn Văn - Đề 3

Đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn 10

I. Đọc hiểu văn bản (3đ)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu?
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa
Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!

(Ngập ngừng - Hồ Dzếnh)

Câu 1 (0,5đ): Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ là gì?

Câu 2 (0,5đ): Chỉ ra những từ láy được sử dụng trong đoạn thơ và nêu tác dụng.

Câu 3 (0,75đ): Những câu hỏi tu từ và câu cảm thán trong đoạn trích trên có tác dụng gì?

Câu 4 (1,25đ): Nêu nội dung của đoạn thơ.

II. Làm văn (7đ)

Câu 1 (2đ): Viết một bài văn nêu suy nghĩ của anh/chị về lòng kiên trì.

Câu 2 (5đ): Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.

Đáp án đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn 10

I. Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5đ):

Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: biểu cảm.

Câu 2 (0,5đ):

Từ láy: lưu luyến, ân ái, mong manh, ngập ngừng.

Tác dụng: thể hiện những tình cảm, suy tư của tác giả dành cho người yêu.

Câu 3 (0,75đ):

Những câu hỏi tu từ và câu cảm thán có tác dụng: biểu cảm, thể hiện tình cảm, suy tư, nỗi băn khoăn lo lắng, ngập ngừng của nhân vật trữ tình trong tình yêu.

Câu 4 (1,25đ):

Nội dung chính của đoạn thơ: sự đợi chờ người yêu và nhớ thương vô bờ bến của nhân vật trữ tình trong tác phẩm lúc chàng đang đợi người yêu đến điểm hẹn. Vì đợi chờ lâu nhưng người yêu không đến nên chàng trai lại suy nghĩ đến những chuyện không vui và tương lai của mối tình hiện tại của chàng cũng như thầm trách người yêu sao nỡ nào lỗi hẹn.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ):

Dàn ý nghị luận về lòng kiên trì

1. Mở bài

Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: lòng kiên trì.

2. Thân bài

a. Giải thích

Lòng kiên trì là sự nhẫn nại, cố gắng vươn len dù khó khăn để hoàn thành mục tiêu mình đề ra trước đó.

b. Phân tích

  • Người có lòng kiên trì sẽ có khả năng cao đạt được mục đích và thành công.
  • Rèn luyện tính kiên trì góp phần làm cho con người hình thành nhiều phẩm chất tốt đẹp khác.
  • Nếu không kiên trì chúng ta sẽ gặp thất bại và không thể tiến bộ được.

c. Chứng minh

Học sinh tìm những nhân vật, dẫn chứng tiêu biểu nhất để minh họa cho bài viết của mình.

d. Phản biện

Có những người hay nản chí, không biết vươn lên trong cuộc sống→ đáng bị phê phán.

3. Kết bài

Liên hệ bản thân và rút ra bài học.

Câu 2 (5đ):

Dàn ý phân tích bài thơ Viếng lăng Bác

1. Mở bài

Giới thiệu nhà thơ Viễn Phương và bài thơ Viếng lăng Bác.

2. Thân bài

a. Khổ thơ 1:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”.

  • Tác giả ở tận miền Nam mãi sau ngày độc lập dân tộc mới được ra thăm vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Hai từ “miền Nam” như nhấn mạnh hơn sự xa xôi trong khoảng cách địa lý giữa hai đầu Tổ quốc.
  • Nhìn hàng tre quanh lăng Bác, nhà thơ chợt cảm thấy rằng những cây tre kia như ý chí con người Việt Nam qua bao năm tháng luôn luôn bất khuất, kiên cường, hiên ngang. Dù có trải qua “bão táp mưa sa” nhưng vẫn đoàn kết một lòng cùng nhau đứng lên.
  • Từ láy “xanh xanh” diễn tả con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ luôn luôn “xanh” màu xanh bất diệt.

b. Khổ thơ 2:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”

  • “Ngày ngày” là sự liên tục của thời gian, sự lặp lại tuần hoàn của thiên nhiên cũng như lý tưởng, ý chí của Người sẽ luôn luôn sáng tỏ như mặt trời kia vậy. Biện pháp nghệ thuật hoán dụ: nếu mặt trời soi sáng cho nhân loại thì Bác Hồ là mặt trời của cả dân tộc Việt Nam, mang đến ánh sáng độc lập, tự do cho dân tộc.
  • Lần thứ hai, “ngày ngày” được lặp lại khi diễn tả dòng người đang lặng lẽ vào lăng thăm Người. Hàng người đi trong sự trang nghiêm và tĩnh lặng, trong nỗi tiếc thương, đau xót vô vàn.
  • Người đọc như cảm thấy được sự tĩnh lặng, sự trải dài miên man vô tận của hàng người vào viếng Bác. Cả đoàn người ấy cứ lặng lẽ “đi trong thương nhớ”, thương nhớ vị lãnh tụ vĩ đại vô vàn kính yêu của dân tộc.
  • Viễn Phương hòa cùng dòng người đem tấm lòng yêu kính chân thành của mình dâng lên Bác, dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân” của Người. Cả cuộc đời Người, với bảy mươi chín mùa xuân, tất cả đều cống hiến cho dân tộc, không một phút giây nào ngơi nghỉ dành cho bản thân mình.

c. Khổ thơ 3

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”

  • Bác đang nằm ở đó, nhẹ nhàng thanh thản như đang chìm trong một giấc ngủ ngon. Cả cuộc đời Người chỉ có một niềm mong ước, đó là đất nước được hòa bình. Vậy nên khi đất nước được hòa bình, độc lập Người đã được nghỉ ngơi trong giấc ngủ yên bình.
  • Bầu trời bao năm tháng vẫn xanh một màu trường tồn vĩnh cửu, vậy mà vị Cha già của dân tộc đã phải ra đi. Vẫn biết quy luật sinh tử của tạo hóa nhưng vẫn thấy xót xa, đau đớn vô cùng. Dù lý trí luôn tỏ tường rằng quy luật của thiên nhiên là bất biến, nhưng vẫn “nghe nhói ở trong tim”.

d. Khổ thơ cuối

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa ngát hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”

  • Bao nhiêu nỗi đau xót, nghẹn ngào cứ thế tuôn theo dòng lệ trào.
  • Điệp từ “muốn” lặp lại ba lần như khẳng định lại ước muốn của nhà thơ. Đó là một ước muốn mãnh liệt, niềm khao khát cháy bỏng được ở lại bên cạnh Người chỉ để làm “một con chim hót”, “một đóa hoa”, “một cây tre trung hiếu”.

→ Cả khổ thơ đã thể hiện niềm mong ước cháy bỏng của tác giả, cũng chính là mong ước của mỗi người dân Việt Nam. Đó là luôn luôn được ở cạnh Người, ở cạnh vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 509
  • Lượt xem: 30.495
  • Dung lượng: 194,1 KB
Sắp xếp theo

    Chủ đề liên quan