Nghị luận về câu ngạn ngữ “Người cậy ở tâm, cây nương ở rễ” (Dàn ý + 3 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 12
Khi ôn tập cho kỳ thi THPT Quốc gia, học sinh thường gặp nhiều khó khăn về các bài văn nghị luận xã hội. Vậy nên, chúng tôi xin được giới thiệu Bài làm văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu ngạn ngữ “Người cậy ở tâm, cây nương ở rễ”, sẽ giúp ích cho quá trình ôn tập.
Tài liệu này bao gồm dàn ý chi tiết và 3 bài văn mẫu lớp 12 Nghị luận về câu ngạn ngữ “Người cậy ở tâm, cây nương ở rễ”. Kính mời thầy cô và bạn đọc cùng tham khảo.
Bài làm văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu ngạn ngữ “Người cậy ở tâm, cây nương ở rễ”
Dàn ý nghị luận về câu Người cậy ở tâm, cây nương ở rễ
I. Mở bài
Giới thiệu câu ngạn ngữ: “Người cậy ở tâm, cây nương ở rễ”.
II. Thân bài
1. Giải thích
- “Người cậy ở tâm”: làm người nhờ vào tấm lòng, hiểu rộng hơn là đạo đức, nhân cách.
- “Cây nương ở rễ”: loài cây sống dựa vào rễ, cây có xanh tương, phát triển thì phần rễ phải khỏe mạnh, vững chắc.
=> Câu ngạn ngữ đã khẳng định phẩm chất cần thiết phải có để làm nền tảng tạo nên giá trị của con người – đó là tấm lòng, đạo đức, nhân cách cao đẹp.
2. Bình luận và chứng minh
- Đối với cây cối: Phần quan trọng nhất chính là phần gốc rễ của nó. Cây chỉ có thể sống được, tỏa bóng mát, cho đời hương hoa quả ngọt khi có bộ rễ vững chắc.
- Còn con người: Con người chỉ đẹp, chỉ thể hiện được giá trị của mình khi giữ được cái nền tảng tâm hồn cao quý.
- Câu ngạn ngữ là lời nhân xét đúng đắn về giá trị con người thông qua việc đối chiếu với một sự vật trong cuộc sống.
- Từ đó, đưa ra một lời khuyên tích cực làm người phải biết xây dựng và giữ gìn phẩm chất, đạo đức tốt đẹp.
- Trong cuộc sống, nếu con người chỉ có tài năng thôi chưa đủ, còn phải có một tấm lòng nhân đạo mới trở thành một người đáng quý.
3. Liên hệ bản thân
- Mỗi người bên cạnh học hỏi những kiến thức cũng cần phải rèn luyện đạo đức, nhân cách.
- Đối với mỗi học sinh điều đó lại càng quan trọng.
III. Kết bài
Câu ngạn ngữ trên đã đưa ra một quan điểm đúng đắn và sâu sắc.
Người cậy ở tâm, cây nương ở rễ - Mẫu 1
Có ai đó đã từng khẳng định rằng: “Có học vấn mà không có đạo đức thì là người ác; có đạo đức mà không có học vấn thì là người quê”. Quả vậy quan điểm trên cũng khá tương đồng với câu ngạn ngữ: “Người cậy ở tâm, cây nương ở rễ”.
Câu ngạn ngữ gồm hai vế, đặt trong thế đối chiếu với nhau. “Cây nương ở rễ” gợi ra một hình ảnh quen thuộc trong tự nhiên. Cây cối muốn sinh trưởng tốt, muốn đơm hoa kết trái thì trước hết phải có được một bộ rễ chắc chắn, khỏe mạnh. Và cũng giống như vậy, “người cậy ở tâm”. Từ “tâm” là một từ Hán Việt có nghĩa là tim. Nhưng ở đây phải được hiểu là tấm lòng, hay rộng hơn là đạo đức và nhân cách cao đẹp. Câu ngạn ngữ muốn khẳng định làm người điều quý trọng nhất không phải của cải, vật chất hay quyền lực danh vọng, mà quan trọng nhất chính ở tấm lòng.
Tự nhiên đã chứng minh rằng rễ chính là bộ phần quan trọng nhất của cây. Nó không chỉ giúp nâng đỡ mà còn giúp hấp thụ nước và dưỡng chân từ dưới đất lên nuôi cây. Nhờ vậy, cây có thể sống được, tỏa bóng mát và cho ra đời những hương hoa quả ngọt. Cũng giống như loài cây, con người cần phải có một tấm lòng và cao đẹp. Con người chỉ đẹp, chỉ thể hiện được giá trị của mình khi giữ được nền tảng tâm hồn cao quý. Chắc hẳn, mỗi chúng ta sẽ không quên tấm gương sáng ngời về nhân cách và đạo đức - chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời của Bác đã dành trọn cho đất nước với một tấm lòng yêu nước thương dân bao la. Không chỉ vậy, tấm lòng nhân đạo ấy còn quảng đại. Bác không chỉ đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam mà còn đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng cho toàn thể nhân dân lao động trên thế giới. Bạn bè quốc tế vẫn còn nhắc mãi đến tới người với một lòng cảm phục và yêu mến sâu sắc. Tấm gương Hồ Chí Minh không chỉ được biết đến với một tấm lòng quảng đại mà còn bởi một nhân cách cao đẹp. Trong cuộc sống hằng ngày, Bác sống rất giản dị. Từ bữa ăn chỉ có vài ba món dẫn dã đến nơi ở là chiếc nhà sàn đơn sơ. Từ cách làm việc tận tụy đến trong quan hệ với mọi người xung quanh đều yêu thương. Hồ Chủ tịch chính là biểu tượng của một nhân cách cao đẹp khiến cho nhân dân trên khắp thế giới phải nể phục và yêu mến.
Như vậy, câu ngạn ngữ trên là lời nhân xét đúng đắn về giá trị con người - phải nằm ở tấm lòng nhân đạo cao cả. Từ đó, đưa ra một lời khuyên tích cực về cách sống, cách làm người. Mỗi chúng ta làm người phải biết xây dựng và giữ gìn những phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Nếu con người chỉ có tài năng và tri thức thôi chưa đủ, còn phải có một tấm lòng nhân đạo mới trở thành một người đáng quý. Tài năng hay tri thức chỉ làm cho chúng ta hiểu biết nhiều hơn. Nhưng điều ấy chỉ khiến mọi người xung quanh nể phục chúng ta. Nếu muốn có được tình cảm của họ, chúng ta phải xuất phát từ “tâm”. Một tấm lòng nhân ái sẽ khiến cho mọi người yêu quý bạn hơn, bản thân sống hạnh phúc hơn và con đường tìm đến thành công dễ dàng hơn. Như vậy, bên cạnh rèn luyện kiến thức, mỗi người hãy tự ý thức rèn luyện đạo đức, nhân cách. Còn đối với một học sinh như chúng tôi - những thế hệ tương lai của đất nước thì việc ý thức được điều đó càng quan trọng. Bên cạnh công việc học tập trên lớp, việc tích cực tham gia các hoạt động xã hội sẽ giúp cho mỗi học sinh biết đồng cảm và chia sẻ, trở thành một người giàu lòng nhân ái hơn.
Qua phân tích trên, câu ngạn ngữ: “Người cậy ở tâm, cây nương ở rễ” đã đem đến một bài học sâu sắc về cách làm người. Chúng ta hãy khắc ghi trong lòng câu nói ấy như một lời chỉ dẫn để tìm với đích đến của cuộc đời.
Người cậy ở tâm, cây nương ở rễ - Mẫu 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã từng nói: “Người có tài mà không có đức là người vô dụng, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Thật vậy, nhân cách, đạo đức và tài năng luôn phải song hành. Cũng giống như lời khuyên mà câu ngạn ngữ muốn dành cho con người : “Người cậy ở tâm, cây nương ở rễ”.
Ở trong câu ngạn ngữ trên có hai vế đối nhau rất rõ ràng: “người cậy vào tâm” - “cây nương ở rễ”. Trong tự nhiên, cây sống được nhờ vào rễ. Còn đối với con người, muốn nên người phải nhờ vào “tâm” - vào tấm lòng nhân đạo. Mượn hình ảnh “cây nương ở rễ” để đề cao lương tâm cũng như phẩm chất cao quý của mỗi con người. Con người muốn sống và phát triển toàn diện, muốn trở thành những người có ích trong xã hội thì việc tu dưỡng đạo đức của bản thân là một trong những việc cần thiết và cần làm mỗi ngày.
Trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, chúng ta vẫn luôn coi trọng vấn đề đạo đức cũng như việc không ngừng rèn luyện cho bản thân những đức tính cần thiết cho mỗi con người. Những câu ca dao, tục ngữ khuyên răn con người vẫn còn nguyên những giá trị: “Cái nết đánh chết cái đẹp”, “Chết vinh còn hơn sống nhục”, “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”...
Hay:
“Cậy tài, cậy khéo, khoe khôn
Đừng cậy có của đa ngôn quá lời
Của thời mặc của ai ơi
Đừng cậy có của coi người mà khinh”
Điều đó có ý nghĩa to lớn tạo nên những phẩm chất văn hóa, đạo đức cao lớn và mang tầm ý nghĩa cho mỗi cá nhân và xã hội. “Tâm” của con người được thể hiện từ đức tính chăm chỉ, cần cù, biết lương thiện, có lòng vị tha, luôn cố gắng làm những điều có ích trong cuộc sống để từ đó mang lại những giá trị cao đẹp cho con người cũng như toàn xã hội. Hằng ngày, chúng ta vẫn luôn bắt gặp những hành động như vậy. Đó có thể là công việc của những cô lao công khi đem lại một thành phố sạch sẽ. Đó có thể là một bác sĩ ngày đêm túc trực để cứu sống bệnh nhân. Đó có thể là một chiến sĩ công an mạo hiểm cả tính mạng để bắt giữ tên tội phạm nguy hiểm... Còn vô vàn những hành động thể hiện một nhân cách cao đẹp. “Tâm” không tự nhiên mà có, mà phải trải qua một quá trình tu dưỡng và rèn luyện.
Câu nói trên có ý nghĩa vô cùng to lớn, mang ý nghĩa răn dạy mỗi chúng ta cần phải sống có ích hơn trong cuộc sống của mình. Cần phải biết yêu thương, gắn bó. Cần thể hiện lòng vị tha đối với mọi người xung quanh và làm những việc có ích trong cuộc sống.
Cuộc sống hiện đại hôm nay, con người rất dễ bị cám dỗ bởi nhiều thứ. Tuy nhiên để tránh bị sa ngã bởi những điều đó, thì việc giữ gìn cho bản thân một trái tim trong sạch, lương thiện và giàu tình yêu thương là điều thực sự cần thiết. Vì vậy ngoài việc trau dồi kiến thức mỗi ngày thì việc tu dưỡng đạo đức thường xuyên cũng là việc làm vô cùng cần thiết và nên có ở mỗi chúng ta.
Khi còn là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, tôi luôn cố gắng trau dồi và học hỏi những điều cần thiết từ cuộc sống. Ngoài ra, tôi cũng luôn tích cực khám phá và tìm tòi những giá trị sống đích thực và cần tu dưỡng đạo đức mỗi ngày và giữ gìn phẩm chất đạo đức cao quý.
Như vậy, câu ngạn ngữ trên đã đem đến cho chúng ta một bài học sâu sắc. Cũng thấm thía như lời nói của Hồ Chủ tịch: “Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho người”.
Người cậy ở tâm, cây nương ở rễ - Mẫu 3
Ngạn ngữ có câu: “Người cậy ở tâm, cây nương ở rễ”. Chắc hẳn, khi đọc câu ngạn ngữ này, mỗi người chúng ta đều có những suy tư, suy nghĩ về cách sống, cách làm người.
Nếu chúng ta muốn hiểu rõ câu ngạn ngữ, trước tiên phải làm rõ ý nghĩa của hai vế câu. Ở vế câu thứ nhất: “người cậy ở tâm”: “cậy” có nghĩa là dựa vào, ỷ vào một ai đó, một sự vật hoặc một điều gì đó còn “tâm” là tim, hiểu rộng hơn là tấm lòng và đạo đức nhân cách của con người. Tóm lại, “người cậy ở tâm” muốn nói rằng con người sống ở đời phải dựa vào đạo đức và nhân cách của bản thân. Ở về câu thứ hai, “cây nương ở rễ”: “nương” là bám vào, dựa vào để có sự che chở còn “rễ” là bộ phận của cây, thường đâm sâu xuống đất, giữ cho cây đứng thẳng và hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Như vậy, “cây nương ở rễ” có nghĩa là cây cối muốn phát triển phải có được bộ rễ khỏe mạnh và vững chắc. Câu ngạn ngữ trên muốn nhấn mạnh hơn vào vai trò của nhân cách, đạo đức đối với con người.
Có thể dễ dàng thấy được vai trò của rễ cây trong tự nhiên. Đó là phần quan trọng nhất của cây. Cây chỉ có thể sống được, tỏa bóng mát, cho đời hương hoa quả ngọt khi có bộ rễ vững chắc. Cũng như vậy, con người chỉ đẹp, chỉ thể hiện được giá trị của mình khi giữ được cái nền tảng tâm hồn cao quý. Một người có tâm hồn cao quý là một người biết yêu thương, đồng cảm và chia sẻ với những người xung quanh. Họ thường xuyên giúp đỡ những người gặp khó khăn trong cuộc sống. Họ không coi thường những người nghèo khó hay yếu kém mà luôn biết cách động viên. Họ cũng là những người có một trái tim luôn tràn ngập tình yêu thương.
Câu ngạn ngữ chính là lời nhận xét đúng đắn về giá trị con người thông qua việc đối chiếu với một sự vật trong cuộc sống. Từ đó, đưa ra một lời khuyên tích cực làm người phải biết xây dựng và giữ gìn phẩm chất, đạo đức tốt đẹp. Trong cuộc sống, nếu con người chỉ có tài năng thôi chưa đủ, còn phải có một tấm lòng nhân đạo mới trở thành một người đáng quý. Đối với một học sinh như chúng tôi - những thế hệ tương lai của đất nước thì ý thức được điều đó càng quan trọng. Bên cạnh công việc học tập trên lớp, việc tích cực tham gia các hoạt động xã hội sẽ giúp cho mỗi học sinh biết đồng cảm và chia sẻ, trở thành một người giàu lòng nhân ái hơn.
Tóm lại, câu ngạn ngữ trên đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc về cách làm người. Từ đó, đây sẽ là kim chỉ nam cho cách sống của mỗi người.