Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT Chương trình giúp trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh
Từ ngày 31/03/2021, Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 31/12/2020 chính thức có hiệu lực. Thông tư quy định về Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.
Theo đó quy định nội dung trong chương trình giáo dục đối với trẻ 5-6 tuổi như sau:
- Kỹ năng ngôn ngữ
- Nghe: Nghe từ chỉ người, tên gọi đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi trong phạm vi khoảng 100 từ, cụm từ; Nghe số từ 1 đến 10; Nghe và làm theo 2 đến 3 yêu cầu liên tiếp đơn giản, quen thuộc;…
- Nói: Nhắc lại, nói từ chỉ người, tên đồ vật, sự vật, hiện tượng và hành động đơn giản, quen thuộc trong phạm vi khoảng 100 từ, cụm từ; Phát âm tương đối rõ ràng các từ đơn lẻ, cụm từ và một số mẫu câu quen thuộc trong phạm vi từ vựng được làm quen; Trả lời bằng cử chỉ, hành động, 1-3 từ hoặc một số mẫu câu đơn giản, quen thuộc khi được hỏi về khả năng và sở thích;
- Làm quen với đọc: Làm quen với 1-5 ký hiệu bằng tiếng Anh thông thường; Xem tranh ảnh, minh họa và đọc theo thành tiếng từ chỉ người, tên gọi đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động trong phạm vi từ vựng được làm quen; Xem truyện tranh và kể chuyện qua tranh.
- Làm quen với viết: Tập tô màu một số nét, chữ cái, từ tiếng Anh quen thuộc.
- Kiến thức ngôn ngữ
- Từ vựng: khoảng 100 từ (tăng thêm 35 từ so với trẻ 4-5 tuổi); Số đếm từ 1 đến 10.
- Mẫu câu: câu hỏi về khả năng, sở thích; Câu hỏi, câu kể, câu cảm thán, câu cầu khiến đơn giản, quen thuộc, phù hợp với lứa tuổi.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 50/2020/TT-BGDĐT | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2020 |
THÔNG TƯ 50/2020/TT-BGDĐT
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH LÀM QUEN VỚI TIẾNG ANH DÀNH CHO TRẺ EM MẪU GIÁO
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Căn cứ Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 05 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành kèm theo Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 3 năm 2021.
Điều 3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
CHƯƠNG TRÌNH LÀM QUEN VỚI TIẾNG ANH
DÀNH CHO TRẺ EM MẪU GIÁO
(Ban hành kèm theo Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2020)
GIỚI THIỆU CHUNG
Chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo (sau đây gọi là Chương trình) được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và khả năng của trẻ đối với việc làm quen với tiếng Anh trong những cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện. Chương trình giúp trẻ được trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh; Hướng tới hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh; chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học; tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc các nền văn hóa khác.
Chương trình mang tính chất khung, nội dung Chương trình gồm những vấn đề cơ bản nhằm định hướng cho việc tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh. Cấu trúc của Chương trình gồm: Quan điểm xây dựng chương trình; Mục tiêu; Yêu cầu cần đạt; Nội dung; Phương pháp giáo dục; Đánh giá kết quả giáo dục và Hướng dẫn tổ chức thực hiện.
I. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Chương trình được xây dựng dựa trên cơ sở: Chương trình Giáo dục Mầm non; Các kết quả nghiên cứu về giáo dục học, tâm lý học và phương pháp cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh; Các thành tựu nghiên cứu về ngôn ngữ tiếng Anh; Phương pháp xây dựng chương trình tiếng Anh của thế giới và kinh nghiệm xây dựng chương trình của Việt Nam; Bối cảnh văn hóa xã hội, giáo dục và điều kiện kinh tế thực tế của Việt Nam; Sự đa dạng của đối tượng trẻ mẫu giáo về phương diện vùng miền, nhu cầu, điều kiện và khả năng làm quen với tiếng Anh.
2. Chương trình được thiết kế theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp; đảm bảo tính khoa học, tính vừa sức và nguyên tắc đồng tâm phát triển từ dễ đến khó, liên thông giữa các độ tuổi, mang tính mở, gắn với cuộc sống và kinh nghiệm của trẻ.
3. Chương trình được xây dựng theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”. Các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”, được lồng ghép tích hợp thông qua các hoạt động giáo dục và giao tiếp trong các ngữ cảnh và hoạt động gần gũi, có ý nghĩa.
4. Điều kiện áp dụng Chương trình
Chương trình chỉ áp dụng thực hiện tại các cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng các yêu cầu quy định tại Thông tư này và sự tự nguyện của gia đình trẻ.
Hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh cần được tổ chức thực hiện đảm bảo không phát sinh biên chế về vị trí giáo viên tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non.
II. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu tổng quát
Chương trình được xây dựng nhằm hướng tới hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh theo nhu cầu và khả năng của trẻ; góp phần chuẩn bị tốt hơn cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học.
2. Mục tiêu cụ thể
Hoàn thành Chương trình, trẻ có thể:
a) Nghe hiểu được một số từ, cụm từ và câu quen thuộc;
b) Nghe hiểu và thực hiện được một số yêu cầu ngắn, đơn giản, quen thuộc;
c) Nghe hiểu và có phản hồi phi ngôn ngữ hoặc trả lời ngắn gọn trong các tình huống giao tiếp đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi;
d) Nghe hiểu và có phản hồi phi ngôn ngữ hoặc lời nói khi tham gia các trò chơi phù hợp với lứa tuổi;
đ) Nghe hiểu được nội dung truyện tranh rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.
e) Nhắc lại được, nói được một cách tương đối rõ ràng, dễ nghe một số từ, cụm từ đơn giản;
g) Nhắc lại được, đọc theo được một số bài vần, bài thơ; hát theo một số bài hát đơn giản;
h) Trả lời được câu hỏi về một số tình tiết của truyện theo tranh;
i) Nhắc lại được, nói được một số từ thông dụng từ chỉ người, đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động, biểu tượng, kí hiệu rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi;
k) Đọc theo được thành tiếng một số từ thông dụng khi xem tranh, minh họa chỉ người, đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động, biểu tượng, kí hiệu rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi;
l) Tô màu được một số biểu tượng, kí hiệu, chữ cái theo hướng dẫn bằng tiếng Anh;
m) Có hứng thú với tiếng Anh và tích cực tham gia các hoạt động làm quen với tiếng Anh;
n) Mạnh dạn và tự tin trong giao tiếp.
III. YÊU CẦU CẦN ĐẠT
1. Trẻ 3-4 tuổi
- Trẻ hứng thú trong các hoạt động làm quen với tiếng Anh;
- Mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp;
- Nghe và nhận diện, nhận biết được một số từ chỉ người, tên gọi đồ vật, sự vật và hành động rất đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi;
- Nghe và nhắc lại được từ chỉ số từ 1 đến 3, một số từ, cụm từ rất đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi;
- Nghe và thực hiện được một số câu lệnh đơn lẻ rất đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi;
- Nghe và trả lời được bằng cử chỉ, hành động, 1-2 từ hoặc một số mẫu câu rất đơn giản, quen thuộc khi chào hỏi, tạm biệt và được hỏi tên;
- Nghe và phản hồi được bằng cử chỉ, hành động hoặc 1-2 từ trong một số tình huống giao tiếp rất đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi;
- Nghe và làm được theo hướng dẫn rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi khi tham gia trò chơi;
- Nghe hiểu được nội dung truyện tranh rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi và trả lời câu hỏi về một số tình tiết rất đơn giản của truyện;
- Nhắc lại được, gọi được tên một số đồ vật, sự vật và hành động rất đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi;
- Nhắc lại được một số câu vần, câu thơ rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi;
- Hát theo được một số bài hát rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.
2. Trẻ 4-5 tuổi
- Trẻ hứng thú trong các hoạt động làm quen với tiếng Anh;
- Thích tìm hiểu, khám phá các nền văn hóa khác;
- Mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp;
- Nghe và nhận diện, nhận biết được được một số từ chỉ người, tên gọi đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi;
- Nghe và nhắc lại được từ chỉ số từ 1 đến 5, một số từ, cụm từ đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi;
- Nghe và thực hiện được một số câu lệnh đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi;
- Nghe và trả lời được bằng cử chỉ, hành động hoặc 1 -3 từ, một số mẫu câu rất đơn giản trong một số tình huống giao tiếp đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi và khi được hỏi về bản thân và gia đình;
- Nghe và phản hồi được bằng cử chỉ, hành động hoặc bằng 1-3 từ khi chơi trò chơi đơn giản, phù hợp với lứa tuổi;
- Nghe hiểu được nội dung truyện tranh rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi và trả lời câu hỏi về một số tình tiết rất đơn giản của truyện;
- Nhắc lại được, gọi tên được đồ vật, sự vật, hiện tượng và hành động đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi;
- Đọc theo được thành tiếng một số từ thông dụng khi xem tranh minh họa chỉ người, đồ vật, sự vật, hiện tượng và hành động đơn giản, quen thuộc, phù hợp với lứa tuổi trong phạm vi từ vựng được làm quen;
- Nhắc lại, đọc theo được một số bài vần, bài thơ đơn giản, phù hợp với lứa tuổi;
- Hát theo, hát được một số bài hát đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.
3. Trẻ 5-6 tuổi
- Trẻ hứng thú trong các hoạt động làm quen với tiếng Anh;
- Thích tìm hiểu, khám phá các nền văn hóa khác;
- Mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp;
- Nghe và nhận diện, nhận biết được một số từ chỉ người, tên gọi đồ vật, sự vật, hiện tượng và hành động đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi;
- Nghe và nhắc lại được từ chỉ số từ 1 đến 10, một số từ, cụm từ chỉ sự vật, hiện tượng, hành động quen thuộc với lứa tuổi;
- Nghe và thực hiện được 2 đến 3 yêu cầu liên tiếp đơn giản, phù hợp với lứa tuổi;
- Nghe và trả lời được bằng cử chỉ, hành động hoặc 1-3 từ, một số mẫu câu rất đơn giản trong một số tình huống giao tiếp đơn giản, quen thuộc và khi được hỏi về khả năng và sở thích;
- Nghe và thực hiện được theo hướng dẫn bằng cử chỉ, hành động hoặc lời nói (1-3 từ) khi tham gia các trò chơi đơn giản, phù hợp với lứa tuổi;
- Nghe hiểu được nội dung truyện tranh đơn giản, phù hợp với lứa tuổi và trả lời câu hỏi về một số tình tiết rất đơn giản theo trình tự của truyện;
- Nhắc lại được, nói được từ chỉ người, đồ vật, sự vật, hiện tượng và hành động trong phạm vi từ vựng được làm quen;
- Đọc theo được thành tiếng một số từ thông dụng khi xem tranh minh họa chỉ người, đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động, biểu tượng, kí hiệu trong phạm vi từ vựng được làm quen;
- Nhắc lại, đọc theo được một số câu vần, câu thơ quen thuộc với lứa tuổi;
- Hát theo, hát được một số bài hát quen thuộc với lứa tuổi;
- Tô màu được một số nét, chữ cái tiếng Anh.
IV. NỘI DUNG GIÁO DỤC
1. Nội dung khái quát
1.1. Kỹ năng ngôn ngữ
a) Nghe:
- Nghe từ chỉ người, tên gọi đồ vật, sự vật, hiện tượng và hành động rất đơn giản, đơn giản, quen thuộc;
- Nghe số từ 1 đến 10;
- Nghe và làm theo một số yêu cầu rất đơn giản, đơn giản, quen thuộc;
- Nghe và phản hồi phi ngôn ngữ hoặc lời trong các tình huống giao tiếp rất đơn giản, đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi;
- Nghe và phản hồi phi ngôn ngữ hoặc lời nói (từ 1 đến 3 từ) khi tham gia các trò chơi phù hợp với lứa tuổi;
- Nghe bài vần, bài thơ, bài hát, truyện tranh rất đơn giản, đơn giản, phù hợp với lứa tuổi.
b) Nói:
- Nhắc lại, nói từ chỉ người, tên gọi đồ vật, sự vật, hiện tượng và hành động rất đơn giản, đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi;
- Phát âm tương đối rõ ràng các từ, cụm từ và mẫu câu trong phạm vi từ vựng được làm quen;
- Phản hồi bằng cử chỉ, hành động hoặc trả lời bằng 1-3 từ, cụm từ, mẫu câu đơn giản trong các tình huống giao tiếp rất đơn giản, đơn giản, quen thuộc;
- Phản hồi bằng cử chỉ, hành động hoặc lời nói khi tham gia các trò chơi phù hợp với lứa tuổi;
- Nhắc lại, hát theo một số câu vần, câu thơ, bài hát rất đơn giản, đơn giản, phù hợp với lứa tuổi;
- Trả lời câu hỏi về một số tình tiết của truyện.
c) Làm quen với đọc:
- Xem tranh ảnh, minh họa và đọc theo thành tiếng từ chỉ người, gọi tên đồ vật, sự vật, hiện tượng và hành động trong phạm vi từ vựng được làm quen;
- Làm quen với một số biểu tượng, kí hiệu (có thể kèm theo một số chữ cái, từ) rất đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi;
- Xem tranh, truyện tranh, đọc theo tranh.
d) Làm quen với viết:
- Tô màu được ký hiệu, chữ cái tiếng Anh.
1.2. Kiến thức ngôn ngữ
a) Từ vựng: Khoảng 100 từ, cụm từ chỉ người, đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động rất đơn giản và quen thuộc với lứa tuổi.
b) Mẫu câu: Một số mẫu câu giao tiếp rất đơn giản và quen thuộc trong các tình huống giao tiếp cụ thể phù hợp với lứa tuổi (câu chào hỏi, câu khiến, câu hỏi, câu cảm thán, câu kể).
2. Nội dung cụ thể
2.1. Trẻ 3-4 tuổi
Kĩ năng ngôn ngữ | Kiến thức ngôn ngữ |
Nghe - Nghe từ chỉ người, tên gọi đồ vật, sự vật và hành động rất đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi trong phạm vi khoảng 35 từ, cụm từ; - Nghe số từ 1 đến 3; - Nghe và làm theo yêu cầu đơn lẻ rất đơn giản, quen thuộc; - Nghe và trả lời bằng cử chỉ, hành động, 1-2 từ hoặc một số mẫu câu rất đơn giản, quen thuộc khi chào hỏi, tạm biệt và được hỏi tên; - Nghe và phản hồi bằng cử chỉ, hành động hoặc trả lời bằng 1-2 từ trong một số tình huống giao tiếp rất đơn giản, quen thuộc khác; - Nghe và thực hiện hướng dẫn khi tham gia các trò chơi rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi; - Nghe bài vần, bài thơ, bài hát rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi; - Nghe nội dung truyện tranh rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi. Nói - Nhắc lại, nói từ chỉ người, tên đồ vật, sự vật và hành động rất đơn giản, quen thuộc trong phạm vi khoảng 35 từ, cụm từ; - Phát âm tương đối rõ ràng các từ đơn lẻ trong phạm vi từ vựng được làm quen; - Phản hồi bằng cử chỉ và trả lời bằng 1-2 từ hoặc một số mẫu câu rất đơn giản, quen thuộc khi chào hỏi, tạm biệt và được hỏi tên; - Phản hồi bằng cử chỉ, hành động hoặc trả lời bằng 1-2 từ trong một số tình huống giao tiếp rất đơn giản, quen thuộc khác; - Phản hồi bằng cử chỉ, hành động hoặc lời nói (1-2 từ) khi tham gia các trò chơi rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi; - Nhắc lại một số bài văn vần, bài thơ rất đơn giản, quen thuộc; - Hát theo một số bài hát rất đơn giản, quen thuộc; - Trả lời câu hỏi về một số tình tiết rất đơn giản của truyện đã được nghe. Làm quen với đọc - Làm quen với tranh ảnh, minh họa chỉ người, đồ vật, sự vật, và hành động rất đơn giản và quen thuộc; - Làm quen với truyện tranh, cầm sách đúng chiều, mở sách và xem tranh. | Từ vựng: - Khoảng 35 từ, cụm từ; - Số từ 1 đến 3. Mẫu câu: - Câu chào hỏi, tạm biệt, hỏi tên; - Câu hỏi, câu kể, câu cảm thán, câu cầu khiến rất đơn giản, quen thuộc, phù hợp với lứa tuổi. |
2.2. Trẻ 4-5 tuổi
Kĩ năng ngôn ngữ | Kiến thức ngôn ngữ |
Nghe - Nghe từ chỉ người, tên gọi đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi trong phạm vi khoảng 70 từ, cụm từ; - Nghe số từ 1 đến 5; - Nghe và làm theo 2 yêu cầu đơn giản, quen thuộc; - Nghe và trả lời bằng cử chỉ, hành động hoặc 1-3 từ hoặc một số mẫu câu rất đơn giản, quen thuộc khi được hỏi về bản thân và gia đình; - Nghe và trả lời bằng cử chỉ hoặc 1 -3 từ trong một số tình huống giao tiếp rất đơn giản, quen thuộc khác; - Nghe và thực hiện hướng dẫn khi tham gia các trò chơi đơn giản, phù hợp với lứa tuổi; - Nghe bài văn vần, bài thơ, bài hát đơn giản, phù hợp với lứa tuổi; - Nghe nội dung truyện tranh rất đơn giản, phù hợp với lứa tuổi. Nói - Nhắc lại, nói từ chỉ người, tên đồ vật, sự vật, hiện tượng và hành động đơn giản, quen thuộc trong phạm vi khoảng 70 từ, cụm từ; - Phát âm tương đối rõ ràng các từ đơn lẻ và cụm từ trong phạm vi từ vựng được làm quen; - Trả lời bằng cử chỉ, hành động, 1-3 từ hoặc một số mẫu câu rất đơn giản, quen thuộc khi được hỏi về bản thân và gia đình; - Trả lời bằng cử chỉ, hành động hoặc 1-3 từ trong một số tình huống giao tiếp rất đơn giản, quen thuộc khác; - Thể hiện một số cử chỉ, điệu bộ, nét mặt đơn giản, phù hợp với tình huống giao tiếp; - Phản hồi bằng cử chỉ, hành động hoặc lời nói (13 từ) khi tham gia các trò chơi đơn giản, phù hợp với lứa tuổi; - Nhắc lại một số câu vần, câu thơ rất đơn giản, quen thuộc; - Hát theo một số bài hát rất đơn giản, quen thuộc; - Trả lời câu hỏi về một số tình tiết rất đơn giản của câu chuyện đã được nghe; Làm quen với đọc - Làm quen với 1-3 ký hiệu bằng tiếng Anh thông thường; - Xem tranh ảnh, minh họa và đọc theo thành tiếng từ chỉ người, tên gọi đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động trong phạm vi từ vựng được làm quen; - Xem truyện tranh và kể lại một số tình tiết của truyện theo tranh. | Từ vựng: - Khoảng 70 từ (thêm 35 từ so với trẻ 3-4 tuổi); - Số đếm từ 1 đến 5. Mẫu câu: - Câu hỏi về bản thân, gia đình; - Câu hỏi, câu kể, câu cảm thán, câu cầu khiến đơn giản, quen thuộc, phù hợp với lứa tuổi. |
2.3. Trẻ 5-6 tuổi
Kĩ năng ngôn ngữ | Kiến thức ngôn ngữ |
Nghe - Nghe từ chỉ người, tên gọi đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi trong phạm vi khoảng 100 từ, cụm từ; - Nghe số từ 1 đến 10; - Nghe và làm theo 2 đến 3 yêu cầu liên tiếp đơn giản, quen thuộc; - Nghe và trả lời bằng 1 -3 từ hoặc một số mẫu câu đơn giản, quen thuộc khi được hỏi về khả năng và sở thích; - Nghe và phản hồi bằng cử chỉ, hành động hoặc trả lời ngắn trong một số tình huống giao tiếp đơn giản, quen thuộc khác; - Nghe và thực hiện hướng dẫn khi tham gia các trò chơi đơn giản, phù hợp với lứa tuổi; - Nghe bài văn vần, bài thơ, bài hát đơn giản, phù hợp với lứa tuổi. - Nghe nội dung truyện tranh đơn giản, phù hợp với lứa tuổi. Nói - Nhắc lại, nói từ chỉ người, tên đồ vật, sự vật, hiện tượng và hành động đơn giản, quen thuộc trong phạm vi khoảng 100 từ, cụm từ; - Phát âm tương đối rõ ràng các từ đơn lẻ, cụm từ và một số mẫu câu quen thuộc trong phạm vi từ vựng được làm quen; - Trả lời bằng cử chỉ, hành động, 1-3 từ hoặc một số mẫu câu đơn giản, quen thuộc khi được hỏi về khả năng và sở thích; - Phản hồi bằng cử chỉ, hành động hoặc trả lời ngắn trong một số tình huống giao tiếp đơn giản, quen thuộc khác. - Thể hiện cử chỉ, điệu bộ, nét mặt đơn giản, phù hợp với tình huống giao tiếp; - Phản hồi bằng cử chỉ, hành động hoặc lời nói khi tham gia các trò chơi đơn giản, phù hợp với lứa tuổi; - Nhắc lại một số câu vần, câu thơ đơn giản, phù hợp với lứa tuổi; - Hát theo một số bài hát đơn giản, phù hợp với lứa tuổi; - Trả lời câu hỏi về một số tình tiết rất đơn giản theo trình tự của truyện đã được nghe; Làm quen với đọc - Làm quen với 1-5 ký hiệu bằng tiếng Anh thông thường; - Xem tranh ảnh, minh họa và đọc theo thành tiếng từ chỉ người, tên gọi đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động trong phạm vi từ vựng được làm quen; - Xem truyện tranh và kể chuyện qua tranh. Làm quen với viết - Tập tô màu một số nét, chữ cái, từ tiếng Anh quen thuộc. | Từ vựng: - Khoảng 100 từ (tăng thêm 35 từ so với trẻ 4-5 tuổi); - Số đếm từ 1 đến 10. Mẫu câu: - Câu hỏi về khả năng, sở thích; - Câu hỏi, câu kể, câu cảm thán, câu cầu khiến đơn giản, quen thuộc, phù hợp với lứa tuổi. |
V. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
Phương pháp cho trẻ mẫu giáo làm quen với Tiếng Anh theo quan điểm giáo dục "lấy trẻ làm trung tâm", nhấn mạnh vào việc hình thành khả năng giao tiếp thông qua vui chơi và các hình thức phù hợp với trẻ em mẫu giáo. Trong quá trình tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh, chú trọng đến quá trình trẻ lĩnh hội ngôn ngữ một cách tự nhiên trong ngữ cảnh giao tiếp gần gũi, có ý nghĩa; phù hợp với mục tiêu, nội dung làm quen với tiếng Anh. Định hướng và cách tiếp cận chủ đạo trong phương pháp cho trẻ làm quen với tiếng Anh đáp ứng các yêu cầu sau:
- Sử dụng phối hợp các phương pháp cho trẻ được trải nghiệm ngôn ngữ tiếng Anh một cách tự nhiên, trong ngữ cảnh thực tế, gần gũi, phù hợp với trẻ;
- Giáo viên cần tôn trọng các giai đoạn lĩnh hội ngôn ngữ qua nghe hiểu không đi kèm hồi đáp bằng lời giúp trẻ tích lũy đủ ngữ liệu trước khi sẵn sàng sản sinh lời nói. Do đó, trẻ cần được nghe và tham gia các hoạt động giao tiếp có ngữ cảnh nhưng không cần đòi hỏi phải nói khi trẻ chưa sẵn sàng. Các hoạt động tiền đọc, tiền viết được thực hiện từng bước phù hợp với khả năng của trẻ và tương thích với giai đoạn tiền đọc, tiền viết của tiếng Việt;
- Sử dụng phối hợp các tình huống, trò chơi, bài hát, vận động, thơ, truyện phù hợp, đơn giản gần gũi với cuộc sống của trẻ qua đó dạy trẻ làm quen với hệ thống ngữ âm, nhận diện từ ngữ đơn giản trong tình huống giao tiếp cụ thể, khuyến khích trẻ tham gia vào các hội thoại ngắn hoặc theo khả năng. Giáo viên có thể sử dụng công nghệ và các phương tiện hỗ trợ trong quá trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh;
- Trẻ cần được quan tâm, khích lệ để duy trì hứng thú đối với tiếng Anh thông qua các hoạt động, trò chơi dưới hình thức cá nhân, nhóm nhỏ, nhóm lớn, tương tác với giáo viên và trẻ khác.
VI. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC
1. Mục đích đánh giá
Thu thập thông tin về khả năng nghe, nói, tiền đọc viết của trẻ, làm cơ sở cho việc điều chỉnh, định hướng về phương pháp, nội dung, điều kiện, kế hoạch, và các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh.
2. Nội dung đánh giá
Đánh giá sự tiến bộ của trẻ theo yêu cầu cần đạt và sự hứng thú của trẻ đối với tiếng Anh và các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh.
3. Phương pháp đánh giá
Trẻ được đánh giá thông qua một hoặc kết hợp các phương pháp sau:
- Quan sát: Quan sát biểu hiện và việc sử dụng ngôn ngữ của trẻ trong hoạt động làm quen với tiếng Anh.
- Trò chuyện, giao tiếp với trẻ: Sử dụng lời nói, hệ thống câu hỏi trong các ngữ cảnh giao tiếp với trẻ;
- Sử dụng trò chơi: Sử dụng các trò chơi phù hợp nhằm đánh giá phản ứng ngôn ngữ của trẻ trong quá trình tham gia trò chơi và giao tiếp;
- Phân tích sản phẩm hoạt động của trẻ: Phân tích các sản phẩm của trẻ trong quá trình tham gia các hoạt động làm quen với tiếng Anh.
4. Hình thức đánh giá
- Đánh giá trẻ thường xuyên được thực hiện thông qua quan sát trẻ trong các hoạt động làm quen với tiếng Anh và các tình huống giao tiếp, các biểu hiện tiến bộ của trẻ về về các kĩ năng nghe và nói; làm quen với “đọc”, làm quen với “viết” và sự hứng thú của trẻ đối với tiếng Anh và các hoạt động làm quen với tiếng Anh.
- Hoạt động đánh giá được thực hiện nhẹ nhàng, thân thiện; khích lệ sự tiến bộ của từng trẻ.
VII. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Nguyên tắc chung và phân bổ thời lượng thực hiện Chương trình
Tùy vào điều kiện triển khai thực tế, nhu cầu và khả năng của trẻ, các cơ sở giáo dục mầm non phát triển kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, đảm bảo mục đích yêu cầu của việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh được tổ chức 35 tuần/năm, tối thiểu 02 hoạt động làm quen với tiếng Anh/tuần, mỗi hoạt động khoảng từ 25 đến 35 phút.
- Tùy từng điều kiện, hoạt động làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo được tổ chức linh hoạt vào thời điểm khác nhau phù hợp với khả năng của trẻ và điều kiện của nhà trường nhằm đạt được mục tiêu của việc làm quen với tiếng Anh, cũng như mục tiêu chương trình giáo dục mầm non;
- Phối hợp các hình thức tổ chức hoạt động trong lớp, ngoài lớp; hoạt động có chủ định của giáo viên và theo ý thích của trẻ; hoạt động cá nhân, theo nhóm, cả lớp một cách linh hoạt, đáp ứng nhu cầu và hứng thú của trẻ;
- Chú trọng phát triển năng lực giao tiếp thông qua kĩ năng nghe và nói;
- Theo dõi và kịp thời hỗ trợ trẻ giao tiếp, tương tác bằng tiếng Anh;
2. Các điều kiện thực hiện Chương trình
2.1. Giáo viên
Giáo viên người Việt Nam đủ điều kiện tham gia tổ chức hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh khi đáp ứng được một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Có bằng cao đẳng trở lên các ngành Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Tiếng Anh; đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về Nghiệp vụ sư phạm Giáo dục mầm non hoặc Phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh do các trường cao đẳng, đại học có đào tạo giáo viên mầm non tổ chức (Chương trình bồi dưỡng tối thiểu 120 tiết, trong đó có ít nhất 45 tiết thực hành tại cơ sở giáo dục mầm non);
b) Có bằng cao đẳng trở lên ngành Giáo dục Mầm non, có chứng chỉ năng lực tiếng Anh trình độ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (hoặc tương đương theo quy định).
Giáo viên người nước ngoài
- Đối với giáo viên người bản ngữ: có bằng cao đẳng trở lên, có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh được công nhận; đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về Nghiệp vụ sư phạm Giáo dục mầm non hoặc Phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh do các trường cao đẳng, đại học sư phạm có đào tạo giáo viên mầm non tổ chức (Chương trình bồi dưỡng tối thiểu 120 tiết, trong đó có ít nhất 45 tiết thực hành tại cơ sở giáo dục mầm non).
- Đối với giáo viên người nước ngoài không phải người bản ngữ: đủ điều kiện cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh khi đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Có bằng cao đẳng trở lên các ngành Sư phạm tiếng Anh/giảng dạy tiếng Anh; đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về Nghiệp vụ Giáo dục mầm non hoặc Phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh do các trường cao đẳng, đại học sư phạm có đào tạo giáo viên mầm non tổ chức (Chương trình bồi dưỡng tối thiểu 120 tiết, trong đó có ít nhất 45 tiết thực hành tại cơ sở giáo dục mầm non)
b) Có bằng cao đẳng trở lên; có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh quốc tế hoặc chứng chỉ về năng lực tiếng Anh trình độ B2 trở lên (Theo khung tham chiếu chung Châu Âu về ngôn ngữ), đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về Nghiệp vụ Giáo dục mầm non hoặc Phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh do các trường cao đẳng, đại học sư phạm có đào tạo giáo viên mầm non tổ chức (Chương trình bồi dưỡng tối thiểu 120 tiết, trong đó có ít nhất 45 tiết thực hành tại cơ sở giáo dục mầm non).
Ngoài các yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, giáo viên người nước ngoài thực hiện cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh đáp ứng các yêu cầu hiện hành quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
2.2. Cơ sở vật chất và số trẻ/lớp:
- Cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ em làm quen với tiếng Anh ít nhất phải bảo đảm mức Tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có hệ thống đồ chơi, tranh ảnh trực quan gần gũi, phù hợp; trang thiết bị nghe nhìn tối thiểu để hỗ trợ tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ làm quen với tiếng Anh;
- Số trẻ/lớp thực hiện theo quy định tại Điều lệ Trường mầm non.
2.3. Tài liệu, học liệu
- Tài liệu, học liệu sử dụng để triển khai Chương trình phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt;
- Các cơ sở giáo dục mầm non được phép lựa chọn các tài liệu, học liệu đã được thẩm định hoặc phê duyệt để tổ chức hoạt động làm quen với tiếng Anh theo nhu cầu và điều kiện triển khai thực tế.
3. Tổ chức thực hiện
Căn cứ Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu xã hội; kiểm tra giám sát, quản lý việc tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo tính tự nguyện tham gia của người học, chất lượng và hiệu quả.
Phòng giáo dục và đào tạo các quận/huyện có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, quản lý các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức triển khai cho trẻ làm quen với tiếng Anh đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp nhu cầu của gia đình trẻ.
Căn cứ vào quy định tại Chương trình này và hướng dẫn của phòng giáo dục và đào tạo, các trường mầm non, trường mẫu giáo và lớp mẫu giáo độc lập xây dựng kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai tổ chức cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh phù hợp với điều kiện thực tế của trường, lớp, theo nguyện vọng của gia đình trẻ, đảm bảo chất lượng./.