Phân tích về bài thơ Chốn quê của Nguyễn Khuyến Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ lớp 10
Phân tích bài thơ Chốn quê của Nguyễn Khuyến mang đến bài văn mẫu cực hay, ấn tượng nhất. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao kỹ năng viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ hay.
Chốn quê của Nguyễn Khuyến đã tố cáo hiện thực cuộc sống khốn khó của người nông dân Việt Nam dưới thời kì thực dân cầm quyền. Để hiểu rõ hơn về bài thơ mời các bạn cùng theo dõi bài văn mẫu phân tích Chốn quê trong bài viết dưới đây. Ngoài ra các bạn xem thêm bài văn mẫu phân tích bài thơ Chỉ có thể là mẹ của Đặng Minh Mai.
Phân tích về bài thơ Chốn quê của Nguyễn Khuyến
Nguyễn Khuyến đã có một thời gian dài gắn bó với chốn quan trường, phục vụ cho dân cho nước. Song ông sớm từ bỏ chốn danh lợi thị phi do bất mãn với chính quyền để về quê ở ẩn. Với tư cách là một người trong cuộc ông thấu hiểu với nỗi vất vả, khốn khó của người dân dưới ách áp bức của thực dân phong kiến. Bài thơ Chốn quê được sáng tác với cảm hứng như thế. Toàn bài thơ là nỗi lòng của ông về cuộc sống khốn khổ trăm đường của nhân dân, ông thương cảm, xót xa cho những cảnh bất hạnh quần quật quanh năm mà đói nghèo vẫn đeo bám.
Thật ra đề tài về cuộc sống khốn khó của người nông dân trước cách mạng tháng tám không hiếm. Phải nói rất nhiều, những tác phẩm truyện ngắn hiện thực của Nguyễn Công Hoan, Phạm Duy Tốn, những bài thơ của nhiều tác giả khác cùng thời với Nguyễn Khuyến đều đã phản ánh rất nhiều. Song đến với bài thơ Chốn quê của Nguyễn Khuyến chúng ta thấy một màu sắc rất riêng. Ông khai thác trên nền đề tài vốn đã cũ để thổi vào đó luồng gió mới. Cũng là cảnh khổ, cái đói nghèo, cái sự khốn cùng của nhân dân nhưng lại được Nguyễn Khuyến diễn tả một cách nhẹ nhàng, thấm thía. Với những thi liệu rất gần gũi, quen thuộc bài thơ đã mở ra một không khí của chốn làng quê, tuy đói nghèo nhưng vẫn không túng quẫn. Đó là cái nhìn trân trọng của nhà thơ với số phận của những người nông dân trước cách mạng:
Mấy năm làm ruộng vẫn chân thua,
Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa.
Phần thuế quan Tây, phần trả nợ,
Nửa công đứa ở, nửa thuê bò.
Những câu thơ như là ông đang nói hộ nỗi niềm của những người nông dân nghèo khổ trong xã hội. Họ như đang ngồi lại với nhau để bộc bạch sự khốn khó của mình. Đó là những cảnh nghèo vất vả trong nhiều năm, bán mặt cho đất bán lưng cho trời vẫn chẳng ăn thua nghĩa là công cốc, chả bỏ ra được gì. Bởi đâu do như vậy? Chẳng phải do người lao động không cố gắng mà vì rất nhiều lý do chủ quan và khách quan khác. Thứ nhất là do mùa màng thất bát, thời tiết không ủng hộ. Thứ hai là do thuế sưu quá nặng, thuế để nộp quan tây, thuế để nộp địa chủ. Thứ ba là công thuê mướn người làm nửa công cho đứa ở, nửa công thuê bò làm ruộng… thành thử trừ tất cả đi người nông dân chẳng còn lại là bao. Cả một mùa vất vả một nắng hai sương ngoài ruộng đồng, thứ họ nhận lại được chẳng đáng với công sức đã bỏ ra. Phép đối và liệt kê đã được sử dụng rất chuẩn chỉnh thể hiện những khó khăn chồng chất khó khăn của người lao động. Đồng thời cũng thể hiện thái độ trân trọng, cảm thông của nhà thơ với những lo toan của người nông dân.
Sớm trưa dưa muối cho qua bữa,
Chợ búa trầu chè chẳng dám mua.
Cần kiệm thế mà không khá nhỉ,
Bao giờ cho biết khỏi đường lo?
Bốn câu thơ cuối là tiếng thở dài của người lao động. Vì cuộc sống vất vả, khốn khó nên họ đã tằn tiện tiết kiệm từng đồng hào. Bữa ăn đạm bạc chẳng có gì “sớm trưa dưa muối” để cho qua bữa, những thú vui giản dị như trầu chè cũng chẳng dám mua. Mọi thứ đã tiết kiệm hết mức có thể ấy thế mà đời sống vẫn chẳng thay đổi, chẳng khấm khá hơn được.
Câu thơ cuối khép lại bài thơ bằng một câu hỏi tu từ “Bao giờ cho biết khỏi đường lo?” đầy tâm trạng của người lao động. Bao giờ cho hết đường lo đây, nếu xã hội vẫn bất công, chế độ thực dân phong kiến vẫn đàn áp như bây giờ thì đời sống của người nông dân sẽ chẳng bao giờ tốt hơn được.
Bài thơ miêu tả cảnh sống khốn khó của người nông dân bằng ngòi bút chân thực. Nhà thơ như sống cùng với họ, thấu hiểu tâm trạng và nỗi niềm của họ, nói thay nỗi lòng của họ bằng một giọng thơ ngậm ngùi, chua xót. Qua đó chúng ta cũng hiểu thêm về con người Nguyễn Khuyến, một nhà thơ của làng quê Việt Nam, luôn sống và thấu hiểu người dân bằng tất cả tấm lòng của mình.