Thông tư 58/2017/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện chính sách cho các đơn vị sử dụng lao động thiểu số

Ngày 13/06/2017 Bộ Tài chính ban hành Thông tư 58/2017/TT-BTC hướng dẫn các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ tài chính từ năm tài chính 2017. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 28/07/2017. Mời các bạn tham khảo nội dung chi tiết bài viết dưới đây:

Theo Thông tư, những đối tượng này sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại. Cụ thể, người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo hỗ trợ mức tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học. Người dân tộc thiểu số mức tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học.

Đồng thời, hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học, tiền đi lại là 200.000 đồng/ người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.

Nội dung thông tư Thông tư 58/2017/TT-BTC

BỘ TÀI CHÍNH
------

Số: 58/2017/TT-BTC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------o0o--------

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TÀI CHÍNH CHO CÁC TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI KHU VỰC MIỀN NÚI, VÙNG ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn;

Căn cứ Quyết định số 64/2015/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn;

Căn cứ Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số chính sách hỗ trợ tài chính cho tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn như sau:

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn chính sách hỗ trợ tài chính về chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi tắt là bảo hiểm), đào tạo nghề ngắn hạn, tiền thuê đất cho các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 64/2015/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg (sau đây gọi chung là Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm, thủy sản do nhà nước làm chủ sở hữu;

2. Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ;

3. Hợp tác xã;

4. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài);

5. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan việc thực hiện hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Các đối tượng nêu tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 (sau đây gọi chung là đơn vị sử dụng lao động) sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo danh sách quy định tại Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg.

Mục 2. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Điều 3. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn

1. Nguyên tắc hỗ trợ:

a) Lao động là người dân tộc thiểu số thuộc diện phải đào tạo theo kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của đơn vị sử dụng lao động được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng) mỗi người một lần.

b) Kinh phí hỗ trợ đào tạo được cấp trực tiếp cho đơn vị sử dụng lao động theo kế hoạch đào tạo đã được cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt (tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước đối với các đơn vị trực thuộc; Bộ, ngành đối với đơn vị thuộc Bộ, ngành; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý bao gồm cả các hợp tác xã, doanh nghiệp ngoài nhà nước, các công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty mẹ và doanh nghiệp thành viên của tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước có trụ sở chính đóng trên địa bàn).

c) Việc đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động được thực hiện tại các cơ sở đào tạo đủ điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

d) Nơi cư trú của người lao động để làm căn cứ xác định mức hỗ trợ chi phí đào tạo quy định tại Thông tư này được xác định theo quy định tại Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn.

2. Đối tượng hỗ trợ và mức hỗ trợ:

a) Hỗ trợ chi phí đào tạo:

Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo: mức tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học.

Người dân tộc thiểu số: mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học.

b) Hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại:

Hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học.

Hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/ người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.

Riêng đối với người học là người dân tộc thiểu số cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.

3. Trường hợp đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ cùng một nội dung thì chỉ được hưởng chính sách cao nhất.

Điều 4. Chính sách hỗ trợ về bảo hiểm

1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ nộp thay cho các đơn vị sử dụng lao động tối đa 05 năm đối với một người lao động.

2. Việc hỗ trợ bảo hiểm được thực hiện đối với lao động là người dân tộc thiểu số được đơn vị sử dụng lao động ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Điều 5. Nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo, bảo hiểm

1. Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động là người dân tộc thiểu số.

2. Các địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương để cùng với ngân sách trung ương hỗ trợ triển khai có hiệu quả chính sách đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng cho lao động là người dân tộc thiểu số.

3. Nguồn lồng ghép kinh phí đào tạo thường xuyên, các chương trình (trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới), dự án khác trên địa bàn để tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng cho lao động là người dân tộc thiểu số.

4. Đối với đơn vị sử dụng lao động hoạt động theo hình thức đơn vị sự nghiệp công lập có thu, nếu phương án tự chủ của đơn vị đã bao gồm dự toán chi bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động là người dân tộc thiểu số thì đơn vị không được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 6. Miễn, giảm tiền thuê đất

1. Nguyên tắc miễn, giảm:

a) Chỉ xem xét miễn, giảm tiền thuê đất đối với diện tích đất sử dụng cho mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

b) Lao động có mặt làm việc thường xuyên là lao động đang làm việc theo bảng chấm công của đơn vị (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng) và lao động làm việc theo hợp đồng giao nhận khoán (một hợp đồng giao nhận khoán được thay thế một hợp đồng lao động và hợp đồng giao nhận khoán phải có thời hạn thực hiện hợp đồng từ đủ 12 tháng trở lên).

c) Người dân tộc thiểu số tại hợp đồng giao nhận khoán là người trực tiếp ký hợp đồng giao nhận khoán với đơn vị sử dụng lao động.

d) Tỷ lệ giữa số lao động là người dân tộc thiểu số so với tổng số lao động có mặt làm việc thường xuyên tại đơn vị để làm căn cứ miễn giảm tiền thuê đất được xác định theo công thức sau:

Trong đó:

A: là tỷ lệ (%) giữa số lao động là người dân tộc thiểu số với số lao động có mặt làm việc thường xuyên trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

B: là số lao động là người dân tộc thiểu số bình quân năm, được xác định bằng tổng số lao động là người dân tộc thiểu số có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng giao nhận khoán từ đủ 12 tháng trở lên, làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong 12 tháng của năm trước liền kề năm lập dự toán chia cho 12.

C: là số lao động có mặt làm việc thường xuyên bình quân năm, được xác định bằng tổng số lao động có mặt làm việc thường xuyên trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (được xác định theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này) trong 12 tháng của năm trước liền kề năm lập dự toán chia cho 12.

Trường hợp doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động thì số tháng trong năm được tính theo số tháng hoạt động trong năm.

2. Mức miễn, giảm:

a) Đơn vị sử dụng lao động có sử dụng từ 30% đến dưới 50% lao động là người dân tộc thiểu số so với tổng số lao động có mặt làm việc thường xuyên tại đơn vị được giảm 50% tiền thuê đất trong năm đối với diện tích đất của đơn vị thuộc diện phải thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

b) Đơn vị sử dụng lao động có sử dụng từ 50% lao động là người dân tộc thiểu số trở lên so với tổng số lao động có mặt thường xuyên làm việc tại đơn vị được miễn 100% tiền thuê đất trong năm đối với diện tích đất của đơn vị thuộc diện phải thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Mục 3. LẬP DỰ TOÁN, CẤP PHÁT VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ ĐÀO TẠO, KINH PHÍ BẢO HIỂM

Điều 7. Lập dự toán

1. Hàng năm cùng với thời gian lập dự toán ngân sách, căn cứ vào nhu cầu sử dụng lao động trong đó có lao động là người dân tộc thiểu số, căn cứ vào kế hoạch đào tạo của đơn vị đã được cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt, đơn vị sử dụng lao động xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ bảo hiểm theo các nội dung sau:

a) Dự toán hỗ trợ kinh phí đào tạo: lập theo Phụ lục số 01 đính kèm Thông tư này, trong đó:

- Số lao động là người dân tộc thiểu số cần đào tạo.

- Ngành nghề đào tạo, số lượng lao động cần đào tạo theo từng ngành nghề.

- Thời gian đào tạo (tùy theo từng ngành nghề đào tạo nhưng không quá 03 tháng cho 01 khóa học).

- Cơ sở đào tạo.

- Kinh phí đào tạo (bao gồm chi phí đào tạo, chi phí hỗ trợ tiền ăn, chi phí tiền đi lại).

b) Dự toán hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm: lập theo Phụ lục số 02 đính kèm Thông tư này, trong đó:

- Số lao động là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ đóng bảo hiểm.

- Số tháng được hỗ trợ.

- Mức hỗ trợ.

c) Giải trình, thuyết minh số liệu cho các Phụ lục kèm theo.

2. Dự toán kinh phí đào tạo và kinh phí bảo hiểm được gửi cho cơ quan quản lý cấp trên nêu tại khoản 3 Điều này để tổng hợp dự toán.

3. Tổng hợp dự toán:

a) Tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước tiếp nhận dự toán của các đơn vị trực thuộc để tổng hợp vào dự toán chi ngân sách hàng năm của tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp chung trong dự toán ngân sách trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

b) Bộ, ngành tiếp nhận dự toán của các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành để tổng hợp vào dự toán chi ngân sách hàng năm của Bộ, ngành; gửi Bộ Tài chính để tổng hợp chung trong dự toán ngân sách Trung ương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

c) Sở Tài chính tiếp nhận dự toán của các đơn vị thuộc địa phương quản lý (bao gồm cả các hợp tác xã, doanh nghiệp ngoài nhà nước, các công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên của tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước có trụ sở chính đóng trên địa bàn) tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp dự toán kinh phí đào tạo, hỗ trợ đóng bảo hiểm vào dự toán chi ngân sách hàng năm của địa phương đối với các đơn vị thuộc địa phương quản lý gửi Bộ Tài chính để tổng hợp chung trong dự toán ngân sách nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

4. Giao và phân bổ dự toán:

Căn cứ dự toán ngân sách được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính thông báo; các Bộ, ngành, tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, các địa phương phân bổ dự toán kinh phí cho các đơn vị sử dụng lao động thuộc phạm vi quản lý. Thời gian phân bổ dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết.

Chia sẻ bởi: 👨 Download.vn
Mời bạn đánh giá!
Liên kết tải về

Link Download chính thức:

Các phiên bản khác và liên quan:

Sắp xếp theo