Văn mẫu lớp 12: Phân tích tâm trạng của Mị khi biết mình trở thành con dâu gạt nợ Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

Văn mẫu lớp 12: Phân tích tâm trạng của Mị khi biết mình trở thành con dâu gạt nợ trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài gồm 2 bài văn mẫu siêu hay. Qua phân tích tâm trạng Mị khi biết mình trở thành con dâu gạt nợ các bạn học sinh có thể lựa chọn cho mình một cách tiếp cận, một giọng điệu văn thích hợp, để sau đó nó trở thành kiến thức của mình.

TOP 2 bài phân tích tâm trạng của Mị khi biết mình trở thành con dâu gạt nợ được viết rất hay với văn phong rõ ràng, dễ hiểu có thể tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, sẽ giúp các em học môn Ngữ văn tốt hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn khi học. Ngoài ra để nâng cao kỹ năng viết văn các bạn xem thêm một số bài văn mẫu như: mở bài Vợ chồng A Phủ, phân tích Vợ chồng A Phủ, phân tích nhân vật A Phủ.

Phân tích nhân vật Mị khi trở thành con dâu gạt nợ

Tô Hoài là nhà văn luôn hấp dẫn người đọc bởi những nét độc đáo trong việc quan sát và diễn tả về những số phận con người miền núi. Đó là những người dân lao động vùng cao Tây Bắc không chịu sự đày đọa, giam hãm trong cuộc sống tăm tối; họ vùng lên phản kháng, đi tìm cuộc sống tự do. Sức sống tiềm tàng đó được thể hiện mạnh mẽ trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, thông qua nhân vật Mị, khi cô lâm vào cảnh ngộ bị bắt làm dâu gạt nợ trong nhà thống lí Pá Tra đến khi thoát khỏi Hồng Ngài.

Trước khi bị bắt về làm dâu nhà thống lí Pá Tra, Mị là một cô gái trẻ đẹp, yêu lao động, yêu tự do. Khi bị bắt về làm dâu nhà thống lí, Mị phải chịu một cuộc sống đầy tủi nhục, thống khổ. “Lúc nào cô cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.” Bởi cô là cô dâu gạt nợ, nạn nhân của chính sách cho vay nặng lãi. Để rồi cô bị tước đoạt tuổi trẻ, tự do, bị đối xử như nô lệ. Mỗi ngày, Mị càng không nói, cứ lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa.

Dù cuộc sống thống khổ, nhưng Mị vẫn ẩn chứa một sức sống tiềm tàng, sức sống ấy của Mị trỗi dậy vào đêm tình mùa xuân. “Hồng Ngài năm ấy ăn tết giữa lúc cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội... Trong các làng Mèo đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm, sặc sỡ... tiếng trẻ con nô đùa...” Mùa xuân ấy rộn rã âm thanh và màu sắc, là dấu hiệu cho sự bừng tỉnh của Mị trong đêm tình mùa xuân. Đầu tiên, sức sống ấy được hồi sinh khi Mị nghe thấy tiếng sáo: “Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi...” Tiếng sáo ấy chạm vào tâm hồn của Mị, khiến Mị nhớ lại những ngày xuân thật đẹp của quá khứ. “Mị nghe tiếng sáo vọng lại thiết tha bổi hổi”. Tiếng sáo ấy như ngọn gió thổi vào lòng cô, khiến cô nhẩm lại lời của người đang thổi sáo:

“Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta chưa có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu”

Đã lâu rồi Mị không hát, thế mà cô vẫn thuộc. Dường như Mị vẫn chẳng thể quên được những ngày tươi đẹp nhất, trái tim vẫn chẳng thể nguội lạnh trước cuộc đời ngoài kia. Tiếng sáo ấy khiến Mị lén lấy hũ rượu. “Cứ uống ực từng bát. Rồi say. Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn những người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước.” Niềm vui ấy khiến Mị ý thức được rằng “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi.” Điều đó thể hiện được khát khao tự do của cô, khát khao tự do giữa hiện thực đau đớn. Để rồi cô tủi thân, khi nhớ lại rằng mình đang có một cuộc sống bất hạnh: “A Sử với Mị không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau.” Mị chợt muốn chết, mà muốn chết tức là cô đã nhận ra trong tư tưởng của mình có sự phản kháng, cô không còn muốn sống kiếp sống này nữa. Sức sống mãnh liệt còn thể hiện mạnh mẽ hơn khi Mị đi đến quyết định: Bỏ nhà đi theo cuộc chơi. Mị làm đẹp cho bản thân mà không để ý đến thái độ của A Sử, Mị hành động thản nhiên, nhưng đau đớn thay, sự độc ác tàn nhẫn của giai cấp thống trị đã dập tắt đi cái khát vọng sự trỗi dậy đó của Mị. A Sử trói Mị, nhưng lúc này đây, Mị đâu còn sống bằng tâm hồn của mình. Hồn Mị đang “đi theo những cuộc chơi những đám chơi”. Tâm hồn cô đang ngập tràn tiếng sáo, tiếng sáo ấy nhập vào hồn Mị, khiến nàng quên đi rằng mình bị trói. Nhưng rồi “tay chân đau không cựa được”, Mị đau đớn tủi nhục, quay về với cuộc đời hiện thực. Có một chi tiết đắt giá đã lóe lên trong tâm trạng của cô: Mị tỉnh dậy và nhớ lại câu chuyện của người đàn bà bị chồng trói chết trong căn nhà này. Mị sợ, Mị “cựa quậy xem thử mình còn sống hay đã chết”. Nàng vẫn còn biết sợ, và đó chính là biểu hiện của lòng ham sống. Sức sống ấy vẫn đang âm ỉ cháy trong tâm hồn nàng, dù có bị vùi dập như thế nào đi nữa.

Sức sống tiềm tàng của Mị lại bùng lên lần nữa trong đêm cởi trói cho A Phủ. Cùng là nạn nhân của chính sách cho vay nặng lãi, nếu Mị trở thành cô dâu gạt nợ, thì A Phủ trở thành trâu ngựa cho nhà Pá Tra. Họ là nô lệ, ăn đời ở kiếp cho lũ nhà giàu, để rồi khi con bò bị hổ bất mắt, A Phủ bị hành hạ, bị treo lên cột, bỏ mặc đến chết. Lúc đầu, Mị chứng kiến mọi thứ bằng đôi mắt vô cảm. Dường như Mị đã mất đi lòng nhân ái giữa người với người, Mị lạnh lùng nhìn A Phủ bị hành hạ. Sau đó, khi nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ chảy xuống, Mị bỗng động lòng, trái tim của nàng thức tỉnh. Mị hình dung lại chuỗi ngày dài dằng dặc của cuộc đời mình, để rồi thấy A Phủ sao mà giống mình thế, phải chịu cảnh đau khổ, tàn nhẫn, kiếp sống trâu ngựa đầy bất công, phi lí. Mị nguyền rủa: “Chúng nó thật độc ác.”

Trái tim nhân ái của Mị đã thôi thúc nàng phải cứu A Phủ, dù cho nếu A Phủ chạy thoát, thì có thể người phải chết trên cột sẽ chính là nàng. Nhưng giờ đây, sức sống tiềm tàng đã khiến Mị khao khát được tự do, để rồi Mị quyết liệt cắt đứt sợi dây trói cho A Phủ. Đó là chính là vẻ đẹp của một tâm hồn khát khao được sống, được giải phóng bản thân mình. Hành động cắt sợi dây trói cho A Phủ cũng chính là cắt sợi dây trói buộc của đời mình, giải thoát khỏi cường quyền và thần quyền. Hành động này là một bước chuyển tâm lý, một sự trỗi dậy mạnh mẽ, một quá trình hiện thực hóa nhận thức, đưa cô Mị từ sức sống tiềm tàng trở thành người tự giải thoát chính mình. Qua đó, ta thấy được giá trị nhân đạo trong ngòi bút của Tô Hoài. Ông nâng niu từng phẩm chất tốt đẹp của nhân vật, cứu vớt họ từ những bi kịch cùng quẫn, đau thương...

Về nghệ thuật, nhân vật Mị được khắc họa chân dung, tính cách thông qua ngôn ngữ giàu chất thơ cùng phong cách trần thuật hấp dẫn, xây dựng nhân vật với diễn biến nội tâm đa dạng, phong phú. Hành trình khám phá nhân vật Mị là hành trình trải nghiệm của những cung bậc cảm xúc. Đó là những điều đã làm nên một nhân vật Mị có sức sống tiềm tàng và hành động dứt khoát. Mị là một hình tượng điển hình cho những người dân nghèo vùng cao thấp cổ bé họng, sống trong cuộc sống ngột ngạt dưới ách thống trị của những người cầm quyền giàu có nhưng mất nhân tính. Tô Hoài thấu hiểu được điều đó, ông đặt tình cảm, niềm cảm thương của mình vào nhân vật Mị, với ước mong rằng những người khổ đau sẽ tìm được con đường giải phóng bản thân.

Như Maxim Gorki đã từng nói: “Văn học là nhân học”, ngòi bút của Tô Hoài thấm đẫm giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Ông đã lặn xuống những kiếp người cùng khổ để thấu hiểu được nỗi đau, từ đó khám phá ra sức sống tiềm tàng ẩn sâu bên trong tâm hồn của họ.

Tâm trạng của Mị khi biết mình trở thành con dâu gạt nợ

Trong chuyến công tác tại Tây Bắc, nhà văn Tô Hoài đã có dịp sống, cùng ăn, cùng ở với đồng bào dân tộc, cũng chính hoàn cảnh đó đã tạo điều kiện để Tô Hoài thêm am hiểu về con người, văn hóa, phong tục miền núi. Đây cũng là nguồn cảm hứng chính để nhà văn sáng tác “Truyện Tây Bắc” mà đặc sắc nhất trong số đó có thể kể đến truyện ngắn Vợ chồng A Phủ. Trong tác phẩm này, nhà văn không chỉ thành công khi tái hiện không khí ngột ngạt của chế độ phong kiến miền núi và số phận bất hạnh của con người nghèo khổ mà còn thành công bởi chính nghệ thuật xây dựng và miêu tả tâm lí nhân vật Mị từ lúc làm dâu nhà Thống lí cho đến khi cứu và chạy theo A Phủ.

Trước khi về làm dâu nhà thống lí, Mị là cô gái xinh đẹp, yêu đời và có tài thổi sáo được nhiều chàng trai trong miền mến mộ và đi theo. Tuy nhiên, khi trở thành con dâu gạt nợ cho gia đình thống lí, cái mà người đọc thấy ở cô gái này lại là sự lầm lũi, cam chịu đến đáng thương. Sống trong gia đình nhà thống lí, Mị bị chà đạp cả về thể chất và tinh thần, trên danh nghĩa Mị là con dâu nhưng thực chất lại là người ở không hơn không kém.

Mị phải làm việc quần quật cả ngày cả đêm như con trâu, con ngựa, sống lâu trong cái khổ Mị đã dần trở nên cam chịu, sức sống bị bào mòn đến mức mất đi khả năng phản kháng bình thường mà sống như một người mất đi linh hồn, sự sống. Thế mới thấy tội ác khủng khiếp của gia đình thống lí, nó không chỉ chà đạp về thể xác mà còn giết dần giết mòn đi sự sống bên trong của con người.

Trong đêm tình mùa xuân, khi nghe tiếng sáo gọi bạn tình, sức sống bên trong Mị đã bắt đầu trỗi dậy sau bao ngày bị bao phủ bởi tro tàn của đau khổ đọa đầy. Chi tiết này cũng thể hiện được tài năng bậc thầy của nhà văn Tô Hoài trong việc miêu tả diễn biến tâm trạng đầy phức tạp của nhân vật Mị. Tiếng sáo đã đánh thức phần sự sống đang le lói cháy bên trong Mị, giúp Mị thức tỉnh và nhận thức được những nhu cầu chính đáng của mình.

Mị nhận ra mình còn trẻ, Mị muốn đi chơi như bao người phụ nữ khác “Mị còn trẻ, Mị muốn đi chơi, bao nhiêu người có chồng như Mị vẫn đi chơi mùa xuân”. Như vậy sau bao nhiêu ngày sống trong đọa đầy, khi tâm hồn bị tê liệt bởi sự chà đạp của cường quyền, thần quyền thì Mị đã trở lại là chính mình, khao khát thực hiện những nhu cầu thành thực nhất của bản thân. Mị đã uống rượu và nhớ lại những kỉ niệm của ngày xưa.

Khi bị A Sử dùng dây trói đứng vào cột, sự ràng buộc đau đớn của sợi dây cũng không thể ngăn được sứ sống đang cháy trở lại bên trong Mị. Sợi dây có thể trói buộc thân xác của Mị nhưng tâm hồn của Mị đã đi theo tiếng sáo, theo những khát khao tự do của mình.

Sau đêm tình mùa xuân, Mị trở lại với thân phận con dâu gạt nợ và tiếp tục sống với vẻ lầm lũi cam chịu nhưng ta có thể nhận rõ sự thay đổi bên trong của con người Mị, đã không còn sự cam chịu đến tê liệt như trước mà đã phần nào thức tỉnh, thể hiện trực tiếp qua chi tiết “đêm nào Mị cũng ra bên ngoài bếp lửa thổi lửa hơ tay”, chỉ cần có chất “xúc tác” là sẽ bùng cháy dữ dội để giải phóng Mị khỏi cuộc sống khổ đau, nô lệ.

Trong một đêm hơ tay bên bếp lửa, Mị đã nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ, và cũng chính giọt nước mắt này đã đánh thức sự đồng cảm bên trong Mị, tạo sức mạnh giúp MỊ vượt qua nỗi sợ hãi cường quyền, thần quyền để giải cứu A Phủ và giải cứu cho chính mình.

Nhìn hình ảnh đáng thương của A Phủ, Mị nhớ lại mình cũng từng bị A Sử trói đứng trước kia đến nỗi nước mắt rơi cũng không lau đi được. Mị cũng nhận thức được nếu vẫn như thế A Phủ sẽ chết “chỉ đêm nay là người kia chết, chết đau, chết rét, chết đói, phải chết”. Sự đồng cảm với A Phủ khiến Mị phẫn nộ trước tội ác kinh khủng của cha con thống lí “chúng trói người ta đến chết”.

Mị dùng dao cắt dây cởi trói giải cứu A Phủ, khi A Phủ vụt chạy đi Mị đã chạy theo để tự giải cứu cho mình.

Thông qua diễn biến tâm lí của nhân vật Mị từ khi làm con dâu gạt nợ nhà thống lí cho đến khi cắt dây cởi trói cho A Phủ là hành trình thức tỉnh của sự sống tiềm tàng. Giá trị nhân đạo của Vợ chồng A Phủ thể hiện ở sự trân trọng giá trị, sức sống tiềm tàng bên trong con người. Ẩ

Chia sẻ bởi: 👨 Trịnh Thị Thanh
Mời bạn đánh giá!
  • Lượt tải: 06
  • Lượt xem: 2.173
  • Dung lượng: 143,5 KB
Sắp xếp theo