Trình bày ý kiến của em về các ý kiến cho rằng nhân vật Thị Mầu là người lẳng lơ, xấu tính và Thị Mầu là người dám sống thực với mình Những bài văn hay lớp 10
Có ý kiến cho rằng nhân vật Thị Mầu trong đoạn trích Thị Mầu lên chùa (Quan Âm Thị Kính) là người lẳng lơ, xấu tính mang đến gợi ý cách viết kèm theo 2 mẫu khác nhau cực hay, ấn tượng nhất. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý học tập, biết cách trình bày ý kiến cá nhân của mình về nhân vật trong truyện.
TOP 2 mẫu trình bày quan điểm về các ý kiến nhân vật Thị Mầu mà Download.vn đăng tải dưới đây sẽ giúp các em tự luyện tập và rèn luyện phong cách viết riêng cho mình. Hi vọng qua bài văn mẫu này các em sẽ có cái nhìn đúng đắn, biết cách nêu ý kiến của bản thân về việc đồng tình hay không đồng tình với vấn đề được đưa ra.
Trình bày quan điểm về các ý kiến nhân vật Thị Mầu hay nhất
Dàn ý trình bày ý kiến về các ý kiến cho rằng nhân vật Thị Mầu
1. Mở đầu:
- Giới thiệu vấn đề nêu ra ý kiến.
2. Triển khai:
- Nêu ý kiến của bản thân về việc đồng tình hay không đồng tình với vấn đề được đưa ra. - Giải thích lý do đồng tình với ý kiến Thị Mầu là người lẳng lơ, xấu tính. Điều này được thể hiện qua:
- Lời nói thiếu tôn trọng Kính Tâm, không phù hợp với nơi cửa chùa.
- Hành động sỗ sàng, tìm chỗ nấp, xông ra nắm tay Tiểu Kính, thấy Tiểu Kính chạy thì đuổi theo.
- Nêu ra ý kiến khác:
- Xét trong xã hội phong kiến, Thị Mầu đáng bị lên án vì không giữ tiết hạnh của người phụ nữ.
- Nếu Thị Mầu sống trong xã hội hiện đại thì hành động của Thị Mầu cho thấy nàng là người dám sống thực với bản thân, đáng thương hơn đáng trách.
3. Kết luận:
- Khái quát, khẳng định lại vấn đề.
Trình bày ý kiến về các ý kiến cho rằng nhân vật Thị Mầu - Mẫu 1
Sau khi đọc đoạn trích "Thị Mầu lên chùa" (trích chèo "Quan Âm Thị Kính"), mọi người thường đưa ra hai quan điểm: thứ nhất, Thị Mầu là người lẳng lơ, xấu tính; thứ hai, Thị Mầu là người phụ nữ dám thể hiện bản thân, đáng thương hơn đáng trách. Vậy các bạn đồng ý với quan điểm nào? Còn mình, mình lại đồng thuận với ý kiến đầu tiên.
Thị Mầu trong văn bản hiện lên với vẻ lẳng lơ, táo bạo. Tính cách ấy thể hiện qua lời nói, hành động mà Mầu bộc lộ ra bên ngoài. Chùa chiền là chốn trang nghiêm nhưng thị lại nói năng không phù hợp. Vừa thấy chú tiểu đẹp liền đem lòng si mê, tự hỏi bản thân "Người đâu mà đẹp như sao băng thế nhỉ?". Mầu không tiếc lời khen "Người đâu đến ở chùa này/ Cổ cao ba ngấn, lông mày nét ngang". Cảm thấy câu nói của mình chưa đủ sức lay động Kính Tâm, nàng đề nghị Tiểu Kính để mõ mình đánh cho. Thậm chí, nàng còn buông lời trêu ghẹo "Bỏ mõ em đánh cho nào. Người đâu mà thấy gái mà lại chạy thế!" khiến chú tiểu sợ hãi đi mất. Hành động của Thị Mầu không phù hợp ở chốn chùa chiền, đi ngược lại với quy chuẩn đạo đức. Xét trong xã hội xưa, Thị Mầu đáng bị lên án vì không giữ tiết hạnh của người phụ nữ "tam tòng tứ đức".
Có thể nói, đoạn trích "Thị Mầu lên chùa" đã cho chúng ta thấy được thái độ mỉa mai, phê phán của tác giả dân gian đối với những người phụ nữ lẳng lơ, xấu xí như Thị Mầu.
Trình bày ý kiến về các ý kiến cho rằng nhân vật Thị Mầu - Mẫu 2
Quan Âm Thị Kính là vở chèo cổ có sức sống lâu bền trong dân gian, và chèo trụ vững với thời gian là tác giả đã xây dựng thành công chân dung người phụ nữ với những tính cách trái ngược với xã hội phong kiến bấy giờ. Bởi vậy khi đọc hay xem vở chèo này: Có ý kiến cho rằng nhân vật Thị Mầu trong đoạn trích Thị Mầu lên chùa (Quan Âm Thị Kính) là người lẳng lơ, xấu tính. Ý kiến khác lại khẳng định Thị Mầu là người dám sống thực với mình, đáng thương hơn đáng trách.
Thị Mầu là một cô gái trẻ đẹp được thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ Chèo rất đặc trưng, đa dạng, phong phú. Thị Mầu là biểu tượng của khát vọng tình yêu, là sự phản kháng mạnh mẽ, quyết liệt của tình yêu đối với những trói buộc khắt khe, vô nhân đạo của lễ giáo phong kiến khác với số đông nhân vật nữ chính khi ra trò đều mang những nét chung của tính cách được giáo dục trong nếp lễ giáo gia đình phong kiến với nền luân lý Nho gia. Nhân vật Mầu xuất hiện đã thu hút người nghe, người xem qua lời giới thiệu độc đáo. Thị Mầu là hình tượng khiến người tiếp nhận có ấn tượng đậm nét với vẻ ngoài của nhân vật. Vẻ đẹp ngoại hình của Mầu có sự cộng hưởng của cái yếm thắm trong đó thổn thức bộ ngực con gái thèm khát yêu đương, chiếc áo tứ thân mớ ba mớ bảy, với con mắt sắc như dao cau, với nụ cười tươi nở ra trên đôi môi đỏ mọng, và với cái thân hình uốn éo luôn để lộ những đường cong khêu gợi…Thị Mầu từ kịch bản văn học bước ra sân khấu đã hút hồn người xem bởi chính ánh mắt đong đưa, lúng liếng, lời nói ngọt ngào, sóng sánh như mật, nụ cười môi thắm, răng trắng ngọc ngà mời mọc, năm ngón tay búp măng nõn nà xòe, phẩy quạt, váy áo bay tung, dải thắt lưng xanh phấp phới, quấn quyện ngay trên đầu chú tiểu trẻ đang ngồi gõ mõ, niệm kinh, chịu trận như hóa đá... những bước đi vòng rộng nhún nhảy, dáng dấp phóng túng bay bướm đầy ắp sinh khí như muốn phá tung mọi ràng buộc của lễ nghi phong kiến. Rõ ràng vẻ bên ngoài của Thị Mầu đã toát lên tính cách, việc làm, tâm tư của Thị. Nguyên tắc đối lập trong xây dựng nhân vật chèo cổ đã làm nổi bật hai hình tượng. Thị Kính – áo nâu sồng, miệng tụng kinh, tay gõ mõ, ngồi bất động, Thị Mầu áo mớ ba mớ bảy sặc sỡ, tay cầm quạt, thoắt gập, thoắt xòe…Thị Kính trần tư bao nhiêu thì Thị Mầu cuồng nhiệt bấy nhiêu. Thị Kính dịu dàng, kín đáo, đoan trang, Thị Mầu lại mạnh mẽ, lẳng lơ, táo bạo. Thị Kính càng né tránh thì Thị Mầu càng lăn xả để thỏa mãn dục tình. Không chỉ bộc lộ cảm thức về thân phận, tính cách bản năng. Họ khao khát được yêu – một tình yêu chân thành, và ở một chừng mực nhất định, chèo đã hé lộ những khát khao tính dục từ phía người phụ nữ - một dục vọng hết sức con người. Nhân vật Thị Mầu trong chèo cổ biểu hiện cho một phẩm chất khác của người phụ nữ Việt Nam đó là khát khao yêu đương. Đây là quyền cơ bản của người phụ nữ nói riêng và con người nói chung. Khi lớn lên phải được tự do tìm hiểu, yêu đương và phải lấy người mình yêu. Nhưng đối lập với quyền ấy trong xã hội phong kiến là một lớp sơn đạo đức giả tạo của chế độ hà khắc để trói buộc bao người phụ nữ phải tuân theo “tam tòng”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” chứ không được lựa chọn tình yêu và hạnh phúc của riêng mình. Ý thức tự do trong tình yêu bộc lộ ở lời nhủ mình và khuyên chị em chớ nghe họ hàng. Sự thật có biết bao người con gái đau khổ, bất hạnh vì hôn nhân không tình yêu bởi hệ luật ép duyên. Nên lời Thị Mầu thể hiện sự phản kháng với lễ giáo vô lý trong xã hội mà quyền yêu và lấy người mình yêu không được ủng hộ, chấp thuận. Thị Mầu trong chèo cũng là một tấm gương điển hình về sự phá phách, chống lại những trói buộc của chế độ phong kiến hà khắc, khát khao hướng tới hạnh phúc của người phụ nữ thời bấy giờ. Người phụ nữ này dám bộc lộ hết mình, biết sống, biết khao khát tận hưởng với đời. Dám yêu, dám lên tiếng vì tình yêu - giữa xã hội phong kiến chỉ duy nhất một Thị Mầu.Thị cất lên tiếng nói nữ quyền để lật đổ thành trì lễ giáo cũ kĩ đã trở thành giáo điều, đạp đổ những lệ làng, những đạo đức giả, những quan niệm cổ hủ chà đạp lên thân phận và tước đoạt hạnh phúc con người. Mầu ở đây thật mới. Cô chấp nhận, van lơn thứ tình “ở trọ”, “qua đường” và chính trong cái quyết liệt đó đã mai phục sẵn một tâm thế liều lĩnh: “mai sau dù có ra sao cũng đành” sẽ được bùng lên ở những chặng sau trong cuộc đời cô. Sự nổi loạn của Thị Mầu là thách thức xã hội:
“Lẳng lơ cũng chẳng hao mòn
Chính chuyên chẳng để sơn son mà thờ”
Thị Mầu đã dám nghĩ, dám yêu, dám bày tỏ và sẵn sàng chấp nhận hậu quả cuối cùng. Đam mê của Thị mang tính bản năng và xuất phát từ trái tim không toan tính vụ lợi, không ràng buộc. Khi bị từ chối, tình yêu càng trở nên mãnh liệt. Không đạt được mong muốn, khát khao của Thị Mầu càng cháy bỏng. Thị Mầu đã đi ngược quan niệm nam nữ thụ thụ bất thân để tiến đến sát sạt tiểu Kính mà ghẹo, mà quyến rũ bởi Thị Mầu đã say đắm vẻ đẹp của thầy Tiểu và khát khao có được tình yêu của Kính Tâm. Xét ở phương diện yêu thì Thị Mầu đúng là một cô gái hiện đại. Thị đã dám yêu, dám bày tỏ, dám vượt qua lễ giáo của xã hội phong kiến, những mong có được tình yêu của mình. Có bao nhiêu cô gái thời đại ấy đã dám làm thế như Thị Mầu. Đến ngay cả Thúy Kiều, được coi là táo bạo, bị các nhà Nho thời đó cho là “dâm” khi dám “ xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” đi tìm Kim Trọng thì cũng chỉ mới dừng lại ở ranh giới nhất định. Kiều vẫn không dám phá bỏ lễ giáo phong kiến khi nói “Nên chăng là cũng tại lòng mẹ cha” để lúc sa chân vào cuộc đời gió bụi cũng chỉ dám thốt lên một câu tiếc nuối “Nhị đào thà bẻ cho người tình chung”. Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta “tán thưởng” Thị Mầu về cách hành xử trong tình yêu, mà chỉ để thấy rõ hơn lý do lỗi lầm của Thị để tha thứ cho một cô gái mang cái “án lẳng lơ” theo suốt chiều dài văn hóa dân tộc. Lỗi lầm của Thị Mầu là ở chỗ yêu say đắm nhưng không hiểu rằng tình yêu cần phải có từ hai phía. Vì thế, Thị đã biến tình yêu của mình thành sự si mê mù quáng, dẫn đến bi kịch cho mình và người mình yêu. Thị Mầu là con người của nghệ thuật. Và nghệ thuật dân gian mang hơi thở của cuộc sống. Nên con người của nghệ thuật phải chăng chính là con người của cuộc đời. Và khát vọng của Thị Mầu là của bao cô gái trong xã hội phong kiến. Qua những phân tích trên thì mọi người có thể thấy rõ là em nghiêng về quan niệm thứ hai nhiều hơn.
Tóm lại Thị Mầu là nhân vật dám sống thật với bản thân, dám vượt qua những lễ giáo phong kiến, sắc thái nữ quyền trong Mầu cũng hiện lên rất rõ nét hơn ở khao khát tự do yêu đương, bản năng tính dục trong Thị Mầu điều mà người phụ nữ xưa không dám làm.