Thông báo 74/2013/TB-VPCP Tổng kết công tác y tế năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013
Thông báo 74/2013/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác y tế năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013 do Văn phòng Chính phủ ban hành.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ --------- Số: 74/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------- Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TỔNG KẾT CÔNG TÁC Y TẾ NĂM 2012 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2013
Ngày 24 tháng 01 năm 2013, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013 của ngành Y tế. Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân; đại diện lãnh đạo một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan ở trung ương; lãnh đạo Bộ Y tế qua các thời kỳ; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Y tế của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện một số đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện một số cơ quan thông tin, báo chí ở trung ương và địa phương.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2012, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện năm 2013, phát biểu của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu chỉ đạo như sau:
1. Năm 2012, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới; phải đối phó với nhiều âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và chịu ảnh hưởng khá nặng nề do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đặt ra cho năm 2012: kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, lạm phát được kiềm chế ở mức 6,8%; tăng trưởng kinh tế đạt trên 5% (tính theo giá năm 2010 là 5,25%). Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ tiếp tục phát triển, nhất là nông nghiệp đạt nhiều thành tựu quan trọng. Thực hiện ba khâu đột phá chiến lược bước đầu có kết quả. Các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm, đời sống của nhân dân ở nhiều vùng được cải thiện. Cả nước tạo được 1,52 triệu việc làm; tỷ lệ lao động thất nghiệp ở đô thị tiếp tục duy trì ở mức không quá 4%; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,76%, riêng 62 huyện nghèo nhất giảm 4%; quan tâm thực hiện các chính sách đối với người có công; hỗ trợ kịp thời người dân ở vùng bị thiên tai, lũ lụt; bảo đảm, tích cực thực hiện các chính sách y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, góp phần ổn định xã hội. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng được tăng cường, chủ quyền quốc gia được bảo đảm; công tác đối ngoại tiếp tục đạt được nhiều kết quả. Trong thành tựu chung của cả nước, có sự đóng góp quan trọng, thiết thực của ngành Y tế.
a) Về những kết quả đạt được của Ngành:
Trong năm 2012, ngành Y tế đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng và ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới, quan trọng, góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, nhất là Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch triển khai đã được ban hành và triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả tích cực trong đời sống xã hội.
Sau 3 năm thực hiện Luật bảo hiểm y tế, đã đạt được những thành tựu cơ bản. Hệ thống tổ chức bộ máy và chính sách bảo hiểm y tế từng bước được hoàn thiện. Số người tham gia bảo hiểm y tế đã tăng lên 68% dân số vào năm 2012; quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng. Tỷ lệ rất lớn người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người được hỗ trợ, có thẻ bảo hiểm y tế, yên tâm hơn trong cuộc sống. Người nghèo, người cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi đã được quan tâm trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Nhân dân ở hầu hết các vùng, miền được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn.
Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển. Công tác giảm quá tải bệnh viện ở hai thành phố lớn là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có kết quả bước đầu. Công tác phòng, chống dịch bệnh được quan tâm chỉ đạo. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi; kiểm soát tốt các dịch bệnh mới nổi. Nỗ lực đấu tranh phòng, chống và kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng ở mức dưới 0,3% trong 3 năm liên tục.
Đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ, kỹ thuật mới ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới trong khám bệnh, chữa bệnh. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình đạt kết quả; tỷ lệ tăng dân số tiếp tục được kiểm soát ở mức 1,03%. Tổ chức thành công nhiều sự kiện, hội nghị quốc tế về y tế, nhất là Hội nghị của Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả đã đạt được của toàn Ngành trong năm 2012, đặc biệt là việc hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao, đạt được 10 thành tựu nổi bật và thực hiện có kết quả 5 Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đến năm 2015 về y tế.
b) Về những khó khăn, hạn chế, yếu kém, nổi lên là:
An toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm soát có hiệu quả, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đang có sự gia tăng của một số dịch bệnh như cúm A(H1N1), dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng, tái xuất hiện một số dịch bệnh như cúm A(H5N1) và xuất hiện một số bệnh mới, đe dọa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhân dân.
Tình trạng quá tải tại một số bệnh viện tuy đã có cải thiện bước đầu, nhưng nhìn chung vẫn còn nghiêm trọng, nhất là tại các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa. Thủ tục và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quản lý giá thuốc chữa bệnh còn thiếu hiệu quả. Công tác quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân còn bất cập. Mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức báo động tại nhiều địa phương đã diễn ra từ năm 2006 đến nay và có xu hướng tiếp tục tăng. Hội nhập quốc tế vừa đem lại những cơ hội thuận lợi, đồng thời cũng đặt nước ta trước những nguy cơ bị lây truyền các bệnh, dịch nguy hiểm cùng những khó khăn trong cạnh tranh đối với sản xuất thuốc và ứng dụng công nghệ cao trong y tế.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Y tế quán triệt các mục tiêu đã đề ra, xây dựng ngành Y tế hướng đến công bằng, hiệu quả, phát triển; tiếp tục phát huy thành tích và những kết quả đạt được, nghiêm túc phân tích những mặt còn hạn chế, yếu kém, tìm ra nguyên nhân để quyết tâm tháo gỡ, ra sức khắc phục khó khăn, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trên từng lĩnh vực công tác trong thời gian tới.
2. Về nhiệm vụ năm 2013 của ngành Y tế, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng tình với 20 chỉ tiêu, 9 nhiệm vụ trọng tâm, 6 nhóm giải pháp chủ yếu nêu trong Báo cáo tổng kết công tác y tế năm 2012, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện trong năm 2013 của Bộ Y tế. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ bản là phù hợp, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của Chính phủ. Tuy nhiên, ngành Y tế cần đưa ra giải pháp cụ thể hơn trong quá trình tổ chức thực hiện và cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
a) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế; tổ chức thực hiện có hiệu quả pháp luật, chính sách; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trên các lĩnh vực của ngành Y tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành. Trước hết, ngành Y tế cần bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 để thể chế hóa, cụ thể hóa thành các biện pháp, chính sách phù hợp, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả, đạt những kết quả, tạo chuyển biến tích cực.
b) Tập trung nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân. Nêu cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành. Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng của đội ngũ thầy thuốc, từ bác sỹ đến điều dưỡng viên; chú trọng đào tạo chuyên sâu, đào tạo để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao, chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và ứng dụng kỹ thuật cao trong y tế; phát triển y học cổ truyền. Kết hợp chặt chẽ quân - dân y trong khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện có hiệu quả cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh.
c) Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020 và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Cùng với giải pháp tiếp tục đầu tư để tăng số giường bệnh, cần quan tâm xây dựng bệnh viện vệ tinh, nghiên cứu phát triển mạng lưới bác sỹ gia đình; nghiên cứu giảm hợp lý thời gian người bệnh nằm điều trị nội trú. Tiếp tục mở rộng việc luân phiên cán bộ y tế từ tuyến trên về tuyến dưới để vừa cải thiện chất lượng khám bệnh, chữa bệnh vừa đào tạo nâng cao trình độ cán bộ cấp cơ sở, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên và nâng dần chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở. Trong năm 2013, ngành Y tế cần coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu đạt được những chuyển biến thực sự.
d) Quyết liệt thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020. Đưa tỷ lệ số người tham gia bảo hiểm y tế tăng lên 70% dân số vào năm 2013, 75% vào năm 2015 và trên 80% vào năm 2020. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện; giao chỉ tiêu phát triển bảo hiểm y tế theo từng nhóm đối tượng, từng địa phương để mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế.
đ) Triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống, chủ động khống chế kịp thời và đẩy lùi các dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, hành vi của người dân về việc phòng, chống bệnh.
e) Tiếp tục kiểm tra, rà soát cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động trong các bệnh viện công lập. Thực hiện có hiệu quả Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; chỉ đạo các địa phương điều chỉnh khung giá dịch vụ y tế theo lộ trình thích hợp gắn với việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Đầu tư có trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng các bệnh viện đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ.
g) Nghiên cứu và ban hành cơ chế, thủ tục để tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào ngành Y tế. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các dịch vụ y tế, các bệnh viện ngoài công lập, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý và kiểm soát chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
h) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về y tế đến năm 2015.
i) Làm tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Phấn đấu đạt tỷ lệ tăng dân số ở mức 1,02% vào năm 2013; nâng cao chất lượng dân số, tăng tuổi thọ bình quân đồng thời tăng tuổi bình quân sống khoẻ mạnh. Ngành Y tế cùng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung chỉ đạo để khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, cơ quan liên quan biết và thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |